Xứ Đen và Phượng Đỏ

Chiều đi trên đoạn đường hướng về phố núi, dưới triền đồi của hải đảo Tenerife. Ngoài kia là biển và bên trong là khu phố với những dãy chung cư cao tầng và những ngôi nhà thâm thấp, màu trăng trắng, từ xa nhìn vào thấy khu phố như nằm dựa vô ba bên vách núi và mặt ngoài hướng ra biển. Tôi cắm cúi đi tới dưới tàn của một hàng cây mà tôi hổng hay, chợt thấy bông gì rụng đỏ trên đường. Ngước mặt ngó lên, thấy chen trong tàn lá lốm đốm một vài màu đỏ. Tôi dừng chân và bước thụt lùi ra khỏi hàng cây để ngước mặt lên nhìn cho rõ. Trên nền trời màn mây trắng mỏng che kéo ngang làm màu xanh của nền trời nhợt nhạt. Trong ánh sáng nhẹ nhàng của buổi chiều, trên những tàn lá xanh xanh, vàng vàng hực lên một màu đỏ lói. Lòng xôn xao, xúc động, tôi hô:

-Oh, flamboyant!

Quê hương tôi là một thị trấn ven biển, thuộc tỉnh Cà Mau ở cuối miền nước Việt, nơi đó chỉ có rừng mắm, rừng đước và cây cối tạp nhạp. Ngoài bông lục bình, bông súng, bông bí, bông điên điển và bông so đũa… những loại bông dân dã ấy đã đi vào thơ ca và màu sắc cũng rất đẹp, nhưng đặc biệt là ca dao, hò hát về một loại bông thường kèm theo một món ăn ngon hơn là để ngắm, nhìn cho sướng mắt.
Tenerife xa mù chì ngoài Đại Tây Dương, gần bờ biển Tây Bắc Châu Phi, từ đất liền Tây Ban Nha chạy ra đảo, nếu biển êm phải mất hơn hai ngày. Buổi chiều nắng dìu dịu, không khí trong lành, về đêm mát mẻ và thoang thoảng hơi hám miền nhiệt đới rất là dễ chịu. Trong khi khí hậu Âu Châu đã bị ảnh hưởng cái nóng của sa mạc Sahara tràn về, có nơi lên tới bốn mươi hai độ C. Tenerife tuy cùng vĩ tuyến với sa mạc Sahara và núi đồi nơi đây trông trơ trụi, không cây xanh, chỉ có cây xương rồng, nhưng buổi trưa ở đây cao lắm là hai mươi sáu độ C. Cũng gần ba mươi năm rồi tôi mới gặp lại cây phượng trổ bông trên hải đảo này. Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi đặt chân lên Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) vào buổi chiều tháng Sáu, đầu mùa hè và cũng trên đường lên hội quán như hôm nay. Trên đường đi tôi thấy một hàng cây ra bông đỏ au, nhưng tôi hổng biết bông gì. Tôi đem thắc mắc vô hội quán hỏi một vị linh mục:Trên đường lên đây, tui thấy hàng cây gì mà ra bông đỏ hoét?
Vị linh mục vui vẻ cho tôi biết:

– Nó là flamboyant (phượng)

Lúc đó tôi cũng chẳng biết flamboyant là cây gì, tôi nhờ ông ghi chữ flamboyant vô sổ tay, tôi đem về tra tự điển mới biết đó là cây phượng. Hồi còn ở quê hương, tôi chỉ biết “hoa phượng” trong văn, thơ và nghe qua những bài hát, chớ chưa từng thấy mặt mũi cây phượng ra làm sao hết. Tôi hổng biết mấy bà nội trợ quê tôi có chế biến bông phượng ra món ăn nào không? Nhưng khi nói chuyện với người Việt thì tôi thích dùng từ bông phượng, dân miền Tây Nam Việt nói bông tức là hoa, theo tôi thì từ bông bình dị, hoà hợp với thiên nhiên và gần gũi với người dân của sông nước miền Tây hơn. Tôi đã đọc và đã nghe hát về hoa phượng ở Việt Nam rất nhiều, hể có hoa phượng thì có tiếng ve sầu buồn bã với cuộc chia ly, nhưng lâu lắc gì cho cam, có ba tháng nghỉ hè, sao mà thở than nghe buồn bầm gan, tím ruột, ý là ở sân trường trồng chỉ có vài ba cây phượng, nếu trồng một hàng phượng dài như ở bên này thì hổng biết ngày nghỉ hè các cô cậu học trò buồn thê thảm cỡ nào. Những năm sau này tôi thấy trên google tự động dịch bông phượng ra phoenix flower, còn cây phượng ra phoenix tree: bông phượng hoàng hay cây phượng hoàng tên đẹp đẹp, hay hay, nhưng khi nghe liền nghĩ ngay tên của một loài chim hơn là cây cối, hơn nữa google dịch tự động thì cũng nên suy xét lại, bởi vì khi hổng tìm ra từ nào chính xác thì Google Translate chơi trò ghép chữ. Chớ nếu chịu khó tìm trên wikipedia thì sẽ thấy tên tiếng Anh của cây phượng đúng là flamboyant hay royal poinciana. Bởi vậy cho nên khi nói với người ngoại quốc tôi dùng từ flamboyant mà họ cũng vẫn hiểu.

Có lẽ vì lần đầu tiên tôi biết phượng trên đất nước Phi Châu, nên hôm nay thấy phượng tôi chợt nhớ lại những ngày tôi sống trên vùng đất nghèo nàn, đen thui và dễ thương đó. Hình như là một sự ngẫu nhiên tình cờ hay là luật lệ của kiếp nhân sinh mà hôm nay tôi trở lại quần đảo Canary sau bao năm trời xa cách. Không khí ấm áp hiền hoà nơi đây làm cho tôi nhớ những năm tháng đi đi lại lại vùng biển Châu Phi. Dù tôi xa vùng đất khô cằn đó đã lâu, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ trong vài lần đổ bộ, tôi bị người dân nơi đó lột hết áo quần, đồng hồ, máy ảnh. Ban đầu tâm trạng tôi có hơi hoang mang, sợ hãi và thù ghét cái đám người vừa đen, vừa xấu, vừa tham lam… cho nên có một thời gian tôi hổng dám đi mình ên lang thang trên đường phố. Cho tới một ngày kia tôi gặp vị Linh Mục, ông là người da trắng, có lẽ ông sống ở Phi lâu quá nên da người ông pha màu đen đen, đỏ đỏ trông ông mạnh mẽ, ngồ ngộ. Nhìn ông tôi mường tượng tới, một con người đã hoà nhập với đất cát, cây cối, lá, hoa, sông nước và núi, rừng thiên nhiên của vùng đất Châu Phi này. Lần đầu ông xuống thăm tàu, nghe trên tàu có một Vietnames boat people, tức là người Việt tị nạn bằng ghe. Ông liền lên phòng tôi gõ cửa và hỏi xin được vào thăm, dạo đó tiếng Anh của tôi nghe thì lõm bõm, nói thì bập bẹ, nhưng ông cũng kiên nhẫn ngồi chăm chú lắng nghe, nhiều chữ hổng hiểu chúng tôi phải tra từ điển. Trông gương mặt ông hiền từ, có giọng nói ấm áp, làm tôi cũng ấm lòng và vô cùng ngưỡng mộ. Ngày hôm sau ông đem xuống tặng tôi cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Việt, dạo đó tôi có viết cho vài tờ báo tiếng Việt, mỗi tháng mỗi toà soạn trả công cho tôi một tờ báo, tôi đọc một hai ngày là hết sạch. Nay được ông tặng quyển Kinh Thánh tôi để trên đầu giường đọc mỗi đêm trước khi ngủ. Có lẽ lời trong kinh thấm vào lòng, cộng thêm sự dạy dỗ của ông, tôi biết thêm chút ít về đất nước con người Châu Phi. Nghe tôi phàn nàn việc trộm cắp của người dân bản xứ. Ông nói:

-Thật ra thì dân nơi đây hiền từ và thiệt thà lắm, chỉ vì nghèo quá nên có chút lòng tham vậy thôi.

Bần cùng sanh đạo tặc, nghèo sanh tham lam thì đúng rồi, còn tham lam đi cướp giựt của người ta thì làm sao gọi là hiền từ được? Nghĩ vậy thôi, chớ tôi hổng nói ra. Hình như ông đọc được ý nghĩ của tôi, nên ông nói:

-Tất cả loài người trên trái đất đều là con của Chúa, vì chúng ta là con của Chúa nên người nào cũng có lòng tham.

Lúc đó đức tin tôi còn yếu nhưng nghe những lời ông nói tôi mới suy nghĩ nhiều về kiếp con người. Ừa, con người ai cũng có lòng tham, tôi cũng có lòng tham và tôi trở thành người phiêu bạt, xa quê hương cũng do lòng tham lam của con người mà ra. Cũng từ đó tôi không còn sợ người da đen và mặc cảm với người da trắng. Tôi thay đổi ý nghĩ và xem tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau. Mỗi khi bị giựt đồ tôi cũng không thấy tức giận và thù ghét họ nữa.
Nhờ sống gần gủi với những người dân nơi đây, tôi học hỏi được nhiều điều và tôi cũng biết cách đề phòng. Mỗi khi lên bời chơi tôi không đeo đồng hồ, tiền túi bỏ theo đủ xài và hổng mang máy chụp hình theo. Nói tới máy chụp hình, tôi nhớ có lần ngồi trong quán uống bia, một thanh niên tới cà kê làm quen, thấy anh ta cao ráo, nói chuyện cũng đàng hoàng, tôi mời anh ta ngồi chơi, anh vui vẻ nhận lời và ngồi xuống. Uống chưa hết chai bia, anh ta thấy cái máy chụp hình để trên bàn, anh ta hỏi mượn coi, anh cầm cái máy săm soi, ngắm nghía một hồi rồi đứng lên, ung dung mang cái máy vô cổ rồi đi ra ngoài. Lúc đó chưa có điện thoại thông minh, xài máy chụp hình bằng phim, cái máy cũng đáng giá đồng tiền. Nhưng nhìn cảnh nghèo nàn của anh ta làm cho tôi không còn cảm giác tiếc của và cũng không nỡ đứng lên thộp cổ, tri hô để đòi lại cái máy.
Có lần ở cảng Monrovia, tôi lên bờ chơi với viên phụ tá thuyền phó, có hai thanh niên da đen theo chúng tôi tới quán rượu. Khi chúng tôi ngồi thì hai thanh niên cũng kéo ghế ngồi cạnh bên, thấy vậy tôi hỏi hai người uống gì? Hai người lắc đầu, nói không uống mà hỏi xin tiền cái phần tôi mời.
Tôi nói:

– Hai bạn cứ uống đi, uống mấy chai tôi sẽ cho số tiền ngang với mấy chai đó.

Lúc đó hai người mới chịu uống. Chúng tôi ngồi chơi rất vui vẻ, một người thanh nên chỉ chiếc áo tôi mặc, khen áo đẹp quá. Tôi nhìn hai người bận áo rách tả tơi. Tôi bèn cởi chiếc áo đưa cho hắn ta. Phụ thuyền phó thấy vậy chỉ tay lên đầu nói:Ông bị thần kinh hả?
Tôi cười ha hả giống như một tên giang hồ sành điệu, rồi cởi luôn chiếc áo thung đưa cho người thanh niên bên cạnh và nói:

– Trời nóng, đổ mồ hôi, ở trần cho mát.

Lúc đó tôi thấy vui và làm vậy thôi, với lại áo quần tôi mặc cũng lấy đồ cũ từ những hội quán bên châu Âu. Nhưng từ ngày quen với vị linh mục và quen với Kinh Thánh, tâm tánh tôi có phần nào thay đổi. Tôi cũng có viết về đất nước con người nơi đây, từ chuyện lần đầu tôi thấy hoa phượng đỏ au trên vùng đất mà người thì da đen thui, răng trắng nhách, nghèo rớt mồng tơi, dường như người nào hổng ăn xin thì cũng ăn giựt, còn con gái phần đông làm đĩ. Chợt một ngày tôi nhận ra, những thứ mà tôi đã viết về đất nước, con người nơi đây, sao mà nó giống y chang ở Việt Nam đất nước tôi. Mặc dù tôi viết lại với tấm lòng yêu thương quí trọng, nhưng nghĩ cho cùng thì chỉ để thoả mãn cho cái thằng tôi và thấy có một sự tàn nhẫn trong cách diễn đạt của mình, từ đó tôi nhận ra những gì mình đã làm rất là lố bịch. Dù sao tôi cũng là một nạn nhân của những con người mệnh danh là cách mạng, là chân lý và cũng là người tha phương cầu thực, đi ăn mày tình thương khắp bốn biển năm châu thì có tình thương đâu mà chia xẻ với ai. Nghĩ tới đây tôi không còn hứng thú ghi chép về đất nước khô cằn và con người đen thui này nữa. Những bài nào mà tôi viết về vùng đất nghèo khó này lỡ đăng báo rồi thì thôi, còn lại bao nhiêu tôi đem liệng hết xuống biển.

Những tháng năm tôi lênh đênh trên những tuyến đường khác. Thỉnh thoảng có hội từ thiện kêu gọi góp tiền giúp dân Phi Châu, tôi sẵn sàng đóng góp không do dự. Những lúc đó tôi mới cảm thấy nhớ thương một xứ sở nghèo nàn đáng được những người khắp nơi trên thế giới quan tâm và giúp đỡ. Tôi còn rất nhiều ấn tượng về vùng đất khô cằn ít mưa, nhiều nắng, luôn thiếu nước uống và thiếu đồ ăn. Nhưng mỗi khi nhớ Phi Châu là tôi nhớ hàng phượng đỏ au dọc bên Bờ Biển Ngà và vị Linh Mục có nước da đen đen, đỏ đỏ khả kính đã an ủi, chỉ dạy tôi trong những ngày đầu tôi phiêu bạt. Nhờ ông mà tôi biết sống chan hoà với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá và biết thế nào là tình thương nhân loại.

Đại Tây Dương 10-7-2019

Nguyễn Lê Hồng Hưng

Related posts