Xin nhắn với Thủ tướng Úc khi đến Hà Nội

Người mình có thói khi có người đi đó đi đây thì hay nhắn hay gởi.

Trong tòa soạn, khi có nhân viên đi Mỹ đi Pháp thì mấy người còn lại vừa chúc ‘thượng lộ bình an’ vừa nhắn có sang bên ấy cho gởi lời thăm bà bạn của tui tuồng như định cư ở Cali hay Marseille gì gì đó. Người khác còn gởi chút quà lấy thảo cho người bên ấy…

Việt Luận hay tin Thủ tướng Úc Scott Morrison đi Việt Nam nên xin giữ thói quen ấy mà nhắn gởi chút lời.

Từ thứ Năm hôm qua, ông Scott Morrison thăm Việt Nam trong hai ngày. Đây là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của ông Scott Morrison từ khi làm thủ tướng Úc. Lẽ ra ông Malcolm Turnbull đã đi Việt Nam hồi năm ngoái, nhưng rủi bị đảo chánh nên phải hủy. Hiển nhiên, ông Scott Morrison cùng với phu nhân Jenny đi Việt Nam không để chơi mà vì chức vụ. Chuyến đi này nhắm tới mở rộng các mối làm ăn buôn bán với Việt Nam. Đặc biệt tìm thêm cơ hội cho công ty Úc đầu tư vào Việt Nam.

Giá mà chuyến đi này sớm hơn vài ngày thì hay quá! Khi nước Úc dành ra một phút mặc niệm chiến sỹ hy sinh trong trận Long Tân vào ngày 18.8 thì có mặt thủ tướng Scott Morrison ngay tại khu rừng cao su – nơi con dân Úc đã đổ máu cho tự do – thì hay biết bao. Xin đừng nghĩ Úc phải tránh ngày Long Tân vì sợ mích lòng cựu thù vì hơn trăm năm rồi mà mỗi ANZAC Day ngàn người Úc vẫn tập trung ở vịnh Gallipoli nhớ lại hy sinh của cha ông. Gallipoli làm được, sao Long Tân lại cấm chân người Úc nhỉ?

Hiện nay, nhiều công ty Úc có chi nhánh tại Việt Nam như ngân hàng thương mại ANZ, công ty đóng tàu thủy Austal, công ty vận tải Linfox. Ấy là chưa kể đến trường đại học RMIT. Úc muốn bán thêm cho Việt Nam khí đốt và vật liệu xây cất nữa. Bán gì thì bán, Úc đừng bán vật liệu dựng mấy cái BOT thất nhân tâm nghen. Gần đây, người Úc đổ vốn làm ăn ở Việt Nam vì tưởng chính trị ở bển ổn định. Ổn hơn ở Úc vì bển chỉ có một đảng. Ổn hơn ở Úc vì chính trị ở bển chia ra ‘sân trước, sân sau’. Ông cầm quyền ở sân trước phải có chục sân sau chống lưng. Ai biết ăn thì vững. Úc có cho ăn không? Xin nhắn thủ tướng kiểu ổn định rất đặc thù ở Việt Nam.

 Bên cạnh các mối làm ăn buôn bán, hai bên tìm cách siết chặt hơn liên lạc an ninh và quốc phòng. Được nhắc tới là chuyện xảy ra trong vùng. Tranh chấp ở biển Đông là chuyện lớn nhất. Việt Nam là một trong nhiều nước tranh chấp với Trung Cộng về chủ quyền ở biển Đông. Biển Đông là đường vận chuyển hàng hóa của Úc bán cho Trung Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn. Trong khung cảnh một nước Trung Hoa Cộng Sản hung hăng hơn và các nước đang phát triển hưởng lợi nhiều hơn nhờ cuộc chiến thương mại giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ — Việt Nam được coi là một trong nhiều bạn mới của Úc. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Úc kẹt giữa đồng minh lớn nhất và bạn hàng xộp nhất. Trong cuộc tranh chấp Việt-Hoa, Úc có kẹt giữa một con rồng ngốn khoán sản như hạm với chú hổ nhỏ đang được thổi phồng không?

Bên cạnh gặp gỡ tai to mặt lớn, phái đoàn Úc dự tiếp tân với giới làm ăn, thăm trường đua xe hơi F1 đang xây cất ở Hà Nội (nhờ vào cố vấn từ F1 Melbourne sang). Thủ tướng còn phải tới chỗ sống, chỗ chết của người đang được Hà Nội phong thần phong thánh. Phong thần phong thánh là thói quen của chế độ độc tài. Dường như càng độc ác khi sống thì càng thượng cao hơn trên bàn thờ lúc đã… ‘ngỏm củ tỏi’. Những Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Chính Ân là nhiều thí dụ. Độc tài Cộng Sản lấy lớp sơn quanh quan tài để che tội ác của những người hét ra lửa.

Tới Hà Nội lo chuyện làm ăn, khách khứa phải chào cái xác chết. Lần này, ở Hà Nội thủ tướng Úc đi trên thảm đỏ và nghe đủ 21 phát đại bác mà khỏi chào (dù chỉ xã giao) một cái xác dở sống dở chết đang ám lên bầu trời chính trị Việt Nam. Xác đó tên là Trọng. Trọng vắng, bà phó đảng Ngân chứ không phải phó nước Thịnh thế chỗ. Sắp xếp này cho thấy ở Hà Nội nhà nước chả có ký lô gì so với quan chức nhà đảng. Còn ở Úc, đố ai biết chủ tịch đảng cầm quyền là ai?

Tới Việt Nam, thủ tướng Úc sẽ thăm từ người sống tới người chết. Còn người dở sống dở chết thì không ai nhắc tới. Dầu vậy, Việt Luận xin giữ thói quen của người người Việt. Xin nhắn: khi về bển, nếu quởn thủ tướng ráng thoát vòng vây công an chuyển lời thăm tới người tù lương tâm ở trại 5 Thanh Hóa, trại 6 Nghệ An, và trại Nam Hà. Họ đang sống chết với những ‘giá trị Úc’ đó. Đặc biệt, thủ tướng có gặp công dân Úc Châu Văn Khảm thì nhắn ‘Phố Cabramatta vẫn vui như thủa ấy’ và gởi cho người tù chút không khí mang từ Úc sang.

Chúc thủ tướng thượng lộ bình an. Chỉ xin nhắn chút lời thô thiển vì biết thủ tướng rất nặng hành lý. Mà quên! khi thủ tướng tới phi trường Nội Bài nhớ cẩn thận kẻo quân gian thuổm mất lời nhắn và quà gởi mộc mạc của bổn báo nghen.

Việt Luận

Related posts