VŨ TRỤ THỜI GIAN T+2

Vào thời gian T+2 nhân loại trên Địa Cầu lên đến n. tỷ người, một con số quá to so với diện tích và tài nguyên trên Địa Cầu.

Ở các nước kỹ nghệ nạn thất nghiệp gia tăng phi mã vì mọi công việc đều do người máy đảm trách. Xe hơi không cần tài xế. Phi cơ, tàu bè không cần phi công, hoa tiêu chi cả. Người máy thay thế các nam nữ giáo viên dạy học trò. Lòng yêu nước hay hận thù đều do người máy truyền dạy. Vạn sự có người máy lo. Học sinh không cần biết hay nhớ chuyện gì cả. Họ thản nhiên khi không biết 1+1= 2. Chưa bao giờ não bộ con người bình yên và phẳng lặng như thế. Người máy trở thành những cố vấn trên mọi lãnh vực hoạt động lớn nhỏ của loài người.

Ở các nước nông nghiệp đất đai canh tác càng ngày càng thu hẹp vì sự gia tăng nhân số trong mọi gia đình. Nông thợ mất việc vì có máy cày, máy xới, máy gieo hột giống, máy tưới cây đảm trách.

Trái đất càng ngày càng khô cạn và nóng bức do nhiều nhân tố khác nhau gây ra như:

– sự gia tăng dân số trên hoàn cầu

– những cuộc thí nghiệm bom đạn, hỏa tiễn, bom A, bom H.

– tình trạng trái đất mất màu xanh do tình trạng phá rừng để có đất canh tác, lập khu cư trú, xây đình chùa, nhà thờ, chợ búa, bến xe, đồ trường, sân banh, sân golf v.v.

– sự phóng thải nhiệt từ các nhà máy kỹ nghệ, nhà ở, bếp ăn nấu nướng hàng ngày.

Khí hậu càng nóng bức con người càng nóng nảy, cộc cằn, khó chịu. Con người không còn bình tĩnh nên dễ gây gổ và đánh đập nhau. Tinh thần hợp quần trở nên nghèo nàn. Ai cũng muốn sống riêng rẽ, xa nhau để tránh bức nhiệt. Trước kia ở các xứ khí hậu ôn đới người ta siêng năng hội họp, gặp gỡ nhau, bắt tay nhau chuyện trò và chúc tụng nhau thân mật. Người ta thường gặp nhau, gần gũi nhau nên quan tâm nhau trong những mẩu chuyện vui buồn trong đời. Nhờ hội họp những người có nhiều ý kiến tốt đóng góp để giải quyết các vấn đề trọng hệ trong cộng đồng. Thời bức nhiệt những chuyện nầy giảm rất nhiều khiến cho những bài toán nhân sinh bị trì trệ càng ngày càng tệ hơn vì không có giải đáp.

Xem chừng như mặt trời gần trái đất nên nóng dữ dội quá. Ánh sáng mặt trời làm cho đất khô cằn như sắp hóa thạch. Cây cối gieo trồng mọc èo uột như đứa trẻ thiếu sữa và thiếu chất dinh dưỡng vậy. Các dòng nước cạn dần. Nước nóng như nước sôi. Cá chết ngổn ngang. Cá, tôm, các loài động vật sống dưới nước và trên mặt đất chết vì nhiệt, thiếu ăn, thiếu nước và thiếu chất dinh dưỡng cần thiết. Địa cầu bị bao trùm bởi mùi hôi thối nặc nồng. Bịnh tật không sao tránh được.

Con người vào thời gian T+2 xấu xí về hình dáng lẫn tinh thần.

Về hình dáng con người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành làm sao có con cháu khỏe mạnh, thông minh đỉnh ngộ được? Tử suất trẻ em sơ sinh tăng cao như vào thời trung cổ. Vấn để thức ăn và dinh dưỡng trở thành bài toán khó. Đất canh tác bị thu hẹp. Dân số loài người gia tăng phi mã. Việc trồng trọt không dễ dàng vì bức nhiệt, vì thiếu nước. Người ăn uống không đầy đủ nên làm việc không có năng suất tốt. Nạn trộm cướp dấy lên như ong dậy ổ. Người suy dinh dưỡng, ốm yếu thì ăn trộm vặt. Người ăn cướp thì có nhiều sức khỏe nên cướp giựt được nhiều hơn. Triết lý tôn thờ sức mạnh, mạnh được yếu thua, được đề cao. Qui luật bần cùng sinh đạo tặc trở thành qui luật thông thường trong xã hội.

Giữa người và người thiếu vắng tình thương. Giữa dân chúng và chánh quyền không có sự cảm thông nhau. Họ nghi kỵ nhau, oán ghét nhau hơn là hợp tác với nhau. Chánh quyền không thi hành luật công minh trong tinh thần pháp bất vị thân. Dân chúng bất tuân hành luật pháp. Ngoài đường chỗ nào cũng là nơi phóng uế. Đèn đỏ, đèn xanh đều có quyền chạy như nhau. Tai nạn xảy ra hàng ngày. Cảnh sát mặc tình mà phạt. Xã hội loài người quay cuồng thác loạn như ổ kiến trong cơn lốc xoáy. Người ta cười suýt tắt thở khi nghe chuyện vua Nghiêu vua Thuấn. Cái gì Tốt trước kia trở thành Xấu vào thời gian T+2. Cái xấu được các nhà văn, thi sĩ, nhà báo chí, phóng viên đài phát thanh, đài truyền hinh ca tụng hàng ngày.

Trên Nguyệt Quốc và Hỏa Tinh ngày nào cũng được nghe như vậy. Lời nói lặp đi lặp lại nhập tâm công dân Nguyệt Quốc và công dân hiền hoà Hoàn Hảo Quốc trên Hỏa Tinh. Từ ngày người Hoàn Hảo Quốc tiêm nhiễm văn hóa Địa Cầu họ trở nên năng động và mưu lược hơn. Xã hội có giai cấp. Người và người phân biệt nhau bằng màu da, vóc dáng, trí thông minh, trình độ học vấn và trọng lượng. Người ốm là người nghèo. Người mập là người giàu, có quyền chức trong xã hội. Về phương diện thẩm mỹ, họ tiếp thu văn hóa Địa Cầu từ thời gian T. Lúc ấy Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự nhưng không phải là độc tôn đại cường quốc. Dân số Hoa Kỳ gồm:

– người Da Đen + Latino + Da Vàng Á Châu+ Da Đỏ+ Da Cà- Phê Sữa (Á Rập)= 75%

– người Da Trắng (gốc Âu Châu)= 25%.

Lúc ấy Hoa Kỳ chỉ là một tiểu bang của Liên Bang Địa Cầu. Các vị thống đốc Hoa Kỳ đắc cử thường là người da đen hay da vàng. Điều kiện ra tranh cử thống đốc Hoa Kỳ chủ yếu gồm có:

1. tuổi tác: tối thiểu 35 tuổi

2. sinh trưởng ở Hoa Kỳ

3. nói rành tiếng Anh và biết chút ít Quốc Tế Ngữ.

Từ khi Hoa Kỳ có nhiều nhà lãnh đạo da màu người ta thay đổi cái nhìn về màu đen. Người may mắn không còn được gọi là người có số đỏ mà được gọi là người có số đen. Đèn màu giao thông trên các trục giao thông thay đổi:

– đèn màu đen: xe chạy

– đèn màu trắng: xe phải dừng lại

– đèn màu xanh: màu chuyển tiếp giữa ĐEN (chạy) và TRẮNG (ngừng).

Địa Cầu rối loạn vì sự thay đổi về đèn lưu thông ba màu này. Luật đã ban hành, khắp Địa Cầu phải tuân hành. Ai vi phạm bị phạt tiền và tù. Nếu tái phạm bị đưa vào rừng sâu ở Phi Châu bứng gốc cây cổ thụ để lấy đất trồng trọt, xây khách sạn hay làm sân đánh golf. Nhiều người chết trong rừng Phi Châu vì nóng bức, thiếu nước uống, bị muỗi anopheles chích bị sốt rét da vàng như nghệ, bị ruồi Tse tse chích gây buồn ngủ cho đến ngày chết.

Các phụ nữ da trắng cảm thấy buồn rười rượi về sự thay đổi thẩm mỹ quan này. Họ luôn luôn bị rớt trong các kỳ thi hoa hậu tổ chức hàng năm.

Các vua Á Rập không còn xa hoa như mấy thế kỷ trước. Dầu hỏa mất giá nặng nề từ khi xe hơi chạy bằng nước, bằng năng lượng mặt trời, bằng gió hay bằng nhịp đập của nước mưa miền nhiệt đới ra đời. Các nước Hồi Giáo Trung Đông mất đi một nguồn lợi to lớn về dầu hỏa, bây giờ lại phải kiếm tiền để mua nước uống. Có người cỡi lạc đà đi từ Kuwait đi đến sông Tigris hay Euphrates để múc một hủ nước sông như một nguồn nước Thánh. Mặc cho việc kiểm soát biên giới giữa tiểu bang này với tiểu bang kia bằng mọi cách người Hồi phải tràn vào Âu Châu như cuộc săn tìm sinh lộ.

Địa Cầu là một Liên Bang hợp chủng với gần 200 tiểu bang và 7,000 ngôn ngữ và thổ ngữ. Việt Nam, Cambodia, Lào, Thái Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật… đều là những tiểu bang trong Liên Bang Địa Cầu. Ngôn ngữ thống nhất của công dân Địa Cầu là Quốc Tế Ngữ. Quốc Tế Ngữ rất khó chẳng những cho người bình thường mà khó cho cả người đặt ra nó nữa. Quốc Tế Ngữ gây bất mãn ở 200 tiểu bang trên Địa Cầu. Luật Liên Bang Địa Cầu bắt buộc mọi công dân Địa Cầu phải đọc, viết và hiểu Quốc Tế Ngữ. Trên các đường mòn ở nông thôn Việt Nam cũng thấy công an chận bắt người đọc Quốc Tế Ngữ. Nếu đọc không được bị bắt nhốt. Tiền cơm do gia đình đài thọ. Bị nhốt lâu hay mau tùy vào thái độ của người bị bắt. Có gia đình tất cả thành viên đều bị nhốt nên không có ai trả tiền cơm cả. Chánh quyền địa phương phải đến nhà tịch thủ đồ đạc. Văn phòng tỉnh, quận (huyện), xã, ấp đầy ắp đồ đạc tịch thu của những người không đóng thuế, không đóng tiền phạt, tiền cơm v.v. Những vật dụng tịch thu không có giá trị bao nhiêu mà chánh quyền địa phương phải xây phòng óc để chứa. Vật có giá trị thường bị đánh cắp một cách âm thầm. Do tịch thu nhiều quá không có chỗ chứa nên phải bán đấu giá. Không ai đấu giá những món hàng có giá trị thấp nên chánh quyền bán ra theo giá garage sale bên Mỹ. Một cái giường tre chỉ bán 50 xu nhưng tiền chuyên chở về tới nhà là $10. Vậy thì đắt quá! Thế là ế ẩm. Cuối cùng chánh quyền ra thông báo thiêu hủy đồ tịch thu. Báo chí đến chứng kiến và viết bài ca ngợi sự sáng suốt của chánh quyền địa phương. Nhân viên bảo vệ môi trường hay được viết thơ phản đối. Đốt đồ đạc làm cho không khí bị ô nhiễm, Địa Cầu bị bức nhiệt. Các quan lớn xuống thanh tra địa phương thấy nhiều phòng ốc bỏ trống nên quát mắng các quan địa phương thậm tệ: “Thật là lãng phí quá đáng! Sao không mở quán ăn, tiệm cà phê, phòng khiêu vũ, sòng cờ bạc để có thêm tiền hàng ngày? hàng tháng?”

Luật Liên Bang Địa Cầu buộc phải dùng Quốc Tế Ngữ trong công văn, trong giao dịch và cuộc sống hàng ngày. Các hiệp ước liên hành tinh phải được dùng Quốc Tế Ngữ, Anh ngữ, Hoa ngữ, Nga ngữ, Đức ngữ, Nhật ngữ, Pháp ngữ, Ấn ngữ, Bồ ngữ. Vì chỉ có Cửu Hùng Địa Cầu (Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Trung Hoa, Anh Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil và Đức Quốc) được quyền giữ ngôn ngữ và tiếng nói của họ mà thôi. Ấn Độ nhiệt liệt phản đối quyết định đầy tính ngạo nghễ này. Số người dốt Quốc Tế Ngữ cao nhất vẫn là Ấn Độ và Trung Quốc nhưng Trung Quốc và Ấn Độ là thành viên Cửu Hùng Quốc nên được quyền duy trì ngôn ngữ của mình. Việc thống nhất ngôn ngữ ở hai nước đông dân này đã khó. Bây giờ lại có thêm Quốc Tế Ngữ khiến cho dân chúng ở hai nước ấy than rằng: “Không có cái gì giản dị cả.” Nếu có, người ta cũng tìm cách phức tạp hóa rồi.

Liên Bang Địa Cầu có hiến pháp tôn trọng tam quyền phân lập.

Toà Án Quốc Tế La Haye trở thành Tối Cao Pháp Viện của Liên Bang Địa Cầu. Ngoài việc phân xử các vấn đề kiện tụng trên Địa Cầu, tòa còn phân xử các vụ kiện liên hành tinh nữa. Các thẩm phán làm việc mệt nhọc nên tìm lý do sức khỏe để từ chức vì bị nhiều áp lực căng thẳng từ nhiều phía. Chín (09) vị thẩm phán Toà Án Quốc Tế đều là người thuộc Cửu Hùng Quốc.

Tổng thống Liên Bang Địa Cầu do quốc hội các tiểu bang bầu ra. Chỉ có ứng cử viên thuộc Cửu Hùng Quốc mới được quyền ra ứng cử. Nhiệm kỳ tổng thống Liên Bang Địa Cầu là 10 năm. Cứ mỗi 10 năm thì có những cuộc đổ máu vì bầu cử tổng thống Liên Bang. Thế mới biết không có trò chơi nào không có gian lận để đi đến cãi vả và bắn giết nhau.

Quốc Hội Liên Bang Địa Cầu là quốc hội độc viện. Số đại biểu Cửu Hùng Quốc chiếm 50% tổng số đại biểu của 191 tiểu bang còn lại.

Việc đi lại và nhập cư giữa các tiểu bang không dễ dàng như ta tưởng tuy rằng bề ngoài không cần giấy tờ chi cả. Nhưng đến bến cảng, trạm biên giới hay phi cảng người khác tiểu bang được đưa vào phòng riêng để khảo hạch ba ngôn ngữ: ngôn ngữ của tiểu bang gốc, ngôn ngữ của tiểu bang tiếp nhận và Quốc Tế Ngữ. Phần lớn bị rớt Quốc Tế Ngữ và ngôn ngữ quốc gia định đến và lưu ngự nên bị đuổi về tiểu bang gốc. Đó là cách ngăn ngừa sự nhập cư nhất là nhập cư vào Cửu Hùng Quốc tức Hoa Kỳ, Anh, Nga, Trung Quốc, Đức, Nhật, Brazil và Ấn Độ. Công dân Cửu Hùng Quốc không bị chi phối bởi luật này.

Liên Bang Địa Cầu có lắm chuyện rắc rối.

Kinh tế Địa Cầu như người bịnh trầm kha, không chết nhưng không bao giờ hết bịnh.

Quân đội Liên Minh Địa Cầu rất hỗn tạp. Quân sĩ các nước đánh lộn nhau hàng ngày vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Lính đạo Hồi bắn lính Trung Hoa vì ăn thịt heo. Lính Ấn Độ bắn lính Anh, Pháp, Hoa Kỳ vì ưa món thịt bò steak. Lính Pakistan bắn lính Hindu. Lính Á Rập bắn lính Do Thái v.v. Có khi người nấu bếp bị giết chết vì những chuyện thịt heo, thịt bò tầm thường này. Ở cấp cao thì các tướng lãnh Hoa Kỳ, Nga, Đức, Pháp, Trung Hoa, Anh, Nga, Ấn Độ, Brazil bất phục lẫn nhau.

Bịnh bi quan lây từ người này qua người khác. Ra đường chỉ thấy người đi đường gục mặt chớ không thấy ai ngẩng đầu lên cả. Kẻ gây tiếng cười như Charlie Chaplin dễ bị ngồi tù. Một anh nhà báo tiểu bang Việt Nam nêu sự bất bình đẳng trong Liên Bang Địa Cầu. Một học giả Á Rập trong Ủy Ban Quản Lý Địa Cầu mua giấy phi cơ cho anh đến văn phòng của ông ở New York. Ông chiếu trên màn ảnh dãy Himalaya, Alps, Pyrenees, Caucasus, Rocky Mountains, Appalaches, đại đồng bằng miền Trung Tây Hoa Kỳ, hầm hố ở Phi Châu, Á Châu, Âu Châu, sa mạc Phi Châu, vùng băng giá Tây Bá Lợi Á, Iceland, Greenland rồi nói: “Anh bạn thấy đó. Núi cao, rừng rậm. Có chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ cao, chỗ thấp, chỗ nóng, chỗ lạnh. Mỗi chỗ có một sắc thái riêng và công dụng riêng. Các cảnh ấy có giống nhau không? Sự cao thấp có như nhau không? Nếu không thì bạn đành phải chấp nhận sự bất bình đẳng dù tự nhiên hay ngụy tạo trong cuộc sống vậy.”

Anh ký giả về nước tìm thầy trên núi Tà Lơn để tham khảo ý kiến về lời nói của nhà học giả Á Rập. Thầy Tà Lơn cũng có ý như vậy. Về nhà anh ký giả phát điên vì xưa rày cứ tin lời của lãnh tụ này, nhà hiền triết kia về sự bình đẳng giữa người và người. Cuối cùng người ta chở anh ta vào nhà thương điên Biên Hòa lúc bây giờ đã đổi tên thành Trung Tâm Tịnh Dưỡng Liên Tiểu Bang Việt- Miên- Lào.

Chế độ dân chủ như cây chết héo trên Địa Cầu. Người cầm quyền thấy dân cứng đầu, bất tuân luật pháp. Dân chúng không thấy người cầm quyền có gì đáng ưa và đáng kính. Nhưng sợ sự tra khảo đánh đập của công an, mật vụ nên sự phá phách chỉ ngấm ngầm và diễn ra lẻ tẻ. Vậy mà trật tự xã hội bị lung lay vì sự lạm quyền của giới cầm quyền và những người cầu kết với họ. Đó là chuyện muôn thuở chớ không riêng thời nào hay chế độ chánh trị nào.

Trong vũ trụ có ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Cơ thể con người có ngũ tạng: tâm (tim), can (gan), tỳ (lá lách), phế (phối), thận tượng trưng bởi ngũ sắc: đỏ, xanh, vàng, trắng, đen. Con người có năm cái Đam Mê: mê tửu sắc, mê kim tiền, mê danh dự, mê quyền tước, mê cái TA vĩ đại. Mọi cuộc đấu tranh sinh tồn không ra ngoài NĂM ĐAM MÊ này. Năm Đam Mê trở thành bịnh không chết nhưng không có thuốc chữa dứt bịnh được. Đó là bịnh của loài người độc lập với thời gian, không gian, sắc tộc, trình độ học vấn, giai cấp xã hội, tuổi tác, nam nữ phái. Sự tiến bộ kỹ thuật của loài người trên Địa Cầu giúp cho Năm Đam Mê phát triển trên các hành tinh khác. Triết lý Năm Đam Mê được phổ biến rộng rãi để trở thành triết lý liên hành tinh. Đó là một hệ thống triết lý bẩm sinh của loài người không có người khởi xướng, giảng dạy và truyền bá như Đạo Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo với Lý Đam, Khổng Khâu, Sidharta, Jesus, Mahomet. Hoàn Hảo Quốc đã mất đi tính bản thiện của ngày nào để tiêm nhiễm sâu đậm triết lý Năm Đam Mê của loài người dưới Địa Cầu. Đi đâu khắp Hoàn Hảo Quốc cũng nghe dân chúng ca:

Em ơi! có bao nhiêu?
Sáu mươi năm cuộc đời.

Nam nhân tuổi trung tuần cổ xúy việc ăn cầu nhục vì:

Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ biết có hay không?


Một phần văn hóa Việt Nam được cư dân Hoàn Hảo Quốc hoan nghinh. Hoàn Hảo Quốc không còn hoàn hảo nữa. Nhiều dân biểu quốc hội Hoàn Hảo Quốc đề nghị thay đổi quốc hiệu.

****

Cây kim màu trắng trên chiếc đồng hồ y tế của Bạt mạng liên tục báo động. Bạt Mạng cảm thấy mệt mỏi dị thường. Một tài xế gốc người Nam Mỹ lái chiếc xe chạy bằng nước cho Bạt Mạng Tỷ Phú đi bịnh viện Paradis Terrestre. Vừa ra tới freeway X thì bị kẹt xe. Người tài xế Nam Mỹ được biết vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ rồi. Phải chờ một hay hai ngày mới khai thông freeway được. Bịnh tình của Bạt Mạng trở nên nguy ngập. Người tài xế Nam Mỹ lo sợ cuống cuồng. Anh gọi về biệt thự của Bạt Mạng. Chuông reo ‘reng! reng! reng!’ Một gia nhân bắt điện thoại.

“A lô! A lô!”

“Thằng nào ở đầu dây?” tài xế Nam Mỹ hỏi.

“Tao!” một gia nhận trả lời.

“Tao là ai?” tài xế Nam Mỹ hỏi.

“Tao là tao?” gia nhân trả lời.

“Là ai?” tài xế Nam Mỹ hỏi.

“Tao là gia nhân IV’.” gia nhân trả lời.

“Hay quá! Mày lái trực thăng đến chỗ này… trên freeway X. để rước ngài Trường Thọ Tỷ Phú đi bịnh viện Paradis Terrestre. Hiện ông bị nghẹt thở vì kẹt xe giữa lúc khí trời nóng bức. Vụ kẹt xe này có thể kéo dài nhiều ngày. Mau lên đây!” tài xế Nam Mỹ thúc giục.

Từ ngày gia nhân IV ra tù Bạt Mạng đóng tiền cho anh học và lấy bằng lái trực thăng. Gia nhân IV được các huấn luyện viên khen là người khéo léo và có óc sáng tạo. Anh ta chuẩn bị mọi thứ rồi lái trực thăng đi tìm tọa độ của chiếc xe chạy bằng nước trên freeway X. Gia nhân IV cho chiếc trực thăng bay thẳng đứng tại chỗ thẳng góc với chiếc xe chạy bằng nước chở Trường Thọ Tỷ Phú như con ruồi xanh bay đứng một chỗ vậy. Từ trên không trung gia nhân IV ra lịnh cho các chiếc xe hơi không được đi chuyển dù là một phân trên freeway. Anh từ từ thả móc và câu chiếc xe hơi chở Bạt Mạng đi thẳng đến bịnh viện.

Các bác sĩ mặc quần áo trắng toát như các Bạch Y Hiệp Sĩ thời xa xưa đứng đợi nhân viên đưa Trường Thọ Tỷ Phú nhập viện. Cả bịnh viện náo động vì ông đại gia Mỹ gốc Việt này.

Sau một giờ khám bịnh các đại phu quả quyết phổi của Bạt Mạng có vấn đề. Lời đồn không sai. Các đại phu ở bịnh viện Paradis Terrestre là những bác sĩ khét tiếng khắp địa cầu. Danh tiếng của họ vang động trên các hành tinh khác. Sự chẩn đoán của họ phù hợp với cây kim trắng trên chiếc đồng hồ y khoa mà Bạt Mạng mang trên tay. Sau hai ngày trong bịnh viện Bạt Mạng được đưa vào phòng quang tuyến để chụp hình phổi. Khủng khiếp thấy phổi của ông ấy bị một loại vi trùng không tên tuổi tấn công! Loại vi trùng nầy màu đen, miệng rộng, chân càng có gai trông rợn người. Đây là một trường hợp điển hình về sự xuất hiện của loài vi trùng mới thâm nhập vào cơ thể con người bằng đường hô hấp.

“Làm sao bây giờ?” một bác sĩ lo lắng hỏi.

“Trước hết làm dịu cơn bịnh trong khi chờ đợi Viện Vi Trùng Học cho biết đó là loại vi trùng gì để tìm ra thuốc chữa. Bịnh của Trường Thọ Tỷ Phú lần này không nhẹ.” Vị bác sĩ thứ hai nói.

“Ông nói đúng. Bịnh tình của ông tỷ phú trầm trọng vì bị một nhóm vị trùng dày đặc tấn công. Đám vi trùng không tên nên chưa có thuốc chữa. Phổi của ngài Trường Thọ Tỷ Phú bây giờ như một bãi chiến trường. Bọn vi trùng mới này như đám giặc mới chưa biết thực lực ra sao. Nếu dùng võ khí mạnh tiêu diệt chúng thì liệu lá phổi của nhà tỷ phú có bị xé nát ra không, nghĩa là võ khí mạnh giết sạch kẻ thù nhưng nó cũng phá nát chiến trường? Nếu phổi ngài Trường Thọ Tỷ Phú rách nát thì ngài cũng về gặp tổ tiên.” Vị bác sĩ thứ nhất nói.

Viện Vi Trùng Học chưa tìm ra nguồn gốc vi trùng tìm thấy trong phổi của Trường Thọ Tỷ Phú. Vậy phải chữa cho nhà tỷ phú bằng cách nào? Các bác sĩ chuyên trị bịnh vi trùng hội họp để bàn phương cách cứu chữa Bạt Mạng. Sự sống chết của ông ấy ảnh hưởng đến danh tiếng của đại bịnh viện Paradis Terrestre. Một bác sĩ trẻ mang hai dòng máu Do Thái và Trung Hoa tên là Jacob Chen nêu ý kiến:

“Việc chữa trị bịnh như chiến đấu ngoài mặt trận. Thắng kẻ thù bằng võ khí nặng thì dễ nhưng bãi chiến trường tan nát. Bịnh bị đẩy lùi nhưng người bịnh có thể chết theo bịnh vì ảnh hưởng của võ khí mạnh. Điều này cũng giống như việc dùng bom nguyên tử (A Bomb) hay bom khinh khí (H Bomb) để chấm dứt chiến tranh nhưng phải giết hại vô số nhân mạng và hủy hoại cả một không gian rộng lớn. ”

“Không dùng thuốc mạnh thì dùng cái gì bây giờ?” một bác sĩ hỏi.

“Trương Lương chỉ thổi sáo mà làm lung lạc tinh thần chiến đấu của quân thù. Ma túy làm cho con người ghiền; tinh thần và thể xác rũ liệt. Ta dùng nó làm cho vi trùng bị ghiền nên không quậy phá ngài Trường Thọ Tỷ Phú. Đến khi chúng không còn sức ta cho một dòng nước tựa như tạo một cơn lũ lụt kéo chúng ra khỏi cơ thể của ngài Trường Thọ Tỷ Phú bằng đường đại tiểu tiện. Thế là ta trục xuất giặc ra khỏi vùng xâm lăng mà không gây thiệt hại nào cho vùng đất ấy.” Jacob Chen nói.

Cả hội đồng tán đồng phương cách chữa trị của bác sĩ Jacob Chen. Đêm hôm ấy Bạt Mạng ngủ yên. Vi trùng trong phổi của ông nằm im. Chúng không chết cũng không hoạt động được như trước. Chúng có vẻ thích thú với chất ma túy mà bác sĩ Jacob Chen cho chúng. Chúng có vẻ sung sướng vì không phải kiếm ăn trên lá phổi của nhà tỷ phú mà được ăn chất gây ghiền êm ả, dễ ngủ. Bác sĩ Jacob Chen trực tiếp theo dõi việc chữa trị Trường Thọ Tỷ Phú. Ngày thứ năm ông cho nhà tỷ phú thuốc nhuận tiểu. Cứ 04 giờ đồng hồ ông đi tiểu một lần. Mỗi lần đi tiểu có trên 02 lít nước tiểu. Vào ngày thứ sáu nhà tỷ phú uống thuốc nhuận trường. Đến ngày thứ tám Trường Thọ Tỷ Phú xuất viện sau khi chụp hình phối và không thấy một con vi trùng nào còn rơi rớt. Báo chí Địa Cầu đăng tin này với những giả thuyết kỳ hoặc. Có phải chăng bác sĩ Jacob Chen là hiện thân của Pasteur? của Koch? hay xa hơn của một Thần Y ẩn dật? Thống đốc Nga đề nghị ban cho ông Huân Chương Stalin với hàng chữ mạ vàng ‘Đức Giáo Hoàng có mấy sư đoàn?’ Thống đốc Trung Quốc đề nghị cho ông Huân Chương Mao Zedong (Mao Trạch Đông) với hình Vệ Bình Đỏ lôi kéo vị nào trông giống Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ). Thống đốc Ấn Độ muốn ông phải đến Ấn Độ để nhận huy chương Hoa Sen có ảnh của Mahatma Gandhi với dòng chữ Hindi ‘Hãy tha cho kẻ bán ta’. Thống đốc Pháp gởi cho Jacob Chen Legion d’honneur có ảnh Pasteur, Napoleon I, De Gaulle và Victor Hugo. Đức gởi cho Jacob Huân Chương Bismarck với dòng chữ ‘Chánh trị không phải là một khoa học mà là một nghệ thuật, nghệ thuật của tất cả các điều có thể’. Anh Quốc gởi cho ông Huy Chương Hiệp Sĩ có ảnh Alexander Fleming và Winston Churchill. Hoa Kỳ gởi cho ông huy chương Tự Do với tượng Nữ Thần Tự Do cầm đèn rọi cho các đoàn tàu vượt biển vào bến New York. Một tờ báo ở New York, một tờ báo ở Jerusalem và một tờ báo ở Shanghai đề nghị Tổ Chức Y Khoa Liên Bang Địa Cầu thành lập giải Jacob Chen như giải Nobel vậy.

Danh dự của bác sĩ Jacob Chen tưởng chừng như vượt quá mọi lằn mức danh dự của con người trong vũ trụ. Ngờ đâu một tạp chí của Hội Bảo Vệ Súc Vật và Vi Trùng trụ sở ở London lên tiếng đả kích Jacob Chen về việc gây ghiền cho vi trùng rồi tạo cơn lụt trong cơ thể con người kéo vi trùng ra khỏi người bịnh. ‘Thật tàn nhẫn hết chỗ nói. Không gì độc ác và tội lỗi bằng gây ghiền cho người khác rồi cho nước cuốn đi mất xác. Con người có nhân phẩm. Thú vật có thú phẩm. Vi trùng có vi trùng phẩm’. Hội Bảo Vệ Súc Vật và Vi Trùng lập luận. ‘Đó là phẩm giá của mọi sinh vật hiện hữu trên mặt hành tinh này.’

Bạt Mạng cho gia nhân IV tiếp xúc với 100 tờ báo danh tiếng của 100 tiểu bang trong Liên Bang Địa Cầu với những bao thơ chúc thọ để biện minh cho việc làm của Jacob Chen. Trong vòng 24 giờ đồng hồ Jacob Chen có 100 tiếng nói khỏa lấp lời chỉ trích của Hội Bảo Vệ Súc Vật và Vi Trùng.

Trên Nguyệt Quốc và Hoàn Hảo Quốc được tin này nên các đại gia tìm cách lập đồn điền trồng cần sa Cannabis sativa và anh túc (cây thầu làm thuốc phiện) Papaver somniferum. Một dân phu Khmer trên Nguyệt Quốc cho biết ở xứ anh dưới Địa Cầu người ta trồng cần sa để lấy lá nấu canh. Ở Hoa Kỳ mấy thế kỷ trước ai trồng cần sa bị phạt gắt gao. Không bao lâu 50% dân Nguyệt Quốc và Hoàn Hảo Quốc ghiền cần sa và á phiện trước khi các loại thảo mộc này được dùng làm thuốc.

Nhờ cứu Trường Thọ Tỷ Phú mà bác sĩ Jacob Chen được nổi tiếng khắp Địa Cầu và khắp các hành tinh. Các bịnh viện trên Địa Cầu đều có hình của ông. Ở Trung Quốc người ta nói ông là Hoa Đà hay Biển Thước tái sinh. Ở Pháp người ta cho rằng ông là Pasteur tái sinh. Có người còn nghĩ rằng ông là Hippocrate. Bịnh viện nào trên Địa Cầu cũng có ảnh của ông.

Phương pháp chữa bịnh của bác sĩ Jacob Chen được các tướng lãnh chỉ huy quân đội đặc biệt quan tâm đến. Họ thấy nó đơn giản, hiền hòa và hữu hiệu. Vậy cần gì nghiên cứu Binh Thơ Tôn Tử? Một ông tướng lừng danh tự hỏi.

Viện Nghiên Cứu Vi Trùng Liên Bang Địa Cầu nghiên cứu vi trùng tìm thấy trong phổi của Bạt Mạng. Sau một thời gian làm việc tích cực viện nghiên cứu đưa ra kết luận: đó là vi trùng sinh sôi nảy nở trên rác đổ dưới biển. Loại vi trùng này rất mạnh vì có thể sống trong nước mặn của biển. Các loại thủy sản ăn rác trong biển cũng bị nhiễm vi trùng này. Người ăn thủy sản bị nhiễm trùng. Trường Thọ Tỷ Phú chỉ đứng trên bờ biển hít không khí nhiễm trùng nầy nên phổi chứa đầy vi trùng kinh khiếp chưa có tên trong danh mục vi trùng học! Công ty hải sản và nghiệp đoàn hải ngư nghiệp Liên Bang Địa Cầu phản đối kết luận trên vì có ảnh hưởng xấu trên thị trường hải sản trên Địa Cầu và các hành tinh liên hệ. Viện Nghiên Cứu ra thông cáo nói rằng sự nghiên cứu của Viện đúng 50% và 50% còn lại cần phải nghiên cứu lâu dài hơn. Viện đính chính cá không ăn rác nên không có bịnh gì cả; sức khỏe các loài thủy sản lành mạnh như xưa nghĩa là trước khi biển đầy rác. Chúng không ăn rác mà ăn thịt lẫn nhau nên có đầy đủ protein, mập mạnh và vô nhiễm bịnh tật.

Bạt Mạng cảm thấy khoan khoái sau khi xuất viện. Vợ chồng Marsman hay tin ông xuất viện qua tin tức đài truyền hình và báo chí nên vội vã đến thăm ông. Hai người đến biệt thự Trường Thọ Tỷ Phú khi ngài đang tiếp khách. Vì không có chuyện gì quan trọng nên Trường Thọ Tỷ Phú mời vợ chồng Marsman vào phòng khách. Ông trịnh trọng giới thiệu:
“Đây là ông Limu Shah từ Nguyệt Quốc mới về Địa Cầu. Sẵn dịp ghé thăm tôi. Còn đây là vợ chồng cháu Marsman, một công dân Hoàn Hảo Quốc đến Hoa Kỳ khá lâu để thực hiện giấc mơ Hiệp Chủng Quốc. Vợ cháu Marsman là người Tây Tạng.”

Marsman và vợ chào Limu Shah. Limu Shah chào đáp lễ và đưa tay bắt tay với Marsman và vợ là Llamo Lhassa. Ông nói:

“Hân hạnh được biết ông và bà Marsman. Tôi là người Iran sống ở Ấn Độ hiện cư ngụ trên Nguyệt Quốc. Tôi có dịp đi Hoàn Hảo Quốc hai lần qua công ty du lịch liên hành tinh Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức. Tôi không đến đó để du lịch mà để nghiên cứu thị trường tơ lụa. Hoàn Hảo Quốc bây giờ phát triển ngoài sự tưởng tượng của người Địa Cầu. Phụ nữ Hoàn Hảo Quốc ưa thích tơ lụa dệt bằng tay thời Marco Polo. Văn hóa Địa Cầu ảnh hưởng từ thành thị đến nông thôn, sơn thôn. Người nghèo trên Hoàn Hảo Quốc cũng có xe hơi. Người giàu thì lái xe chạy bằng loại xăng hảo hạng đắt tiền. Người nghèo lái xe chạy bằng ánh sáng mặt trời, xe chạy bằng nước, bằng gió, bằng nhịp đập của hột nước mưa. Khi trời mưa xe chạy bằng năng lượng mặt trời chết máy đậu trên một đoạn đường dài hàng chục cây số. Một kỹ sư Hoàn Hảo Quốc phát minh xe hơi chạy bằng gió. Tốc độ xe hơi tùy thuộc tốc độ của gió. Những ngày giông bão xe chạy vun vút. Trái lại tốc độ của xe giảm dần khi gặp gió heo may. Xe ngừng lại lúc không có gió. Vì những bất tiện này một kỹ sư Nhật trong chương trình trao đổi kỹ thuật giữa Hoàn Hảo Quốc và tiểu bang Nhật Bản giúp cho Hoàn Hảo Quốc lập bộ phận giữ nhiệt mặt trời cho xe chạy bằng ánh sáng mặt trời và bộ phận nhốt gió lúc giông bão để dành phong năng lực dùng khi lặng gió. Bây giờ Nhật Bản có công ty sản xuất xe hơi trên Nguyệt Quốc và Hoàn Hảo Quốc. Công dân Hoàn Hảo Quốc du lịch Địa Cầu được miễn các thứ giấy tờ thường thấy. Địa Cầu và Hoàn Hảo Quốc trên Hỏa Tinh có quan hệ hữu hảo. Đi từ Địa Cầu lên Hoàn Hảo Quốc vé phi thuyền rẻ hơn đi từ Nguyệt Quốc. Vì số hành khách Nguyệt Quốc không đông đảo bằng số hành khách Địa Cầu.”

Marsman chăm chú nghe Limu Shah nói về quê hương mình. Marsman vui mừng khi được biết một kỹ sư Hoàn Hảo Quốc cho ra đời chiếc xe hơi chạy bằng gió. Danh dự thay người Hoàn Hảo Quốc! Mới tiếp xúc với văn minh Địa Cầu mà đã có những sáng chế vượt bực. Xe chạy bằng gió chở xuống Địa Cầu bán cho Việt Nam và Phi Luật Tân. Đến mùa đại phong (typhoon) xe trở thành phi cơ không cánh bay thẳng vào lục địa Trung Hoa vào mùa mưa và giông tố.

Bạt Mạng hỏi Limu Shah:

“Nguyệt Quốc bây giờ như thế nào? Cuộc sống của ông và gia đình trên ấy ra sao?”

“Xin ngài Trường Thọ Tỷ Phú cho tôi nói chuyện này trước.” Limu Shah nói.

“Chuyện gì? Xin ông tự nhiên nói ra. Marsman và vợ đều là con cháu trong nhà.” Bạt Mạng nói.

“Như lần trước tôi đến gặp ngài Trường Thọ Tỷ Phú theo lịnh của thầy tôi, đấng Guru Himalaya. Thầy tôi biết ngài bị nhiễm bịnh vi trùng nên phóng điện sai tôi mua vé phi thuyền về Địa Cầu mang lời chúc phúc của Người đến cho ngài kéo dài tuổi thọ. Ngài không phải là đệ tử mà đấng Guru Himalaya thương yêu ngài như thế! Tôi không ngại mất thì giờ và tiền bạc theo lịnh đấng Guru Himalaya ngồi chuyến phi thuyền tốc hành của công ty Liên Âu về Địa Cầu. Ngoài đấng Guru Himalaya tôi còn được lịnh của bà Tiên Nguyệt Quốc sai tôi mang giỏ trái cây này cho ngài dùng trong thời gian dưỡng bịnh. Ở Nguyệt Quốc thỉnh thoảng tôi cỡi ngựa đến thăm bà Tiên. Bà cho tôi biết ngài Trường Thọ Tỷ Phú bị bịnh và thúc giục tôi về Địa Cầu với giỏ trái cây này và bức thơ của bà Tiên gởi cho ngài Trường Thọ Tỷ Phú.” Limu Shah nói.

“Tôi vô cùng biết ơn đấng Guru Himalaya và bà Tiên Nguyệt Quốc.” Bạt mạng run run nói vì quá xúc động.

Limu Shah nói tiếp:

“Đây là giỏ trái cây của bà Tiên Nguyệt Quốc. Chỉ thuần trái ‘pomme’ lấy giống từ gốc của dòng Malus domestica thuộc gia đình Rosaceae ở Alma Ata, thủ đô của Khazhastan. Alma Ata có nghĩa là ‘cha đẻ của trái pomme’. Những trái ‘pomme’ gốc ở Alma Ata do chính tay bà Tiên trồng trên Nguyệt Quốc chẳng những thơm ngon mà còn nên thuốc nữa. Bà Tiên biết Trường Thọ Tỷ Phú bịnh nên gởi trái ‘pomme’ này xuống cho ngài dùng đồng thời chữa bịnh không bằng dược thảo phải sắc thuốc mất thì giờ. Thuốc sắc đắng tới mật xanh. Trái ‘pomme’ nầy ngọt và thơm dị thường. Từ khi các cây ‘pomme’ lấy giống từ Alma Ata về có trái bà Tiên nghĩ ra một phương pháp trị liệu mới gọi là Thực Quả Trị Liệu.”

“Vậy người Hoa Kỳ đã biết chuyện này nên có câu: An apple a day keeps the doctor away. Khái niệm y học trị liệu của người Địa Cầu và Nguyệt Quốc gặp nhau.” Marsman góp ý.

“Tôi không biết trái ‘pomme’ mà người Hoa Kỳ nói chữa bịnh gì. Chỉ nhớ rằng lúc các con tôi còn nhỏ bị tiêu chảy đến thẳng ruột cơ hồ như sắp chết nhưng vợ tôi lấy trái ‘pomme’ mua ở chợ Ấn Độ còn nguyên vỏ xay nhuyễn cho con tôi uống và chặn đứng chứng tiêu chảy độc hại của trẻ nít. Trái ‘pomme’ lấy giống từ Alma Ata và trồng trên Nguyệt Quốc có dược tính khác thường đối với người Địa Cầu. Người có bịnh ăn vào thì hết bịnh. Người khỏe mạnh ăn vào thì sức khỏe sung mãn, cảm thấy lạc quan, hạnh phúc, yêu đời. Người sắp bịnh ăn vào thì nó tự tìm bịnh mà chữa trị. Có phải ngày xưa Tôn Hành Giả ăn trái ‘pomme’ này không?” Limu Shah nói và đặt giả thuyết.

Bạt Mạng gọi một gia nhân xẻ ‘pomme’ để đãi vợ chồng Marsman. Tất cả đều thưởng thức hương vị đặc biệt của ‘pomme’ Alma Ata trồng trên Nguyệt Quốc. Bạt Mạng, Limu Shah và vợ chồng Marsman vừa ăn vừa nói chuyện và uống trà. Đó là trà sen do chính Đại Tiên Cam Túc ướp và gởi tặng Bạt Mạng.

Nhân dịp nầy Bạt Mạng mở bức thơ của bà Tiên Nguyệt Quốc gởi cho ông. Chữ viết ngoằn ngoèo không theo mẫu tự La Tinh, Hy Lạp, Ả Rập hay Trung Hoa. Bạt Mạng đưa cho Limu Shah xem. Limu Shah lắc đầu, ra dấu hiệu cho biết ông ta không biết gì cả.

“Ngày mai tôi mang bức thơ này đến Viện Ngôn Ngữ xem nội dung bức thơ nói gì.” Bạt Mạng nói.

“Họa chăng Viện Ngôn Ngữ có thể biết. Nếu họ không biết thì…” Limu nói.

“Thì sao?” Bạt Mạng hỏi.

“Thì nhờ ông Pétrus Trương Vĩnh Ký.” Limu Shah đáp.

“Ông ấy chết lâu rồi làm sao trả lời được mà hỏi.” Bạt Mạng nói.

“Hay quá! Có bà Marsman ở đây. Ngài Trường Thọ Tỷ Phú thử hỏi xem có cách nào liên lạc với ông Pétrus Trương Vĩnh Ký không?” Limu Shah đề nghị.

“Cháu Llamo Lhassa, cháu nghĩ sao về ý kiến của ông Limu Shah?” Bạt Mạng hỏi.

“Có thể, thưa ngài Trường Thọ Tỷ Phú. Nhưng phải biết rõ lý lịch của người quá cố mới tìm được.” Llamo Lhassa đáp.

“Ở Việt Nam tôi không có đi học nên không biết gì về ông Pétrus Trương Vĩnh Ký. Lúc còn nhỏ bà tôi có dặn tôi đi ngang qua trường học mang tên ông ấy khi đi Đại Thế Giới đánh tài xỉu. Bà tôi là một tay cờ bạc nghèo chết vì bịnh, thiếu dinh dưỡng vì không có tiền mua 49 con gà ác hầm thuốc Bắc.” Bạt Mạng buồn bã nói.

“Chuyện đó dễ thôi.” Limu Shah nói.

“Tại sao dễ? Vậy phải làm gì?” Bạt Mạng hỏi.

“Vô internet thì có tất cả đáp số.” Limu Shah đáp.

“Hay quá! Chuyện như vậy mà nghĩ không ra. Rõ ràng bây giờ tôi lú lẫn quá nhiều.” Bạt Mạng nói.

Limu Shah lấy viết và một tờ giấy trắng ghi nhanh các chi tiết về Pétrus Trương Vĩnh Ký như: năm sinh, nơi sinh, năm chết, tôn giáo v.v.

“Bây giờ làm gì nữa?” Limu Shah hỏi Llamo Lhassa.

“Thưa ngài Trường Thọ Tỷ Phú, ở đây có trầm hương không?” Llamo Lhassa hỏi.

“Có.” Bạt Mạng vừa đáp vừa sai gia nhân đem trầm hương lên cho Llamo Lhassa.

Llamo Lhassa đốt trầm hương rồi ngồi bất động, mắt nhắm nghiền, miệng lầm rầm đọc thần chú. Ít phút sau Llamo Lhassa ngồi bất động. Thỉnh thoảng thân hình cô giật nhè nhẹ.

Bỗng có tiếng nói giọng đàn ông quát lớn:

“Xuống đây làm gì?”

“Dạ thưa ngài, có phải đây là chốn Diêm cung?” Llamo Lhassa hỏi.

“Phải. Có chuyện gì?” người đàn ông vô hình hỏi cộc lốc.

“Thưa, cháu muốn đến sở lục hình để tìm hồ sơ ông Pétrus Trương Vĩnh Ký.” Llamo Lhassa nói.

“Cô tìm đúng người rồi. Ta đặc trách hồ sơ người lìa trần thế, người bị giam giữ hỏa ngục, người được tuyển dụng làm việc dưới hỏa ngục, người sắp bị xét xử về những tội đã làm trên trần thế, người đã đầu thai hay sắp đầu thai v.v. Cô cần gì nói cho ta biết xem có thể giúp gì cho cô?” người vô hình hỏi.

“Về ông Pétrus Trương Vĩnh Ký.” Llamo Lhassa đáp.

“Cô có biết ông ấy sinh ngày nào? ở đâu? theo đạo gì? chết năm nào? Dưới Âm Phủ này có vô số người họ Trương và tên Ký.” người vô hình hỏi.

Limu Shah đưa cho Llamo Lhassa đọc:
“Sinh năm 1837 tại Cái Môn lúc ấy thuộc tỉnh Vĩnh Long; theo đạo Thiên Chúa; chết vào năm 1898.”

“Tôi biết ông này. Khi ông ấy xuống đây ông Diêm Vương cho ông cai quản Đại Thư Viện Âm Phủ. Gặp Tây ông nói tiếng Tây, gặp Chà Và ông nói tiếng Chà Và, gặp Tàu ông nói tiếng Quảng Đông v.v. Diêm Vương có vẻ thích ông lắm. Diêm Vương không muốn cho ông ấy đầu thai kiếp khác vì dưới Âm Phủ ít nhân tài lắm. Nhưng ông Thổ Thần ở Pháp thành khẩn xin Sở Đầu Thai (Re-Incarnation Office) dưới Âm Cung cho ông đầu thai thành người Pháp hoặc ở Paris, hoặc ở Cannes, Nice, Marseille, Lyon, Toulon, Toulouse, Bordeaux hay bất cứ nơi nào trên đất Pháp. Ông Thổ Thần muốn cho ông gặp Victor Hugo và Lamartine để thành lập HỘI PHÁP QUỐC THI VĂN. Nhưng giữa ông Chánh Sở Đầu Thai và ông Thổ Thần Pháp Quốc xung đột nhau vì chuyện gì đó. Nhà học giả nầy đầu thai thành người Pháp nhưng trí tuệ của ông nầy chậm lắm nên không sao được đứng gần Victor Hugo hay Lamartine. Ông Thổ Thần Pháp Quốc kiện ông Chánh Sở Đầu Thai. Vụ kiện sẽ do Toà Án Thiên Đình xét xử. Nếu ông Thổ Thần Pháp Quốc thắng thì người đàn ông lơ mơ kia sẽ thông thái lên, văn chương như rồng bay phượng múa, phong ba bão táp không ai đương cự lại. Bây giờ ông đang hái nho ở vùng Champagne. Chưa biết sự phán quyết của Toà Án Thiên Đình ra sao. Ấy chết! Nãy giờ lo nói chuyện Pétrus Trương Vĩnh Ký mà quên hỏi mục đích của cô muốn gặp ông ấy để làm gì?” người vô hình hỏi.

“Vâng, cháu có chuyện muốn nhờ ông ấy xem giùm một bức thơ viết bằng một ngôn ngữ lạ. Không ngờ ông ấy đã đầu thai thành một người Pháp rồi.” Llamo Lhassa nói.

“Cô đừng thất vọng. Khi phục vụ ở Đại Thư Viện Âm Phủ ông Trương có sáng chế một cái máy Bách Khoa, một chìa khóa của hàng tỷ vấn đề của nhân loại trên dương thế. Cô có bức thơ lạ trong túi không?” người vô hình hỏi.

“Dạ có, để cháu chụp một bản gởi cho ông.”

Llamo Lhassa chụp một bản sao bức thơ của bà Tiên Nguyệt Quốc và gởi xuống người vô hình đặc trách liên bộ dưới Âm Phủ. Sau 30 phút người vô hình đưa cho Llamo Lhassa bản dịch bức thơ của bà Tiên trên Nguyệt Quốc. Người vô hình nói:

“Đây là ngôn ngữ của Thần Thánh. Nhưng cái máy Bách Khoa của Pétrus Trương Vĩnh Ký khám phá như sau: “Bạt Mạng con ơi! Địa Cầu sắp có biến. Nếu có thể, con dọn lên Nguyệt Quốc ở. Ta có dặn Limu Shah chừa cho con một miếng đất rộng trên 10,000 ha dưới chân đồi gần nơi ta ngụ. ĐẠI TIÊN NGUYỆT QUỐC.”

Trời đã về khuya. Bạt Mạng ra lịnh cho một gia nhân chở vợ chồng Marsman về nhà và một gia nhân khác chở Limu Shah ra khách sạn Five Stars.

Đêm hôm ấy Bạt Mạng trằn trọc không sao ngủ được. Từ trên không trung từ xa vọng về những âm điệu nhạc Tiên:

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng,
Nhớ Lưu, Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên.
Kìa đường lên Tiên!
Kìa nguồn hương duyên!
Theo gió tiếng đàn xao xuyến
…..
Thiên thai!
Chốn đầy hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần.
Thiên tiên!
Chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm.
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy Tiên theo đàn.


Đó là những tiếng hát mời mọc Bạt Mạng rời bỏ cảnh trần gian ô trọc để lên Nguyệt Quốc. Bạt Mạng mỉm cười, nhắm mắt du hồn vào cảnh Tiên.


PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Related posts