Vụ kiện 2.5 tỷ USD và mối thù Yến – Dũng

Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã kiện cựu Thủ tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng (NTD) ra tòa quốc tế, đòi phải bồi thường cho mình 2.5 tỷ Mỹ kim, vậy thì ân oán giữa bà ta với NDT đã hình thành như thế nào?

Chúng ta không thể giải đáp câu hỏi này nếu không quay trở lại với cuộc chiến quyền lực giữa ông NTD với Trương Tấn Sang (TTS), kẻ đỡ đầu của bà Yến.

Nhưng đầu tiên là bà Yến: bà ta là ai?

Đặng Thị Hoàng Yến, bà là ai?

Nói theo tiếng lóng tại các cư xá đại học ở miền Nam sau năm 1975 thì bà Yến là “dân gia công”, tức cha Nam tập kết, mẹ Bắc kỳ. Bà sinh năm 1959 tại An Hải, Hải Phòng, cha là cán bộ tập kết, mẹ người Hải Phòng, năm 1976 theo cha mẹ trở về Sài Gòn sống và thi đậu vào Đại học Kinh tế Sài Gòn.

Năm 1980, bà tốt nghiệp đại học, được bổ về làm việc tại UBND Quận 5, trở thành đảng viên Cộng Sản, năm 1992 được thăng chức Giám đốc đầu tư của Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND thành phố. Trong vai trò này, chỉ sau hai năm, bà đã dẫn dắt các nhà đầu tư nước ngoài rót vào Sài Gòn trên 1.5 tỷ Mỹ kim và tạo dựng quan hệ trong giới kinh doanh, đầu tư cũng như chính quyền.

Cuối năm 1993 bà bỏ ra kinh doanh và do đó cũng bỏ sinh họat đảng. Ban đầu bà thành lập Công ty Hoàng Yến, sau phát triển thành “Tập đoàn Tân Tạo” với 21 công ty con hoạt động trên nhiều lĩnh vực như xây dựng cầu đường, nhà ở, phát triển năng lượng và truyền thông, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trong nước và đã xây dựng đại học với nhãn hiệu của mình là Đại học Tân Tạo

.

Trong các công ty con trên có “Công ty Cổ phần đầu tư và công nghiêp Tân Tạo” (ITACO) đã trở thành một trong 9 cổ phiếu blue-chip được chọn gia nhập chỉ số chứng khoán Russell Global Index.

Trong 3 năm liên tiếp 2008, 2009, 2010, bà Yến được xếp vào danh sách 10 nhà kinh doanh giàu nhất Việt Nam trên sàn giao dịch chứng khoán. Trở thành một trong số những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là Chủ tịch diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng tư vấn các nước ASEAN – ASEAN BAC…

Nhưng bà Yến và Tân Tạo chỉ có thể lên nhanh như thế là nhờ sự đỡ đầu của TTS và đổi lại, Tân Tạo hiển nhiên là “sân sau” của ông Sang. Hẳn nhiên, đó là một thứ quan hệ cộng sinh: sự kiện nào của Tân Tạo, lễ khởi công hay khánh thành nào của tập đoàn này cũng có hình ảnh của TTS; đổi lại Tân Tạo là nguồn kinh tài để TTS xây dựng thực lực chính trị, nuôi dưỡng đội quân báo chí đánh bóng và bảo vệ mình trong cuộc đối đầu với NTD.

Chạy đua quyền lực

Trong cuộc chạy đua này TTS đã xây dựng vây cánh mình từ giới chuyên viên có học thức và giới kinh doanh, liên tiếp sử dụng báo chí và diễn đàn quốc hội để ra đòn.

Năm 2010, TTS đã cung cấp thông tin trong vụ Vinashin để các đại biểu khác tấn công NTD.

Cuộc bầu cử Quốc hội năm 2011 là cuộc chạy đua giữa NTD và TTS: nếu NTD đưa đệ tử của mình là Nguyễn Sinh Hùng và Tòng Thị Phóng vào nắm ghế Chủ tịch và Phó Chủ tịch thì TTS đã đưa được 39 nhà tư bản đỏ vào đây với tư cách đại biểu cho nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong số tư bản đỏ – đại biểu ấy có bà Yến. Là người chào đời tại Hải Phòng, làm ăn sinh sống tại Sài Gòn nhưng lại ra ứng cử tại Long An, quê của TTS. Đắc cử, bà Yến đã không phụ lòng trông đợi của TTS, sử dụng ngay diễn đàn quốc hội để công kích NTD những đòn thật đau.

Ngay trong từ kỳ họp đầu tiên của mình, bà Yến đã đả kích chính sách thuế của NTD: tỷ lệ thu thuế Việt Nam chiếm 27-28% GDP cả nước, cao nhất Châu Á. Thế là NTD phải bấm bụng thông qua nghị quyết 2012, đặt mục tiên giảm mức thu thuế xuống 22-23% GDP.

Trong cuộc họp thứ hai, bà Yến lại làm phiền NTD về vấn nạn “thuỷ hại”: 3,000 hồ thủy lợi như quả bom nguyên tử, vỡ thì ảnh hưởng lớn đến sinh mạng và tài sản dân, rõ ràng chính phủ không nắm được những gì mình đang làm.

Sau đó, ngay sau khi con gái cưng của NTD là Nguyễn Thị Thanh Phượng trở thành Chủ tịch Ngân hàng Bản Việt, bà Yến lại ra đòn trên diễn đàn quốc hội, đề cập đến “một loại tội phạm mới liên quan đến ngân hàng, lợi dụng chính sách thôn tính doanh nghiệp.”

Bà Yến đã trở thành cái gai của NTD. Nhưng không chỉ là cái gai, nếu đánh bật được bà Yến, NTD sẽ đe dọa được những vây cánh khác của TTS và lung lạc những kẻ còn ở thế lưỡng lự, chưa biết chọn phe nào.

Ngay sau khi bà Yến nổ phát súng đầu tiên về chuyện “thuế cao nhất Đông Nam Á”, công ty Tân Tạo của bà bắt đầu khốn đốn, bị thanh tra liên miên, rồi một loạt dự án lớn bị rút giấy phép, trong đó có dự án xây đảo nhân tạo Hải Âu, xây khu đô thị – công nghiệp chất lượng cao, dự án khai thác mỏ đá Hòn Sóc ở Kiên Giang, nhà máy nhiệt điện và cảng nước sâu Kiên Lương.

Nhưng để đánh bật bà Yến ra khỏi quốc hội, NTD lại đánh vào đời tư của bà. Dĩ nhiên là TTS không khoanh tay ngồi yên, khi NTD tung đòn vào bà Yến thì TTS nhắm vào Đinh La Thăng (DLT, đàn em ruột của NTD).

Mày đánh con tao, tao đánh con mày

Khi đó ĐLT đang giữ chức Bộ Trưởng Giao Thông. Thăng xuất thân cán bộ đòan của công trình Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, sau lên chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà. Tháng 10. 2006 Thăng được NTD bổ nhiệm về làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và tháng 8 năm 2011 được nâng lên Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Lên chức bộ trưởng, ĐLT đã “quậy’ ngay, tạo cho mình hình ảnh một
“tư lệnh chiến trường toàn quyền quyết định” với màn trình diễn “trảm tướng”. Tuy nhiên cũng từ đó về sau ĐLT lại trở thành đối tượng bị chỉ trích khi đặt ra đủ loại lệ phí, để ra lời đả kích “phí chồng phí”. Tuy nhiên “quả bom” lớn nhất lúc ấy là những vụ lem nhem tài chính thời ĐLT còn làm Chủ tịch Petrovietnam.

Phe TTS đợi lúc NTD bận lên đường dự hội nghị ASEAN ở Nam Vang để tung tin về số tiền 18,000 tỷ đồng không cánh mà bay, ngay lúc ĐLT giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch HĐQT và sau này là Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, từ tháng 10-2006 đến tháng 8-2011.

Báo chí tại Sài Gòn – thuộc vây cánh TTS – tung luôn một loạt tin như ĐLT bị tai nạn xe hơi, mà xe hơi này là “tặng phẩm” Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Thái Bình Dương, không khác gì món quà hối lộ.

Thế là ĐLT đang trở thành cái đe cho dư luận quai búa tạ.

Tức thì phe NTD nả đòn vào hai chị em Yến – Tâm. Tâm là Đặng Thành Tâm (ĐTT), từng được xếp hạng giàu nhất Việt Nam vào năm 2007 và giàu thứ ba Việt Nam trong các năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu. ĐTT cũng đắc cử đại biểu quốc hội cùng nhiệm kỳ với chị và được xem là người đã bỏ tiền ra hậu thuẫn cho TTS trong chiến dịch vận động làm tổng bí thư đảng.

Phe NTD đã tấn công liên tục ĐTT bằng các cuộc thanh tra mà hậu quả ban đầu là ông ta mất chức Chủ tịch Đại học Hùng Vương, một ngón đòn mang tính biểu tượng. Nhưng không thể trục ông Tâm, NTD không chỉ dựa vào lý lịch lấy chồng Việt kiều của bà Yến, mà là một anh Việt kiều lừa đảo, đang bị truy nã.

“Cò mồi”

Giữa năm 2011 xuất hiện “kiến nghị” của Đồng Sĩ Nguyện (không phải cựu Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và chưa chắc là tên thật), ký ngày 20.6.2011. Thư gởi lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và BCH Trung Ương Đảng, giọng điệu cực kỳ bảo thủ và cực kỳ lộ liễu, cho thấy đây là một kiến nghị viết theo lệnh của NTD:

Tôi thấy Quốc hội kỳ này có gần 40 đại biểu là doanh nghiệp, đó là một sự đổi mới cần thiết […]. Tôi thấy trường hợp hai chị em Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm là rất đáng chú ý. Yến thì có chồng Mỹ, sống ở Mỹ hơn nửa thời gian trong 10 năm gần đây, vậy cô ta đại biểu cho ai? Trước 10 năm nợ nần, lừa đảo phải bỏ chạy sang Mỹ mấy năm rồi trở về, liệu có phải là con bài của Mỹ? Còn Đặng Thành Tâm rất nổi tiếng được nhắc đến trong nhiều đơn thư trước đại hội là người dùng tiền chạy chức Tổng bí thư, Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng cho đồng chí Trương Tấn Sang.”

Tác giả lo ngại những “con bài của Mỹ” trong quốc hội nhưng lại không quan tâm đến những con bài của Trung Quốc. Tác giả lại cho rằng việc đả kích chính phủ trên diễn đàn Quốc hội là điều không thể chấp nhận và có chủ ý gây ra sự mất đòan kết trong Bộ Chính trị:

Vì sao vụ Vinashin không đưa ra trước đó 1-2 năm mà đưa vào dịp Đại hội Đảng? Vì sao trước đại hội có việc dồn dập tấn công phía Chính phủ? Đ/c Trương Tấn Sang, đ/c Nông Đức Mạnh có thâm ý gì? Ngày 10/7 Uỷ ban kiểm tra thống nhất một số nội dung về sai phạm của Vinashin để trình Bộ Chính trị. Bộ chính trị định 31/7 sẽ họp thì 13/7/2010 các báo đã đồng loạt đưa tin vụ Vinashin để gây áp lực. Ai làm việc này? Đ/c Trương Tấn Sang đã chỉ thị đ/c Hải (thư ký) gọi điện các tổng biên tập nói rõ “anh Tư Sang yêu cầu phải đăng”. Ngày 31/7/2010 Bộ Chính trị họp kết luận hoàn toàn khác với chỉ đạo Tư Sang cho đăng ở các báo. Hành động này đ/c có thấy là nội bộ đánh nhau không?”

Tác giả cho rằng các đại biểu quốc hội đả kích chính phủ là có sự dàn xếp của TTS: “Nước ta không có đa đảng, không có đối lập. Lên án Chính phủ cũng đồng nghĩa với lên án Đảng CSVN. Tôi biết việc các đại biểu: Cuông, Loan, Thuyết, Lịch tấn công ở nghị trường là có sự chỉ đạo của anh Trương Tấn Sang, đ/c có biết không?” và vạch tội:

Qua ba sự việc trên thấy rõ bản chất của Trương Tấn Sang. Thư của anh Lê Văn Lý (27/9/2010) còn nhắc lại những vụ việc về đạo đức, lập trường của Tư Sang như ép một giám đốc may mặc xuất khẩu Quận 3 (Nguyễn Thị Hồng) phải ngủ với mình, sau đó cung phụng cho anh ta, khi Hồng không chịu thì bỏ tù. […] Trương Tấn Sang là hạt nhân, là người chủ trì có sự mất đoàn kết trong Bộ Chính trị và tha hoá như vậy làm sao có thể ở trong Bộ Chính trị được. Đ/c Tổng bí thư nên xem xét và có biện pháp.”

Ngay sau “kiến nghị” này vài tuần, phe NTD mới sờ đến bà Yến,

Đại học Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến nằm ở Đức Hòa
(Long An) – quê của Trương Tấn Sang

Đánh chó cảnh cáo chủ

Cò mồi trong chiến dịch này là báo Người Cao tuổi (NCT) và Cựu chiến binh Việt Nam (CCB). Tháng Bảy năm 2011 hai tờ báo này cùng kiến nghị yêu cầu xem xét tư cách ĐBQH đối với bà Yến. Đáng chú ý là các lá thư chỉ để “thư đồng kính gửi UBTVQH, Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng”, hòan tòan không nhắc đến TTS.

Các bài báo đề cập đến yếu tố chính: bà Yến “không khai rõ từng là đảng viên và không khai về chồng là ông Jimmy Trần đang bị truy nã”.

Theo tố cáo này thì khi làm việc tại Quận 5 bà Yến là đảng viên chính thức, hiện còn nhiều đảng viên từng sinh họat chung làm chứng. Tuy nhiên, trong lý lịch ứng cử ĐBQH, ở mục ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam (nếu có), bà khai là “không”, ngày chính thức: để trống.

Trong cuộc sống riêng thì bà Yến đã mất chồng trong một tai nạn giao thông khi con gái đầu lòng mới được vài tuổi. Năm 2007, bà Yến kết hôn với một người Mỹ gốc Việt tên là Jimmy Trần. Sau một thời gian làm việc ở Việt Nam, tháng 9/2010, ông này bị truy tố vì có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Nhưng ông này đã cao bay xa chạy và ngày 27-9-2010, ông Jimmy Trần đang bị truy nã.

Tờ NCT ngày 5.8.2011 tố cáo:

Sự thật là bà Đặng Thị Hoàng Yến quê ở quận An Hải (Hải Phòng) lại khai quê quán là quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Năm 1998, để tham gia đấu thầu dự án lớn, bà Yến (thông qua lái xe vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh cắp tài liệu mật, nên ngày 2-3-1998 Cơ quan An ninh Bộ Công an tiến hành khởi tố bị can Đặng Thị Hoàng Yến với tội danh “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước…”) là có thật. Một vị lãnh đạo cấp cao đã chỉ đạo xử lí nghiêm nhưng có vị khác cản trở nên bà Yến “thoát hiểm”. Đầu những năm 2000, biết là ở trong nước khó thoát khỏi “lưới trời lồng lộng”, bà Yến trốn sang Mỹ là có thật! Bà Yến lấy chồng có tên là Jim – my Trần và chung sống tại một biệt thự sang trọng ở thành phố Hu- xtơn, gần dinh thự Cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ là có thật! (Có nhà báo đã từng dự tiệc ở đây). Sau nhiều năm ở Mỹ, năm 2007 vợ chồng bà Yến quay về Việt Nam làm ăn là có thật! Bà là Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo là có thật! Jim- my Trần lừa đảo, chiếm đoạt 210 tỉ đồng của Công ty CP và Phát triển Đô thị Việt Nam rồi trốn về Mỹ, có lệnh truy nã toàn quốc là có thật!.v.v…”

Ngày 18.4.2012 Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tổ chức phiên họp bất thường, với sự hiện diện bất thường của bà Tòng Thị Phóng, lúc đó là ủy viên Bộ Chính Trị và Phó Chủ tịch Quốc hội. Trong cuộc họp này 100% đại biểu đã “nhất trí tán thành” việc kiến nghị Quốc hội bãi nhiệm và Yến.

Thua keo đầu

Không có chọn lựa nào khác, sáng ngày 21.4.2019 bà Yến tố chức họp báo để thông báo việc bà đã gửi đơn tới Quốc hội “xin chấp nhận việc bãi nhiệm”. Tại đây bà đã khóc lóc “xin làm sáng tỏ” nhưng ẩn khuất do “bàn tay đen” nào đó gây ra:

 “Thông tin một chiều gần một năm qua khiến nhiều cử tri khắp cả nước hiểu không đúng sự việc. Cá nhân tôi thấy tiếc là vì tôi mà nhiều cơ quan, đồng chí, cử tri bị chất vấn. Việc phải xem xét bãi nhiệm tư cách của tôi là đúng, nhưng sẽ có người không tâm phục khẩu phục trong bối cảnh đất nước hội nhập như hiện nay. Tôi là một trong 3 thành viên được Chính phủ cử tham gia Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, do đó việc bãi miễn càng phải làm cho rõ…

Tôi cũng đã viết đơn trình bày, sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức, nhưng yêu cầu làm rõ 3 vấn đề.

Thứ nhất: Việc khai theo biểu mẫu không đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri khác xa với việc khai không trung thực;

Thứ hai: Đề nghị làm rõ nhiều đại biểu khác trong tình trạng hôn nhân như tôi có ai khai trong hồ sơ không;

Thứ ba: Từ tháng 11/2011 tôi đã có văn bản gửi Ban công tác đại biểu Quốc hội, phản ánh bản lý lịch của tôi đã bị sửa đổi, tẩy xóa viết thêm bằng tay. Tôi đã yêu cầu làm rõ nhưng đến nay chưa nhận được trả lời.”

Bà Yến còn tố cáo rằng hồ sơ của bà tại Quốc hội đã bị ai đó “tẩy xóa, chỉnh sửa”:

“Bản lý lịch đã bị sửa đổi ở phần khai hôn nhân. Tôi khai không có chồng; không hiểu lý do vì sao bị cạo sửa và thay vào bằng thông tin người chồng đã mất. Việc khai tên người chồng đã mất của tôi thì không có gì sai bởi dù sao anh ấy cũng là chồng tôi và là cha của 2 con tôi. Nhưng vấn đề là tại sao người ta tẩy xóa rồi buộc tội tôi làm hồ sơ lem nhem?”

Xem như trong cuộc đua quyền lực này TTS đã bị thua và NTD đã thành công. Khi đánh bà Yến để đe nẹt những đàn em khác của TTS hay ủy viên trung ương còn lưng chừng, NTD đã giữ thế thắng trong Hội nghị Trung ương đảng 6, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 16.10.2012, khiến Nguyễn Phú Trọng nhỏ nước mắt khóc khi gặp cử tri Hà Nội, còn TTS thì phải nói tránh là “Đồng chí X” khi gặp cử tri Sài Gòn.

Nhưng rồi bốn năm sau đó thì NTD thất thế để rồi bây giờ trở thành một con cọp bị tước hết nanh vuốt và bị giam lỏng, nhìn cái thòng lọng lơ lửng trên đầu mình và đầu con gái mình.

Có thể nói, toàn bộ những “đại án kinh tế” bị phanh phui trong thời gian qua đều có hình mũi tên nhắm đến NTD và cô con gái Thanh Phượng. Trong khi đó thì những tay chân thân tín nhất đều đã sa cơ. Trầm Bê đang ngồi tù. Trần Bắc Hà đã chết trong tù. Còn Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cũng đang ngồi tù chờ ngay ra tòa “hưởng lượng khoan hồng” vì đã “thành khẩn khai báo”.

Đám tay chân cũ này càng “thành khẩn” bao nhiêu, NTD càng run sợ bấy nhiêu. Xem ra con đường sống duy nhất của y là trốn ra nước ngoài.

Tuy nhiên NTD lại bị kẻ cựu thù – trong tư cách là công dân Mỹ mang tên Maya Dangelas – kiện ra tòa trọng tài quốc tế, đòi bồi thường 2.5 tỷ Mỹ kim.

Bày keo mới

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao bà Yến không kiện chính phủ Việt Nam mà kiện cá nhân ông cựu thủ tướng?

Thông cáo báo chí của Văn phòng luật sư đảm trách vụ kiện nêu rõ:

”Bằng cách đưa ông Dũng ra trước Tòa Trọng tài, Chính phủ Việt Nam nhất thiết phải là một bên của vụ kiện này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Nguyên đơn không tìm cách thu hồi thiệt hại từ Chính phủ Việt Nam, mà với sự hợp tác của Chính phủ, chỉ đòi bồi thường từ ông Dũng vì những hành động sai trái của ông khi còn làm Thủ tướng Việt Nam. ”Những thiệt hại mà Nguyên đơn phải gánh chịu trực tiếp từ hành động của ông Dũng, cả như một quan chức, và như một cá nhân, bao gồm cả vai trò đại diện cho nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng như các vi phạm của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự chỉ đạo, giám sát và kiểm soát Dự án của ông Dũng, và ông phải chịu trách nhiệm về các biện pháp bảo vệ đầu tư được cấp cho Nguyên đơn.”

Về mặt tài chính thì nếu kiện chính phủ VN thì bà Yếu mới có cơ hội thu hồi thiệt hại tài chính một khi thắng kiện theo kiểu trên. Tại sao bà không theo con đường này?

Như trong vụ luật Ý kiện Vietnam Airlines hay “vua chả giò” Hà Lan kiện chính phủ VN, Toà Trọng tài có thể ra lệnh giam máy bay của Việt Nam hay phong tỏa bất cứ tài sản nào của chính phủ Việt Nam ở nước ngoài, do đó chính phủ VN không có chọn lựa nào khác là phải thi hành phán quyết của tòa.

Thứ nhất, có vẻ như bà Yến muốn giữ một cái “hậu”.

 Công ty Tân Tạo của bà vẫn hiện diện tại Việt Nam và bà vẫn muốn giữ đường làm ăn tại đây, hoàn toàn không muốn làm mếch lòng đảng Cộng sản.

Thứ hai, nhìn sâu hơn, có thể vụ kiện này có sự bật đèn xanh hay là sự liên thủ của phe cầm quyền tại VN, muốn dồn NTD vào đường cùng, không nơi ẩn nấp.

Rất có thể những lời “khai báo thành khẩn” từ tay chân của NTD trong suốt thời gian qua đã giúp phe cánh Nguyễn Phú Trọng hình dung được đường đi của những khoản tiền tham nhũng và hối lộ khổng lồ, nằm đâu đó trong các tài khoản bí mật tại nước ngoài? Một vụ kiện như thế, với sự hợp tác của chính phủ VN, sẽ dễ dàng giúp tòa phanh phui ra những bí mật này.

Trong vụ này thì Nguyễn Tấn Dũng đã phạm ba tội: tội làm Nguyễn Phú Trọng khóc, làm bà Yến khóc, và làm Trương Tấn Sang không thể mở miệng nói tên đồng chí của mình, chỉ có thể dùng từ X.

Rất có thể điểm chung này đã làm họ “cùng nhau nhìn một hướng” hướng là bắt Dũng phải trả, phản đền đến đồng đô la cuối cùng mà hắn đã ăn cắp, đã biển thủ!

Lê Trọng Hiệp

Related posts