Vài suy nghĩ về tình hình báo Việt Luận và báo chí ở Úc

   Phùng Nhân                                                                                                            

Mấy tuần nay, tuần nào bà con mình cũng xôn xao về tình hình bịnh dịch. Một cơn bịnh dịch nầy cũng có thể xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, do sự rò rỉ của lò nuôi vi sinh học vi trùng bất cẩn bị nó chui ra, hay cơn bịnh do thời khí của Đất – Trời đã xảy ra giống như năm 1918 làm cả thế giới chết trên năm chục triệu mạng người.

Kỳ bịnh dịch lần nầy đã xảy ra đúng chu kỳ là 102 năm, xuất phát từ nơi thành phố Vũ Hán Hồ Bắc. Một chỗ thiết lập nhà máy công kỷ nghệ thuộc vào bậc nhứt trên thế giới hiện giờ, nên người ta nghi ngờ con Viruscorona ngày hôm nay, nó có họ hàng với con Sars hồi lúc trước. Đó là những cái tin bên lề thời sự hiện giờ , hãy để đó rồi chờ đối phó sau…

Nhân loại ngày hôm nay đã tiến bộ về mọi mặt, nên đã có nhiều biện pháp phòng chóng bịnh hữu hiệu được đề ra. Tuy nhiên bên cạnh đó, còn tâm lý của con người rất là phức tạp. Lo sợ viễn vông, không thực tế. Người Á Châu tóc đen thì đã có căn bịnh đó tự ngàn đời. Ngày hôm nay nhìn thấy những sắc tộc khác, da trắng mắt xanh, mũi lõ họ còn tệ hơn nữa. Hò giành giựt mua mấy cuộn giấy Tissue rồi đánh lộn. Hàng hóa trong siêu thị thì trống trơn, khiến cho giá cả mỗi ngày cứ đẩy lên cao không thể tính được.

Trước hoàn cảnh hãi hùng của cơn bịnh dịch, có ông họa sĩ báo New York Times bên Mỹ. Ổng vẽ bức hình biếm họa có một ông mũi lõ, giành giựt mua được một cuộn giấy Toilet Tissue, rồi đem về bỏ vô tủ khóa lại bằng mã số cho chắc ăn. Khi nào mắc đi cầu, ông ta trịnh trọng mở ra rồi rứt đi một chút. Xong khóa lại với tâm trạng của một người sảng khoái. Đó là một bức họa hài hước có một không hai, nhưng cũng rất đúng với tâm lý của con người đang sợ hãi hiện giờ…

Cũng trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế đó. Trong đó có cộng động Việt Nam đang sanh sống tại nước Úc hiện giờ. Không phải chỉ có những việc mưu sinh bằng sức lực không mà đủ, mà nó còn đòi hỏi phải phát triển về mặt văn hóa để hội nhập xứ người. Đứng trung gian của sự phát triển văn hóa đó là báo chí, trong đó có tờ báo Việt Luận ở Sydney đã ra đời cho đến nay đã hơn 40 năm. Nhưng hôm nay nó đang bị ảnh hưởng đến nền kinh tế suy thoái toàn cầu rất là trầm trọng, đang sống thoi thóp từng ngày. Vậy thì chúng ta phải làm sao? Để cứu chữa nó…

Sáng thức dậy theo thói quen. Tôi mở phone lên nghe tin tức. Sau đó đi rảo một vòng rồi ghé qua sạp báo. Cầm tờ Việt Luận trên tay, điểm qua các tin trên trang bìa, sau đó lần vào trang bên trong để đọc tiếp.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi? Nghề làm báo có giàu không ta! Tờ Làng Văn của ông bà Nguyễn Hữu Nghĩa bên Canada đã một thời lẫy lừng trong báo giới, bây giờ lại tự đình bản gần 10 năm qua, không biết đến khi nào mới tái bản. Riêng tờ tuần báo của bà Hoàng Dược Thảo mới xuất bản hơn 1 năm tại Hoa Kỳ (Saigon Weekly) bài vở cũng ngon lành. Tôi ủng hộ bằng tất cả tâm huyết của một nhà văn, rồi đùng một cái chết ngộp không kèn không trống. Liệu rồi đây trên Nghỉa Trang báo chí của cộng động người Việt mình trên khắp năm châu. Còn tờ báo nào tiếp tục nằm xuống nữa không, đó là một câu hỏi vô hình làm cho tôi xốn xang tấc dạ. Ngày tờ Làng Văn đóng cửa, tôi có viết bài Ai Điếu trong số cuối cùng. Ngày đó cho đến nay, mỗi lần tôi cầm tờ Việt Luận trên tay, tôi đều có cảm giác là mình đang phải đối diện với một nỗi buồn thầm kín. Không biết tôi có mắc nợ tiền kiếp với tờ Việt Luận nầy không, mà từ thời chủ bút Gia Du, rồi ông Đào Dũng. Cho tới sau nầy qua nhiều thế hệ, tôi cũng vẫn không rời tờ báo nầy. Nhứt là nhà báo Trần Châu (nhà văn), Đả Cẩu Bỗng ( Nguyễn Minh Triền), Lưu Dân (lựu đạn) Nam Man (một nhà thơ trào phúng), nhà thơ – nhạc sĩ Phạm Quang Ngọc, nhà thơ Chim Hải & Thái Sơn, nhà văn Phạm Miên Tưởng, Lê Điền Sông Ba …

Ngày hôm nay Phạm Hoài Nam là chủ nhiệm. Tôi theo dõi âm thầm từng bước đi của người chủ báo trẻ tuổi nầy. Rất khá, chịu học hỏi, có óc cầu tiến. Nhưng không gặp thời, bị màn lưới thông tin điện tử bao vây. Nên sự điều hành cũng gặp gian nan, điều nầy không riêng gì tôi, mà mọi người đều nhìn thấy. Tôi hy vọng mọi người cũng như tôi. Vì cái nôi văn hóa của cộng đồng, hãy chung tay đùm bộc bằng cách nầy, hoặc cách khác. Nói theo tin tức thời sự hiện nay, nếu chúng ta bị vỡ trận, thì mọi thứ sẽ không còn. . .

Tới chừng đó trong cộng đồng của chúng ta sẽ không còn chỗ phát ngôn, không còn chỗ để đăng Thông Cáo. Tất cả Hội Đoàn khi có nhu cầu Hội Họp rồi phải làm sao. Chừng đó Nghị Quyết 36 của nhà cầm quyền cộng sản VN hiện nay sẽ ung dung hoạt động, như chốn không người. Vì chúng ta không còn đủ phương tiện để cất lên tiếng nói chung. Con cháu của chúng ta cũng không biết rõ căn cước của cha ông mình khi đi tỵ nạn chánh trị rồi định cư ở cái xứ nầy.

Vậy thì chúng ta phải làm gì? Theo tôi thì chúng ta nên ủng hộ. Hằng tuần chúng ta đọc báo. Trong quan hệ xã hội như : tang gia, hôn lễ, hĩ sự. Buôn bán quảng cáo làm ăn. Chúng ta nên quảng cáo trên các tờ báo Việt Ngữ tại Úc Châu hiện giờ. Có làm được một điều nhỏ đó, thì chúng ta mới góp một bàn tay vào để cứu cái nạn báo giấy đang nằm kề bên bờ vực phá sản hiện nay.

Tôi cũng biết. Ở Úc châu nầy cũng còn nhiều tờ báo khác, không riêng gì tờ Việt Luận. Nhưng tôi đề cập đến tờ Việt Luận, là vì lá thơ Tòa Soạn của báo Việt Luận đã cho đăng hôm thứ sáu tuần rồi. Trong đó đã báo động một cuộc khủng hoảng dây chuyền, do tình trạng dịch Covid 19 gây ra, nên ông Phạm Hoài Nam đứng tên chủ nhiệm. Ông phải làm sao? Đó là một lý do mà tôi phải viết lá thơ nầy. Hy vọng rồi đây sẽ có nhiều người hưởng ứng. Anh em mình. Bà con mình. Hãy viết vài hàng về sự suy nghĩ của mình về nền báo chí hiện nay gởi về đăng trong Mục Ý Kiến Đọc Giả, để cho ông Phạm Hoài Nam chủ bút nhìn lại vấn đề nầy để mà quyết định. Vì bên Phạm Hoài Nam sẽ có chúng ta. Đó là một điều thiết yếu. Với tư cách của một nhà văn, một người cộng tác lâu năm với tờ Việt Luận. Tôi xin thành thực kêu gọi mọi người . /-

                                                                                                Phùng Nhân

Related posts