TRUYỀN THÔNG Ở TRUNG QUỐC

Các cuộc biểu tình kinh khủng chưa từng có của người Hong Kong gần đây làm kinh động cả thế giới. Tiếp đó sự lên tiếng ủng hộ của Đài Loan, đã làm cho mọi người khắp nơi thấy rằng Trung Quốc đang phải đối diện với những mối khủng hoảng lớn trong tương lai. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc ở đại lục lại chẳng biết một tí gì cả!

Trong cái thế kỷ của truyền thông internet này, thật không thể hình dung có hơn 1 tỷ người lại chẳng biết một tý gì về những diễn biễn các nơi trên thế giới, đặc biệt là hơn 1 tỷ người này lại chẳng biết chút gì về những diễn biến kinh thiên động địa đang diễn ra ngay trên đất nước của chính họ. Đó chính là thảm trạng hiện nay của hơn 1 tỷ người Trung Quốc, hoàn toàn đui mù trước những cuộc biểu tình gần đây của người Hong Kong chống lại dự luật dẫn độ.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã biến quốc gia của họ thành một phòng cách âm, một thế giới gần như biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài về mặt truyền thông. Nhiều người tự hỏi phải chăng ở Trung Quốc không có internet?

Có chứ. Trung Quốc vẫn có mạng internet. Nhưng mạng internet tại Trung Quốc do đảng cộng sản kiểm soát là một loại mạng internet địa phương, hoàn toàn không được nối với mạng internet toàn cầu. Chính quyền Trung Quốc ngăn chặn người dùng trong nước sử dụng nhiều phần mềm và các trang web mà người dùng tại Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới đang sử dụng hàng ngày.

Google tuyên bố dừng cung cấp hệ điều hành Android cho Huawei, việc này sẽ ảnh hưởng đến sức hút của điện thoại Huawei ở các nơi trên thế giới, nhưng đối với những người dùng điện thoại Trung Quốc không ra nước ngoài mà nói thì điều này không ảnh hưởng gì quá lớn, bởi vì Google tại Trung Quốc đã bị cấm từ lâu.

Người Trung Quốc không bao giờ được dùng Google, Facebook, Twitter…mà cả thế giới đang dùng. Thậm chí người dân Việt Nam vẫn đang còn được dùng những mạng xã hội nói trên và mạng internet toàn cầu không bị hạn chế gì cả.

Thậm chí với mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc là WeChat, cũng bị chế độ kiểm soát gắt gao. Hiện nay muốn vào mạng WeChat người dùng có khi phải trình hộ chiếu trên mạng giống như khi du khách đi qua cổng hải quan để vào một nước khác vậy.

Thêm vào đó, hiện nay Trung Quốc đâu đâu cũng có camera, và sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Sau khi có quy định về xác minh danh tính, chính phủ Trung Quốc giám sát nhiều hơn các thông tin cá nhân quan trọng. Mạng WeChat có thể được mọi người ở các nước khác sử dụng. Tuy nhiên khi sử dụng họ đều bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát.

Trong cộng đồng người Hoa tại các nước, rất nhiều người sử dụng WeChat. Mặc dù tại Mỹ hay Úc, mọi người có thể tự do sử dụng bất cứ công cụ liên lạc nào để liên lạc, nhưng do các công cụ truyền thông như Messenger và Facebook không thể sử dụng tại Trung Quốc, do đó khi những người Hoa tại Mỹ hay Úc muốn liên lạc với bạn bè và người nhà tại Trung Quốc thì họ phải sử dụng công cụ vừa liên lạc được ở nước ngoài lại vừa liên lạc được với người ở trong nước Trung Quốc, và như WeChat là lựa chọn lý tưởng của họ.

Đây là phương thức mà người Hoa ở nước ngoài dùng để nói chuyện với tất cả bạn bè và người thân tại Trung Quốc. Ở Trung Quốc, những mạng WeChat hiển nhiên là bị kiểm duyệt, điều này ai cũng biết. Một điều rõ ràng và thường thấy đó là, khi bạn đăng thông tin gì đó, 10 phút sau nó sẽ biến mất, nếu thông tin đó là thông tin mà chính quyền cho là nhạy cảm. Hoặc bạn có thể thử đăng một vài thông tin, bạn có thể sẽ không thể nào đăng được. Trong đại đa số trường hợp, người Trung Quốc ở đại lục ý thức rằng họ không nên đùa với chính quyền cho nên họ ít dám khi cố tình đăng các thông tin nhạy cảm.

WeChat sẽ căn cứ vào vị trí đăng ký tài khoản của người dùng, để tiến hành kiểm duyệt nội dung trò chuyện theo vị trí khác nhau. Theo tin tức được biết, tài khoản WeChat của người dùng tại Trung Quốc sẽ bị kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn so với người dùng bên ngoài Trung Quốc, dù cho sau này người dùng đổi số điện thoại nước ngoài khác, thì vẫn sẽ bị kiểm duyệt như trước, giống như họ vẫn còn ở Trung Quốc.

Nếu người dùng WeChat tại Mỹ hay Úc gửi một thông tin nhạy cảm đến một nhóm tài khoản Trung Quốc, thì người dùng Trung Quốc sẽ không nhận được những thông tin đó. Tất cả những bài viết được lọc đều sẽ bị WeChat xoá bỏ triệt để, do đó, dù tài là khoản tại Mỹ thì những người ở Trung Quốc không bao giờ đọc được gì cả.”

Thông tin tự do trong thế giới tự do giúp mọi người hiểu đầy đủ thông tin và đưa ra phán xét độc lập của riêng họ. Nhưng ở Trung Quốc, thông tin bị kiểm duyệt và chế độ quyết định người dân trong nước được đọc cái gì, được nghe cái gì và được nói cái gì.

Cũng như ở Việt Nam, ở Trung Quốc, phần lớn tin tức đều là tin tức quốc gia do truyền thông nhà nước đưa ra. Tất cả đều rất giống nhau, những gì bạn đọc được trên 100 tờ báo khác nhau đều cùng xuất phát từ một bản tin chính thức của chế độ đưa xuống. Người ta nói tại Trung Quốc, xem tin tức trên truyền hình, nó sẽ luôn là 20 phút người ta đọc những tin tốt ở Trung Quốc và 10 phút người ta nói đến thông tin xấu ở các nơi trên thế giới.

Việc định hướng dư luận tại Trung Quốc hay đến mức người Trung Quốc ai cũng tin rằng tại Trung Quốc người dân sống bình an còn tại các nước nhu Mỹ, Úc…..thì toàn trộm cướp và bắn giết.

Trong xã hội hiện nay, không ai có thể phủ nhận được sức ảnh hưởng to lớn của truyền thông. Dù là trong một cộng đồng, một dân tộc, hay đến một quốc gia hay trên phạm vi toàn cầu, mọi hoạt động của con người vẫn luôn do truyền thông dẫn dắt.

Từ báo chí, tạp chí, đến phát thanh, điện ảnh, truyền hình, truyền thông mạng, truyền thông xã hội, truyền thông cá nhân v.v.. hiệu quả quảng bá thông tin không ngừng tăng cường về cả thị giác và thính giác, sức ảnh hưởng với đại chúng cũng ngày càng lớn hơn.

Người ta dựa vào truyền thông để có được tin tức mới nhất, các phân tích đa chiều, hay các dự báo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội mới nhất. Có thể nói rằng, trong biển tin tức, truyền thông chính là con mắt, đôi tai và thậm chí là bộ não của đại chúng. Truyền thông ảnh hưởng đến việc người ta có thể xem được những tin tức gì, giải mã tin tức ra sao, sau đó sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ, quyết định và hành động của họ.

Truyền thông có thể bảo vệ cho giá trị phổ quát chân thiện mỹ và truyền thông cũng có thể là công cụ trợ giúp truyền bá, cổ súy những điều xấu ác. Về cơ bản, truyền thông là công cụ của xã hội, có trách nhiệm trình bày lại một cách công min, chuẩn xác và kịp thời những sự thực và tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, ủng hộ chính nghĩa, phê phán cái ác, biểu dương cái thiện. Sứ mệnh cao cả này của truyền thông đứng trên cả tư lợi cá nhân, công ty và đảng phái.

Người sáng lập giải Pulitzer – Joseph Pulitzer từng nói: “Nền cộng hoà của chúng ta và nền báo chí truyền thông cùng suy hay cùng thịnh. Truyền thông nếu vô tư, lấy tinh thần công chúng làm chuẩn mực, sở hữu những trí thức thông thái, vừa có tuệ nhãn để phân biệt rõ đúng sai, vừa có dũng khí để chọn con đường lương thiện để đi, truyền thông như vậy có thể giữ gìn đạo đức xã hội mà chính phủ dựa vào để hoạt động. Không có đạo đức công chúng ấy, bất cứ chính phủ nào chẳng qua cũng chỉ là lừa gạt và trò cười. Truyền thông mà cay độc, bị mua chuộc, mê hoặc nhân tâm, chỉ chạy theo lợi, và bị kích động sẽ dễ bị nghi hoặc. Lực lượng vun đắp nền cộng hoà và tương lai đất nước, chính ở trong tay những người làm truyền thông.”

Hai từ Fake News (tin giả) đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Trách nhiệm truyền bá sự thật, bảo vệ đạo đức lương tri của truyền thông đã và đang đi lệch hướng, đạc biệt tại những quốc gia độc tài cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc coi truyền thông như công cụ tuyên truyền và định hướng dư luận của đảng và chính phủ. ĐCSTQ khi mới thành lập đã nêu cao khẩu hiệu: “Súng – ngòi bút, đoạt lấy chính quyền, củng cố chính quyền chính là nhờ vào hai cái này.” Truyền thông tuyên truyền cũng như súng vậy, là công cụ quan trọng để ĐCSTQ cướp quyền thống trị. Ngay từ thời kỳ ở Diên An, bí thư của Mao Trạch Đông là Hồ Kiều Mộc đã nêu ra nguyên tắc “đảng tính ở vị trí thứ nhất“, rằng báo đảng “trong mọi trang báo, mỗi một bài xã luận, mỗi một thông báo, mỗi một tin tức, phải đều có thể quán triệt quan điểm của đảng”

Đảng CSTQ sau khi thành lập chính quyền đã khống chế nghiêm ngặt tất cả các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, tạp chí, và cả sau này là internet, coi đó như một công cụ tuyên truyền ý thức hệ cộng sản của mình, đả kích những ý kiến trái chiều, hăm dọa đại chúng, bẻ cong sự thật.

Tại Trung Quốc, người dân không thể sử dụng các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter hay Google mà chỉ biết đến các kênh “Made in China”. Hệ thống tường lửa Great Fire Wall khổng lồ còn được thiết lập nhằm ngăn chặn người dân truy cập những trang web mà chính quyền không cho phép.

Trong lịch sử của ĐCSTQ từ khi cầm quyền, mỗi lần vận động chính trị, đều là dư luận đi trước, dùng dối trá kích động thù hận, rồi phối hợp với bạo lực, tàn sát. Cứ như thế, truyền thông trở thành bộ phận quan trọng trong cỗ máy giết người. Ví như trong thời kỳ “Lục Tứ” năm 1989, ĐCSTQ tuyên bố sinh viên là “côn đồ gây bạo loạn”, từ đó nghiễm nhiên dùng quân đội đi “dẹp bạo loạn”. Thế nhưng ngay sau cuộc thảm sát “Lục Tứ”, chính quyền lại tuyên bố “Quân đội chưa từng nổ súng vào bất kỳ ai. Không có ai chết trên quảng trường Thiên Môn cả.”

Khi đàn áp Pháp Luân Công, chế độ đã bào chế ra cái gọi là “Tự thiêu ở Thiên An Môn” để vu oan giá hoạ cho Pháp Luân Công là tà giáo, khơi dậy thù hận trên toàn quốc. ĐCSTQ vô cùng coi trọng công tác tuyên truyền, xây dựng nên đội ngũ công tác tuyên truyền khổng lồ. Tính đến cuối năm 2010, trên toàn Trung Quốc, số nhân viên biên chế công tác trong hệ thống văn hoá tuyên truyền có hơn 1.3 triệu người. Con số này chưa tính đến lực lượng những người phụ trách giám sát và khống chế dư luận trên mạng gồm công an mạng, dư luận viên v.v.. tham gia công tác tuyên truyền.

Ls Lê Đức Minh

Related posts