Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Trăn Trở trong Chuyến Đi “Nửa Chặng Đường”

Trong Hồi Ký Phóng Viên Chiến Trường, ký giả Dương Phục kể lại cuộc họp báo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại căn cứ Khe Sanh khi cuộc Hành Quân Hạ Lào, còn được gọi là Lam Sơn 719, vừa chấm dứt.

Mục tiêu nguyên thủy của chiến dịch nầy (kéo dài từ ngày 08 tháng 2 đến 25 tháng 3 năm 1971) là để phá vỡ hệ thống tiếp vận của quân đội cộng sản Bắc Việt và cắt đứt Đường Mòn Hồ Chí Minh tại Tchepone. Tchepone là thị trấn chiến lược Hạ Lào trên Đường Số 9 nối liền với Khe Sanh, Trung Phần Việt Nam. Tuy mục tiêu quân sự không đạt được, nhưng cuộc hành quân đã đem lại một chiến thắng chính trị là Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiếm được Tchepone theo kế hoạch “đánh và rút’. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhấn mạnh đến góc cạnh nầy, vì Lam Sơn 719 còn được coi là cơ hội đánh giá khả năng tác chiến của QLVNCH hai năm sau khi chương trình Việt-Nam-hoá được tuyên bố bắt đầu.

Đó là trong bối cảnh và thời điểm mà Báo Diều Hâu tại Sài Gòn đăng tải nhận định của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, theo đó Việt Nam hóa chiến tranh chỉ là kế hoạch để che đậy việc quân đội Mỹ [sẽ] rút quân và bỏ rơi Miền Nam Việt Nam. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời câu hỏi của Dương Phục như sau về phát biểu của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương: “Việt Nam hoá là kế hoạch được chuẩn bị thận trọng, cuộc chiến Việt Nam đến lúc phải tới giai đoạn này. Ông nói nước Mỹ có vấn đề nội bộ của họ, Quốc Hội Mỹ áp lực chấm dứt chiến tranh, phong trào phản chiến tràn lan, nhưng quân đội Mỹ không tháo chạy, không bỏ rơi mà chỉ trao trách nhiệm lại cho quân lực VNCH. TT Thiệu khẳng định VNCH đủ sức mạnh để tự chiến đấu. Ông xác nhận lòng tin tưởng vào cam kết của Mỹ đã hứa sẽ tiếp tục quân viện giúp Việt Nam cho đến chiến thắng cuối cùng”. (Nguồn: Dương Phục & Vũ Thanh Thủy, Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, Saigon-Houston Publishers, Houston, USA, tái bản lần thứ Ba 2018 trang 175-178).

Tất nhiên, Ông Nguyễn Văn Thiệu, trong tư cách Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh QLVNCH, không thể nói gì khác hơn, đặc biệt là khi ông trả lời báo chí tại mặt trận bên cạnh Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch Hành Quân Lam Sơn 917. Ông không thể công khai đồng ý với Cụ Trần Văn Hương, vì lý do ông phải bảo vệ tinh thần chiến đấu của quân đội tại mặt trận và đồng thời duy trì ổn định chính trị tại Sài Gòn.

Điều rất đáng tiếc là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (sanh ngày 05.04.1923 tại Phan Rang và mất ngày 29.09.2001 tại Boston, Hoa Kỳ) đã không để lại hồi ký. Cựu Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh của Ông Thiệu, cũng không hoặc chưa viết hồi ký trong khi nhiều tướng lãnh khác đã viết hồi ký, nhưng hầu như ít khi thảo luận cặn kẽ về Hội Nghị Thượng Đỉnh Việt-Mỹ tại Đảo Midway hồi tháng 6 năm 1969.

Trong tư cách cá nhân, ngoài những tin tức đã được phổ biến, tôi không biết gì về cuộc đời binh nghiệp của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và không biết nhiều về cuộc đời chính trị của đệ nhị Tổng Thống VNCH. Tuy nhiên, qua những lần mà tôi có dịp tiếp xúc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với Ông Nguyễn Văn Thiệu, tôi rất cảm phục ông và tin rằng nỗ lực và thành quả của ông chưa được đánh giá xứng đáng.

Hội Nghị Thượng Đỉnh Tổng Thống Việt-Mỹ tại Đảo Midway

Tôi quả thật không có “duyên” với Chuẩn Tướng Bùi Đình Đạm, Giám Đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng, khi tôi nhận được học bổng nước ngoài nhưng ông không cho tôi xuất ngoại vì tôi còn trong tuổi quân dịch. Hồi năm 1969 Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm cũng đã gọi tôi trở về nước để nhập ngũ theo Lệnh Tổng Động Viên sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản, trong khi tôi chỉ mới phục vụ được 3 năm trong nhiệm kỳ 4 năm tại Đại Sứ Quán Việt Nam ở London, Vương Quốc Anh.

Thế nhưng, nhìn lại những diễn tiến trong năm 1969 đối với tôi, thì lệnh gọi hồi hương cũng có thể được coi là một cơ duyên.

Một tuần sau khi trở về Sài Gòn, và chưa kịp trình diện nhập ngũ, tôi được chỉ định thông dịch cho Ngoại trưởng Trần Chánh Thành trong một cuộc họp báo quốc tế tại Bộ Ngoại Giao. Trước đó, tôi chỉ biết Ông Trần Chánh Thành qua thanh danh nhưng chưa bao giờ gặp mặt hoặc có liên lạc gì. Sau cuộc họp báo nầy, Ngoại trưởng Trần Chánh Thành đề nghị với Phủ Tổng Thống để tôi tham gia vào phái đoàn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tổng Thống Việt-Mỹ trên Đảo Midway. Tôi làm nhiệm vụ thành viên liên lạc giữa phải đoàn Tổng Thống tại Đảo Midway và Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống tại Sài Gòn, Đại Tá Võ Văn Cầm.

Phái Đoàn Tổng Thống VNCH, ngoài Ngoại trưởng Trần Chánh Thành, còn có Trung Tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh của tổng thống, và từ Washington DC, Đại Sứ Bùi Diễm. Ngược lại, Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker từ Sài Gòn cũng có mặt trong phái đoàn Tổng Thống Nixon.

Chuyên cơ Air Việt Nam được trang hoàng với quốc kỳ nền Vàng 3 Sọc Đỏ rực rỡ, đã rời Phi Cảng Quốc Tế Tân Sơn Nhứt rất sớm vào sáng ngày 09.06.1969 để đưa phái đoàn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến Đảo Midway.

Đảo Midway, căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ, nằm ở phía Đông của Đường Phân Ngày (International Date Line) nên lúc bấy giờ tại địa phương hãy còn là ngày 08.06.1969. Nhìn từ trên cao, Đảo Midway tuyệt đẹp vào buổi sáng một ngày nắng ấm.

Sau khi chuyên cơ Air Việt Nam hạ cánh, Tổng Thống Richard Nixon đã có mặt và trang trọng tiếp đón Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó, hai nhà lãnh đạo bắt đầu phiên họp, có lúc với sự hiện diện của các phụ tá, nhiều lúc hợp riêng mặt-đối-mặt. Theo chương trình dự định, đàm phán dự trù chấm dứt sau giờ ăn trưa. Thế nhưng chúng tôi vẫn chờ đợi. Giờ ăn trưa đã qua từ lâu, nhưng chưa có dấu hiệu gì hai bên đã đạt đồng thuận. Mãi đến chiều, khi tôi nhận được bản thông cáo chung để chuyển về Sài Gòn, tôi mới hiểu lý do tại sao. Văn bản này có khá nhiều chỗ trống tẩy xoá, có một số chữ được đánh máy chồng lên mực trắng – là kỹ thuật được sử dụng lúc bấy giờ.

Tổng Thống Nixon áp buộc Tổng Thống Thiệu chấp nhận kế hoạch Việt Nam hóa với thời biểu rút quân cao hơn và nhanh hơn. Có thể Tổng Thống Thiệu không chống đối khái niệm Việt Nam hóa nhưng ông không hài lòng với nhóm chữ nầy của Nixon (Nixon’s misnomer), vì nó ám chỉ QLVNCH thụ động trong khi QLVNCH đã chiến đấu một mình trước khi quân lực đồng minh đến tham chiến từ các quốc gia thân hữu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, vào năm 1965.

Tôi tin rằng Tổng Thống Thiệu đã phải thuyết phục Tổng Thống Nixon thực hiện chương trình rút quân đồng nhịp với sự gia tăng quân số và tiến trình huấn luyện QLVNCH, nhất là cam kết của Mỹ tiếp tục viện trợ tài chánh và thiết bị quân sự để VNCH có thể đối phó với áp lực và đe dọa mỗi ngày một gia tăng không những từ cộng sản Bắc Việt mà còn từ cả khối Cộng sản Liên Xô và Trung Cộng. Sài Gòn đã biết rõ nguy cơ nầy và Washington không thể không biết rõ hơn.

Ngày nay, nhiều bằng chứng rò rĩ xác nhận là Bắc Việt đã không thể kéo dài cuộc xâm lược nếu Hà Nội đã không nhận được yểm trợ ồ ạt và liên tục về mặt võ khí đạn dược, tài chánh, cố vấn và cả những đơn vị chiến đấu đến từ Moscow, Đông Âu, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Tuy không trọn vẹn, nhưng Tổng Thống Nixon đã đạt mục đích giải kết được gói ghém trong mỹ từ “Peace in Honor” (Hoà Bình trong Danh Dự) mà ông hệ thống hóa thành chủ thuyết Nixon gồm 3 thành phần thân hữu và được công bố tại Guam ngày 25.07.1969. VNCH thuộc nhóm thứ 3 tức một quốc gia mà Hoa Kỳ không bị ràng buộc bởi một Hiệp Ước Đồng Minh và không bị đe doạ tấn công nguyên tử, nên Hoa Kỳ chỉ trợ giúp khi quốc gia ấy tự lực cánh sinh và chính mình phải gánh vác cuộc chiến để tồn tại.

Về mặt chính trị, Tổng Thống Thiệu trở về Sài Gòn và phải tuyên bố Hội Nghị Thượng Đỉnh Midway là một thắng lợi.

Ngoại trưởng Trần Chánh Thành và tôi không trở về Sài Gòn cùng với phái đoàn VNCH. Midway không có dịch vụ hàng không thương mại mà chúng tôi cần có mặt tại Tokyo ngày hôm sau, nên chúng tôi đã nhận lời mời của Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker và trở thành “hành khách” trong chuyến bay đêm của phi cơ riêng dành cho Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam. Chuyên cơ nầy đáp xuống một phi trường quân sự gần Tokyo sáng sớm ngày 10 tháng 6 và chúng tôi được Đại sứ VNCH Vĩnh Thọ đón tiếp. Chương trình làm việc tại Tokyo chưa bắt đầu thì Ngoại trưởng Trần Chánh Thành phải đối phó với một biến chuyển chính trị mới: Sau 3 ngày gọi là Đại Hội tại Khu Rừng Tà Nốt, Tỉnh Tây Ninh, cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam được thành lập và công bố cuộc họp báo đầu tiên vào ngày 10.06.1969 để củng cố thể đứng chính trị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (do chế độ Hà Nội dựng lên hồi năm 1960) tại Hòa Đàm Paris.

Diễn biến nầy đã dẫn đến cuộc cải tổ chính phủ tại Sài Gòn khi Nghị sĩ Trần Văn Lắm được bổ nhiệm thay thế Ngoại trưởng Trần Chánh Thành.

Về mặt cá nhân sau Hội Nghị Thượng Đỉnh Midway và ở lứa tuổi 28, tôi trình diện nhập ngũ Khóa 6/1969. Tại quân trường và trong Tiểu Đoàn Gia Long, Trưởng Hướng Đạo Nguyễn Văn Thuất và tôi gặp nhau và trở thành thân hữu trong suốt nửa thế kỷ nay. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc chung khi Trưởng Nguyễn Văn Thuất được bầu chọn làm Đại Đội Trưởng Khóa Sinh và tôi, Tiểu Đoàn Trưởng Khóa Sinh, “cố vấn” cho Tiểu Đoàn Trưởng thực thụ là Thiếu Tá Hoàng Văn Thìn.

Sau giai đoạn huấn luyện cơ bản, Trưởng Nguyễn Văn Thuất được trả về Văn Phòng Quốc Hội và tôi, trở về Trung Ương Bộ Ngoại Giao.

Tuy nhiên trong phạm vi rất nhỏ hẹp, tôi không thể quên vấn đề Việt Nam hóa. Vào tháng 9 năm 1969, tôi tháp tùng Ngoại trưởng Trần Văn Lắm đi công tác tại New York nhân dịp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 24. Vì sự phủ quyết của Liên Xô, Việt Nam đã không thể gia nhập Liên Hiệp Quốc hồi đầu thập niên 1950 với tư cách thành viên nhưng vẫn sinh hoạt được tại Liên Hiệp Quốc trong tư cách quan sát viên thường trực. Tại Đại Hội Đồng nầy, tôi lại nghe Tổng Thống Nixon trình bày chính sách của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam và chương trình Việt Nam hóa. Sau New York, phái đoàn Trần Văn Lắm đến Washington DC để thăm viếng Đại Sứ Quán Việt Nam và tiếp tục các công tác ngoại giao với hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ.

Vào đầu năm 1970, tôi bắt đầu phục vụ tại Đại Sứ Quán VNCH tại Canberra. Đây là quãng thời gian đầy sóng gió ngay cả trong lãnh vực ngoại vận, khi chiến cuộc Việt Nam leo thang với cuộc hành quân Lam Sơn 719 VNCH hồi đầu năm 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Hiệp Định Paris ngày 27.01.1973. Nhưng đây không phải là thời điểm mà tôi muốn quảng diễn trong bài nầy, ngoại trừ một diễn tiến quan trọng xác nhận Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một chính trị gia cương quyết và đặt quyền lợi Việt Nam tự do trên hết.

Sáng sớm ngày Thứ Sáu 03.11.1972 tôi bay lên Sydney từ Canberra để gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Kim Phượng. Ông vừa đến Úc sau khi đã vận động ngoại giao tại Malaysia và Sinpapore trong vai trò sứ giả đặc biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nỗ lực nầy nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia thân hữu cho lập trường chính đáng của VNCH trong tình trạng đối đầu với Washington. Từng làm đại sứ Việt Nam tại Canberra, Ông Trần Kim Phượng không lạ gì với chính giới Úc Châu. Cuộc vận động kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ tại Văn Phòng Chính Phủ Liên Bang ở Martin Place, Sydney. Phía Úc có Ngoại trưởng Nigel H Bowen với phụ tá là Đại sứ David Anderson, từng là đại sứ Úc tại Sài Gòn và đại sứ quan sát viên Úc tại Hòa Đàm Paris. Tôi phụ tá Thứ trưởng Trần Kim Phượng.

Ông Trần Kim Phượng đã trình bày nội dung bản Thảo Hiệp Định Paris mà Ts Henry Kissinger đã mang đến Sài Gòn để thuyết phục Tổng Thống Thiệu đồng ý. Có nguồn tin cho rằng Kissinger đã đi đêm với Lê Đức Thọ, Uỷ Viên Bộ Chính Trị cố vấn Phái Đoàn Bắc Việt tại Hòa Đàm Paris và bản thảo nầy đã được hai bên đồng ý. Nếu được Tổng Thống Thiệu chấp thuận, Kissinger dự định bay thẳng từ Sài Gòn ra Hà Nội để chung quyết. Tuy nhiên sau 5 ngày tại Sài Gòn, và qua rất nhiều phiên họp mật có lúc chỉ với Tổng Thống Thiệu nhưng đôi khi với Tổng Thống Thiệu và hội đồng nội các VNCH, Kissinger vẫn thất bại và sau cùng phải rời Sài Gòn ngày 23.10.1972 để trở về Washington thay vì đi Hà Nội.

Theo lời Ông Trần Kim Phượng, có lúc Tổng thống Thiệu đã quay lưng và không nhìn mặt Kissinger. Trong cốt lõi, Tổng thống Thiệu bác dự thảo Hiệp Định, vì dự thảo nầy thay đổi toàn diện tương quan lực lượng quân sự tại Nam Việt Nam và hợp thức hóa sự hiện diện của các binh đoàn Bắc Việt gồm ít nhất 14 sư đoàn võ trang tận răng. Lập trường VNCH là tất cả quân đội ngoại nhập không thuộc nguồn gốc Nam Việt Nam đều phải triệt thói khỏi lãnh thổ Nam Việt Nam.

Phái đoàn Úc đã lắng nghe một cách lịch sự, nhưng sau cùng giữa Washington và Sài Gòn, Canberra đã chọn siêu cường thế giới mà Úc Châu đã có Hiệp Định hợp tác quốc phòng ANZUS 1951.

Cũng như tại Midway, một lần nữa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cương quyết giữ vững lập trường, mặc dầu sự quyết tâm này có thể tạo nguy cơ cho chính cá nhân ông.

Vận Nước Nổi Trôi

Chiều ngày 21.04.1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ nhiệm, vì áp lực thù trong giặc ngoài, vì các cuộc vận động của Pháp cho một “Giải Pháp Trung lập Thứ Ba” ngây thơ, và nhất là vì sự “phản bội của Washington”.

Theo tôi, Ông Thiệu là một chính trị gia rất thận trọng, thường chuẩn bị kỹ lưỡng mọi việc từ nhỏ đến lớn.

Vào nửa đêm, khoảng 36 tiếng đồng hồ trước, tôi nhận được một cú điện thoại mà giọng nói khá quen thuộc và tôi biết ngay là ai, nhưng vẫn chưa biết vì lý do gì mà ông gọi điện thoại cho tôi tại nhà vào nửa đêm.

Sau hơn 4 năm phục vụ tại Canberra, tôi nhận được lệnh trở về Sài Gòn vào tháng 10 năm 1974. Ngoại trưởng Vương Văn Bắc bổ nhiệm tôi vào chức vụ Phó Tổng Thư Ký Bộ Ngoại Giao, nhưng chẳng bao lâu lại được cử làm Quyền Tổng Thư Ký trong khi chờ đợi quyết định của chính phủ. Trong vai trò nầy, tôi thường tiếp khách trong và ngoài nước. Cá biệt, tôi muốn nhắc đến 3 người. Người khách thường xuyên gặp tôi hầu như cách tuần là Đại Tá Xuân của Cục Trung Ương Tình Báo, Đại sứ Vương Quốc Anh John Bushell, và thỉnh thoảng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, nguyên Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam và nguyên Phó Thủ tướng VNCH. Ts Nguyễn Xuân Oánh không di tản và sau năm 1975, trở thành cố vấn kinh tế cho Ông Võ Văn Kiệt.

Tôi chỉ tiếp Đại Tá Xuân tại Bộ Ngoại Giao và có cảm tưởng ông biết tôi nhiều hơn tôi biết ông. Cú điện thoại nửa đêm ngày 19 rạng 20 tháng 4 cho tôi biết thêm Đại Tá Xuân còn là viên chức của Tổng Thống Thiệu hay ít nhất cũng là viên chức của Phủ Tổng Thống.

Đại tá Xuân cho biết Tổng Thống Thiệu cần có visa xuất ngoại và đề nghị đến rước tôi để vào Bộ Ngoại Giao. Lúc bấy giờ Sài Gòn đang trong tình trạng giới nghiêm, nhưng tôi nói tôi có phương tiện di chuyển trong giờ giới nghiêm và công xa tôi sử dụng có mang số ẩn tế. Tuy vậy, khi tôi xuống lầu cao ốc số 42 Đường Nguyễn Huệ, thì Đại tá Xuân và 1 xe quân cảnh đang chờ sẵn,

Tôi mở của văn phòng và Đại tá Xuân trao cho tôi Passport Ngoại Giao VNCH của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tôi hỏi tổng thống muốn đi đâu và trong thời hạn bao lâu. Đại tá Xuân trả lời: “Đài Bắc trong 1 năm và trở lại”. Đây là loại visa ngoại giao khứ hồi. Chính tay tôi viết, đóng dấu và ký tên: His Excellency Nguyễn Văn Thiệu, President of the Republic of Việt Nam xuất ngoại đi Taipei, Republic of China với hiệu lực 1 năm và trở lại.

Đại tá Xuân nhận lại Passport, cảm ơn tôi và ra về. Tôi ngồi lại văn phòng và suy tư về diễn tiến vừa xảy ra. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Tổng Thống Thiệu sắp từ chức, tuy ông có vẻ như hãy còn lạc quan đối với cơ hội có thể trở lại Việt Nam trong tương lai không xa. Tôi nhớ lại Hội Nghị Thượng Đỉnh Midway 6 năm về trước và những cam kết của Tổng Thống Richard Nixon, nhân vật quyền lực nay đã biến khỏi chính trường nước Mỹ. Ông Nixon đã phải từ chức tổng thống hồi tháng 8 năm 1974 để tránh bị luận tội vì vụ tai tiếng Watergate, một diễn biến chính trị bất ngờ, không thể dự liệu trước khi chương trình Việt Nam hóa bắt đầu.

Sáng ngày 21 tháng 4 Ông Phụ Tá Lê Quang Giảng và tôi nhận được lệnh từ Phủ Tổng Thống là Bộ Ngoại Giao phải chính thức thông báo với ngoại giao và lãnh sự đoàn tại Sài Gòn về việc Tổng thống VNCH sắp từ nhiệm. Tất nhiên, đây chỉ là một thủ tục, nhưng trong số các nhà ngoại giao nước ngoài mà tôi tiếp tại văn phòng vào buổi sáng hôm ấy, Đại sứ Anh John Bushell là người thẳng thắn nhất. Ông nhắc đến trận chiến Xuân Lộc và khuyên: “Quí ông phải quảng bá rộng rãi chiến đấu anh dũng của Sư Đoàn 18 để công luận thế giới và đặc biệt là tại Mỹ nhìn thấy quân đội Nam Việt Nam phải chiến đấu đơn độc nhưng dũng mãnh. May ra công luận và chính giới Mỹ có thể thức tỉnh”. Tôi cảm ơn đại Sứ Anh và nói rằng Bộ Ngoại Giao và đặc biệt là Đại Sứ Quán Việt Nam tại Washington đang thực hiện công tác ấy.

Sự Đoàn 18 Bộ Binh VNCH do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, đã cầm chân và chận đứng đà tiến quân của binh đoàn cộng sản Bắc Việt tại Xuân Lộc hơn cả tuần lễ. Ngay cả tài liệu chính thức từ Hà Nội cũng phải xác nhận: “Sư đoàn 18 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đă dũng cảm phòng thủ ở Xuân Lộc, cách Sài Gòn hơn 60 km về phía Đông Bắc, và quân đội miền Nam Việt Nam đã gây nhiều tổn thất cho ba sư đoàn (Sư đoàn 6, 7, và 341 thuộc Quân đoàn 4) của quân đội miền Bắc.” (Nguồn: nghiencuuquocte.org ›Apr 21, 2015 – 21/04/1975: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức…)

Tuy Sư đoàn 18 đã phục hồi danh dự cho QLVNCH, nhưng sau cùng vào ngày Tổng Thống Thiệu từ chức, Sư Đoàn 18 cũng đã phải triệt thoái khỏi Xuân Lộc và do đó thủ đô Sài Gòn bị bỏ ngỏ.

Tuy lúc bấy giờ tôi không biết, nhưng 42 năm sau tại Sydney vào dịp Giáng Sinh 2017, trong dịp hội ngộ với người bạn chung, Kỹ Sư Lê Văn Duyệt, Michael Kyle nói rằng Đại Sứ John Bushell đã đề nghị với London để ông tiếp tục điều hành Đại Sứ Quán Anh tại Sài Gòn (tương tự như Đại Sứ Pháp Jean M. Mérillon). Cũng theo lời Michael Kyle, tùng là viên chức ngoại giao Anh tại Sài Gòn năm 1975, Bộ Ngoại Giao tại London đã bác đề nghị nầy và ra lệnh toàn bộ Đại Sứ Quán Anh phải di tản vào ngày 24.04.1975 (Nguồn : AP Saigon 24.04.1975)

Lần sau cùng mà tôi có dịp nói chuyện trực tiếp với cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là vào dịp Kỷ Niệm 15 năm sau khi Thủ Đô Sài Gòn thất thủ. Qua đường điện thoại viễn liên Sydney-Paris, tôi hỏi thăm ông và những sinh hoạt cũng như dự định của ông trước khi trao điện thoại cho Cô Ngọc Hân để thực hiện cuộc phỏng vấn được coi là đầu tiên kể từ khi ông sống lưu vong tại Đài Bắc, tại London và sau cùng tại Mỹ. Có mặt tại Paris để thăm các tổ chức cựu quân nhân VNCH, Ông Thiệu đã trả lời thẳng thắn với Cô Ngọc Hân là ông nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm về sự sụp đổ của VNCH, tương tự như trách nhiệm của một thuyền trưởng bị đắm tàu. Phỏng vấn đặc biệt nầy được phát thanh trên Đài SBS vào ngày 29 tháng 4 năm 1990.

Ước vọng của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ là có thể đến thăm các chiến hữu cũ VNCH tại Úc Châu. Nhưng có lẽ tổ chức cựu quân nhân VNCH lúc bấy giờ không có quan điểm thuần nhất nên cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chưa bao giờ đặt chân đến Úc Châu – một quốc gia đã từng là đồng minh mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã chính thức công du hồi năm 1967.

Trong số các vị lãnh đạo Việt Nam Tự Do trước và sau 1954 – từ Thủ tướng Trần Trọng Kim năm 1945 đến năm 1975, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khởi đầu là đồng minh được Mỹ ủng hộ nhưng sau cùng đều trở thành nạn nhân của sự thay đổi chính sách tại Washington. Đóng góp quý báu và thành quả quan trọng của những vị lãnh đạo nầy sẽ được lịch sử ghi nhận khách quan, khi Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ.

Bài nầy là hồi ức cá nhân để tưởng niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhân Ngày Giỗ lần thứ 18 của ông.

Ls Lưu Tường Quang, AO

(Sydney, 18.09.2019)

Tài liệu: Tuong Quang Luu, Journeys from Vietnam: A Vietnamese Australian’s Reflections – Speech delivered at The Sydney Institute, Sydney – Tuesday 3rd March, 2009 and published in The Sydney Papers Online, Issue 1-2009.

Related posts