TỘI ÁC KINH THIÊN ĐỘNG ĐỊA

Khi tôi còn bé những cuốn phim chiến tranh về Thế Chiến 2 luôn luôn là những cuốn phim có sức thu hút đặt biệt đối với tôi. Nhưng sự thu hút của những cuốn phim này không phải từ phía những người lính Đồng Minh chiến đấu và chiến thắng các đoàn quân Phát Xít Đức, mà… lại đến từ phía những người lính Đức, nhất là những viên sĩ quan trong các bộ quân phục đẹp có một không hai trên thế giới, tinh thần chiến đấu và vũ khí tối tân của họ.

Nhưng khi lớn lên, tôi hiểu ra rằng chế độ Phát Xít Đức là một chế độ tàn bạo có một không hai trong lịch sử nhân loại. Đặc biệt làm tôi kinh hoàng là những tội ác của những khoa học gia, các bác sĩ Đức Quốc Xã đã dùng con người để làm thí nghiệm chất độc, thuốc me, và dùng con người làm vật thử nghiệm để phát minh ra các kiểu cách tra tấn, nhục hình gây đau đớn kinh khủng để phục vụ cho các mục đích tình báo và quân sự.

Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, đọc những tài liệu về tội ác cộng sản, tôi rất bàng hoàng không thể tin được và nếu mang ra so sánh thì không biết Cộng Sản và Phát Xít ai tàn ác hơn ai. Tuy nhiên thời gian gần đây khi tìm đọc về những bí mật về việc chính quyền Cộng sản Trung Quốc thám sát tín đồ của giáo phái Pháp Luân Công thì tôi mới hiểu rằng, tất cả những tội ác của Hitler hay Stalin không thể nào so sánh với những tội ác của chế độ Cộng sản tại Trung Quốc. Và điều kinh hoàng đó là những tội ác như thế đang xảy ra ngay trong thế kỷ 21, và được cả một chế độ quyền năng vô hạn chủ trương tiến hành.

Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại việc sử dụng cơ thể con người cho các thí nghiệm nhân danh khoa học được tiến hành với một quy mô vô cùng lớn không tiền khoáng hậu. Chưa bao giờ các cơ phận người được “thu hoạch” với quy mô lớn cho mục đích kinh doanh thu lợi nhuận. Trong bóng tối của chế độ Cộng sản Trung Quốc, những tội ác kinh thiên động địa nhất được tiến hành theo lệnh của đảng cộng sản Trung Quốc. Và những tội ác này lần đầu tiên được biết đến qua những bí mật được tiết lộ từ quá trình làm việc của một nhân vật tên là Vương Lập Quân, một sĩ quan công an, một đảng viên của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đêm 6 tháng 2 năm 2012, Giám đốc Công An thành phố Trùng Khánh đã lái xe tới Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô để xin tị nạn. Vị giám đốc này là Vương Lập Quân, một trong những quan chức hành pháp cấp cao của Trung Quốc. Vương Lập Quân là phe cánh của Bạc Hy Lai, đã được Bạc dìu dắt, và là ứng cử viên tiềm năng vào chức Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng CSTQ, thuộc tốp những lãnh đạo đảng tiềm năng. Vương Lập Quân đã toan tính đào tẩu sau khi biết rằng Bạc Hy Lai đã bị bắt và biết rằng sớm hay muốn họ Vương cũng sẽ sa vào lưới như cá trong ao.

Lạ lùng chưa? Là một sĩ quan công an của Trung Quốc, Vương Lập Quân lại là người chủ trì một công trình nghiên cứu lớn về phẫu thuật không gây chấn thương trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Quỹ phẫu thuật ảo Thụy Sỹ, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý thuộc trường Đại học Bern – Thụy Sỹ, trường Đại học Y Graz – Áo, trường Đại học Y Trung Quốc, trường Cao đẳng Y Cẩm Châu, và Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân số 205 đều tham gia công trình nghiên cứu này.

Vương Lập Quân được thuyên chuyển tới Trùng Khánh vào tháng 6 năm 2008, làm Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh. Trong thời kỳ này, họ Vương đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý ở Đại học Tây Nam, đích thân làm giám đốc, giáo sư và cố vấn y khoa. Vương tiếp tục tăng cường nghiên cứu về phẫu thuật không gây chấn thương.

Ngày 27 tháng 8 năm 2014, Tờ Tuổi trẻ Bắc Kinh cho biết Vương Lập Quân đã được trao tặng 254 bằng sáng chế trong thời gian nhậm chức tại Trùng Khánh, 211 bằng được đề nghị cấp trong năm 2011, trung bình cứ 1.7 ngày lại xin nộp cấp một bằng. Báo cáo còn đề cập tới một sản phẩm công nghệ cao có tên là “Máy gây chấn thương tế bào não”.

Chuyên mục phim tài liệu “Báo cáo điều tra 7” của TV Chosun tiết lộ “Máy gây chấn thương tế bào não” do đích thân giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân phát minh. Họ Vương và phòng thí nghiệm thứ tư của Viện nghiên cứu phẫu thuật lâm sàng thuộc bệnh viện Daping, liên kết với Đại học Quân Y số ba đã cùng nhau nghiên cứu và phát minh ra máy nói trên.

Các cá nhân và tổ chức này cùng nhau xuất bản kết quả một công trình nghiên cứu có tựa đề “Phẫu thuật Chấn thương” vào năm 2008. Trong báo cáo này có một chuyên để được đặt tên là: “Mô phỏng nhân tố hạn chế và tầm quan trọng lâm sàng của nó trong Chấn thương não gây ra bởi tác động vào thái dương ở trạng thái chuẩn tĩnh”. Nghiên cứu cho biết mục đích là để “Thiết lập một mô phỏng về chấn thương não gây ra do vết thương ở thái dương… nghiên cứu sinh cơ học của các tổn thương ở não bộ gây ra do tác động vào thái dương… kết quả: áp lực ở điểm bị đánh vào xương thái dương và áp lực trong hộp sọ tăng khi tốc lực của cú đánh tăng…các kết quả của mô phỏng phù hợp với các kết quả thí nghiệm sinh học…. nghiên cứu này có tầm quan trọng to lớn đối với việc chẩn đoán và ngăn ngừa các chấn thương sọ não gây ra do tác động vào thái dương.”

Nghiên cứu cũng đề cập tới một phần mềm mô phỏng trong đó khám phá toàn bộ quá trình hoạt động của não khi bị chấn thương, nhằm cung cấp số liệu cho các tình huống thực tế. Nghiên cứu cũng nói rõ là các thí nghiệm đã được tiến hành trên đầu của 12 thi thể. Những thí nghiệm này đã được tiến hành trong năm 2017. Tất cả những thi thể làm thí nghiệm đều là nam giới trong độ tuổi từ 26-38, độ tuổi trung bình là 31. Không có bất cứ thông tin nào về 12 xác chết này là tên gì, chết vì lý do gì và ai cho phép được sử dụng cơ thể của họ vào mục đích thí nghiệm nói trên.

Tuy nhiên mục tiêu bao trùm của nghiên cứu lại dường như không phải là mục đích chính của những cá nhân và cơ quan nghiên cứu như họ đã chính thức tuyên bố, là dùng vào mục đích nghiên cứu y khoa để cứu người. Trong các nghiên cứu này người ta có thể thấy tác giả công trình nghiên cứu đã có được những kết luận căn bản như sau: Chấn thương gây ra cho não bộ từ các tác động vào thái dương ở nhiều mức độ khác nhau có thể gây tác động mạnh vào cuống não, nạn nhân sẽ bị rối loạn nhận thức và cảm giác ở các mức độ khác nhau, có thể gây ra rối loạn hệ hô hấp và tuần hoàn, đe dọa tới tính mạng. Từ đó người ta cũng có thể biết cách nhằm giết người theo ý muốn bằng cách tác động lực lên vùng thái dương với những vị trí và tốc độ khác nhau, nhằm đạt được những hiệu ứng theo mong muốn.

Các nạn nhân bị tác động này sẽ có thể bị chết não nhưng hệ thống tim mạch vẫn hoạt động bình thường và các tế bào và cơ quan nội tạng khác vẫn sống. Trong các trường hợp này các cơ quan nội tạng đó sẽ dùng để ghép tạng rất tốt, vì tỉ lệ đào thải cơ quan lạ sẽ rất thấp. Có thể thấy chủ yếu máy chấn thương tế bào não được sáng tạo với mục đích làm chết não nhưng không làm tổn thương các cơ quan nội tạng khác, nhằm mục đích lấy tạng của người chết để ghép cho người khác.

Một câu hỏi đặt ra là, nếu thí nghiệm trên cơ thể người cết, thì làm sao nghiên cứu này có thể đưa ra chi tiết về các mức độ phản ứng của con người, ví dụ như rối loạn nhận thức và cảm giác ở các mức độ khác nhau, rối loạn hệ hô hấp và tuần hoàn khi vùng thái dương bị tác động lực ở mức độ khác nhau hay vị trí khác nhau?

“Máy gây chấn thương não” có số đăng ký là 201120542042X, số công bố là N202376254U.

Trong hệ thống Tìm kiếm bằng sáng chế của Trung Quốc, có thể tìm thấy “Máy gây chấn thương tế nào não” có số đăng ký là 201120542042X, số công bố là CN202376254U; người sáng chế là Vương Lập Quân, cùng các đồng tác giả của nghiên cứu trên, những người đã tiến hành thí nghiệm gây chấn thương lên đầu của 12 thi thể. Phần giới thiệu còn cho biết dụng cụ này có cấu trúc vô cùng đơn giản, dễ sản xuất, và dễ cải tiến để xin cấp bằng.

Tháng 5 năm 2003, Vương Lập Quân được Bạc Hy Lai (lúc bấy giờ là Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh) đưa về giữ chức Giám đốc Sở Công An thành phố Cẩm Châu. Vương không có bằng cấp gì về y khoa, nhưng ngay khi lên nắm quyền, đã lập tức thành lập “Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học hiện trường” đặt tại Sở công an thành phố Cẩm Châu. Vương từng làm việc với 29 trường đại học và viện nghiên cứu với chức danh, giáo sư bán thời gian, giáo sư giám sát sinh viên làm luận án tiến sĩ.

Ngày 17 tháng 9 năm 2006, trong lễ phát biểu nhận phần thưởng trị giá hai triệu nhân dân tệ cho “Giải cống hiến đặc biệt sáng tạo Quang Hoa”, Vương phát biểu:

“Những thành tựu khoa học và công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực này là kết tinh của hàng ngàn những thí nghiệm chuyên sâu tại hiện trường và là nỗ lực của rất nhiều các nhân viên công tác… đối với những người đã phục vụ trong lực lượng công an nhiều năm, khi chúng ta nhìn một phạm nhân đi tới pháp trường, và chỉ trong một vài phút sự sống của người này được chuyển hóa thành sự sống của nhiều người khác, thật là một sự việc khuấy động tâm hồn. Một công việc quan trọng.”

Ông Nhậm Tấn Dương, Tổng thư ký của Quỹ Quang Hoa, nhận xét:

“Giáo sư Vương Lập Quân và trung tâm nghiên cứu đã tiến hành các nghiên cứu cơ bản và các thí nghiệm lâm sàng để giải quyết vấn đề cơ thể người nhận cấy ghép nội tạng từ chối nội tạng cấy ghép được lấy từ các tử tù bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc. Nhóm của giáo sư đã nghiên cứu và phát triển một giải pháp phòng ngừa mới, sử dụng để cung cấp một liệu pháp truyền dịch dành cho thận và gan trong cả cơ thể sống và trong ống nghiệm. Thông qua các thí nghiệm trên động vật, trong ống nghiệm, và các ứng dụng lâm sàng, họ đã từng bước đạt được những thành công trong việc giúp cơ quan nội tạng cấy ghép được cơ thể người tiếp nhận, chấp nhận.”

Tháng 9 năm 2004, Tuần san Cuộc sống Sanlian ra bài báo có tiêu đề “Điều tra Thiên Kinh: Châu Á – địa chỉ số 1 về cấy ghép tạng” trong đó Giám đốc Trung tâm cấy ghép tạng Thiên Kinh, Zhang Yamin cho biết chi phí mua nội tạng rất cao, cũng như việc lưu trữ một cơ quan nội tạng cũng phải trả một khoản phí không nhỏ, mỗi cơ quan nội tạng lớn cần bốn túi bảo quản, mỗi túi trị giá khoảng 5.000 nhân dân tệ. Thời kỳ đầu, không nhà sản xuất trong nước nào sản xuất được loại túi này, mà phải mua từ Nhật Bản từng túi một.

Thí nghiệm của Vương Lập Quân trên vật thể sống bao gồm việc cải tiến loại thuốc dành cho các mũi tiêm thuốc độc để giảm các biến chứng của cơ thể tử tù sau khi bị tiêm, bảo đảm nội tạng được lấy để phục vụ cho việc cấy ghép sau này ít bị ảnh hưởng, cũng như cải tiến phương pháp bảo quản nội tạng.

Tháng 6 năm 2005, một ví dụ về nghiên cứu của Vương Lập Quân được nêu trong Tờ Tin tức buổi tối Liêu Thẩm với tựa đề “Toàn bộ quy trình hành quyết bằng tiêm thuốc độc” , nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về nghiên cứu. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 9 tháng 6 năm 2005 ở Tô Gia Đồn trong Khu vực Phát triển công nghệ và kinh tế của thành phố Cẩm Châu, một nghiên cứu và thí nghiệm tại hiện trường được thực hiện bằng việc hành quyết tiêm thuốc độc. Một nhà nghiên cứu đã giới thiệu về thí nghiệm này như sau:

“Trong toàn bộ quá trình tiêm thuốc độc hành quyết một tội phạm, người ta tiến hành đánh giá các dấu hiệu về sự sống của một con người khỏe mạnh trước và sau khi tiêm thuốc, lượng thuốc độc còn lại trong các cơ quan nội tạng khác nhau sau đó, cũng như các thay đổi về tâm lý của tử tù khi đối mặt với cái chết… những số liệu này sẽ hỗ trợ rất nhiều tới việc cấy ghép nội tạng sau khi tử tù chết vì tiêm thuốc độc cũng như các vấn đề khác trong cấy ghép nội tạng người. Ở Trung Quốc cũng như nước ngoài, đây là một nghiên cứu mang tính đột phá”.

Phóng viên mô tả các chuyên gia đã tập hợp lại tại trường hành quyết với cung cách như thể đây là một phòng thí nghiệm. Phóng viên cho biết Vương Lập Quân là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý. Người phóng viên còn nêu tên giáo sư và tiến sĩ cố vấn Xi Huanjiu, hiệu trưởng trường Y Cẩm Châu, và các chuyên gia khác trong các ngành như y khoa, điều tra tội phạm và tâm lý. Họ được mô tả là đang tiến hành các phân tích tâm lý và nghiên cứu lâm sàng trên các tội nhân đã bị kết án tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Trong khoảng giữa năm 2003 và 2008, Vương Lập Quân đã tiến hành hàng nghìn thí nghiệm trên cơ thể người sống. Điều này đặt ra câu hỏi làm thế thành phố Cẩm Châu, một thành phố hạng 3 với dân số ít hơn 900.000 người lại có thể có hàng nghìn tử tù để tiến hành thí nghiệm, và liệu các tử tù này có phải là các tội phạm phạm các tội ác thông thường hay không?

Nếu như thuốc độc mà Vương Lập Quân nghiên cứu có thể giết người, thì hẳn là nó sẽ không có lợi cho nội tạng thu được, và không có lợi cho bệnh nhân được cấy ghép. Vậy câu hỏi đặt ra là, đây là thuốc độc, hay thuốc gây tê liệt để phục vụ việc mổ cướp nội tạng? Điều đáng nói là Vương Lập Quân là người nghiên cứu thí nghiệm trên cơ thể người, nhưng các phương pháp của Vương lại được ứng dụng thực tế, được truyền đạt lại cho các bác sĩ khác.

Việc những thí nghiệm trên cơ thể người của Vương Lập Quân được đầu tư, được đảng Cộng sản Trung Quốc vinh danh, được tường thuật trên báo, cùng các phát minh của Vương Lập Quân được cấp phép, đã cho thấy rõ đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ việc xây dựng đội ngũ bác sĩ chuyên môn giết người để lấy nội tạng. Rõ ràng, đây là một “hành động tàn ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại”.

Xem ra tội ác kinh thiên động địa này đã khiến cộng sản Trung Quốc qua mặt Phát xít Hitler để trở thành một chế độ tàn ác nhất trong lịch sử xã hội loài người.

Ls Lê Đức Minh

Related posts