Tổ chức Ân xá Quốc tế: Đảng CSTQ tiếp tục quấy nhiễu nhân quyền tại Canada

  • Minh Ngọc

Ngày 12/5/2020, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) tại Canada đã công bố một báo cáo nêu rõ tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tăng của các quan chức Trung Quốc ở nước ngoài. Báo cáo cũng ghi lại nhiều vụ quấy nhiễu các cộng đồng tín ngưỡng và thiểu số, những người bất đồng chính kiến hay các nhà hoạt động dân chủ tại Canada.

Tổ chức Ân xá Quốc tế: ĐCSTQ tiếp tục quấy nhiễu nhân quyền tại Canada

Báo cáo có tiêu đề “Quấy nhiễu và đe dọa các cá nhân ở Canada – Xử lý những quan ngại nhân quyền có liên quan đến Trung Quốc” (Harassment & Intimidation of Individuals in Canada Working on China-Related Human Rights Concerns) là một nỗ lực chung của Tổ chức Ân xá Quốc tế và Liên minh về Vấn đề Nhân quyền tại Trung Quốc (Coalition on Human Rights in China). Báo cáo nêu rõ: “Các nhà bảo vệ nhân quyền ngày càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, dọa dẫm khi hoạt động về các vấn nạn nhân quyền tại Trung Quốc” và rằng “Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi chiến lược mở rộng ảnh hưởng chính trị và văn hóa ở nước ngoài, với mục tiêu đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​và vận động các cộng đồng Hoa kiều làm tay sai phục vụ cho lợi ích chính trị của Trung Quốc”.

Đây là bản cập nhật của một báo cáo trước đó của hai tổ chức này được công bố vào năm 2017, trong đó đề cập đến các cuộc tấn công có tổ chức nhắm vào các nhà hoạt động về các vấn đề nhân quyền có liên quan đến Trung Quốc tại Canada.

“Xu hướng đáng lo ngại sâu sắc này hiển nhiên nằm trong một chiến dịch lâu dài và có hệ thống nhằm dập tắt những tranh luận công khai về các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc đang vượt ngày càng xa khỏi biên giới Trung Quốc”, ông Alex Neve, Tổng Thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Canada, cho biết.

Báo cáo cho biết các cá nhân của các tôn giáo và tín ngưỡng bị đàn áp tại Trung Quốc, như Pháp Luân Công, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, đều phải đối mặt với các hành vi quấy nhiễu nghiêm trọng. Theo đó, các cá nhân này thường nhận được những lời đe dọa rằng tính mạng của thân nhân tại Trung Quốc sẽ gặp nguy hiểm nếu họ tiếp tục tham gia các hoạt động bảo vệ nhân quyền. Họ cũng bị quấy nhiễu bằng điện thoại và tin nhắn, dụ dỗ quay trở lại Trung Quốc, dụ dỗ đến đại sứ quán Trung Quốc để “lấy tài liệu”… Việc diễn thuyết hoặc các hoạt động của họ tại hệ thống trường học cũng gặp phải sự phá hoại các sinh viên Trung Quốc do đại sứ quán Trung Quốc đứng sau. Một số buổi mít-tinh của họ cũng bị côn đồ phá rối.

Một hoạt động đặc biệt khác của chính quyền Trung Quốc nhằm quấy nhiễu các nhóm bị đàn áp là mạo danh họ. “Việc sử dụng thư và email giả từ lâu đã trở thành một cách làm điển hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến dịch đàn áp người tập Pháp Luân Công ở nước ngoài để miệt thị họ và làm mất uy tín của họ”, báo cáo cho hay. “Những bức thư và email kỳ quái, đầy tính công kích, đôi khi là đe dọa, được gửi bằng danh nghĩa người tập Pháp Luân Công tới các chính trị gia, trong đó có bà Judy Sgro (nghị sỹ Đảng Tự do vào tháng 12/2017) và ông Peter Julian (nghị sỹ Đảng Dân chủ Mới NDP vào tháng 3/2019) hòng làm mất uy tín của Pháp Luân Công và phá vỡ mối quan hệ giữa họ với người nhận”, báo cáo cho biết.

Các cá nhân bị quấy nhiễu tại Canada cũng cho biết họ nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các quan chức chính quyền Canada. Các quan chức, dân biểu địa phương chỉ đơn thuần báo cáo trường hợp của họ lên mà không có hành động nào khác.

Báo cáo hối thúc chính phủ Canada cần chú ý hơn nữa tới những vấn đề này, chẳng hạn:

1) Bổ nhiệm một đầu mối trong chính phủ làm đầu mối liên lạc chính cho các cá nhân và tổ chức bị quấy nhiễu và đe dọa vì hoạt động về các vấn nạn nhân quyền ở Trung Quốc;

2) Duy trì quan hệ ngoại giao ở cấp cao với Trung Quốc về vấn đề quấy nhiễu và đe dọa;

3) Tiếp tục đánh giá lại mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, đồng thời ưu tiên các vấn đề đáng quan ngại về nhân quyền;

4) Hợp tác với chính phủ các nước để nêu lên các quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc;

5) Khẳng định lập trường phản đối những vi phạm thông lệ ngoại giao này;

6) Tiến hành điều tra công khai và độc lập về phương thức và các vụ can thiệp nhắm vào ngành giáo dục; và

7) Nghiên cứu luật về các quyền tài phán khác đối với sự can thiệp ẩn giấu của nước ngoài và xem xét ban hành luật tương tự ở Canada.

Minh Ngọc tổng hợp

Related posts