Tin thế giới

Covid-19 : Số ca tử vong toàn cầu vượt ngưỡng 5 triệu

Anh Vũ |Minh Anh

Chích ngừa Covid-19 tại Vũng Tàu, Việt Nam, ngày 13/09/2021. AP – Hau Dinh

Tình hình lây lan Covid-19 trong tuần này tiếp tục có xu hướng thuyên giảm trên toàn cầu về số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài hơn 2 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên hành tinh.

Theo số liệu hãng tin Reuters tập hợp, tính đến ngày 01/10/2021, con số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 5 triệu người. Những người không tiêm chủng đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm cao với biến thể Delta. Hơn một nửa số ca tử vong trong tuần qua trên thế giới được ghi nhận ở các nước như Hoa Kỳ, Brazil, Mêhicô và Ấn Độ. Tính từ đầu đại dịch, theo số liệu của Viện Hopskin, Hoa Kỳ ghi nhận 700 nghìn ca tử vong.

Theo phân tích số liệu của Reuters, ban đầu sau hơn 1 năm thì số tử vong vì Covid-19 mới lên 2,5 triệu người, nhưng chỉ sau chưa đầy 8 tháng tiếp theo thế giới đã ghi nhận số lượng người chết tương đương.

Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày thế giới có 8.000 người chết vì Covid-19. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ tử vong có giảm. Dù tình hình lây lan dịch tiếp tục có xu hướng giảm chung trên toàn cầu tuần ở hầu hết các vùng, từ châu Mỹ, châu Á đến Trung Đông, nhưng ở châu Âu lại tăng nhẹ, trung bình khoảng hơn 3% so với tuần trước. Châu Phi có giảm chút ít. Ở châu Á còn hai nước vẫn tăng mạnh là Hàn Quốc tăng 46%, với 2.700 ca, Singapore tăng 25%, với 1.600 ca nhiễm mới.

Cách duy nhất để giảm đà lây lan của virus corona và các biến thể hiện nay là vac-xin. Chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh ở khắp các nơi. Trong tuần, mỗi ngày thế giới tiêm được 26 triệu liều vac-xin ngừa Covid. Để lấp khoảng cách bất bình đẳng về vac-xin, nhiều nước giàu đang tăng cường chia sẻ nguồn vac-xin cho các nước nghèo qua cơ chế Covax.

Hoa Kỳ gởi hơn 8 triệu liều vac-xin cho Bangladesh và Philippines
Nhà Trắng ngày 01/10/2021, thông báo sẽ gởi hơn 8 triệu liều vac-xin đến Bangladesh và Philippines. AFP cho rằng Hoa Kỳ muốn đi đầu trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 trên thế giới.

Cụ thể, Mỹ dành 5.575.000 liều vac-xin Pfizer/BioNtech cho Philippines và 2.508.500 liều cho Bangladesh. Số vac-xin này sẽ đến hai nước trên trong 5 kiện hàng vào tuần tới. Khoản viện trợ này nằm trong cơ chế quốc tế Covax.

AFP lưu ý đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ gởi vac-xin đến Bangladesh, một trong số các nước nghèo nhất trên thế giới mà Washington đã gởi cho hàng triệu liều. Theo các dữ liệu mà hãng tin Pháp có được, duy chỉ có 10% dân số Bangladesh là đã được tiêm ngừa.

Tại Philippines, một phần tư số người lớn đã được tiêm chủng. Các chuyên gia thẩm định, đất nước Đông Nam Á này sẽ cần đến một thập niên để vực dậy nền kinh tế.
Sau Brexit và Covid-19,

Anh Quốc đối mặt với tình trạng khan hiếm thịt

Minh Anh

Sắp đến đợt lễ cuối năm, nhưng Anh Quốc có nguy cơ khan hiếm thịt vì thiếu nhân viên bán thịt và nhân viên lò mổ gia súc. Getty Images via AFP – DAN KITWOOD

Sau xăng dầu, nước Anh giờ có nguy cơ đối mặt với tình trạng khan hiếm thịt do thiếu nhân viên trong các lò mổ. Tình trạng khan hiếm mà Anh Quốc đang hứng chịu kể từ khi kinh tế hoạt động trở lại sau giai đoạn phong tỏa chống dịch Covid-19, khiến người dân lo lắng khi chỉ còn có vài tuần nữa là đến mùa lễ cuối năm.

Từ Luân Đôn, thông tín viên đài RFI, Marie Boeda tường thuật :

“Năm nay, bữa tiệc Giáng Sinh có thể sẽ rất thanh đạm : Không còn món bánh xốp nhân xúc xích, cũng không có thịt giăm bông. Thật vậy, việc chuẩn bị những sản phẩm cho lễ hội truyền thống cần đến nhiều tay thợ. Nhưng Anh Quốc đang thiếu nhân công nghiêm trọng. Theo ngành công nghiệp chăn nuôi lợn, các hãng chế biến thịt vận hành chỉ có 25% công suất.  

Cả một ngành công nghiệp bị ảnh hưởng. Người ta thiếu nhân viên bán thịt, nhưng cũng thiếu cả nhân viên trong các lò mổ. Hậu quả là hàng nghìn con lợn không được giết mổ và gia súc ứ đọng tại các nông trại đến mức thiếu cả không gian để nuôi giữ.

Nguyên nhân của tình trạng này đã rõ : Đó là do đại dịch Covid-19 và những biện pháp chống di dân mới cứng rắn hơn cùng với Brexit. Chính phủ của thủ tướng Boris Johnson giờ tìm cách chống đỡ như ông đã làm với lĩnh vực gia cầm và vận chuyển đường bộ. Ông rất có thể sẽ cấp 1.000 thị thực nhập cảnh để tuyển dụng thêm người nước ngoài làm nhân viên bán thịt.”
A

UKUS : Nga quan ngại Úc sở hữu tầu ngầm hạt nhân

Minh Anh

Từ Genèves, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Riabkov ngày 01/10/2021 tỏ ý lo ngại về việc Úc được trang bị tầu ngầm hạt nhân. @AFP/YURI CORTEZ

Hai tuần sau thông báo « gây chấn động » thành lập liên minh AUKUS, chính quyền Matxcơva, hôm qua, 01/10/2021, lần đầu tiên lên tiếng, bày tỏ lo lắng về những hệ quả của thỏa thuận quân sự này.

Đang có mặt tại Geneve, Thụy Sĩ, thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Serguei Riabkov, trả lời hãng tin TASS, cho biết Nga « lấy làm lo lắng về mối quan hệ đối tác cho phép Úc, sau 18 tháng tham vấn và nhiều năm mưu toan, có được tầu ngầm hạt nhân với một số lượng đủ để trở thành một trong số 5 quốc gia chính có loại vũ khí này ».

Reuters cho biết nước Nga trong tuần này từng tuyên bố tìm cách có thêm thông tin nhiều hơn về hiệp ước này. Đối với thứ trưởng Ngoại Giao Nga, « đây là một thách thức lớn cho cơ chế quốc tế không phổ biến hạt nhân ».

Thông báo đối tác quân sự mới giữa ba nước Anh, Mỹ và Úc, dẫn đến hệ quả là Canberra hủy hợp đồng mua tầu ngầm của Pháp đã làm cho Paris nổi giận. Trung Quốc cũng chỉ trích mạnh mẽ và xem hiệp ước AUKUS này như là một sáng kiến thù nghịch chống lại Trung Quốc trong khu vực.

Sự việc cũng làm mối quan hệ ngoại giao giữa Pháp với Mỹ và Úc rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Phản ứng mạnh mẽ, Paris lần đầu tiên cho triệu hồi đại sứ ở Canberra và Washington về nước để tham vấn. Trong bối cảnh này, nhằm xoa dịu Pháp, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, sẽ có chuyến thăm Paris 2 ngày từ thứ Hai 04/10 đến thứ Tư 06/10/2021.

Tập đoàn Nga bắt đầu cung cấp khí đốt cho Hungary mà không qua ngả Ukraina

Anh Vũ

(Ảnh minh họa) – Các kỹ sư của công ty vận tải khí đốt tự nhiên Hungary (FGSZ) vặn van một đường ống dẫn khí đốt ở Vecses, gần thủ đô Budapest, ngày 14/11/2019. ASSOCIATED PRESS – Bela Szandelszky

Theo hợp đồng ký với Budapest, từ hôm qua 01/10/2021 tập đoàn Nga Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt cho Hungary nhưng không qua ngả Ukraina. Thỏa thuận trên khiến Ukraina mất đi một nguồn thu lớn từ phí trung chuyển khí đốt của Nga sang Liên Hiệp Châu Âu. Sự việc khiến quan hệ giữa Kiev và Budapest thêm căng thẳng.

Thông tín viên RFI tại Kiev Stéphane Siohan giải thích :

« Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 01/10, Gazprom đã đóng van. Theo một thỏa thuận ký ngày 27/09 vừa qua giữa Budapest và Matxcơva, khi đốt của Nga cung cấp cho Hungary sẽ không đi qua Ukraina nữa. Chính phủ Hungary đã ký một hợp đồng 15 năm với Gazprom để được cung cấp khí đốt từ đường ống dẫn TurkStream qua biển Đen và hai ngả đường mới qua Serbia và Áo.

Ông Viktor Orban lạnh lùng lý giải hợp đồng này là do tính cấp thiết bảo đảm « an ninh năng lượng » cho đất nước ông. Trong khi đó, ngành ngoại giao Ukraina vô cùng phẫn nộ. Tên thực tế, việc là điểm chuyển tiếp khí đốt đem lại nguồn lợi mỗi năm 2 tỷ đô la cho Ukraina. Theo ông Iouriy Vitrenko, lãnh đạo tập đoàn Nhà nước Ukraina, Naftogaz, đây là bằng chứng cho thấy Nga nhất quyết sử dụng khi đốt như là một thứ vũ khí chính trị chống Ukraina.

Mùa hè năm nay, khi dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 hoàn tất, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố nếu Matxcơva dùng khí đốt để đe dọa Ukraina, các nước Châu Âu có thể sẽ có biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Bruxelles vẫn im hơi lặng tiếng. Liên Hiệp Châu Âu hiện từ chối bình luận về một thỏa thuận đang làm suy yếu thêm Ukraina. »

Miến Điện: Tập đoàn quân sự mở phiên tòa thứ hai xử nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi

Thùy Dương

Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, ngày 27/01/2021 đến thăm một bệnh viện tại Naypyitaw, vài ngày trước vụ đảo chính của quân đội. AP – Aung Shine Oo

Ở Miến Điện, phiên tòa thứ hai xử nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người bị quân đội lật đổ trong vụ đảo chính hồi đầu năm 2021, đã mở ra vào ngày 01/10/2021. Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc tham nhũng, thế nhưng những người ủng hộ nhà lãnh đạo này xem đây là một phiên tòa mang tính chính trị.

Trong khi đất nước đang dần phục hồi sau khi bị làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tàn phá, một số vùng lại lâm vào cảnh nội chiến. Những nỗ lực của phe đối lập với tập đoàn quân sự cầm quyền vẫn chưa mang lại nhiều kết quả cụ thể.

Từ Rangoon, thông tín viên RFI Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :

Quý bà Rangoon (biệt danh của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi) có nguy cơ phải ngồi tù 15 năm với lý do bà đã nhận hơn 500.000 euro tiền hối lộ và vàng miếng. Đối với những người thân cận của bà Aung San Suu Kyi, các cáo buộc này thật “nực cười”.

Trên thực tế, phiên tòa này dường như là nhằm mục đích loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị nhân vật trung tâm của phe đối lập với quân đội, bởi vì không có bà Aung San Suu Kyi, các đại diện của phe đối lập Miến Điện đã gặp nhiều khó khăn để tiếng nói của họ được lắng nghe. Họ vừa kêu gọi kháng chiến, nhấn chìm một số khu vực trong nước vào cuộc nội chiến, đặc biệt là ở vùng biên giới với Ấn Độ. Thế nhưng, họ dường như không thể thiết lập được các liên minh cần thiết với thủ lĩnh của các tộc người ở Miến Điện.  

May OO Mutraw, nhà khoa học chính trị đang sống lưu vong tại Thái Lan đặt nhiều hy vọng vào giới trẻ trong nước thay vì vào phe đối lập hiện đang trượt dốc. Bà nói : « Bạo lực đang bao trùm Miến Điện. Thật khó để giữ niềm hy vọng, thế nhưng điều đáng khích lệ là giới thanh niên đang tiếp tục chống chế độ độc tài và các vụ bạo lực … Nếu chúng ta tìm ra cách hỗ trợ giới trẻ thì chúng ta có thể mang lại một cơ hội cho nền dân chủ. »

Phe đối lập Miến Điện cũng đang gặp khó khăn để được cộng đồng quốc tế công nhận. Theo dự kiến, một ủy ban của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần qua lẽ ra đã phải quyết định chấp thuận để một đặc phái viên của tập đoàn quân sự hay một nhân vật thuộc phe đối lập đại diện cho Miến Điện tại định chế này. Thế nhưng, quyết định cho đến nay vẫn chưa được đưa ra ». 

Quốc khánh Trung Quốc: Ông Blinken và ông Pompeo gửi hai thông điệp khác nhau

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi điện mừng đến Trung Quốc nhân ngày Quốc khánh nước này (1/10), một dấu hiệu mới nhất cho thấy dường như Washington đang cố gắng xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh.

“Thay mặt cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tôi muốn gửi lời chúc mừng của chúng tôi tới người dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [CHND Trung Hoa] khi đất nước kỷ niệm Quốc khánh vào ngày 1/10”, ông Blinken nói trong tuyên bố.

“Khi Hoa Kỳ tìm cách hợp tác để giải quyết những thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt, chúng tôi chúc người dân CHND Trung Hoa hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng trong năm tới.”

Thông điệp này dường như là dấu hiệu mới nhất từ Washington cho thấy họ tìm cách xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc, quốc gia được Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất”. 

Thông thường, việc các Ngoại trưởng Mỹ gửi đi tuyên bố vào ngày đánh dấu sự thành lập của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một truyền thống, nhưng thông điệp của ông Blinken đang cho thấy việc mở rộng thiện chí từ phía Hoa Kỳ.

Tuy vậy, thông điệp này khác đáng kể so với thông điệp được cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo gửi đi vào tháng 10 năm ngoái.

Tại thời điểm đó, ông Pompeo đã không đề cập gì đến CHDCND Trung Hoa, mà chỉ gửi lời chúc mừng đến “người dân Trung Quốc.”

“Hoa Kỳ chúc người dân Trung Quốc sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc và hòa bình trong năm tới”, ông Pompeo nói khi đó.

Chính quyền Trump đã cho thấy họ phân biệt rõ ràng “người dân Trung Quốc” và chế độ cộng sản cầm quyền. Ông Pompeo đã có nhiều tuyên bố chỉ trích chế độ diệt chủng của ĐCSTQ và nói rằng ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc.

Kể từ khi Mỹ bỏ yêu cầu dẫn độ với bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Huawei, quan hệ Mỹ – Trung đã có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng.  

Theo đà “chiến thắng” của vụ “ngoại giao con tin” Mạnh Vãn Châu này, Trung Quốc đã mạnh miệng đề nghị Mỹ tuần thủ thêm các yêu cách của Bắc Kinh, bao gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với đảng viên, doanh nghiệp, các quan chức và thực thể khác; đồng thời yêu cầu Mỹ không thách thức hệ thống chính trị của mình, không kiềm chế sự phát triển và không can thiệp vào các khu vực nhạy cảm liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và Đài Loan.

Qin Gang, đặc phái viên của Trung Quốc tại Mỹ, hôm thứ Ba đã kêu gọi một nỗ lực chung tăng tốc để đưa quan hệ trở lại “đúng hướng” càng sớm càng tốt.

Lu Xiang, một chuyên gia về quan hệ Mỹ – Trung thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng so với thông điệp của ông Pompeo, thông điệp của ông Bliken “khá tích cực,” cho thấy Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa hai bên.

“Tôi nghĩ rằng phía Hoa Kỳ đã nhận ra rằng mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc có thể đưa quan hệ song phương đi sâu hơn vào vùng đất chưa được thăm dò”, ông Lu nói.

Thỏa thuận thương mại Giai đoạn một được ký kết giữa Bắc Kinh và chính quyền Donald Trump vào tháng 1 năm 2020, trong đó Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm, sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai dự kiến sẽ có bài phát biểu vào thứ Hai về cách tiếp cận của chính quyền Biden trong thương mại với Trung Quốc.

Ông Lu cho rằng 3 tháng tới có thể là thời điểm để Bắc Kinh và Washington phá băng, đặc biệt là về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Ông nói: “Nếu thông điệp của Blinken được hiểu là một biểu hiện của thiện chí, thì nó có thể dẫn đến một số cuộc thảo luận tích cực vào cuối năm nay, thay vì nhiều cuộc họp gay gắt hơn như ở Alaska và Thiên Tân”.

Thẩm phán TCPV Hoa Kỳ Kavanaugh vẫn nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vắc-xin đầy đủ

Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Brett Kavanaugh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm thứ Năm (30/9). Ông Kavanaugh đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021.

Tối cao Pháp viện hôm 1/10 phát đi thông cáo cho biết Thẩm phán Kavanaugh có kết quả xét nhiệm dương tính với COVID-19 vào tối thứ Năm (30/9). Tòa án cũng cho biết hiện ông Kavanaugh không có biểu hiện triệu chứng.

Thẩm phán Kavanaugh đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19 vào tháng Một và trong buổi xét nghiệm COVID-19 định kỳ hàng tuần vào thứ Hai tuần này, ông vẫn có kết quả âm tính.

“Theo thủ tục xét nghiệm tại tòa án hiện hành, tất cả các Thẩm phán Tối cao Pháp viện đều được xét nghiệm COVID-19 vào sáng thứ Hai trước cuộc thảo luận, và hôm thứ Hai tuần này tất cả các thẩm phán, bao gồm cả ông Kavanaugh đều có kết quả âm tính”, tuyên bố của Tối cao Pháp viện cho biết.

Tối cao Pháp viện nói thêm rằng với sự thận trọng cần thiết, Thẩm phán Kavanaugh và phu nhân Ashley sẽ không tham dự lễ phong chức cho Thẩm phán Tối cao Pháp viện Barrett vào thứ Sáu (1/10, giờ Mỹ).

Theo New York Post, trong thứ Tư tuần này Thẩm phán Kavanaugh dường như đã tham gia vào một cuộc chạy bộ từ thiện cùng với các nhà lập pháp.

Related posts