Tin thế giới sáng thứ Hai 6/7

Chồng của Kim Kardashian thông báo sẽ chạy đua chức Tổng thống Hoa Kỳ

Kanye West và vợ, Kim Kardashian (ảnh: chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=p3PbC_or1sE).

Kanye West, chồng của Kim Kardashian, rapper từng đoạt giải Grammy và là ông trùm thời trang thông báo trên Twitter hôm 4/7 rằng, anh sẽ ra tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ.

“Bây giờ chúng ta phải thực hiện lời hứa của nước Mỹ bằng cách tin vào Chúa, thống nhất tầm nhìn của chúng ta và xây dựng tương lai của chúng ta. Tôi sẽ chạy đua chức Tổng thống Hoa Kỳ!”, Kanye West viết trên Twitter hôm 4/7, kèm theo hình ảnh quốc kỳ Mỹ cùng hashtag #TẦMNHÌN2020.

Nội dung Kanye West viết trên Twitter hôm 4/7.

Theo Reuters, hiện chưa rõ Kanye West có nghiêm túc trong việc ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ hay không, khi chỉ còn bốn tháng nữa là tới ngày bầu cử 3/11, và không rõ anh đã nộp giấy tờ chính thức để tên mình xuất hiện trên lá phiếu hay chưa.

Kanye West được cho là người ủng hộ Tổng thống Trump. Anh và vợ, cô Kim Kardashian, từng tới thăm Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.

Trước đó, West từng bông đùa nhiều lần về việc một ngày nào đó anh sẽ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ví như, vào năm 2019, West tuyên bố: “Khi tôi ra tranh cử Tổng thống vào năm 2024, chúng tôi sẽ tạo ra rất nhiều việc làm”.

Sau khi Kanye West thông báo về việc sẽ ra tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ, ông Elon Musk, giám đốc điều hành của hãng ôtô Tesla đã bày tỏ sự ủng hộ trên Twitter.

“Anh sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ tôi!”, ông Elon Musk viết.

Pháp sẽ tránh dùng sản phẩm Huawei cho mạng 5G

Reuters đưa tin, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng ANSSI của Pháp cho biết không có lệnh cấm sử dụng thiết bị của Huawei cho việc triển khai mạng viễn thông 5G của Pháp, nhưng quan chức nay đang thúc giục các công ty viễn thông Pháp tránh dùng sản phẩm của công ty Trung Quốc.

Phát biểu của lãnh đạo ANSSI Pháp phù hợp với điều mà một nguồn tin nói với Reuters hồi tháng Ba, rằng Pháp không cấm Huawei nhưng sẽ tìm cách không dùng sản phẩm của công ty này cho phần cốt lõi của mạng viễn thông 5G.

Chính phủ Hoa Kỳ đã kêu gọi các đồng minh của mình loại trừ Huawei khỏi các dự án xây dựng mạng viễn thông thế hệ mới, với lý do công ty công nghệ Trung Quốc có thể làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Iran đang đàm phán hiệp định 25 năm với Trung Quốc

Iran đang đàm phán một hiệp định 25 năm với Trung Quốc, các điều khoản sẽ được công bố sau khi thỏa thuận được ký kết, ông Mohammad Javad Zarif, Bộ trưởng ngoại giao Iran, nói trong một cuộc họp quốc hội diễn ra tối Chủ nhật, theo AFP.

Ông Zarif cho biết, “với sự quả quyết và tin tưởng, chúng tôi đang đàm phán hiệp định chiến lược 25 năm với Trung Quốc”, đối tác thương mại hàng đầu của Iran, và nói rằng “không có gì bí mật” phải che giấu trong cuộc đàm phán này.

Trong phiên họp, ông Zarif đã bị các nhà lập pháp chất vấn, phần lớn xoay quanh vai trò chính của ông trong việc đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới. Chính quyền Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 để mở đường cho các biện pháp trừng phạt Teheran.

Nhật Bản: Mưa lớn khiến hàng chục người thiệt mạng

SBS News cho hay, những cơn mưa xối xả đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng ở đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản. Theo dự báo, mưa nặng hạt sẽ còn quay trở lại hòn đảo này.

Ngoài số người chết vì lũ lụt và lở đất gây ra do mưa lớn hôm thứ Bảy tại quận Kumamoto của Kyushu, 14 người khác vẫn đang mất tích. Trận lũ lụt này được đánh giá là tồi tệ nhất tại Nhật Bản kể từ cơn bão Hagibis vào tháng Mười năm ngoái làm khoảng 90 người thiệt mạng.

Cảnh quay trên TV cho thấy một trung tâm sơ tán đã cung cấp khẩu trang, chất khử trùng và nhiệt kế cho người dân tới tránh lũ nhằm ngăn ngừa virus Vũ Hán lây lan. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản kêu gọi người dân cảnh giác vì những cơn mưa lớn vẫn sẽ tiếp diễn.

Bộ trưởng Y tế Bolivia nhiễm virus Vũ Hán

Bộ Y tế Bolivia hôm Chủ nhật cho biết, Bộ trưởng María Eidy Roca đã nhiễm virus Vũ Hán, nhưng đang trong tình trạng ổn định, Reuters đưa tin.

Tính tới hết ngày Chủ nhật, Bolivia, đất nước với dân số 11,5 triệu người, đã ghi nhận hơn 38.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 1.378 ca tử vong. Hiện nước này là vùng dịch lớn thứ 40 thế giới theo cập nhật lúc 6h56 ngày 6/7 (giờ Việt Nam) của Worldometers.

Một địa phương Trung Quốc cảnh báo về bệnh dịch hạch

Nhà chức trách thành phố Bayan Nur, thuộc khu Nội Mông của Trung Quốc, hôm Chủ nhật, đã phát đi cảnh bảo về bệnh dịch hạch đang có dấu hiệu bùng phát tại địa phương này, theo Reuters.

Cảnh báo này đưa ra một ngày sau khi cơ quan y tế Bayan Nur phát hiện một trường hợp nghi nhiễm dịch hạch. Giới chức cấm người dân trong vùng săn bắn và ăn thịt động vật có thể mang mầm bệnh dịch hạch và yêu cầu báo cáo bất kỳ trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc các trường hợp sốt mà không rõ nguyên nhân.

Tháng Mười một năm ngoái, ở Nội Mông đã phát hiện 4 ca nhiễm dịch hạch. Loại bệnh này bị coi là “cái chết đen” trong thời trung cổ. Dịch hạch ở Trung Quốc cho thấy có tỷ lệ tử vong cao, trong giai đoạn 2009 tới 2018, Trung Quốc thông báo có 26 ca nhiễm dịch hạch, trong đó có 11 ca tử vong.

Đài Loan : Cứ địa dân chủ cho người Hồng Kông

Sáng mùng 1 tháng 7 năm 2020, đúng vào dịp kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được trao lại cho Hoa lục, Bắc Kinh ban bố Luật an ninh quốc gia, với những tội danh mơ hồ, cho phép chính quyền Trung Quốc trực tiếp theo dõi, bắt bớ, xét xử công dân Hồng Kông. Bắc Kinh chọn dịp này để tước đoạt hoàn toàn quyền tự trị của đặc khu, như thể để trả đũa lại hàng loạt thất bại đau đớn trong hơn một năm vừa qua, trước phong trào dân chủ Hồng Kông, từ luật dẫn độ sang Hoa lục bị hủy bỏ hồi tháng 9, sau hơn 3 tháng biểu tình ròng rã, cho đến thảm bại chưa từng có của phe thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019.

Đối với những người Hồng Kông yêu tự do, ngày 01/07/2020 là ngày báo tử của chế độ bán tự trị. Tuy nhiên, ngày 01/07/2020 cũng chính là ngày mà chính quyền Đài Loan chính thức mở cửa đón nhận người tị nạn chính trị Hồng Kông, chạy khỏi xứ sở nay đang trên đường trở thành một “nhà tù lớn”, nơi mọi công dân đều là “các tù nhân dự bị”.

Thông tín viên Adrien Simorre của RFI từ Đài Bắc gửi về bài phóng sự nói về “bước ngoặt” mùng 1 tháng 7 năm 2020, khi chính quyền Đài Loan chính thức mở rộng vòng tay cho tất cả những người tranh đấu Hồng Kông:

“Tại một địa điểm ở phía nam thủ đô Đài Bắc, các bức tường của một quán cà phê nhỏ phủ kín áp phích ủng hộ Hồng Kông. Một nhóm người Hồng Kông sống tại Đài Loan tổ chức cuộc gặp mặt này.

Một sinh viên Hồng Kông trạc 20 tuổi, xin giấu tên, với mũ trùm kín đầu, khẩu trang che mặt, cho biết anh tham gia vào sự kiện này, bởi trong thời gian gần đây anh nhận thấy một số người dân Đài Loan lo ngại có thêm nhiều người Hồng Kông đến Đài Loan. Anh nói : “Tôi muốn cho họ thấy là những người đến từ Hồng Kông không chỉ muốn hội nhập vào xã hội Đài Loan, mà còn muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với người Đài Loan.  Chúng ta có nhiều niềm tin chung, như vậy chúng ta cần giúp nhau”.

Trong thời gian gần đây, kể từ các cuộc biểu tình đầu tiên chống dự luật dẫn độ, số lượng giấy cư trú cấp cho người Hồng Kông tăng vọt. Việc Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông càng thúc đẩy xu thế di cư sang Đài Loan.

Xã hội dân sự và Đài Bắc đã giúp hàng trăm người biểu tình Hồng Kông tị nạn. Tuy nhiên, trước đây Đài Loan tỏ ra dè dặt, vì lo ngại các trả đũa từ phía chế độ cộng sản láng giềng. Ông Lin Jun-hong, phát ngôn viên của một nhóm trợ giúp pháp lý, gồm khoảng 30 luật sư tình nguyện, cho biết nhóm hỗ trợ những người Hồng Kông trực tiếp tham gia biểu tình chống luật dẫn độ sang Trung Quốc năm 2019, giúp họ định cư và bắt đầu một cuộc sống mới tại Đài Loan. Theo ông, cho đến nay, chính phủ quyết định cấp visa cho từng trường hợp một, và chưa có một quy chế thống nhất.

Chính phủ Đài Loan rút cục đã quyết định có chính sách rõ ràng. Hôm thứ Hai (29/01) vừa qua, Đài Loan chính thức mở cửa cho người Hồng Kông xin tị nạn vì lý do chính trị. Và kể từ thứ Tư này (01/07), chính quyền khai trương một văn phòng hỗ trợ người tị nạn Hồng Kông. Đối với dân biểu Đài Loan Freddy Lim, một nghệ sĩ rock nổi tiếng có mặt tại đây, và là người đứng đầu một nhóm nghị sĩ ủng hộ người Hồng Kông, thì luật mới về an ninh quốc gia của Trung Quốc đã thực sự là “một bước ngoặt”, thúc đẩy các lực lượng chính trị tại Đài Loan đoàn kết lại, ủng hộ người tranh đấu Hồng Kông.

Bắc Kinh ngay lập tức lên án âm mưu của các phần tử đòi độc lập cho Hồng Kông và Đài Loan. Tổng thống Đài Loan cũng ngay tức khắc phản hồi. Bà Thái Anh Văn khẳng định, qua động thái vừa qua, “chính quyền Bắc Kinh đã chứng minh là công thức “một quốc gia, hai chế độ” không thể áp dụng cho Đài Loan”.

Related posts