Tập Cận Bình: Để cứu mình thì cần phải ác!

Theo một tín lý lâu đời trong lịch sử Trung Hoa thì khi một kẻ soán nghịch xưng vương hay một ông vua sa vào con đường tà, Trời thường trừng phạt kẻ đó bằng hạn hán, lũ lụt hay dịch bệnh. Nếu áp dụng “niềm tin” này, những đảng viên cộng sản “trung kiên” có thể quy kết rằng Tập Cận Bình đã bị “Trời phạt” vì sửa đổi hiến pháp, vượt qua điều cấm của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình để mưu đồ làm lãnh tụ suốt đời.

Nhưng mưu đồ đó đang bị thách thức và  Tập đang loay hoay trong cuộc chiến truyền thông để lấy lại thế chủ động khi Trung Quốc vẫn còn quằn quại trong trận dịch viêm phổi Vũ Hán, chưa hề tìm thấy một lối ra trừ mấy khẩu hiệu lên gân nhạt thếch.. Kể từ khi lên làm lãnh tụ đến nay, đây là lần đầu tiên Tập trở nên yếu thế, lúng túng, không kiểm soát được tình hình, không biết phải làm như thế nào. Thái độ lúng túng thể hiện qua sự im lặng ban đầu, sau đó là từ chối một phần sự thật khi khẳng định virus không truyền nhiễm từ người sang người, đùng một cái thì ra lệnh phong tỏa một thành phố có đến 11 triệu dân và nay thì phần nào thú nhận tội lỗi.

Báo chí Trung Cộng ngày 15.2.2020 đã công bố bài phát biểu của ông Tập trong cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 3.2.2020, trong đó Tập nhấn mạnh rằng ngay từ ngày 7.1.2020 ông ta đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch phòng chống virus corona mới.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thừa nhận nhà lãnh đạo tối cao đã biết và trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch ngay từ sớm, một tuần sau khi Trung Quốc thông báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) về một virus lạ gây viêm phổi tại Vũ Hán, đúng hai tuần trước khi Bắc Kinh chính thức thừa nhận dịch.

Cho đến nay, dân chúng vốn vẫn chăm chăm đả kích giới chức Vũ Hán và Hà Bắc,  như là thủ phạm khiến dịch bệnh bùng phát nên diễn biến trên có thể dẫn đến những chất vấn về trách nhiệm của Tập trong cuộc khủng hoảng.

Phải chăng Tập đang cố thanh minh, cố thay đổi câu chuyện về diễn biến của cuộc khủng hoảng cực kỳ bất lợi cho mình? Hay là Tập đánh bài sấp ngửa, thà là nhận mình có sai chút đỉnh còn hơn bị xem là lãnh tụ gà mờ hay, thậm chí, một lãnh tụ ngu, bị đám vua con tại Vũ Hán bịt mắt, không hề nắm được tình hình?

Rõ ràng, trận dịch hiện tại cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của thời kỳ “hậu Mao Trạch Đông”, được thế giới chú ý còn đậm hơn cả biến cố Thiên An Môn năm 1989 và liệu Tập Cận Bình có sống sót về mặt chính trị sau trận dịch này?

Về chính trị, Tập có bài học từ Mao. Bỉ mặt và bị dồn vào thế thụ động vì những thất bại trong chính sách Đại Nhảy Vọt, Mao đã lấy lại thế chủ động bằng cuộc thanh trừng mang tên “cách mạng văn hóa vô sản”. Tập có thể làm thế để tiêu diệt những kẻ “thừa dịch bệnh thả câu” nhưng rõ ràng là Tập nhát hơn Mao.

Mao đã khởi sự cách mạng văn hóa bằng cách đến Vũ Hán diễn trò nhưng bây giờ thì Tập nhát, không có gan đến tận xuất phát điểm của dịch bệnh để diễu trò.

Mao bơi trên sông Dương Tử tại Vũ Hán

 “Cách mạng văn hoá” là cuộc đấu tranh nội bộ trong đó Mao sử dụng “quần chúng” để triệt hạ những đối thủ chính trị. Chính sách “Đại nhảy vọt” mà Mao đề xướng vào năm 1958 thất bại nặng nề, khiến 30 triệu người chết đói nên chỉ ba năm sau (1961) Mao đành phải rút lui, chỉ giữ hư danh “chủ tịch đảng” để Tổng bí thư đảng Đặng Tiểu Bình và Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ điều hành theo đường lối cải cách mà sau này Mao gọi là “xét lại”

Năm năm thụ động là năm năm căm hận sau ngần ấy thời gian nghiền ngẫm, tháng Tám năm 1966 Mao phản công bằng cách kích động Hồng vệ binh chất vấn những cán bộ “hữu khuynh” và “xét lại” biến chất, nhiễm thói trưởng giả, mất hết lý tưởng cách mạng. Để hạ Đặng và Lưu,  Mao lôi kéo sự ủng hộ của quân đội bằng cách tuyên bố chọn Bộ trưởng Quốc phòng Lâm Bưu làm người kế vị. Với sự bảo trợ của quân đội, những Hồng vệ binh chưa ráo máu đầu đã rầm rộ mở một chiến dịch đấu tố từ thấp rồi lên cao.

Nhưng đầu tiên,  khoảng hai tuần trước khi khởi xướng cách mạng văn hóa tại Bắc Kinh, Mao đến Vũ Hán để chứng minh rằng ông ta vẫn còn khỏe, còn có thể tiếp tục… hy sinh dù đã 72 tuổi!

Ngày 16.7.1966 Mao đến Vũ Hán thả mình bơi trên sông Dương Tử trong một “lễ bơi” tổ chức rầm rộ. Thực chất lúc đó Mao chỉ là cái bị thịt đầy mỡ, thả mình xuống nước là nổi và bác sĩ riêng của Mao là Lý Chí Thuy kể lại trong hồi ký “Đời sống cá nhân của Mao Chủ tịch”: “Mao chẳng bơi gì cả mà chỉ thả trôi theo giòng nước, cái bụng to tròn nổi lên trên mặt nước như một quả bóng. Tôi biết rằng vụ tắm sông này là một thách thức với Trung ương Đảng, đây là dấu hiệu cuộc chiến đã khởi động”.

Image result for Mao swam, Wuhan

Quả nhiên, chỉ hai tuần sau, khi trở về Bắc Kinh, sau khi những hình ảnh Mao
mạnh khỏe chế ngự sóng Dương tử” được bộ mát uyên truyền tung hê, Mao ra tay , tấn công dữ dội vào phe cải tổ của đảng. Hầu như ngay sau đó thì Trung ương đảng thông qua cương lĩnh “Mười sáu điểm về Cách mạng Văn hóa”, khởi đầu cho một tai họa kéo dài gần một thập niên.

Bây giờ thì Vũ Hán là tâm dịch nhưng Tập Cận Bình không dám đến tận nơi này để diễn trò “siết chặt sự lãnh đạo”. Thay vào đó Tập ông ta lại phái Lý Khắc Cường – viên thủ tướng thỉnh thoảng bị Tập chỉ trích không kiêng dè – đến đó thay mình. Hành động “quả cảm” nhất của Tập kể từ trận dịch bùng phá là ló mặt ra đường phố Bắc Kinh!

Hèn, không dám đến Vũ Hán diễn trò, Tập chỉ có thể quanh quẩn tại Bắc Kinh với những bài tuyên truyền hạng bét!

Bài tuyên truyền hạng bét

Sớm hay muộn thì những bài tuyên truyền dối trá cũng bị lộ mặt thật, thế nhưng bài tuyên truyền của Tập bị vạch trần quá sớm, chỉ có ba ngày!

Ngày 12.2.2020 Tân Hoa Xã làm ầm ĩ về những “niềm tin” của Tập trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 11.2.2020. Nào là “Chúng tôi tin tưởng sau khi chiến thắng dịch bệnh này, Trung Cộng sẽ càng thêm phồn vinh hưng thịnh”,; nào là “Khó khăn và thử thách càng lớn, sự đoàn kết và sức chiến đấu sẽ càng cao”; nào là “Chúng tôi có năng lực và có lòng tin không chỉ có thể chiến thắng dịch bệnh này một cách triệt để, mà còn hoàn thành được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội. Chúng tôi vận dụng tính ưu việt của chế độ, khai trên trận thế của nhân dân để chống dịch, áp dụng biện pháp phòng chống dịch tối nghiêm khắc và tối triệt để, thu được các kết quả tích cực”.

Nhưng ngay sau khi Tân Hoa Xã làm ầm ĩ về sự “lạc quan cách mạng” này thì chính những thông tin chính thức của Trung Cộng lại cho thấy toàn.. “kết quả tiêu cực”.

Ngày 13.2.2020 Sở ban Y tế tỉnh Hồ Bắc chính thức xác nhận rằng chỉ trong một ngày 12.2.2020 đã có 242 ca tử vong do virus Covid-19, tăng hơn gấp đôi so với con số thiệt mạng kỷ lục trong một ngày là 103 người vào ngày 10.2.2020. Ngoài ra, chỉ trong ngày 12.2.2020 đã có thêm là 14,840 bệnh nhân mới, tăng gần gấp 10 lần so với con số ngày hôm trước là 1,638.

Theo các quan chức tỉnh Hồ Bắc, nơi chiếm đến 80% tổng số ca nhiễm bệnh, con số tăng vọt này là do việc “mở rộng định nghĩa về các trường hợp nhiễm bệnh Covid-19.

Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc nói rằng kể từ hôm nay 13.2, họ bắt đầu gộp thêm các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng. Điều này có nghĩa là những trường hợp thể hiện triệu chứng, và ảnh quét CT cho thấy phổi bị nhiễm, sẽ được chẩn đoán nhiễm là virus Corona, thay vì chỉ dựa vào các xét nghiệm DNA hay RNA (nucleic acid).

Thêm ba ngày sau nữa, con số còn tăng vọt cao hơn. Tính đến sáng 16.2.2020 đã có thêm 142 người chết và 2009 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc, nâng số người nhiễm bệnh lên 68,500, và 1,663 người chết.

Thông tin này khiến thị trường toàn cầu bị hụt hẩng sau khi tạm khởi sắc với niềm hy vọng mong manh rằng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi theo sự lạc quan của Bắc Kinh và sự cả tin của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Người ta sợ rằng số người nhiễm bệnh có thể lớn hơn số liệu chính thức của Bắc Kinh. Theo các chuyên gia y tế cộng đồng của London Royal College thì cứ 19 người nhiễm bệnh chỉ có một người “được làm xét nghiệm và xác nhận nhiễm bệnh”: sự thể cho thấy nguy cơ còn rất nhiều người nhiễm virus chưa được chẩn đoán và điều trị.

Rõ ràng là hệ thống phòng dịch Trung Cộng không hề hoạt động theo bài bản khoa học mà bằng chứng rõ rệt nhất là việc công an cảnh cáo bác sĩ Lý Văn Lượng. Cho đến nay, dù áp dụng định nghĩa cũ hay định nghĩa mới, toàn bộ thông tin toàn bộ về số người chết , số người nhiễm bệnh, nguồn lân lan và thời điểm bệnh dịch xuất hiện hay lan tràn hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo của Trung Quốc.

Mẫu số chung của những báo cáo này là sự “uốn nắn” theo mục tiêu chính trị. Báo cáo ban đầu cho rằng dịch xuất phát từ một chợ hải sản – thú hoang và cho rằng virus này chỉ lây từ động vật sang người, không hề có chuyện lây từ người sang người.

Ngày 1.1.2020 chính quyền ra lệnh đóng cửa chợ nhưng lại che đậy sự thật, không dám công khai cho công chúng rằng đây là tâm điểm ổ dịch mà giải thích là đóng cửa để “sửa chữa chợ”.

Những trò dối trá này đang bị phơi bày và chính là thách đố nhạy cảm nhất mà Tập phải vượt qua: chứng tỏ tính chính danh đối với dân và với đảng.

Nhưng đầu tiên là sự “chính danh” của chế độ.

Một chính quyề què quặt!

Chỉ 10 ngày sau khi thông báo với WHO về virus mới, Trung Cộng tuyên bố đã phân lập được virus corona này. Điều này cho thấy Trung Cộng có một đội ngũ khoa học gia lành nghề, hơn thế nữa, có thể nói là xuất sắc.

Trên thực tế Trung Cộng đã đầu tư hàng tỷ Mỹ kim vào các cuộc chạy đua không gian, chạy đua sản xuất siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, sinh học và y học. Bắc Kinh sở hữu một trong những trung tâm lớn nhất thế giới về giải mã yếu tố di truyền DNA, một phòng thí nghiệm để nghiên cứu những loại virus nguy hiểm nhất. Trung Cộng còn có một hệ thống bệnh viện với những thiết bị y khoa hiện đại.  Trung Cộng lạ có năng lực tài chính vững mạnh, nghĩa là hoàn toàn có khả năng kiểm soát một dịch bệnh từ đầu.

Tuy nhiên Trung Cộn đã không làm được vì sự can thiệp của chính trị. Sự què quặt của hệ thống y tế này xuất phát từ sừ què quặt của hệ thống chính trị.

Cả khi nhận ra rằng chính yếu tố chính trị què quặt này đã khiến bệnh dịch lan tràn, Tập vẫn can thiệp vào Vũ Hán bằng những thủ đoạn ranh ma của một nhà chính trị què quặt. Tay vì cử những nhà kỹ trị giỏi chuyên môn trong vấn đề y tế cộng đồng, Tập lại cử đến đây những tay chân thân tín đã chứng tỏ sự trung thành tại Chiết Giang khi Tập là bí thư tỉnh ủy tỉnh này (2003 – 2007), cũng là những kẻ khét tiếng là cứng rắn, mà “cứng rắn” trong chế độ cộng sản luôn đồng nghĩa với “ác”.

Ngày 13.2,2020, sau khi thông tin chính thức loan báo số tử vong tăng gấp đôi và số người nhiễm tăng gấp mười, Bắc Kinh công bố quyết định thay “tướng” tại Vũ Hán: Cách chức Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang — Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc) và Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang — bí thư thành ủy Vũ Hán.

Thay hai nhân vật này đều là những tay chân thân tín của Tập. Tân bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc là Ứng Dũng (Ying Yong), vốn là bí thư thành ủy Thượng Hải và trước đây từng là Giám đốc Công an tỉnh Chiết Giang khi Tập nắm vai trò bí thư tỉnh ủy. Trước đó, ngày 9.2.2020 Tập đã cử hai tay chân thân tín khác đến Vũ Hán trong vai trò “đặc phái viên trung ương” gồm Trần Nhất Tân (Chen Yixin) và Hạ Bảo Long (Xia Baolong).

 Hạ Bảo Long là người đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Chiết Giang khi Tập còn làm bí thư tỉnh này từ năm 2003 đến 2007. Trở thành Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang từ cuối năm 2012, Long bắt đầu chiến dịch tháo dỡ thánh giá trên các nóc nhà thờ ở tỉnh này, đồng thời ra lệnh cấm các nhà thờ đón nhận cũng như mở các lớp giáo lý cho thanh thiếu niên.

Rõ ràng, việc “thay đổi cách tính” để nhân số người chết lên gấp hai và số người bệnh lên gấp 10 là một thủ đoạn để Tập dễ dàng thay người của mình. Mà những tay chân Tập đưa đến Vũ Hán toàn là những kẻ khét danh là ác.

Tập cần những tay chân ác như vậy mới có thể xoay chuyển được thế bị động của mình.

Thế bị động của Tập

Tháng Ba năm 2019 Tập đã sửa đổi hiến pháp, xóa bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch nước. nuôi ý đồ làm chủ tịch suốt đời. Đồng thời, Tập còn đưa mớ hỗ lốn “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ đảng.

Tuy nhiên 19.12.2020, lúc chưa có một dòng thông tin nào về dịch bệnh tạ Vũ Hán, tài khoản wechat “Nghiên cứu cải cách Trung Quốc” và các tổ chức đại lục khác đã đăng lại bài báo “Những năm tháng nhiệt tình của Ôn Gia Bảo”, mượn tiếng ca ngợi họ Ôn để đề cập đến quá trình cựu lãnh tụ Tiểu Bình bãi bỏ “hệ thống chức vụ lãnh đạo cán bộ trọn đời”.

Bài báo đề cập rằng sau khi Đặng Tiểu Bình và Trần Vân tái tổ chức công tác của Trung ương, tại Hội nghị Trung ương đảng vào ngày 29.2.1980 đã chính thức đề nghị việc bãi bãi bỏ “chế độ cán bộ lãnh đạo cả đời” và sau đó đề nghị này được đưa vào Hiến pháp. Tác giả cũng nhấn mạnh rằng hai lãnh tụ họ Đặng và họ Trần đã nhiều lần nhấn mạnh đế nhu cầu “tăng cường đề bạt và bồi dưỡng cán bộ trẻ”.

Rõ ràng, trong thời kỳ nhạy cảm này, những bài viết như thế này có nội dung xỏ xiên việc Tập mưu đồ tiếp tục “hy sinh” thêm nhiệm kỳ thứ ba,

Như đã nói trong bài trước, trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc thì hiện tại phái cải cách đã mất niềm tin với Tập Cận Bình, trong khi những dư đảng của Giang Trạch Dân bị hanh hạ trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” thì ngun ngút căm thù, chực xé xác Tập.

Trong tình thế đó, trận dịch này đã đẩy Tập vào đường cùng và để giải quyết trận dịch này, Tập không có cách nào khác là sử dụng những tay chân tín cẩn trước đây.

Chẳng có gì khó hiểu khi Tập điều những chuyên gia công an hay chuyên gia đập nhà thờ đến Vũ Hán để khống chế bệnh dịch kinh hồn tại đây.

Người Trung Quốc thì kinh hồn vì dịch. Tập Cận Bình thì kinh hồn nghỉ đến sự chống đối của công chúng và của các “đồng chí” vì trận dịch đã vạch trần chân tướng bất tài của ông ta, vạch trận bản chất bất lực của chế độ mà ông ta muốn gìn giữ suốt đời!

Mao đã đến tận Vũ Hán nhảy xuống sông Dương Tử để chứng tỏ “ta đây vẫn khỏe” trước khi thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Có thể Tập không đủ bản lĩnh để đến tận Vũ Hán mà “bơi” trong ổ dịch như lời minh định “sẽ chiến thắng con virus ác quỷ”. Tuy nhiên về độ ác, Tập sẽ không thua gì Mao.

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts