Tâm sự của người trong cuộc tìm đường đến Anh

Sau khi đọc tin 39 người thiệt mạng trên đường đến Anh, mình thấy bản thân mình trong đó rất nhiều, nhưng kết cục mình thì tốt hơn họ một chút – là còn sống để trở về.

Mình sẽ kể lại câu chuyện của mình. Đến giờ sau 4 tháng bị trục xuất về Việt Nam mình cũng không bao giờ có thể quên được những ngày tháng ấy.

Tại sao nguy hiểm vậy thậm chí đánh đổi cả tính mạng mà vẫn cứ đi?

Nhiều người cho rằng với 1 tỷ (khoảng 60 ngàn Úc kim) chi phí bỏ ra để đi ở Việt Nam có khi tốt hơn rất nhiều. Đúng thật là nếu bạn có sẵn 1 tỷ, nhưng đa số là không có mà hầu như đều phải đi vay ít nhất cũng 50%. Lương thợ cứng làm nail ở Anh trung bình sau 1.5 năm sẽ hết nợ. Đa số người di dân là thanh thiếu niên mình gặp nhiều bạn 14 tuổi mà gia đình cũng cho đi rồi. Vì trẻ tuổi nếu qua được đó an toàn và được ở lại thì nói từ “đổi đời” chắc cũng không quá. Tất nhiên là không chơi bời quá mức.

Nhưng “Vinh quang nào cũng có giá của nó”. Bước chân đi là đã đánh đổi tất cả mọi thứ ở Việt Nam. Mấy anh em mình hay nói với nhau “đi không biết ngày về”, thậm chí bố mẹ mất cũng chưa chắc đã có thể về ngay được. Và cái giá cao nhất là tính mạng và tiền bạc.

Hành trình đến miền đất hứa, bị trục xuất 2 lần!

Lần 1: Vượt rừng Nga

Học hết lớp 11 bố mẹ mình tìm cách xin visa cho mình bay thẳng qua Pháp rồi sang Anh nhưng do quá trẻ nên mình xin hụt visa Pháp, về nhà và chuẩn bị để đi bộ theo đường Nga. Mình xin visa qua Nga theo diện du lịch Olympic và đợi ở Nga mất 3 tháng, sau đó lên xe ô tô đi ra biên giới, chuẩn bị vượt rừng đêm qua Latvia. Đêm mùa đông trong rừng Nga tuyết rơi dày đến đầu gối. Đoàn có 7 người theo chân 1 người Nga dẫn đường, đang đi thì có 1 người trong đoàn thấy ánh đèn liền kêu “police”, vậy là thằng dẫn đường sợ quá nó bỏ trốn để lại 7 anh em mình ở lại trong rừng, không điện thoại, la bàn.

Mấy anh em ở lại 1 đêm, nhưng không ngủ nổi vì tuyết rời dày và lạnh. Bao nhiêu đồ đạc trong balo lúc đi do phải nấp cảnh sát, rồi vũng lầy nên bọn mình phải vứt lại hết đi người không. Đợi mãi trời cũng sáng, mà không thấy dẫn đường quay lại, đói mệt mấy anh em phải tự tìm cách ra khỏi rừng. Ban ngày tuyết rơi dày đặc xung quanh là màu trắng, mấy anh em cứ đi và đi. Không biết trong rừng có ma dắt hay không nhưng bọn mình cứ đi 3 ngày 3 đêm mà chỉ loanh quanh 1 chỗ (đi rồi lại về chỗ cũ). Đói ngắt táo dại trong rừng ăn, khát nước thì mình bốc tuyết ăn. Tối mệt thì gục xuống tuyết. Đến ngày thứ 4 tưởng chừng bỏ mạng lại trong rừng vì chân mình sau 3 ngày đi rơi mất giày lúc nào không biết, chân không còn cảm giác nữa, gục xuống thì một anh người Hà Nội kéo mình dậy bật mình phải đi tiếp. Và may mắn cũng đến. Mấy anh em cuối cùng sau 4 ngày cũng tìm ra đương quốc lộ. Nhưng đợi mãi mới có 1 xe bus nhưng lại là xe biên phòng Nga (nhưng anh em mình không hề biết) cho đến khi họ đưa bọn mình về đồn. Biên phòng Nga hỏi thông tin, nhưng do sợ bị trục xuất về nên mấy anh em mình không khai thì bị vả chảy máu mồm. Đến đêm lúc sơ hở chỉ có 2 người già trông nên mấy anh em mình bỏ trốn, nhưng ra ngoài lạnh, không có tiền không vẫy được xe nên đành quay lại gõ cửa biên phòng. Hôm sau bọn mình được đưa đến trại tị nạn cho trẻ em. Họ cũng cho khám y tế, bác sĩ bảo chân mình chỉ cần đi thêm nửa ngày nữa là phải cưa chân.

3 tháng trong trại Nga là 3 tháng tra tấn cực hình tinh thần. Đi đường Nga không phải tốn nhiều tiền nhưng khi bị bắt thì “nhục” khổ nói. Sáng dậy sớm đọc 10 lần lời của Lenin sau đó họ cho ăn sáng, ăn xong mấy anh em mình bị nhốt trong 1 căn phòng 10m2, có 1 chiếc tivi chiếu chương trình của Nga. Cả ngày ở trong đó, chỉ lúc ăn và đi vệ sinh là được ra một lát. Nhưng đi vệ sinh cũng phải đợi đúng giờ mới được đi. Được viết thư gửi về nhà với giá gần 600k/ 1 bức. Nói chuyện chỉ được nói thầm. Nói to là ăn đòn hoặc bị phạt đứng nửa ngày. Thời gian cứ trôi như vậy 3 tháng trời để đợi làm lại hộ chiếu về Việt Nam. Đã có một vụ tự tử người Việt tại phòng bên cạnh phòng bọn mình do không chịu nỗi. Mỗi lần nhìn ra ngoài khung sắt tuyết rơi, bọn mình lại khóc. Khóc cho số phận minh thật bất lực. Và rồi cuối cùng bọn mình cũng được trở về Việt Nam mà như thoát khỏi địa ngục vậy.

Lần 2: Vượt rừng Thổ, eo biển Hy Lạp

Sau khi bị trở về từ Nga và ăn Tết xong 15 ngày sau mình lại khăn gói quay trở lại Anh bằng đường khác. Lần này mình nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ. Ở lại Thổ 2 hôm mình nhập một đoàn 30 người cả phụ nữ và trẻ em các nước Trung Đông cũng có. Đến eo biển giữa Thổ và Hy Lạp họ cho cả đoàn 30 người lên 2 chiếc thuyền phao, loại bơm tay và tự chèo vượt biển. Đến giữa biển thấy cá mập, mấy đứa trẻ phải bịt mắt lại cho đỡ hét. Nhưng đến nửa đường bọn mình bị cảnh sát Thổ bắt, nhốt giam 24h sau đó được thả. Lại chờ đợi và đi lại.

Lần này họ cho đoàn mình đi đường rừng. Họ dặn chuẩn bị lương thực cho 1 ngày đường. Thế nhưng khi vào rừng thì bị động bọn mình phải ở trong rừng ngày thì nằm dưới ánh nắng gay gắt. Đêm mới di chuyển, do không đi được đường tắt mà phải đi vòng nên thời gian xa hơn. Hết đồ ăn, nước uống. Đói mệt. Đi gần 3 ngày mới đến biên giới. Thỉnh thoảng lại gặp ánh đèn biên phòng, mỗi lần như vậy phải nằm sát đất, cỏ gai đâm xước xát chảy máu hết cả. Rồi lúc băng qua đường quốc lộ thì phải chạy thục mạng” tủm…tủm….tủm”, cứ người này nhảy theo người kia thụt xuống đầm do tối không thấy đường, lúc chạy mình bị miếng sắt đâm thủng mũi dày may không mất chân. Lúc này đi chỉ bằng ý chí thôi, ở lại là chết. Cứ vậy chạy đến nửa đêm thì bọn mình đến biên giới Hy Lạp. Đợi xe đến đón nhưng họ không đến ngay lại phải ở thêm 1 đêm nữa trong rừng. Vừa đói khát, vừa mệt. Trời lại mưa to, ngày thì nắng, đêm thì mưa, rét run cầm cập, mình mút hết nước trên lá cây cũng chẳng thấm tý nào. Cả đoàn bị mê sảng. Rồi thiếp đi không biết gì nữa. Đến sáng hôm sau xe nó đón. Nó nhét 12 người vào chiếc xe 4 chỗ, chạy liên tục 4 tiếng. Mình nằm cốp với 3 người, 1 anh say xe ói ngay trong cốp. Lúc đấy có khi chết còn sướng hơn. Xe chạy vào sâu Hy Lạp thì xe mình bị hỏng giữa đường, vứt xe đó rồi cả đoàn lại chạy bộ. Thì lại bị cảnh sát Hy Lạp họ tóm.

Sau đó bọn mình bị cho vào trại tị nạn, rồi ra toà. Hầu hết ai cũng bị bắt ở lại trại 6 tháng nếu không xin được ở lại sẽ bị trục xuất. Mình ở chung phòng với 1 anh trong đoàn và 5 người Afganistan. Ở trong trại 2 hôm mấy người Afganistan rủ hai anh em mình trốn trại. Tường rào cao 4m thép gai. Đêm đến cảnh sát họ đi kiểm tra 1 lượt. Cả đám ra đạp cửa sắt sân tập sau đó lấy chăn quấn lại vắt qua hàng rào, tất cả đều bị gai thép cứa chảy máu, nhưng không chạy là bị bắt, chuông báo động kêu lên cảnh sát họ đuổi theo. Cả đám chạy thục mạng. Nhờ trời tối mà bọn mình thoát. Chạy vào rừng đi liên tục ven rừng 30km sau đó liên lạc tìm cách về Athens. Công nhận người Athena đẹp, con gái càng đẹp nữa.

Về đợi ở kho tại Athens 1 tháng có chuyến, lần này họ cho mình đi tàu cá để vượt biển qua Ý, lênh đênh trên biển gần tuần, trên tàu có 30 người như mình thì nghe tiếng “bụp, bụp” vào thân tàu. Thôi cả lũ nghĩ cướp biển thì chết chắc, lúc sau thấy cảnh sát xuống lúc đấy mới thở phào. Sau đó lại bị trả về Hy Lạp. Rồi sau đó mình đợi Athens 11 tháng tìm đường khác đến Đức rồi qua Pháp vào cuối năm 2018. Tưởng chừng sau ngần ấy gian nan, đến Pháp là mình đã xong đến 80% đích rồi. Thế nhưng cuộc đời luôn cho ta những điều bất ngờ.

Chờ đợi ở Pháp

Trong những ngày gần Tết mọi người ở nhà đang chuẩn bị đón Tết thì bên Pháp cuộc sống 24/24 ở trong kho, xem phim chơi bài cho hết ngày, như tù nhân giam lỏng, chỉ chờ được mong chóng đến nơi sớm nhất.

Cái đêm 30 Tết Giao Thừa thì mấy đứa mình bị đuổi ra ngoài vì kho bị động. Chúc tết bố mẹ xong, lau những giọt nước mắt rồi mang ít quần áo ra ngoài đường. Mấy anh em tìm chỗ ngủ cho qua đêm, ở nhà ga, bến tàu. Lạnh, không ngủ nổi, mấy anh em lại kể chuyện vui, để có thêm ý chí.

Nhảy hết kho này đến kho khác, biên tắc giá bị đội lên cao, đợi gần một tháng mình cũng được lên công. Đường dây nó hẹn tối đi công VIP chỉ hơn 10 người. Mấy anh em khăn gói lên đường bắt taxi. Một xe cho 6 người đi từ Paris về Calais là 600€ dài khoảng 300km. Điểm hẹn ở một đường mòn sâu giữa cánh đồng, bọn mình đợi dưới cái lạnh tê tái mùa đông ở Pháp 3 giờ rồi lên công. Lúc nhảy vào trong trời đất ơi gần 40 người ngồi lúc nhúc không thể duỗi chân. Mấy anh bên cạnh khoe: “Anh nhảy lần này lần thứ 9 rồi, lại bị lừa lên công bạt, đi cho vui thôi em chứ ra cảng nó quét nhiệt không qua được đâu”. Lúc đó mới biết công mình đi là loại “rẻ rách nhật-công bạt”. Xe lăn bánh gần 1 tiếng đến cảng Cherbourg thì bị chó ngửi mùi, và tất cả bị CS Pháp dắt về đồn. Sợ hãi, lo lắng trục xuất gánh trên vai khoản nợ gần nửa tỷ để đến Pháp. Bị giam, phụ nữ con gái nhiều người khóc lóc van xin. Nhưng may mắn chúng tôi được thả ra hết ngay rạng sáng hôm đó sau khi lăn vân tay. Vài người trong số chúng tôi bị lộ vân tay và có giấy phải rời khỏi Pháp trong 30 ngày. Đêm hôm đó chúng tôi lại thức trắng ở ga tàu, lạnh nhưng vui… hôm sau trở lại Paris

Thời gian cứ thế trôi, người đưa bọn tôi đi nhiều lần hứa đi công VIP, công điện tử… Nhưng 4 lần tôi đi đều là công bạt. Nhưng lần cuối cùng của tôi thì tôi lại không được may mắn khi bị bắt ở cảng Calais (Pháp) do lộ vân tay của đợt xin visa hụt vào Pháp. Thế là họ cho tôi chuyển về trại tị nạn Lille.

Cuộc chiến tinh thần ở trại Lille và gánh nặng khi trở về

Không giống như ở trại Nga, trại tị nạn ở Pháp chúng tôi được đối xử rất tốt, phải nói là họ rất tốt, rất văn minh. Ngày nào cũng có dọn phòng thay ga đệm, có phòng xem phim, chơi thể thao… nhưng an ninh cực nghiêm ngặt. Tôi đã tìm cách trốn nhưng không thể. Chỗ tôi có một anh nữa người Hưng Yên ở cùng, hai anh em chỉ ở chung với nhau 3 tháng nhưng mỗi người một số phận, nhưng người có số đôi khi phải chấp nhận dù có cố gắng đến dâu. Dù không bị tra tấn đánh đập nhưng cái gánh nặng nợ nần nó khiến hai anh em già đi cả chục tuổi. Nhà anh cùng tôi cầm nhà để vay tiền đi. Hoàn cảnh khó khăn, tôi thì đỡ hơn chút. Trong trại tôi cố gắng liên lạc về Paris, về nhà rồi cho những anh em ở trại khác xem tình hình, bọn tôi ra toà 4-5 lần, nhưng đều thất bại và đợi ngày về Việt Nam vì lý do lộ vân tay. Nhưng số đen là luật Pháp mới thay đổi tăng thời hạn giam giữ từ 45 ngày lên 90 ngày nên đến ngày thứ 50 tôi và anh Hưng Yên được áp tải ra sân bay về nước dù có không muốn. Nên đã bị chuyển trại là 99% về nước.

Trở về Việt Nam, tất cả mọi người đều mừng vì tôi còn lành lặn trở về. Nhưng tim đau như cắt bắt đầu lại cuộc sống ở Việt Nam thật khó khăn với tôi, thực sự rất khó. Nhưng số rồi nên không thể khác được.

Anh Quốc đúng là thiên đường, từ cuộc sống đến văn hoá, nhưng thực sự để đến được đó bạn sẽ phải trả cái giá cực kỳ đắt nếu bạn không có kiến thức, đâm đầu đi như bao người, không có tìm hiểu kỹ chuẩn bị kỹ, thì thất bại sẽ cực kỳ cay đắng.

Tôi nghĩ so với hàng chục nghìn người vượt biên thành công thì con số 39 kia chẳng thấm vào đâu, tỷ lệ rất nhỏ bé, nhưng biết đâu trong cuộc chơi may rủi này nó lại rơi vào chính mình thì sẽ thế nao?

Muộn quá rồi, phần tiếp theo mình viết sẽ là những lần dưới bãi súng kề đầu, và những kỷ niệm khó quên!

ML

Related posts