Sắc Cầu vồng!

Chuyện rằng: Một ông bước vào quán rượu, ngồi xuống kêu một lượt 10 ly whiskey! Tay phục vụ ở quầy rượu hỏi:

“Có chuyện gì vậy bạn hiền?”

“Tui mới biết thằng em tui là ‘gay’ vì nó mới cưới thằng bạn nhậu thân nhứt của tui rồi!”

Ngày hôm sau, ông ta lại đến ngồi xuống và kêu một lượt 12 ly whiskey!

Tay phục vụ ở quầy rượu hỏi:

“Lần nầy lại có chuyện gì vậy nữa bạn hiền?”

“Tôi mới biết thằng con tui cũng là ‘gay’

Ngày hôm sau nữa, cũng chính ông ta lại đến ngồi xuống và kêu một lượt 15 ly whiskey!

Tay phục vụ ở quầy rượu hỏi:

“Bộ trong gia đình ông không có ai thích phụ nữ hết hay sao?”

Ổng nhìn lên rồi nói:

 “Có! Có con vợ của tui! Hu hu!”

Như vậy em, và con của ông nầy là ‘gay’; còn vợ là ‘lesbian’ Tất cà đều đồng tính luyến ái tức yêu người cùng giới tính.

***

Đó là chuyện của thằng Tây đặt ra để chọc quê những người đồng tính cả nam lẫn nữ. Từ những năm 60 và cho đến cả ngày nay, những mối tình đồng tính là vấn đề rất tế nhị, dễ đưa đến xung đột về ý kiến. Nhứt là ở các nước Trung Đông và các nước Bắc Phi còn chịu ảnh hưởng của thần quyền, nếu Cảnh sát tôn giáo phát hiện, người đồng tính có thể bị truy bức.

Nhưng chuyện đó xưa rồi Diễm; vì nhận thức của xã hội càng tiến lên phía trước, cởi mở hơn. Nước Úc nầy đây suy nghĩ rất thoáng về quan hệ đồng tính.

Năm nay vào ngày 29, tháng Hai, Lễ hội The Sydney Gay & Lesbian Mardi Gras đầy màu sắc lạ mắt nên vui hết biết. Có xe hoa diễn hành với những người mẫu màu mè lòe loẹt trên đường phố Sydney với hàng trăm ngàn người, trong và ngoài nước Úc đến tham dự. Kể cả quân nhân, cảnh sát Úc, nhân viên cấp cứu thuộc cộng đồng đồng tính Úc cũng tham gia để ủng hộ cho luật công nhận hôn nhân đồng giới.

Các chánh trị gia nước Úc rất khoái tham gia cuộc diễn hành Lễ Hội đồng tính nầy để chứng tỏ mình cũng là một con người cấp tiến gần dân, đi sát đáy quần chúng đấy nhe!

Vậy nếu bạn có hôn thê, vợ cùng giới ở Việt Nam sang đây để đoàn tụ với người yêu rồi hai đứa dung dăng dung dẻ, tay trong tay, mắt trong mắt cùng đến dự The Sydney Gay & Lesbian Mardi Gras thì chánh sách nhập cư của Úc cũng ‘OK’ luôn nếu đó là cuộc hôn nhân thứ thiệt 72 phần dầu.

***

Tuy nhiên cũng có người vẫn phê phán, vẫn chống lại giới đồng tính luyến ái, phản đối việc công nhận hôn nhân đồng giới. 

Điển hình là danh thủ quần vợt Margaret Court, người lập kỷ lục từ trước tới giờ với 24 chức vô địch đại giải quần vợt đơn nữ.

Tuy vậy Margaret Court đã không chiếm được trái tim của một dân tộc vốn tôn sùng những danh thủ thể thao là một anh hùng như nước Úc nầy đây.

Câu lạc bộ quần vợt Kooyong đành phải đem khung ảnh của Margaret Court trong bộ sưu tập các ngôi sao quần vợt thế giới đem đi cất.

Rồi đại giải Australian Open về quần vợt mới tháng rồi tại Melbourne đặt tên Margaret Court cho sân quần vợt số 2 cũng bị nhiều người Úc phản đối.

***

Đó là trong lãnh vực thể thao ở Úc còn đây là trong lãnh vực chánh trị Mỹ. trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ xảy ra vào Pete Buttigieg sinh ra tại South Bend, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. Thuở nhỏ học trường đạo, đậu thủ khoa trường Trung học, tốt nghiệp Đại học Harvard và Oxford. Pete Buttigieg biết nhiều ngoại ngữ; biết chơi đàng guitar và piano trình độ cũng sắp sĩ nhà nghề.

Gia nhập Hải quân, làm trong bộ phận tình báo, với cấp bậc Trung úy trừ bị chuyên săn lùng những giao dịch tài chính của bọn khủng bố trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Mới 29 tuổi,  Pete Buttigieg đắc cử thị trưởng thành phố South Bend với 74%  phiếu bầu năm 2011 và tái đắc cử vào năm 2015.

Với chánh sách thu hút giới đầu tư đến thành phố kinh doanh, tạo đà tăng trưởng về kinh tế. Tìm cách giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo do bất bình đẳng về thu nhập. Ủng hộ việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho dân, Ủng hộ môi trường. Siết chặt hơn việc kiểm tra lý lịch của người mua súng.

Nhất là sẽ cấm phân biệt đối xử với người đồng tính trong công ăn việc làm. Pete Buttigieg cũng là một người đồng tính.

Tờ Washington Post và New York Times ca ngợi thành tích ông thị trưởng với tự hỏi liệu ông có thể là:

Tổng thống đồng tính đầu tiên của đất nước Hoa Kỳ hay không?”.

***

Tháng Tư, năm 2019, sau khi thăm dò dư luận, Pete Buttigieg quyết định ra tranh sự đề cử của Đảng Dân Chủ vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày mùng 3, tháng Mười Một, năm 2020.

Tuổi trẻ tài cao nhưng kinh nghiệm chánh trị ít ỏi vì chỉ làm Thị trưởng một thành phố nhỏ, khoảng 100 ngàn dân, nếu đem so sánh Pete Buttigieg với các chánh trị gia kỳ cựu như Joe Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ; và những người khác là Thượng nghị sĩ kỳ cựu í tai nghĩ ông sẽ làm nên cơm cháo gì. Cho đến khi ông Cựu Thị trưởng Pete Buttigieg cùng Thượng nghị sĩ Bernie Sanders về nhứt, nhì ở cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ở Iowa và New Hampshire thì giới truyền thông bắt đầu chú ý làm ầm ĩ và đảng Cộng Hòa bắt đầu dè chừng.

Nếu Pete Buttigieg trở thành ứng cử viên của đảng Dân Chủ sẽ là chuyện kinh thiên động địa thì ông sẽ đối đầu với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu thắng thì người ngạc nhiên nhất chắc lại là ông Pete Buttigieg. Nhưng như người ta nói ở nước Mỹ chuyện gì cũng có thể xảy ra mà.

Trong những cuộc thăm dò dư luận về ứng cử viên Pete Buttigieg có hai luồng dư luận kẻ binh, người chống.

Trong 10 người Mỹ, có tới 4 người nghĩ rằng đất nước này chưa sẵn sàng cho một Tổng thống đồng tính.

Nhà truyền thanh Rush Limbaugh những tư tưởng khá bảo thủ nhắm vào những thành phần thiểu số trong xã hội Hoa Kỳ trên chương trình phát thanh của mình, vừa được Tổng thống Donald Trump trao tặng Huân chương Tự do cao quý nhứt cho dân sự cũng nhào vô công kích Pete Buttigieg

“Nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng bầu một anh chàng đồng tính, ôm hôn chồng mình khi tham gia tranh luận trên đài truyền hình trước toàn thể nhân dân Mỹ”

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren tiểu bang Massachusetts cũng đang ra tranh sự đề cử của đảng Dân Chủ nhanh chóng phản ứng lại để bảo vệ đối thủ chánh trị của mình:

“Những cuộc tấn công chống lại Pete Buttigieg vì ông là người đồng tính là đáng căm ghét vì nó gây ra bực bội. Chúng tôi sẽ không tha thứ cho điều này trong cuộc đua tranh sự đề cử của đảng Dân chủ”

Muốn dùng thủ đoạn để chơi, để bôi tro trét trấu lên mặt đối thủ chánh trị của mình thì dùng chiêu thức khác chắc sẽ hiệu quả hơn hay hơn chăng?

Trong một cuộc thăm dò dư luân khác, hơn 3 trong 4 người Mỹ (78%) sẵn lòng bỏ phiếu cho một người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ nếu họ là ứng cử viên Tổng thống được đảng đề cử.

“Tôi không quan tâm đến giới tính nam hay nữ, hay xu hướng tính dục để quyết định bỏ phiếu cho ai trở thành Tổng thống tiếp theo của chúng tôi. Điều tôi quan tâm là đường lối, chánh sách của ông, bà ấy đề ra lúc tranh cử và thực thi khi đắc cử.”

***

Sự phân hóa của xã hội Mỹ năm 2020 trong cuộc bầu cữ Tổng thống Mỹ sắp tới làm gợi nhớ đến thập niên 1960 đến năm 1980 khi xã hội Hoa Kỳ lúc đó cũng còn rất khe khắt với những người đồng tính!

Phim Brokeback Mountain (2005), đoạt 3 Oscar, dựa theo một truyện ngắn cùng tên của E. Annie Proulx (giải Pulitzer) do Lý An, người Đài Loan, làm đạo diễn.

Vai Enni Del Mar do Heath Ledger (1979-2008), tài tử người Úc tài hoa bạc mệnh. Vai Jack do Jake Gyllenhaal, tài tử người Mỹ.

Phim Brokeback Mountain kể về mối tình đồng tính bi thảm giữa hai chàng cao bồi chăn cừu ở miền Tây hoang dã Hoa Kỳ vào những thập niên 1960, 1970, 1980.

Dù cả hai có một mối tình đồng tính sôi nổi nhưng chông chênh vì thành kiến của xã hội lúc ấy nên cũng phải chia tay nhau.

Enni kết hôn với Alma Beers và có hai đứa con gái. Jack kết hôn Lureen Newsome và có một đứa con trai.

Enni và Jack thỉnh thoảng gặp lại nhau trong những chuyến đi câu trong lúc cuộc hôn nhân cả hai tiến dần dần đến sự tan vở.

Jack muốn Enni về sống chung, nhưng Enni từ chối vì không muốn rời xa con mình. Phần Enni bị ám ảnh bởi một ký ức kinh hoàng thời thơ ấu về hai người đàn ông có quan hệ đồng tính luyến ái bị tra tấn rồi bị giết chết.

Một thời gian xa nhau, Enni nhận được một tấm bưu thiếp mà mình đã gửi cho Jack, bị trả lại trên đó có đóng dấu người nhận ‘Đã chết’.

Lureen, vợ Jack nói rằng Jack đã chết khi thay một chiếc lốp xe mà nó phát nổ. Nhưng Enni nghĩ rằng Jack thực sự đã bị một nhóm côn đồ đánh cho đến chết.

Khi  đến gặp cha mẹ của Jack và xin đưa tro cốt của Jack về lại Brokeback Mountain, Enni thấy chiếc áo còn vết máu của mình, tưởng chừng như đã mất, khi hai đứa đánh nhau vào mùa Hè năm đó trên sườn Brokeback Mountain.

Jack đã treo với chiếc áo sơ mi của mình choàng lên chiếc áo đó và đính một tấm bưu thiếp của Brokeback Mountain.

Enni cầm cả hai chiếc áo lên mặt, lặng lẽ khóc: “Jack, tôi xin hứa …”. (Hứa mang tro cốt của người yêu năm cũ và kỷ vật nầy về lại Brokeback Mountain).

***

Câu chuyện tình đẹp như thơ nầy để giúp chúng ta hiểu thêm những người đồng tình cũng bình thường cũng nồng nàn, tha thiết yêu nhau như chúng ta vậy thôi!

Bà con mình ai cũng biết trong vật lý nguyên tử, hạt nhân có Proton mang điện tích đương. Có Electron mang điện tích âm và cũng có Neutron, trung hòa tử, không dương mà cũng chẳng âm.

Loài người cũng vậy, cũng nhiều màu sắc như một chiếc cầu vồng trên bầu trời cao và rộng. Đã sanh ra là như thế tất là phải như thế đó thôi! Chớ không phải bịnh hoạn hay tội lỗi gì đâu! Nếu nghĩ rằng tình dục đồng giới là một tội lỗi thì Thượng đế đã không tạo ra người đồng tính!

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts