Phải chăng Viện Khổng Tử /Confucius Institute là “Con Ngựa Thành Troy”?

Một cuộc hội thảo về vai trò của Viện Khổng Tử / Confucius Institute như là công cụ của quyền lực mềm Bắc Kinh tại Úc Châu và Việt Nam vừa được tổ chức tại Sydney nhân dịp Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long (ĐNCL) phát hành Tập San số 13 năm 2019. Sinh hoạt nầy xảy ra đúng vào thời điểm mà Viện Khổng Tử đang là đề tài tranh luận nóng bỏng tại các quốc gia phương Tây.

Tuy nhiên, Quyền Lực Mềm (Soft Power) không chỉ được sử dụng bởi các cường quốc như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ý và Trung Cộng mà còn là một vũ khí của các cường quốc bậc trung như Úc Châu và ngay cả cộng sản Việt Nam. Điều khác biệt là đối các quốc gia dân chủ, quyền lực mềm là sức mạnh lôi cuốn, quyến rũ và thuyết phục, trong khi Bắc Kinh sử dụng quyền lực mềm như là một vũ khí tuyên truyền cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam sử dụng quyền lực mềm phần lớn như là một phương thức ‘kiều vận’ đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, kể cả tại Úc Châu.

Cử tọa tại buổi phát hành Tập San ĐNCL số 13 ngày 24.03.2019 tại hội trường Cabramatta Bowling & Recreation Club, Cabramatta NSW có lẽ cũng đã cảm nhận kết luận nói trên sau khi đã theo dõi Buổi Ra Mắt Tập San, Thuyết Trình và Thảo Luận kéo dài trên 3 tiếng đồng hồ.

Đối với một buổi ra mặt Tập San, thì đây là một cử tọa khá đông bao gồm nhiều thành phần có quan tâm sâu sắc đối với thể chế tự do dân chủ tại quê hương thứ hai và tiền đồ dân tộc tại đất nước cội nguồn. Cũng có mặt là đương kiêm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Kế hoạch Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW và Chủ tịch Hội đồng Tư Vấn & Giám Sát VCA/NSW, các vị cựu Chủ tịch VCA như Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Ls Nguyễn Văn Thân, Kỹ sư Phan Đông Bích, Lãnh đạo tinh thần như Linh Mục Nguyễn Quang Thạnh, các cựu giáo chức đại học như Ts Trần Mỹ Vân từ Adelaide và Ts Trịnh Nhật, đại diện các đoàn thể tổ chức như Trưởng Nguyễn Văn Thuất, Đặng Trung Chính, Ls Trần Công Thúy Định, Ls Trần Hữu Trung, Bs Liêu Vĩnh Bình, Bs Phan Giang Sang, Chủ nhiệm Việt Luận Phạm Hoài Nam, nhà báo Lưu Dân và Đại diện Liên Trường Việt ngữ, Liên Trường Trung Học VNCH vv…

Sau nghi thức chào quốc kỳ Úc-Việt và một phút mặc niệm, Ts Trần Thạnh, Trưởng Nhóm Nghiên Cứu đương nhiệm, đã chào mừng quan khách và đồng hương. Ông sơ lược sự hình thành và phát triển của Nhóm Nghiên Cứu từ khi phát hành Tập San số 1 hồi tháng 3 năm 2007 qua các nhiệm kỳ Trưởng Nhóm của Ts Nguyễn Văn Bon, Ts Huỳnh Long Vân, cựu Thẩm phán Trương Minh Hoàng cho đến năm nay 2019.

Chủ tọa đoàn

Kế tiếp, Kỹ sư Hồ Trọng Hiệp tóm lược nội dung của Tập san số 13 dài 476 trang mà theo ông, với tư cách chủ bút, có nhiều bài giá trị. Sau đó, Tập San Nghiên Cứu DNCL số 13 được chính thức phát hành.

Cũng theo thông lệ hàng năm, phần kế tiếp là Thuyết Trình và Thảo Luận.

Đề tài năm nay là “Quyền Lực Mềm: Ảnh hưởng Văn hoá và Chính trị” và Diễn giả là Luật Sư Lưu Tường Quang, Cựu Tổng Giám Đốc Đài SBS Radio của Liên Bang Úc Châu.

Khi giới thiệu diễn giả, Ts Trần Thạnh đã nhắc lại một sinh hoạt gần 10 năm trước đây vào ngày 06.12.2009 tại Sydney nhân kỷ niệm lần thứ 172 ngày sinh của Học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, khi Ls Lưu Tường Quang trình bày đề tài “Quyền Lực Mềm Bắc Kinh và các sinh hoạt văn hóa kể cả Viện Khổng Tử”. Lúc bấy giờ trong khi Viện Khổng Tử chưa phải là vấn đề tranh luận với nhiều nghi vấn, ông Lưu Tường Quang đã cảnh báo việc Bắc Kinh theo đuổi kế hoạch tiếp thị, sử dụng Khổng Tử như một võ khí gọi là để “phát triển hòa bình”.

Chủ đề lần nầy cũng là bài viết của Ls Lưu Tường Quang trong Tập San ĐNCL số 13 nên diễn giả chỉ tóm lược những điểm chính để dành nhiều thì giờ hơn khai triển kế hoạch sử dụng quyền lực mềm của cộng sản Việt Nam đối với cộng đồng người gốc Việt ở nước ngoài, cá biệt là tại Úc Châu.

Viện Khổng Tử được thành lập năm 2004 và trực thuộc Văn Phòng Hội Đồng Quảng Bá Hán Ngữ Quốc Tế (Office of the Chinese Language Council International) gọi tắt là Hanban mà từ Hán Việt là Hán Biện. Hán Biện, với một ngân sách khoảng 10 tỉ dollars mỗi năm theo Epoch Times, là một bộ phận của Bộ Giáo Dục Trung Quốc, có trụ sở trung ương tại Bắc Kinh.

Tuy Bắc Kinh xác quyết Viện Khổng Tử là một cơ sở giáo dục, nhưng mục tiêu thật sự của Viện Khổng Tử đã được qui định rõ, như đã được phát biểu bởi Ông Li Changchun / Lý Trường Xuân và Ông Hu Jintao / Hồ Cẩm Đào.

Với tư cách Uỷ Viên Bộ Chính Trị đứng hàng thứ tư và đặc trách phần vụ tuyên truyền, Ông Lý Trường Xuân xác nhận hồi năm 2011: “Viện Khổng Tử là một thương hiệu hấp dẫn để [Trung Quốc] mở rộng văn hóa ra nước ngoài. Nó đóng vai trò quan trọng để nâng cao quyền lực mềm của chúng ta. Tên họ Khổng Tử có sức hấp dẫn tự nhiên. Chúng ta sử dụng hình thức dạy tiếng Trung Hoa, nên mọi thứ trông sẽ hợp lý… Viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc ở nước ngoài”. Cũng trong năm 2011, Chủ tịch Nhà Nước Trung Quốc kiêm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản, Ông Hồ Cẩm Đào nói: “Thiết lập và mở rộng các học viện tiếng Trung Hoa, như Viện Khổng Tử, trên khắp thế giới sẽ làm tăng ảnh hưởng của Đảng ta trên toàn cầu” 

Viện Khổng Tử không những không có Khổng Tử mà còn là một công cụ tuyên truyền trong sách lược quyền lực mềm của Bắc Kinh.

Vào tháng 11 năm 2018, đã có 525 Viện Khổng Tử và 1 113 Lớp dạy Hán ngữ được thành lập khắp nơi trên thế giới. Trong số này, có 161 Viện + 574 Lớp tại Châu Mỹ, 173 Viện + 307 Lớp tại Châu Âu, 118 Viện + 101 Lớp tại Châu Á, 54 Viện + 30 Lớp tại Châu Phi và 19 Viện + 101 Lớp tại Úc Châu/New Zealand. Hán Biện dự trù có thể thiết lập 1000 Viện Khổng Tử ở nước ngoài vào năm 2020.

Các Viện Khổng Tử trên thế giới

Các thỏa hiệp thiết lập và điều hành Viện Khổng Tử giữa những cơ sở đại học phương Tây và Hán Biện đều được bảo mật. Nhiều cáo buộc đã được nêu lên đặc biệt là kể từ năm 2014 tại Úc cũng như tại Bắc Mỹ và Tây Âu, theo đó, Viện Khổng Tử là bàn tay nối dài của chính quyền cộng sản Bắc Kinh, là môi trường xâm nhập tình báo và quan trọng đối với định chế giáo dục phương Tây là theo đuổi các sinh hoạt làm suy yếu sự độc lập của các viện đại học và tự do ngôn luận. Trong số rất nhiều tài liệu trích dẫn, diễn giả đặc biệt lưu ý đến hai phúc trình của The (US) National Association of Scholars (NAS, 2017) và Phúc trình mới nhất của Uỷ Ban Nội An Thuợng Viện Mỹ (A Senate Report Has Slammed the Chinese Learning Centers Operating at Over 100 U.S. Universities        

ngày 28.02.2019). Hàng chục viện đại học danh tiếng tại Mỹ, Canada và Tây Âu đã đóng cửa hoặc quyết định đóng cửa các Viện Khổng Tử. Úc Châu có 14 Viện Khổng Tử nhưng chưa có Viện Khổng Tử nào bị đóng cửa cả.

Tại Việt Nam, Hán Biện đã thiết lập Viện Khổng Tử tại Viện Đại Học Hà Nội hồi cuối năm 2014 và 3 năm sau, Bắc Kinh còn thiết lập Cung Hữu Nghị Việt-Trung và Trung Tâm Văn Hóa Trung Quốc tại Việt Nam khiến Học giả Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về mức độ tuyên truyền của Bắc Kinh tại Việt Nam.

Ls Lưu Tường Quang còn nhấn mạnh rằng Viện Khổng Tử chỉ là một công cụ hữu ích, nhưng thật ra Bắc Kinh còn sử dụng sức mạnh kinh tế và tài chánh để xâm nhập vào chính trường, sinh hoạt xã hội, truyền thông và cộng đồng tại Úc Châu.

Úc Châu cũng đã và đang sử dụng quyền lực mềm mà thí dụ cụ thể và thành công nhất là Kế Hoạch Colombo từ đầu thập niên 1950 mà VNCH là thành viên từ năm 1957 đến năm 1975. Sự hiện diện trong thành phần cử tọa ngày phát hành Tập San ĐNCL 13 của Ts Tạ Lộc Phước, Kỹ sư Phan Đông Bích, Ts Trần Mỹ Vân và Ts Trịnh Nhật là kết quả tốt đẹp của Kế Hoạch Colombo ấy.

Kể từ năm 2004, qua Nghị Quyết Bộ Chính Trị số 36, cộng sản Việt Nam cũng đã sử dụng nhiều hình thức quyền lực mềm để gây ảnh hưởng, chiêu dụ và đôi khi trừng phạt (củ cà-rốt và cây gậy) một số thành phần người gốc Việt ở nước ngoài mà Hà Nội gọi là Việt Kiều. Và kế hoạch này không chỉ bao gồm các văn công ca sĩ được gởi ra nước ngoài hoặc mời các nhà trí thức khoa bảng, doanh nhân về nước thăm quê hương. Diễn giả đã nêu ba thí dụ cụ thể: Đó là Chương trình truyền hình VTV4 tại Úc (năm 2003), Văn phòng đại diện Thông Tấn Xã Việt Nam (VNA), Văn phòng đại diện Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) tại Sydney hoặc Trung Tâm Văn Hoá Việt Nam tại Quận 13, Paris.

Riêng trường hợp VTV4 mà Đài Truyền Hình SBS đã bắt đầu trình chiếu hàng ngày kể từ giữa tháng 10 năm 2003, Ls Lưu Tường Quang đã kể lại, sau 16 năm im lặng, vai trò của ông với tư cách “honest broker”, tức là vừa cố vấn cho Cộng Đồng Người Việt Tự Do vừa cố vấn cho Hội Đồng Quản Trị SBS Corporation một cách rất ngay thẳng, đúng nguyên tắc để đem lại chiến thắng cho cộng đồng mà đồng thời SBS Corporation không bị mất uy tín về phương diện độc lập biên tập (editorial independence). Nhân dịp nầy, Ls Lưu Tường Quang đã ca ngợi phương thức đấu tranh quang minh chính đại của Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW và Victoria, đặc biệt là Ban Chấp Hành NSW do Bs Nguyễn Mạnh Tiến làm Chủ tịch lúc ấy.

Sau phần thuyết trình là phần Vấn Đáp với một chủ tọa đoàn gồm Ts Trần Thạnh, Ts Huỳnh Long Vân, Ls Nguyễn Văn Thân và Ls Lưu Tường Quang (điều hợp). Đề tài được mở rộng bao gồm tranh chấp thương mại, kinh tế, Biển Đông, Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam và tất nhiên là Viện Khổng Tử. Ngoài các vấn đề chung mà chủ tọa đoàn chia sẻ đóng góp, thành viên chủ toạ đoàn trả lời các câu hỏi tùy theo kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm. Ts Trần Thạnh trong lãnh vực đại học, Ts Huỳnh Long Vân trong vấn đề môi trường và Đồng Bằng Sông Cửu Long, Ls Nguyễn Văn Thân trong vấn đề khai báo đăng ký đại diện nước ngoài theo qui định của Foreign Influence Transparency Scheme Úc Châu và Ls Lưu Tường Quang về nhu cầu cần thiết mà cộng đồng phải quan tâm với các văn phòng đại diện VNA và VOV cũng như sự cần thiết của một (Luật) Magnitsky Act tại Úc.

Sinh hoạt phát hành Tập San ĐNCL số 13 và Thuyết Trình Thảo Luận đã phải chấm dứt lúc 5 giờ chiều theo thoả thuận giữa Ban Tổ Chức và Cabramatta Bowling Club.

Khi bước chân ra về, Trưởng Hướng Đạo Đặng Trung Chính thốt lên lời khích lệ là Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long nên phát hành Tập San hai lần mỗi năm. Nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu để trang trải in ấn và phát hành?

* Ngọc Hân

(Sydney 31.03.2019)

Related posts