Những tranh luận về dự luật phá thai tại NSW

Vào ngày 1 tháng 8 năm 2019, dân biểu độc lập Alex Greenwich đã đề nghị những thay đổi về luật phá thai lên hội đồng lập pháp. Theo bài phát biểu của ông, dự luật này dựa theo luật pháp hiện hành của tiểu bang Queensland và Victoria, do đó NSW cũng nên có những thay đổi đồng bộ. 

Bộ luật đã được thông qua tại hạ viện với tỷ số 59 phiếu thuận và 31 phiếu nghịch. Nếu được tiếp tục thông qua tại thượng viện trong những ngày sắp tới, thì lần đầu tiên sau 119 năm, việc phá thai sẽ được loại ra khỏi bộ luật hình sự, và trở thành một thủ tục y tế. Đồng thời dự luật cho phép việc phá thai kéo dài đến 22 tuần tuổi thai, và có thể thực hiện sau đó với sự chấp thuận của hai bác sĩ.

Hiện tại, việc phá thai là hợp pháp ở tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên mỗi tiểu bang và lãnh thổ sẽ có những bộ luật khác nhau về vấn đề này. Tại NSW, việc ‘phá thai bất hợp pháp’ đã được liệt vào trong các vi phạm hình sự từ năm 1900, ngay cả nếu đó là sự mong muốn của người mang thai. Việc phá thai chỉ được xem là hợp pháp nếu bác sĩ tin rằng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của người mẹ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng nếu tiếp tục mang thai.  Bác sĩ cũng có thể cân nhắc tình hình xã hội, gia đình, tài chính và sức khỏe của người mẹ khi đưa ra quyết định này. 

Tuy nhiên, trong những trường hợp không được sự đồng thuận của bác sĩ, nhưng người mẹ vẫn tiếp thục việc phá thai bằng những cách khác thì phải đối mặt với một rủi ro pháp lý. Trong 25 năm qua, hàng chục người đã bị truy tố theo luật hình sự của tiểu bang NSW vì tội phá thai, bốn trong số đó đã bị kết tội và bị kết án. Trường hợp gần nhất là vào năm 2017, khi một bà mẹ 5 con bị truy tố vì tự sử dụng một loại thuốc gây sẩy thai.

Trên lý thuyết, những thay đổi trên sẽ giúp phụ nữ có thêm quyền quyết định về sức khoẻ và uớc nguyện bản thân trong quá trình mang thai. Nhưng dự luật mới đã tạo ra nhiều tranh cải giữa những người ủng hộ nữ quyền trong việc quyết định chấm dứt thai kỳ và những người phản đối việc phá thai dưới mọi hình thức.

Sự bất đồng ý kiến đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình tại NSW trong tuần qua, và nghiêm trọng hơn là việc ba dân biểu của đảng Tự Do lên tiếng yêu cầu một cuộc bầu cử trong nội bộ đảng, nhằm truất bỏ vị trí lãnh đạo của bà Gladys Berejiklian đuơng là thủ hiến NSW nếu bà tiếp tục ủng hộ dự luật này. 

Quy định hiện tại về việc phá thai tại NSW

Việc phá thai ở tiểu bang NSW được bao gồm trong các phần 82, 83 và 84 của Đạo luật hình sự, với các hình phạt lên tới 10 năm tù đối với phụ nữ, bác sĩ và bất kỳ ai giúp đỡ việc phá thai bất hợp pháp. Tuy nhiên, không quy định thời gian phá thai nào sẽ được coi là hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

Theo quy định hiện tại, việc phá thai bằng thuốc được thực hiện trong tối đa 9 tuần đầu của thai nhi, việc phá thai bằng phẫu thuật thường được thực hiện trong khoảng từ 7-12 tuần kế tiếp của thai nhi, và phải được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên môn. Hiện tại không có điều luật quy định về việc phá thai muộn. Thông thường, sau 20 tuần thai, các dịch vụ phá thai bị hạn chế bởi nhân viên y tế, và chỉ được thực hiện vì những lý do y tế nghiêm trọng.

Theo thống kê, việc phá thai muộn là cực kỳ hiếm. Ước tính chỉ có 0,7 đến 2,8 phần trăm các ca phá thai xảy ra sau 20 tuần, và các ca phá thai sau 22 tuần còn hiếm hơn. Đa số các quyết định phá thai muộn của phụ nữ xuất phát từ những trường hợp cực kỳ phức tạp, chẳng hạn như khi cuộc sống của nguời mẹ bị đe doạ nếu tiếp tục mang thai, sự bất thường trong phát triển của thai nhi, hoặc khi người cha đã ép buộc, và ngăn cản nguời phụ nữ tiếp cận việc phá thai sớm.

Những thay đổi trong dự luật mới

Dự luật mới bãi bỏ việc tự phá thai ra khỏi tội hình sự, và cho phép việc phá thai kéo dài đến tối đa 22 tuần khi được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn. Sau 22 tuần, các ca phá thai phải có sự đồng ý của hai bác sĩ, một người phải là bác sĩ chuyên khoa, và được thực hiện tại bệnh viện công. Dự luật mới có các điều khoản cho phép việc phá thai trong các trường hợp khẩn cấp, như khi cần cứu mạng sống của người phụ nữ hoặc thai nhi. Trong các trường hợp đó, một bác sĩ có thể tiến hành phá thai sau 22 tuần mà không cần hỏi ý kiến bác sĩ thứ hai. Dự luật yêu cầu các bác sĩ phải thông báo và giới thiệu nguời mẹ đến bác sĩ khác, nếu lương tâm nghề nghiệp không cho phép họ tiến hành việc phá thai muộn.

Các ý kiến ủng hộ

Cơ quan Luật Nhân Quyền (The Human Rights Law Centre) cho rằng việc cấm phá thai (vì nhiều lý do) đã ngăn cản người phụ nữ trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần, và làm suy yếu quyền tự chủ của người phụ nữ. Trên thực tế, các thai phụ chỉ có thể phát hiện các vấn đề nghiêm trọng trong sự phát triển của thai nhi vào thời điểm siêu âm định kỳ lúc 18 đến 20 tuần.

Nếu phát hiện sự bất thường trong kỳ siêu âm này, nguời phụ nữ cần thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác trước khi có thể khẳng định là thai nhi có vấn đề. Các xét nghiệm theo thủ tục có thể kéo dài thêm 1-2 tuần. Nếu người phụ nữ sống ở vùng xa hoặc nông thôn, nơi ít có các dịch vụ y tế, thì quá trình khám thai và xét nghiệm còn mất nhiều thời gian hơn.

Việc phá thai muộn không đơn giản khi phải đối mặt với các thủ tục y tế, thể chất, cảm xúc, và chắc chắn phải mất nhiều ngày để đi đến quyết định cuối cùng. Dự luật mới cho phép kéo dài đến 22 tuần để người phụ nữ có thêm thời gian xem xét lựa chọn, tham khảo ý kiến tư vấn, bác sĩ, và sau đó quyết định phá thai nếu họ cần. Đây là sự tôn trọng và phá thai là một phần của chăm sóc sức khỏe. Xã hội cần công nhận quyền tự chủ của phụ nữ và quyền đưa ra quyết định về cơ thể của chính họ.

Các ý kiến phản đối

Đi ngược lại ý kiến của các chuyên gia y tế, pháp lý và các nhóm ủng hộ nữ quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nghị sĩ cánh hữu và các nhà bình luận truyền thông bảo thủ đều lên tiếng chống đối. Họ cho rằng dự luật mới sẽ cho phép việc phá thai vì lý do giới tính thai nhi, phá thai theo yêu cầu, và cho phép phá thai đến tận khi sinh. Dự luật phá thai cũng sẽ cho phép người cha dễ dàng lạm dụng và ép buộc phụ nữ chấm dứt thai kỳ trong suốt quá trình mang thai.  Phát biểu trong Thánh lễ Chủ nhật, Trưởng Nhà thờ Công giáo St Mary của Sydney cho biết hợp pháp hóa việc phá thai sẽ chỉ là “một cuộc tấn công khác vào lương tâm của người Công giáo”.

Bên chống đối cho rằng dự luật này cho phép phá thai cho đến khi sinh vì lý do thể chất, tâm lý và xã hội.  Trong thực tế, dự luật đã bao gồm tất cả mọi thứ, vì không có lý do nào ngoài ba loại đó. Lý do xã hội sẽ bao gồm đổ vỡ mối quan hệ, thách thức tài chính hoặc thậm chí lựa chọn giới tính.

Một trong những thực tế kinh hoàng hơn của việc phá thai muộn là quá trình này khá giống với một ca thúc sinh sớm. Nhiều em bé được sinh ra, vẫn còn sống, nhưng cố tình để cho chết đi dưới danh nghĩa phá thai không phải là trường hợp hiếm gặp. Đôi khi họ phải cắt bỏ em bé để lấy ra khỏi người mẹ. Đây là một điều khủng khiếp, khi những hành động giết người như thế được loại khỏi bộ luật hình sự.

Kết luận

Trong những ngày tới, sẽ còn nhiều tranh luận và thay đổi về dự luật phá thai tại NSW. Đây là sự tranh luận về ý thức hệ giữa những người ủng hộ quyền chấm dứt thai kỳ của phụ nữ và những người phản đối việc phá thai dưới mọi hình thức trên cơ sở đạo đức hoặc tôn giáo.

Chúng ta sẽ cần phải có thêm thời gian, số liệu thống kê, và các nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này trước khi có những quyết định chính thức. Việc thông qua các thay đổi mang tính nhạy cảm trên phương diện đạo đức và sức khoẻ trong một khoảng thời gian ngắn là hoàn toàn không thể và không nên. Chúng ta phải cân bằng phúc lợi của mẹ và con một cách công bình nhất.

LS. Kate Hoang

Related posts