Những nốt nhạc gợi nhớ một thời

Nguyễn Tường Thiết

Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương…
Đây là đoạn văn kết một truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam mang tên Dưới Bóng Hoàng Lan. Nhà văn Mai Thảo sau này chắc hẳn tâm đắc với đoạn văn trên nên đã chọn hàng chữ “để tưởng nhớ mùi hương” đặt thành nhan đề cho một cuốn tiểu thuyết của mình.

Thật vậy, một mùi hương nào đó đôi lúc chỉ hơi thoảng qua trong đời cũng đủ khiến ta lâng lâng tưởng nhớ. Mùi hương ấy đánh động khứu giác ta: từ sâu trong tiềm thức một kỷ niệm, một hình ảnh chợt hiện, chợt loé, làm ta bàng hoàng. 
Tương tự một vài nốt nhạc, một mảnh lời ca nào đó cất lên đôi khi cũng khiến ta sống dậy trong khoảng khắc một mẩu đời cũ. Những nốt nhạc này lôi ta về kỷ niệm đẹp của một mối tình đầu, lời ca kia gợi nhớ một hoài niệm đau thương… Gần như chúng ta ai ai cũng trải nghiệm những giây phút như thế, dù rằng mỗi chúng ta những kỷ niệm riêng tư được gợi nhớ từ những nốt nhạc lời ca hoàn toàn khác nhau. 
Với tôi nhạc và lời trong ca khúc Lại Quốc Hùng mỗi khi được cất lên khiến tôi sống dậy cả một thời kỳ trong quá khứ, một thời thật đẹp, trong đó nẩy nở tình bạn sâu đậm giữa hai chúng tôi, tác giả ca khúc Những Sáng Thứ Bẩy và người giới thiệu tuyển tập ca khúc này. 
Những nốt nhạc gợi nhớ một thời… được đặt tên và viết ra cũng vì lẽ đó.
*
Tôi quen anh Lại Quốc Hùng trong quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau biến cố Tết Mậu Thân chúng tôi, xuất thân từ nhà giáo, nhập ngũ khoá 2/68 trường BB Thủ Đức theo lệnh Tổng Động Viên. Theo truyền thống mỗi khoá của trường Bộ Binh liên đoàn sinh viên sĩ quan thành lập các ban văn nghệ như ban ca nhạc, ban báo chí … để giúp vui trong các buổi liên hoan được tổ chức trong các dịp lễ hoặc để đóng góp bài vở cho tờ nguyệt san Bộ Binh của trường.
Tôi gia nhập vào ban ca nhạc của khoá mà người trưởng ban là anh Lại Quốc Hùng. Anh Hùng được các anh em sinh viên bầu làm trưởng ban vì trước khi nhập ngũ anh đã từng là nhạc trưởng của ban hợp ca Trùng Dương.
Chúng tôi thân nhau không phải vì hoạt động chung trong ban nhạc này mà vì sự kiện sau khi tốt nghiệp khoá 2/68 Hùng và tôi là hai trong số rất ít tân sĩ quan được chọn ở lại phục vụ ngay tại quân trường Thủ Đức, Hùng là sĩ quan quân huấn và tôi là sĩ quan thuộc khối chiến tranh chính trị của trường, phụ trách tờ Nguyệt san Bộ Binh với chức vị chủ bút. Chính trong thời gian phục vụ tại quân trường Thủ Đức này mà hai vị tân Chuẩn úy thân thiết với nhau. Sau gần một năm làm việc tại trường Bộ Binh, Hùng được biệt phái về Bộ Giáo Dục còn tôi được thuyên chuyển về làm việc tại Tổng Cục CTCT, vì vậy chúng tôi vẫn tiếp tục thường xuyên gặp nhau tại Sài Gòn cho mãi đến năm 1975, biến cố 30 tháng Tư xẩy ra, chúng tôi mới xa nhau. Gia đình tôi di tản qua Mỹ, định cư ở Seattle, Hùng ở lại Việt Nam cho đến năm 1993 di tản qua Mỹ và định cư tại Sacramento, tiểu bang California.

Bìa Nguyệt san Bộ Binh số 37, minh họa “đêm đi kích trên đồi Tăng Nhơn Phú”
Trang 1 Nguyệt san trường Bộ binh Thủ Đức

Khi quen anh tôi mới biết anh còn là một nhạc sĩ và đã sáng tác khá nhiều ca khúc. Trước đó tôi chỉ biết anh là nhạc trưởng của ban hợp ca Trùng Dương khá nổi tiếng hồi ấy ở Sài Gòn. Tôi biết điều này vì cô em họ tôi, ca sĩ Từ Dung, ái nữ của nhà văn Hoàng Đạo, là một trong những thành viên của ca đoàn Trùng Dương. 
Trong suốt sáu năm quen biết anh đã nhiều lần hát cho tôi nghe những bản nhạc do chính anh sáng tác và tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao với số lượng sáng tác dồi dào như thế, với những ca khúc có nội dung phong phú như thế, nhạc của anh đã không được phổ biến rộng rãi để anh trở thành một nhạc sĩ có tiếng. 


Sau này thân với anh, hiểu rõ con người anh, tôi biết anh chỉ muốn khiêm tốn là một người làm nhạc tài tử. Anh mê nhạc nên thích tạo nhạc, anh hát những bài anh sáng tác cho một số người thân nghe như một niềm vui cho chính mình, nhiều hơn là muốn truyền tải nhạc của mình cho người khác. 
Trong thời gian mấy năm trước 1975 ở Sài Gòn tuy thỉnh thoảng những ca khúc của Lại Quốc Hùng cũng đã được một số ca sĩ tên tuổi như Thái Thanh, Anh Ngọc, Kim Tước, Mai Hương… hát và truyền đi trên làn sóng phát thanh, nhưng tên tuổi Lại Quốc Hùng cũng không vì thế mà được nhiều người biết tới. Nhạc của anh thuộc loại kén người nghe, đòi hỏi một trình độ thưởng ngoạn hơi cao, lại không phải là loại nhạc dễ hát, nên dù có được phổ biến rộng cũng không thể đi vào lòng quảng đại quần chúng.


Khoảng cuối năm 1974 anh cũng cho xuất bản tập nhạc “Ca Khúc Cho Người Tình Bé Nhỏ” gồm 11 ca khúc của anh và 2 ca khúc của ông cậu ruột, nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thọ. Tập nhạc in rất đẹp, với bìa màu tranh vẽ của họa sĩ, văn sĩ Đinh Tiến Luyện. Tôi nhớ đã đưa anh đến gặp ông chủ nhà sách Khai Trí và ông đã mua 50 tập ca khúc của anh. Anh cũng cho tôi biết là ca sĩ Anh Ngọc định làm một cuộn băng nhạc của anh với tiếng hát Anh Ngọc và Thái Thanh, cũng như anh có dự định phổ 10 bài thơ tình của thi sĩ Trần Dạ Từ thành một tuyển tập ca khúc có tên “Những Tình Khúc Thời Có Em” mà lúc đó anh đã phổ được hai bài (Khi Buổi Chiều Rụng Xuống và Thơ Mừng Tuổi), nhưng biến cố tang thương năm 1975 đã làm tất cả dự định của anh thành mây khói.
Cá nhân tôi rất thích nhạc Lại Quốc Hùng. Nốt nhạc của anh khoan thai, dìu dặt, êm nhẹ. Lời nhạc của anh trau chuốt, óng ả, đài các… Nhạc và lời trong ca khúc Lại Quốc Hùng quyện vào nhau đưa ta về một quá khứ đã mất, về những mối tình tàn phai, về những hoài niệm khôn nguôi… nhạc và lời như một cơn gió thoảng đưa âm hưởng êm nhẹ mà thanh cao phảng phất như ta được nghe những bài thánh ca vọng ra tự một ngôi giáo đường nào.

Hãy thử nghe những tiếng gió trong ca khúc Lại Quốc Hùng. 
Gió như lời gửi gắm trong Những Sáng Thứ Bẩy: Người hỡi, có nhắn gió về. Thì xin trong giây phút này. Nhìn nhau cho thiên thu đầy… Gió xao xuyến trong Tiếng Lá Xưa: Người thầm mong gió lên. Lá xôn xao về lối xưa. Hồn nhẹ nâng cánh bay. Tìm lại giây đắm say… Gió da diết trong Nghẹn Ngào: Gió nào nhuốm chia phôi. Gió nào thoáng đau thương. Nghe nhung nhớ kêu cồn rêu. Nghe thương tiếc lay hồn hoang… Gió thở dài trong Thì Thầm: Gió! Gió có cuốn về xin đừng lay những chiếc lá xanh. Để trong đêm vắng tiếng tôi thì thầm….

Thật lạ! 
Đó là những ca khúc trong rất nhiều ca khúc của anh tôi được nghe anh hát vào thuở ấy. Mà thuở ấy là thuở cao điểm của chiến tranh. Cả nguời hát lẫn người nghe, trong bộ quân phục, chúng tôi chui vào tiếng nhạc của anh như giấu mình vào một thế giới an bình, thế giới của tình yêu vĩnh cửu, thế giới trong đó không có chiến tranh, không có đại bác đêm đêm dội về thành phố… (Đại Bác Ru Đêm) mà chỉ có nắng hồng dìu nhau soi lối cho tình em mãi mặn nồng... (Ca Khúc Cho Người Tình Bé Nhỏ), không có em hỏi anh, em hỏi anh, bao giở trở lại? Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về… (Kỷ Vật Cho Em), mà chỉ có xin em một lời, một lời cuối thôi, một lần cuối thôi, để rồi xa, để rồi mãi xa, chẳng còn ngóng trông duyên tình dài…(Xin Em Một Lời).
Như một Thoáng Mơ – tên một ca khúc của anh – tôi nhớ như in một đêm nào của năm 1969, chúng tôi hai sĩ quan Chuẩn uý hướng dẫn một đại đội sinh viên sĩ quan đi kích trên đồi Tăng Nhơn Phú gần trường Bộ Binh Thủ Đức. Đó là một đêm trăng sao. Về khuya Hùng vén lều ra ngoài, anh đặt úp chiếc nón sắt trên bờ cỏ, ngồi xuống hát cho tôi nghe một ca khúc anh mới sáng tác: Người ru mắt ai vào mơ. Đắm trong trời thơ tháng năm xa mờ. Người đưa cánh sao lạc đêm. Chết bên thần tiên vỡ trong tay mềm… Dưới ánh trăng đôi mắt anh mơ màng. Anh nhìn về phía chân trời sáng ánh đèn của thành phố Sài Gòn, và đợi chờ Những Sáng Thứ Bẩy, hai đứa tôi chở nhau trên chiếc Lambretta về Sài Gòn tận hưởng hai ngày cuối tuần lễ sau năm ngày dài giam mình trong quân trường Thủ Đức. Về đến nhà hai đứa thay ngay đồ dân sự, rồi hẹn nhau tại một quán cà-phê, cà-phê nào nhỉ, La Pagode chăng? Hay chui vào rạp xi-nê xem một phim mới chiếu, nhưng phim nào, Hiệp Sĩ Mù chăng? Hay kiếm một quán ăn nào, nhưng ăn món gì? tôi hỏi anh, và anh luôn luôn trả lời: quelque chose de léger (một cái gì nhè nhẹ). Đấy, anh bạn của tôi đấy, anh luôn luôn đi tìm quelque chose de léger tựa như anh luôn luôn đi tìm những nốt nhẹ nhàng cho những bản nhạc của mình.
*

Nhạc sĩ Lại Quốc Hùng (phải) và tác giả tại Vườn Nhật Bản ở Seattle.

Hơn năm mươi năm đã trôi qua kể từ dạo ấy. Kể từ dạo ấy đã bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Ngày nay, sửa soạn bước qua tuổi tám mươi và sửa soạn cho sự ra đời của tuyển tập ca khúc này, chúng tôi có cơ hội cùng nhìn lại một thời tuổi trẻ của mình, và cùng thấy rõ một điều: tất cả chỉ như một Thoáng Mơ như một cánh sao lạc đêm trên bầu trời một đêm nào của ngọn đồi Tăng Nhơn Phú.
Với tôi, tôi muốn nhạc Lại Quốc Hùng dừng lại ở thời điểm ấy, trong không gian ấy. Tôi muốn thế vì một lý do hết sức vị kỷ: chính những bản nhạc anh sáng tác trước 1975 và anh đã từng hát cho tôi nghe mới đích thực là những nốt nhạc gợi nhớ một thời vì nó làm sống lại trong tôi những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi thanh xuân.


Nhưng với anh, anh không dừng lại ở đó, anh vẫn tiếp tục đi tìm những nốt nhạc mới, tiếp tục sáng tác, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp tuổi đời, như thể âm nhạc là hơi thở, là lẽ sống của anh.
Trong hoàn cảnh nào anh cũng vẫn không ngừng sáng tác. Lời thầm của dòng sông, Sài Gòn ơi!Ngày nào anh sẽ về… là những ca khúc anh viết trong trại lao tù Cộng Sản. Ra tù anh viết Sài Gòn lại có em. Rồi trong cuộc sống ly hương vật vã nơi xứ người những bản nhạc vẫn tiếp tục ra đời Đã trở lại mùa Muguet yêu dấu, Hà Nội… Tuổi thơ… Em, Thánh đường vắng lặng…
Và gần đây anh gửi tôi nghe bản nhạc Cali, Đêm Giao Thừa anh mới sáng tác vào dịp Tết Canh Tý năm nay. Tôi ngạc nhiên. Sau hơn nửa thế kỷ, qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, nhạc của anh vẫn là nhạc của Lại Quốc Hùng những năm xưa, vẫn là những nhớ nhung, những hoài niệm khôn nguôi, tuy không da diết như trong một thời tuổi trẻ nhưng ngậm ngùi hơn mênh mang hơn trầm lắng hơn nghe tựa những tiếng thở dài trong đêm đen: Cali, Đêm Giao Thừa, bồi hồi tình viễn xứ, ngậm ngùi sầu lữ thứ, mênh mang, mênh mang… Ta tìm một cánh đào thơm, mơ về màu Tết xa xưa, mơ về màu Tết xa xưa. Hồn xuân cũ nay đâu? Người yêu dấu nơi nao?
Vào đầu năm nay anh Hùng ngỏ ý muốn tôi viết lời giới thiệu cho tuyển tập ca khúc Lại Quốc Hùng Những Sáng Thứ Bẩy. Tôi phân vân vì tôi biết rõ âm nhạc không phải là lãnh vực của tôi, tôi không biết gì về nhạc lý và trình độ thưởng ngoạn cũng như thẩm định nhạc của tôi rất giới hạn, nhưng sau cùng tôi nhận lời vì tôi biết anh không cần tôi phê bình nhạc của anh. Anh muốn tôi giới thiệu vì tôi đã đi song hành với anh trong suốt thời gian anh sáng tác những bản nhạc đầu đời của mình, những bản nhạc đưa chúng tôi thân nhau, và ở tuổi cuối đời này còn gì đáng vinh danh hơn là một tình bạn cao quý. 

Xin vào link sau đây để nghe những bản nhạc tiêu biểu Lại Quốc Hùng.
Tiếng lá xưa, Thái Thanh và ban Hợp Ca Thăng Long trình bầy: www.youtube.com/watch?v=FqL-lUA-LyQ
Nghẹn ngào, Anh Ngọc hát: https://www.youtube.com/watch?v=Cw8aiIkS7w8
Những sáng thứ bẩy, Ngọc Quy hát: https://www.youtube.com/watch?v=bg4_C-QR-nQ
Hà Nội tuổi thơ em, Ngọc Quy hát: https://www.youtube.com/watch?v=6LXZC2rgyiY
Cali, đêm giao thừa, Trọng Khương hát: https://www.youtube.com/watch?v=3V3GzJ1PqAA
Nguyễn Tường Thiết

Related posts