Những “chiến binh sói” của Trung Quốc đang nhe nanh quá thường xuyên?

  • Gia Huy

Các nhà ngoại giao và các cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã sử dụng giọng điệu chủ nghĩa dân tộc ngày càng quá khích để bảo vệ cách xử lý virus corona của Bắc Kinh. Nhưng các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng điều này sẽ chỉ làm phần còn lại của thế giới xa lánh họ.

Từ trái qua: Cảnh Sảng, Hoa Xuân Oánh và Triệu Lập Kiên.

Các nhà ngoại giao “Chiến binh Sói” và truyền thông nhà nước Trung Quốc đang được yêu cầu “hạ giọng” trong nỗ lực bảo vệ cách thức xử lý đại dịch virus corona của Bắc Kinh.

Không hài lòng với những “chỉ trích không công bằng” của nước ngoài đối với Trung Quốc, các cơ quan báo chí chính thức và các nhà ngoại giao đã sử dụng giọng điệu chủ nghĩa dân tộc quá khích để bảo vệ nhà nước CS Trung Quốc.

Tuy vậy, một số cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu ở Bắc Kinh nói rằng điều này chỉ khiến cho thế giới tránh xa Trung Quốc hơn.

“Mục đích là để quảng bá sự vượt trội của hệ thống chính trị Trung Quốc, và xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một nhà lãnh đạo thế giới trong việc chống lại cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu,” Sỹ Ấn Hồng, cố vấn chính phủ và là giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân, đã nói trong một hội thảo trực tuyến tuần trước.

“Nhưng vấn đề là những nỗ lực này đã không nhận ra được sự phức tạp trên sân khấu toàn cầu trong cơn đại dịch, và chúng đã được thực hiện quá vội vàng, quá sớm, quá ầm ĩ, do đó có khoảng cách rất to lớn giữa điều muốn làm và điều đạt được,” ông cho biết.

Áp lực đang gia tăng lên Bắc Kinh khi các nước trên thế giới yêu cầu một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus. Mỹ và các quốc gia khác đang gây áp lực buộc Bắc Kinh phải minh bạch hơn.

Cho tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lây lan ra toàn cầu, khiến hơn 4,8 triệu người nhiễm bệnh và gây tử vong cho hơn 316.000 người.  

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên được cho là người dẫn đầu nhóm “Chiến binh Sói” gồm có các đại sứ và các nhà ngoại giao cấp cao. Cái tên “Chiến binh Sói” được được đặt theo một chuỗi phim hành động yêu nước nổi tiếng ở Đại lục.

Ông Triệu, người được biết đến vì những tweet gây tranh cãi, đã gây ra sự kích động khi quảng bá thuyết âm mưu rằng Mỹ có thể đã mang virus đến Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của nạn dịch tại Trung Quốc.

Cách làm này của ông đã được các nhà ngoại giao Trung Quốc khác ở khắp thế giới áp dụng.

Tại Paris, đại diện ngoại giao của Bắc Kinh là Lô Sa Dã (Lu Shaye) đã được Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập yêu cầu giải thích các bình luận trên trang web Đại Sứ quán Trung Quốc khi cho rằng Pháp đã để mặc những công dân cao tuổi chết tại các nhà chăm sóc.

Trong lúc đó, cơ quan thông tấn Tân Hoa Xã đã gây xáo động dư luận với bài báo cho rằng Mỹ và thế giới “nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và cảm ơn” vì những nỗ lực của họ chống lại đại dịch.

Trước tình hình này, ông Sỹ – cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc từ năm 2011, đã đăng những cảnh báo của mình lên một tài khoản mạng xã hội chính thức của trường đại học hôm 11/5.

Ông cho biết Trung Quốc nên thay đổi giọng điệu “càng sớm càng tốt” và thay vào đó nên thực hiện cách tiếp cận nhiều sắc thái hơn đối với quan điểm chống Trung Quốc ngày càng gia tăng trong các nhà hoạch định chính sách ở Washington.

“Khi cả truyền thông chính thức và không chính thức đều đang sử dụng giọng điệu quá khích để nói về Mỹ, điều này không có lợi đối với việc thay đổi nhận thức trong dư luận,” ông nói và đề nghị Bắc Kinh nên chỉ đạo một số cơ quan truyền thông chính thức thực hiện giọng điệu mang tính hòa giải hơn.

Ông Sỹ cũng kêu gọi dừng cuộc tranh luận về nguồn gốc của virus “bởi vì điều này chỉ làm trầm trọng thêm trò chơi đổ lỗi giữa Trung Quốc và Mỹ,” nói rằng sẽ mất thời gian để tìm câu trả lời.

Trong một hội thảo trực tuyến riêng do Đại học Nhân dân tổ chức hôm 10/5, Châu Phong, trưởng khoa quan hệ quốc hệ của Đại học Nam Kinh, cho biết “các Chiến binh Sói” đã làm xấu đi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, và kêu gọi Trung Quốc giảm nhiệt tình hình và điều chỉnh chính sách ngoại giao.

Một cố vấn hàng đầu khác cũng lên tiếng chỉ trích sự thay đổi về ngoại giao là Diễm Học Đồng (Yan Xuetong), một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Trung Quốc về các vấn đề đối ngoại và an ninh.

“Một số cơ quan truyền thông so sánh những bước tiến đạt được tại Trung Quốc và tại châu Âu trong việc chống lại đại dịch, và họ cho rằng [thành công của Trung Quốc] là do sự khác nhau về hệ thống chính trị,” ông Diễm đã nói với tạp chí Tài Tân (Caixin) ngày 30/4.

“Loại rủi ro câu từ này tạo ra sự phản ứng dữ dội tại một số quốc gia châu Âu vẫn đang chiến đấu với dịch bệnh. Bất kỳ chỉ trích gián tiếp hay trực tiếp về hệ thống chính trị của các nước khác sẽ chỉ làm trầm trọng thêm xung đột ý thức hệ,” ông Diễm nhấn mạnh. 

Ông Yan, người nổi tiếng là diều hâu về chính sách đối ngoại, đã kín đáo bày tỏ sự không hài lòng với các nhà ngoại giao hiếu chiến của nước này, cho rằng cần phải lý trí hơn. Ông cũng không đồng tình với việc hoạch định chính sách bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc. 

Gia Huy (theo Inkstone)

Related posts