Người đi, ờ nhỉ, người đi thật *

Bùi Bích Hà

*(Thơ Thâm Tâm) (Cảm khái từ ấn bản CON SỐ 100,000 của tờ NYT ngày 27/5/2020)

This picture taken on May 23, 2020, in Los Angeles, California, shows a woman looking at a computer screen with a tweet by the New York Times newspaper account showing the early edition front page of May 24, 2020, with a list of 1,000 names printed on it, that represents 1% of the lives lost due to the novel coronavirus pandemic, COVID-19, in the US. (Photo by Agustin PAULLIER / AFP) (Photo by AGUSTIN PAULLIER/AFP via Getty Images)

Sinh, Lão, Bệnh, Tử là chu kỳ sinh hoại của con người, không ai tránh khỏi. Trẻ lọt lòng mẹ, thở ngụm không khí đầu tiên và cất tiếng khóc đầu tiên báo hiệu sự sống như nụ hoa vừa nở, đồng thời cũng báo sự chết vừa bắt đầu. Nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn tả thật tài hoa hệ lụy này trong kiếp nhân sinh: “…Bánh xe tang ngoại ô, chiếc nôi trong vườn hoa…”
Các dữ kiện thu thập mới nhất vào cuối tháng 5/2020 cho thấy, kể cả nạn nhân dịch Covid19, mỗi ngày trên toàn nước Mỹ có hơn 8,000 người qua đời vì đủ mọi lý do, xếp loại như sau:

1/ Bệnh Tim: 1,774; 2/ Covid19: 2,186; 3/ Ung Thư: 1,641; 4/ Tai nạn: 466; /Bệnh phổi kinh niên: 439; 6/ Stroke: 401; 7/ Alzheimer: 333; 8/ Tiểu đường: 229; 9/Thận suy: 139; 10/ Tự tử: 129; 11/ Gan: 114; 12/ Nhiễm trùng máu: 112; 13/ Cao máu: 97; 14/ Parkinson: 88; 15/ Nghẽn phổi: 55.

Đâu đó trên địa cầu này, mỗi ngày mới đều có những người không còn được thấy mặt trời lên, không còn được thấy đôi mắt long lanh hy vọng hay ngập ngừng lo âu của người thân yêu cúi xuống thật gần. Họ ra đi lặng lẽ, chỉ như chiếc lá lìa cành khẽ khàng chao mình trong khoảng không trên đường về đất, để lại như một điều dĩ nhiên nỗi buồn đau riêng tư trong vòng gia đình và thân quyến. Độc giả đọc báo lơ đãng nhìn vào các khung cáo phó ngày nào cũng xuất hiện trên những trang giấy in, bâng quơ xem có danh tính ai quen hay không mà lòng bình yên không chút xao xuyến. Tựa như sớm mai gọi một ngày lên rồi đêm xuống, theo một trật tự mọi người đều quen thuộc và chấp nhận.

Thế nhưng, những ngày đầu xuân năm Canh Tý 2020, bỗng nhiên dịch cúm Vũ Hán như một tấm lưới nhện đen, chằng chịt úp chụp xuống gần hết mặt đất con người sinh sống, đem theo hầu như trong mỗi mắt lưới một loài vi sinh chưa ai từng biết hình thù, tính khí của chúng ra sao, chúng từ đâu tới và bằng cách nào mà chúng lấy đi mạng sống của con người quá nhanh và quá tàn khốc đến thế? Ở những nơi chúng tung hoành, con người vì quá bất ngờ, không kịp chuẩn bị đối phó, lúc đầu quan tài còn hàng hàng lớp lớp xếp ngay ngắn ở sàn các kho nhà thờ, chỉ chớp mắt một tờ lịch rơi, xác người cùng với giường, với cáng không còn nơi chứa, nằm tênh hênh ngoài cái hành lang dài sát vỉa hè, mặc cho người qua đường đi bộ, ôtô hay xe gắn máy ngược xuôi qua lại trong một cuộc sống gần như không còn biên giới với sự chết. Người ta tê dại, đông cứng, hoạt động đờ đẫn như những con nộm chạy bằng pin không biết ngừng lúc nào.

Tin tức từ y giới điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện quá tải cho biết vì sự lây lan quá nhanh, nhiều khi người bị nhiễm dịch không phát ra triệu chứng nên cách chống dịch bắt buộc là phải cách ly. Mọi cung cách giao tế xã hội gồm cả thân nhân và bằng hữu đều thay đổi: không bắt tay, không ôm, không hôn, thường xuyên giữ khoảng cách giữa hai người bất cứ với ai, ít nhất là 6 feet, không ăn chung, uống chung. Khi bệnh nhân phải vào phòng săn sóc đặc biệt (ICU,) ngoài bác sĩ và y tá mặc quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, họ không được tiếp xúc với ai nữa kể cả người thân yêu ruột thịt. Nếu chẳng may người bệnh không sống được vì phổi của họ bị virus làm cho xơ cứng, không thể hấp thụ dưỡng khí nữa, họ chết một mình, nghẹn ngào, tức tưởi, không có thân nhân bên cạnh. Thi thể của họ được đưa thẳng vào nhà xác và nhà xác không còn chỗ, họ được đưa vào các xe thùng đông lạnh xếp hàng ngoài bãi chờ quân xa bọc thép đưa đi thiêu với các phương tiện vệ sinh tối ưu. Đây là khía cạnh khủng khiếp và bi thảm nhất của bệnh nhân cúm Vũ Hán. Trong những giây phút thiêng liêng nhất một đời người sắp giã từ cuộc sống mà không có ai bên mình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bằng hữu; không an ủi, không chia sẻ, không mắt lệ tuôn trào, không tay cầm tay run rẩy, không dặn dò trăng trối. Cái chết mới bắt đầu từ những ngón chân còn ấm nhưng cái lạnh của thiên thu vĩnh biệt đã tràn ngập buồng tim thoi thóp. Trước thời Covid19, chẳng có cuộc tử biệt nào vô luân và tàn nhẫn đến vậy.
Đó là lý do dù số nạn nhân qua đời không hơn hay chưa bằng những trận đại dịch lớn trong lịch sử nhưng hậu chấn của Covid19 làm rúng động cả cộng đồng nhân loại khắp nơi vì những tội tình nó gây ra, xô đổ tận gốc rễ hết thảy các tập quán nhân văn lâu đời thể hiện ở những lễ nghi trang trọng dành để vinh danh người ra đi và những gì họ để lại…


Cả nước Mỹ ngơ ngác, đau buồn, cầu nguyện, mỗi người một ốc đảo cô đơn trong ngôi nhà của họ vì lệnh cách ly. Nhà thờ, chùa chiền đóng cửa. Hồn xác mỗi tín đồ là cung Thánh, là Tam Bảo trơ trọi, lạnh lẽo, để họ trông cậy vào đấng mà họ tín thác, với lời kinh thì thầm tự trấn an mình, với một đốm lửa nhỏ xíu vật vờ trên đầu nén nhang cố nuôi niềm hy vọng.
Trong bối cảnh ấy, bạn tôi gửi cho tôi một trang lớn ấn bản đặc biệt của tờ The New York Times, ngày 27/5/2020 để ghi dấu mốc nạn nhân thứ 100,000 vừa gục ngã vì dịch Covid19 tại Hoa Kỳ chỉ sau ba tháng trời đất tang thương. Bình thường, tôi không phải là độc giả của báo NYT vì nhiều lý do, cũng không mấy mỹ cảm với tờ báo nhưng hôm nay, một cái gì tôi tin là chung nhất trên trang báo này đã kéo chúng tôi đến gần nhau, trong một cái hẹn mà ai cũng thấy ở đây nỗi ngậm ngùi trên thân phận mình.
T

rang báo khổ lớn, trắng toát, hiện ra trên màn hình computer. Đó đây những bóng người nhỏ xíu, thưa thớt ở đầu trang rồi lan nhanh, dầy đặc khung giấy, như một nghĩa trang treo lạ thường: không mộ chí, không vòng hoa, người qua đời chỉ còn là những vết mực nhỏ nhoi đứng im sững ở một nơi không trời, không đất, không mầu xanh cỏ cây và trong mịt mùng im lặng. Dưới chân họ, 30 nhà báo trong tòa soạn NYT đã bằng mọi cách, truy nguyên danh tính từng chiếc bóng cùng với công việc họ làm thuở sinh tiền:
*Patricia Dowd, 57t, cư dân San Jose, Cal, kiểm toán viên làm việc tại Silicon Valley.
*Marion Krueger, 85t, bà nội/bà ngoại, cư dân Kirland, WA, vui tính, chuyện gì cũng cười thả ga.
*Luis Juarez, 54t, cư dân Romeoville, Illinois, thường du hành từ Mỹ qua Mễ Tây Cơ và ngược lại.
*Michael Mika, 73t, cư dân Chicago,VN Veteran.
*Alan Lund, 81t, cư dân WA, nhạc trưởng với đôi tai thẩm âm kỳ diệu.
*JoAnn Stokes Smith, 87t, cư dân Charleston, S.C. thích du lịch và viết ký mô tả hầu hết thắng cảnh thế giới.
*Fred Walter Gray, 75t, Benton County, WA, thích ăn thịt ba rọi ướp muối và khoai tây xắt nhỏ chiên dòn.
*Freddy Rodriguez Sr, 89t, cư dân Denver, 40 năm chơi kèn saxophone tại Câu lạc bộ nhạc Jazz lâu đời nhất của thành phố.
*Theresa Elloie, 63t, cư dân New Orleans, nổi tiếng với nghề làm và bán áo ngực phụ nữ cùng các loại kim cài áo hết sức tinh vi.
*Ricardo Castaneda, 64t, cư dân NYC, nghệ sĩ chuyên tốc họa kiêm bác sĩ Phân tâm học, bệnh nhân đến với ông đều được ông chăm chút chữa lành mới thôi.
*April Dunn, 33t, cư dân Baton Rouge, LA, nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật.
*Susan Rokus,73t, cư dân Hamilton, Va, cô giáo môn tập đọc, luôn tận tụy đưa học trò đền chỗ thành công trên đường học vấn.
*Lynn Sierra, 68t, cư dân Rosette, Illinois, bà nội/bà ngoại ý kiến như suối chảy không bao giờ cạn.
*Eastern Steward Jr. 71t, cư dân Annapolis, MD, cựu chiến binh tham chiến ở VN, có biệt tài hòa giải đem lại hòa bình vào nơi tranh chấp.

Chao ôi, danh sách người ra đi rất dài, từ số 1 đến số 100,000 và còn hơn nữa. Những con số theo quy ước xã hội là để đo lường sự mất mát và từ đấy hình dung ra nỗi đớn đau nhưng không thể giản lược con người vào những con số. Chúng bất động, vô hồn, nghèo nàn, không thay thế được con người mang trong nó cả một vũ trụ co giãn đến vô cùng, ẩn chứa trong chúng những bí ẩn kỳ lạ mà khoa học ngày nay tuy tìm đường lên sao Hỏa, sao Kim, đã không ai đặt vấn đề thám hiểm. Ba mươi nhà báo trong dự án của tờ NYT đã tỏa ra bốn phương trên nước Mỹ, tìm đọc trở lại các cáo phó có trả tiền của tang gia đăng trên báo chí từng vùng hoặc thông báo của cơ quan, đoàn thể có nhân viên qua đời vì Covid19, gạn lọc, lấy ra vài chi tiết cho phép họ bằng những nét cọ vẽ nhanh, phác họa hình dung, cá tính, việc làm, ước mơ của mỗi người cách nay chưa bao lâu, còn thở chung với chúng ta một bầu khí quyển, còn buồn vui yêu ghét như chúng ta, còn cười, còn khóc giữa trần gian này rồi bất ngờ biến đi như một vệt khói mỏng hay một sợi nắng chiều phai. Thật có mà cũng thật không.
Một trăm ngàn người, nhiều lắm, đâu chỉ là 6 con số? Là một trăm ngàn lần một trăm ngàn bà mẹ vượt cạn mang con vào đời, một trăm ngàn những hành trình gian lao, thống khổ nuôi con nên người qua biết bao đêm ngắn, biết bao ngày dài và một trăm ngàn lần ấy cứ thế mà tiếp nối, cứ thế mà nhân lên trong vòng quay sinh tử của đời người.
Cảm ơn đội ngũ phóng viên của tờ NYT xây dựng dự án vinh danh 100,000 nạn nhân Covid19 (và hơn nữa) đã chiến đấu can trường rồi gục ngã trong một cuộc chiến tranh lạ thường ngay trên lãnh thổ của nước Mỹ gần 200 năm thật bình yên. Các anh chị đã khắc ghi cho mai sau được nhìn lại cái chết vội vàng, buồn tủi, vùi dập của những người chiến binh không mặc áo trận mà mặc áo nhà thương, những cái chết chưa bao giờ xảy ra thảm khốc nhường ấy ở bất cứ đâu trên mặt đất này:

Trích NYL, Con Số 100,000 (tạm dịch)

“Có thể chị qua đời trong một bênh viện đông chật người nhưng tuyệt nhiên không có một đứa con giây phút cuối bên giường bệnh để thì thầm bên gối chị một lời tạ ơn sau cùng: Cám ơn Mẹ. Con yêu Mẹ lắm!”“Có thể anh đã chết trong một viện dưỡng lão bị phong tỏa, người bạn trăm năm không rời mắt khỏi anh với cả trời tuyệt vọng đằng sau tấm kính có những dường vân như những nét rạn, cảm nhận một phần trong chính chị đang vuột đi và trôi theo anh”“Và nhiều người khác có thể đã vĩnh biệt cuộc đời trong khu chung cư của thành phố phân chia thành nhiều đơn vị nhỏ, họ quá yếu hay quá sợ để có thể đi tới bệnh xá mà người thân yêu thì cách xa họ cả nửa vòng trái đất.”“Con siêu vi thật nhỏ mà sức lây lan mãnh liệt đã buộc chúng ta phải dập tắt tiếng kêu đòi từ bản năng bẩm sinh vốn là những sinh vật xã hội sống cùng nhau, giờ đây hãi sợ mình sẽ lây lan sang người hay bị người lây lan sang mình. Giữa biết bao những điều bất xứng, nó còn lấy đi khỏi chúng ta ơn phước được có mặt bên người thân yêu giây phút cuối tạ từ. Các tập quán lâu đời từng là ý nghĩa của kiếp nhân sinh nay bỗng nhiên đảo lộn, bao gồm cả mọi hình thức nghi lễ thiêng liêng chúng ta thường trang trọng bày ra để thương tiếc người đi…Trong những khoảng khắc hiệp thông sống động ấy, chúng ta dễ dàng cảm nhận dường như người vừa nhắm mắt vẫn còn quẩn quanh bên chúng ta thêm lần nữa, tái sinh trong giây lát do thần lực của tình yêu thánh khiết trong mỗi chúng ta cùng gom góp lại và sẻ chia qua tiếng kinh cầu cùng nhau dâng lên.”

Diễn Ý theo NYL (tạm dịch)

“Bây giờ, tang lễ cho nạn nhân Covid19 thời đại dịch, người ta than khóc và cầu nguyện trước màn hình của máy điện toán, may lắm thì được đeo mạng che mặt, lái xe đến nghĩa trang, ngồi yên trong xe nhìn nhân viên nhà quàn hành sự, nhìn các quan tài hoặc chôn để về đất, hoặc thiêu để về trời, tuần tự theo nhau vào cõi ngàn năm mà không đích xác quan tài nào là của người mình đến tiễn đưa.

Nước Mỹ có những thành phố nhỏ chừng trên dưới 100,000 dân. Hãy tưởng tượng những thành phố xinh đẹp này vừa tưng bừng đón năm mới 2020 nhưng nay bỗng dưng trở thành những thành phố cổ tích vì nhà cửa, cây cỏ, đường sá, phong cảnh, thiên nhiên tuy vẫn y nguyên như chưa từng có một thiên tai ghê gớm nào qua đây, chỉ vắng bóng các cư dân đã làm nên cuộc sống thực sự sinh động ở những nơi này chứ không phải con số 100,000, kịp hay chưa kịp khai vào tài liệu bản kiểm tra dân số thập kỷ 2020, hiện quảng cáo vẫn còn e dè chạy trên các kênh truyền thông để nhắc nhở mọi người.

Chẳng biết gợi ý này có cùng với phong cách giao tiếp xã hội mới làm thay đổi chút nào nhân sinh quan của con người trên mặt đất cũ kỹ này không?
bùi bích hà tháng 6/2020

Related posts