‘Người Đàn Bà Có Hai Con,’ một truyện tình lạ của Trần Thị NgH

Trần Thị NgH là một tác giả bắt đầu nổi tiếng vào những năm cuối cùng của chế độ VNCH.

Chỉ với hai truyện ngắn đầu tiên, “Chủ Nhật” và “Nhà Có Cửa Khóa Trái,” xuất hiện trên hai trong những tạp chí hàng đầu của văn học miền Nam thời đó là Văn và Vấn Đề, tên tuổi bà đã lập tức được văn giới và độc giả đánh giá cao và trở thành một hiện tượng văn học.

Sau 1975, cũng như nhiều nhà văn miền Nam khác, bà ngừng viết một thời gian dài, chỉ có mặt trên văn đàn trở lại vào khoảng giữa thập niên 1990.

Văn chương của bà không chỉ lạ ở câu chuyện mà còn lạ ở cách kể chuyện, cách viết. Mỗi truyện, bà có một cách kể riêng. Và do cách kể mà đôi khi, dù truyện có đề tài tương tự, đọc lên, nghe vẫn khác. “Người Đàn Bà Có Hai Con” là một trong những truyện như thế.

Điểm đặc biệt đầu tiên của truyện: có 18 tiểu mục, mỗi tiểu mục được đặt một nhan đề, lấy những nhóm chữ xuất phát từ các tác phẩm văn chương hay âm nhạc đã trở thành phổ biến: “ngày xưa hoàng thị,” “động hoa vàng” (thơ Phạm Thiên Thư), “mê lộ” (truyện Phạm Thị Hoài), “thiên đường mù” (truyện Dương Thu Hương), “vũng lầy của chúng ta” (nhạc Lê Uyên Phương), “lệ đá xanh” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “ru em từng ngón” (nhạc Trịnh Công Sơn), vân vân.

Mỗi tiểu mục đều khớp với từng đoạn “chuyện” của truyện. Bằng một giọng văn tường thuật với nhiều chi tiết hiện thực, khách quan, vừa nghiêm túc, vừa pha pha đôi chút giễu cợt, “Người Đàn Bà Có Hai Con” kể lại một câu chuyện tình, không có tình tiết nào quá éo le, gay cấn, nhưng nhiều khúc rẽ khá bất ngờ. Xin kể lại, tuần tự, tóm tắt vừa đủ để độc giả dễ theo dõi.

Câu chuyện bắt đầu giữa cô giáo và cậu học trò trong một lớp học đêm ở Sài Gòn, nơi dạy tiếng Anh cho những người mang mộng xuất cảnh vào thời điểm đất nước đã phần nào mở cửa. Học trò, 20 tuổi, tên Kiệt, có “khuôn mặt xương xương, lưỡng quyền hơi cao, cằm nhọn, hai mắt nhỏ, tóc phía sau chưa đủ dài mặc dù phần úp trước trán bầu tròn và dày.” Đây là một học trò chăm chỉ, “trầm tĩnh nghe bài giảng, ghi chú cẩn thận và chịu khó phát biểu trong giờ đàm thoại.” Cô giáo, tên Doãn, mới 37 tuổi, nhưng trông “quắt queo,” dáng người “khô khô,” giọng “to, rõ, hơi dữ;” nhan sắc thì “cực kỳ trung bình,” “hàm răng sạch,” ăn mặc giản dị, “không đeo nữ trang, thoa son môi thật nhạt, và đi xe đạp.”

Lúc đầu, cô giáo không mấy thích cậu học trò này, nhưng về sau, khi vào lớp mà chưa thấy Kiệt, thì cảm thấy “hơi hẫng.” Riêng cậu học trò thì lại tò mò, “thấy tung tích cô thật bí mật, cách hành xử không giống các giáo viên khác. Mạnh mẽ như đàn ông trong lúc giảng dạy, cười nói thân tình với các đồng nghiệp trong phòng giải lao nhưng rồi thu lại nhỏ xíu lạnh ngắt khi chỉ còn lại một mình.” Vì thế, cậu “quan sát cô mọi góc cạnh, theo dõi từng động tác.” Không những thế, sau giờ học, cậu còn “kín đáo đạp xe theo phía sau” cô, cố giữ một “khoảng cách đủ xa để vẫn còn thấy cô bóng nhỏ đường khuya lẩn trong dòng xe cộ,” và cảm thấy cô giáo “tầm thường và lẻ loi đến tội nghiệp.”

Khi cô giáo tổ chức thêm lớp học ở nhà. Kiệt ghi tên theo học ngay. Do gần gũi, Kiệt nhìn thấy cô giáo trông trẻ hơn, hay mặc quần din xắn hai gấu lên khỏi mắt cá, có điều, “ngực cô lép xẹp.” Cô có một đứa con gái 10 tuổi tên là Bobo. Khi không có lớp, cậu lân la đến chơi nhiều lần. “Vào những lần xé lẻ đến thăm riêng cô giáo, Kiệt thấy cô Doãn còn nhiều ngóc ngách khác, im ỉm, đen tối và gây tò mò.”  Dần dà, nó trở thành người thân, được cô mời ăn cơm gia đình, được “chở Bobo đi học” và có lúc, tình nguyện đưa đón cô “đi dạy khi cô ốm hoặc trời mưa.”

Thế rồi, Kiệt xin ở lại nhà cô. Và thế là, cô giáo Doãn, học trò Kiệt và Bobo trở thành một bộ ba: người đàn bà có hai con. Ba người “thường đi chơi chung cuối tuần, Kiệt chở bé Bo còn cô Doãn đạp xe một mình.” Trong nhà, Kiệt hành xử như một người con giỏi giang: xách nước tưới cây, phụ rửa chén bát, lau nhà, ủi đồ, có lúc còn cắt may áo cho cô, chẳng khác chi một cậu bé giúp việc.

Một số tác phẩm của Trần Thị NgH. 

Một hôm, Kiệt “đòi ba mẹ con ngủ chung.” Cô giáo tuy có vẻ không bằng lòng, nhưng vẫn không từ chối, để xem thử thằng nhỏ giở “trò quái quỷ” gì. Và suốt đêm đó, cô “mở mắt thao láo quan sát Kiệt, quan sát mình. Ðến gần sáng thì cô mềm người đi.” Từ đó, cậu học trò khám phá thấy một phía khác của cô giáo. “Ðó là một người đàn bà cô đơn nhưng làm mặt ngầu.” Còn về phía cô giáo, cô đổi tính hẳn, trở nên “thuần thục dịu dàng thấy rõ, nét cười sém chút nữa là chập vào khóe mắt vui.”

Đến đây thì đúng là một chuyện tình được lập lại: vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng ba mươi mấy năm trước đó. Giống nhưng rất khác: cô Doãn không lãng đãng, tình tứ, dằn vặt bằng cô giáo Trâm; và cậu học trò Kiệt không thuộc “típ”con nhà giàu, ăn chơi, và mang nét lãng đãng “bụi” thời đại như Minh của Nguyễn Thị Hoàng. Và cái khác quan trọng hơn: cô giáo Trâm độc thân, trong lúc cô giáo Doãn đã có con.

Chẳng thế mà khác với Nguyễn Thị Hoàng, vòng tay học trò của Trần Thị NgH có một khúc gập hoàn toàn bất ngờ. Vì chỉ có nửa năm sau, thì vòng tay học trò Kiệt buông: cậu lên đường đi định cư ở Úc cùng với gia đình. Cô giáo Doãn vừa “thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng,” vừa cảm thấy “cái phần đời bấy lâu nay trĩu trĩu bỗng tênh tênh chao sang một phía như bị mất thăng bằng.”

Dằng dặc cho mãi đến sáu năm sau, cậu học trò mới trở về. Nhưng vật đã đổi và sao đã dời! Cậu học trò nghèo hèn ngày xưa trở thành Việt kiều, tóc thưa, hơi hói, xức nước hoa, “một chàng trai 26 tuổi, có bằng kỹ sư điện tử trở về từ nước ngoài, một người đàn ông đúng tiêu chuẩn mơ ước của các cô gái Việt Nam.”

Bé Bo, cô em bé bỏng, là “cô thiếu nữ đôi tám hai mắt nheo nheo rất nghịch với cách nói chuyện chỏi chỏi.” Và cô giáo Doãn, 43 tuổi, “da dẻ khô queo, tóc cắt ngắn, các cơ mặt đã dãn ra” và “xấu, lỗi thời.” Kiệt tìm thấy ở cô giáo ngày xưa có cái gì không thành thật, “với cái mu rùa an toàn bà ta ngoan cố chui ra chui vô mỗi ngày, cái tung tích bí ẩn mà hồi đó đã hút nó vào mê hồn trận.”

Sau đó, Kiệt năm nào cũng về thăm quê hương và rồi, xin làm việc luôn trong nước. Cảnh người đàn bà hai con đèo nhau đi dạo ngày nào, bây giờ biến thành một cảnh khác hẳn. Kiệt, “đầu sói sọi thắt cà-vạt ở villa đi xe Mercedes Benz có tài xế lái tay xách cặp Samsonite đeo đồng hồ Rado mang kính mát Rayban,” cô giáo Doãn, “mang kính lão,” khi dạy học, “một tay cầm quyền sách đang dạy tay kia đút túi quần, mắt nhướng nhướng đầu gật gật, giọng chùng,” và cô thiếu nữ Bobo lớn, đẹp, đàn hay khiến Kiệt lúc đầu chỉ muốn chinh phục cho thỏa tự ái, “về sau trở thành đam mê dằn vặt chịu không thấu.”

Vòng tay học trò trở thành vòng tay Việt kiều. Và người đàn bà hai con trở thành tình mẹ duyên con! Có thể nói, qua truyện ngắn này, Trần Thị NgH đã vẽ phác ra một trớ trêu mang đầy tính thời đại, một trong những nét lạ lùng của xã hội Việt Nam sau cơn địa chấn “thống nhất mà chia lìa” của biến cố Tháng Tư, 1975.

Trần Thị NgH, tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng, sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam. Trước 1975, cộng tác với Văn, Vấn Đề, Thời Tập, Thời Văn, Tiền Tuyến… Các tác phẩm đã xuất bản: “Những Ngày Rất Thong Thả” (1975), “Tập truyện ngắn Trần Thị NgH” (1999), “Lạc Đạn và 10 truyện ngắn” (2000), “Nhăn Rúm” (2012), “Ác Tính” (2018). Hiện sống rày đây mai đó, giữa Việt Nam và nước ngoài.

Tạp chí văn chương mạng hải ngoại Da Màu (damau.org) đã thực hiện một chuyên đề về Trần Thị NgH. Độc giả muốn tìm thêm về nhà văn độc đáo này, xin vào đường dẫn: https://damau.org/category/chuyen-de/chuyen-de-tran-thi-ngh.

Trần Doãn Nho

Related posts