Nghiên cứu: COVID-19 có thể lây nhiễm qua không khí ở khoảng cách xa

Quý Khải

Nghiên cứu: COVID-19 có thể lây nhiễm qua không khí ở khoảng cách xa
Ảnh chụp màn hình youtube / Channel Television.

Một nghiên cứu mới được công bố vào cuối tuần qua cho thấy virus corona chủng mới có thể lây truyền qua không khí, trang Fox News đưa tin ngày 31/3.

Trong một nghiên cứu hợp tác giữa Trung tâm Y tế Đại học Nebraska (UNMC), Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Nebraska và một số cơ sở khác, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vật liệu di truyền từ virus gây bệnh viêm phổi Vũ Hán trong các mẫu không khí từ cả trong lẫn ngoài các phòng ở của bệnh nhân Covid-19. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp “bằng chứng hạn chế cho thấy tiềm năng lây nhiễm qua không khí của căn bệnh này có tồn tại”, các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù họ cảnh báo những phát hiện này gợi ý tiềm năng chứ không khẳng định việc lây nhiễm qua không khí.

Nghiên cứu: COVID-19 có thể lây nhiễm qua không khí ở khoảng cách xa
Ảnh chụp màn hình Youtube/Medmastery.

Với mục đích tìm hiểu rõ hơn về sự phát tán của chủng virus mới, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu phẩm không khí và bề mặt từ 11 phòng bệnh của 13 người có kết quả dương tính với virus Vũ Hán trong quá trình cách ly ban đầu. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vật liệu di truyền virus trên các vật phẩm thường dùng, như giấy vệ sinh, nhưng cũng có trong các mẫu không khí, từ đó chỉ ra rằng “SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm rộng rãi trong môi trường” (SARS-CoV-2 là tên chính thức của loại vi-rút gây bệnh COVID-19).

Virus không chỉ được phát hiện bên trong phòng bệnh của các bệnh nhân COVID-19, mà “các máy lấy mẫu không khí từ các hành lang bên ngoài các phòng nơi các nhân viên y tế ra vào cũng cho kết quả dương tính”, nghiên cứu cho biết.

Vì sao SARS-CoV-2 nên được gọi là Virus Trung Cộng? Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng. Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước trên thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020. Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội cho Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc của dịch bệnh. Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).

“Những phát hiện này cho thấy bệnh dịch có thể lây lan trực tiếp (giọt dịch phát tán ở khoảng cách tiếp xúc gần khi một người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện) cũng như tiếp xúc gián tiếp (vật phẩm bị nhiễm virus và lây truyền qua đường không khí) và cho thấy việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa cách ly trong không khí là điều thích hợp”, nghiên cứu kết luận, đồng thời lưu ý rằng những phát hiện cũng cho thấy các bệnh nhân nhiễm virus Trung Cộng, ngay cả những người chỉ có triệu chứng nhẹ, “cũng có thể tạo ra các hạt sol khí virus (còn gọi là aerosol trong không khí) và làm nhiễm bẩn các bề mặt có nguy cơ lây bệnh”.

Các tác giả nghiên cứu cũng cho biết các kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của các thiết bị bảo vệ cá nhân hay PPE (personal protective equipment), và việc sử dụng các phòng cách ly áp lực âm cho bệnh nhân COVID-19 hiện đã nhập viện.

James Lawler, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, đã nói trong một tuyên bố: “Nhóm chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan qua không khí đối với các bệnh nhân ban đầu mà chúng tôi chăm sóc. Báo cáo này đã củng cố cho nghi ngờ của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi duy trì việc để bệnh nhân nhiễm bệnh trong phòng cách ly áp lực âm và sẽ duy trì các nỗ lực để làm điều đó – ngay cả với số lượng bệnh nhân gia tăng. Các nhân viên y tế hành nghề sẽ được trang bị các thiết bị bảo vệ cá nhân ở mức độ phù hợp. Rõ ràng, cần nhiều nghiên cứu hơn để có thể mô tả đúng rủi ro đến từ môi trường trong hoàn cảnh dịch bệnh này”.

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu cách thức virus corona chủng mới lây truyền, mặc dù Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết loại virus này chủ yếu lây truyền từ người sang người, ví như khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Các giọt bụi nước từ đường hô hấp của họ sau đó có thể lọt vào mũi và miệng của những người khác xung quanh (đó là lý do tại sao các quan chức đang thúc giục mọi người đứng cách xa nhau ít nhất 1,8 m khi ở nơi công cộng). Chạm vào một vật dính virus – các nghiên cứu gần đây phát hiện thấy virus có thể sống trên các bề mặt trong nhiều giờ và nhiều ngày – và sau đó chạm tay bẩn vào mắt, mũi hoặc mặt của bạn cũng là một khả năng lây bệnh tiềm tàng.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu gần đây cũng phát hiện thấy virus có thể lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt thông qua đường lây truyền phân-miệng . Các nhà khoa học từ Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc mới đây đã phát hiện ra vật liệu di truyền virus trong mẫu phân và bệnh phẩm trực tràng của một số bệnh nhân, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tháng 2.

 Theo Fox News 
Quý Khải dịch và biên tập

Related posts