Một dịp để thảo luận và khẳng định lẽ phải và niềm tin

·  Nguyễn Gia Kiểng

Quan điểm cho rằng giải pháp duy nhất là cải tổ trong lòng chế độ hoàn toàn không đúng trong trường hợp của nước ta. Kinh nghiệm lịch sử của mọi dân tộc đã chứng tỏ rằng khi một chính quyền đã tham nhũng tới một mức độ nào đó thì không còn cải tổ được nữa và giải pháp duy nhất là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Kinh nghiệm của các dân tộc cũng đã chứng tỏ rằng, do bản chất ý thức hệ của chúng, các chế độ cộng sản không thể cải tổ mà chỉ có thể thay thế.

Chúng ta vừa bắt đầu một năm mới đầy ẩn số trong bối cảnh quốc gia cũng như quốc tế. Thử thách đan xen với cơ hội. Đây là thời điểm để thảo luận về hướng đi cho tương lai. Xin bắt đầu bằng một hành động gần đây nhất.

Bản “Yêu sách tám điểm năm 2019” (sau đây gọi là Yêu sách 2019)khởi động trong những ngày cuối năm đã được sự hưởng ứng của gần 2000 cá nhân và hơn 20 tổ chức. Sự hưởng ứng đông đảo này là một kết quả khả quan chứng tỏ bản yêu sách đã có những đòi hỏi tích cực đáp ứng với nhu cầu của đất nước. Tuy vậy nó đã nhanh chóng chìm vào im lặng. Nó đã không tạo ra được một sức bật hay đánh dấu được một bước tiến trong cuộc vận động dân chủ hóa đất nước. Tại sao?

Một số bạn tôi đã ký tên ủng hộ bản yêu sách này nhưng qua trao đổi thì họ không tỏ ra nhiệt tình. Họ ký vì có cảm tình với những người đã ký trước chứ không phải vì tin rằng đó là lập trường đấu tranh phải có và cũng không nghĩ tới một bước tiếp theo nào. Đa số còn thấy trước là bản yêu sách này sẽ có cùng một số phận với các kiến nghị và yêu cầu trước đây, nghĩa là chìm dần vào quên lãng.

Ba lý do để khó tán thành

Bỏ qua những chi tiết nhỏ nhưng cũng đáng tiếc như phân biệt “tù nhân chính trị” “tù nhân lương tâm”, phân biệt “nhân dân Việt Nam”“người Việt sống ở nước ngoài” v.v. có ít nhất ba lý do khiến một người hay một tổ chức đấu tranh cho dân chủ khó có thể ủng hộ ngay cả nếu muốn.

Các vị khởi xướng Yêu sách 2019 coi đây là một biến cố lịch sử và nhắc đến ông Hồ Chí Minh một cách trang trọng.

Trong thời niên thiếu tôi đã có dịp gần gũi và trò chuyện nhiều với ông Nguyễn Thế Truyền, một thành viên của nhóm Ngũ Long –gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành (tức Hồ Chí Minh sau này) và Nguyễn An Ninh- đồng tác giả của bản “Yêu sách của dân tộc An Nam”này, ký tên chung “Nguyễn Ái Quốc”.

Theo những gì ông Nguyễn Thế Truyền kể lại thì ông Hồ Chí Minh không hề tham gia soạn thảo mà chỉ là người có phận sự mang bản này tới nhà một nhân vật Pháp nhờ trình lên Hội Nghị Versailles. Dĩ nhiên là bản yêu sách này không hề được biết tới trong hội nghị này. Tham vọng lôi kéo sự chú ý của hội nghị cũng chỉ là tham vọng rất ngây thơ của nhóm Ngũ Long. Hội nghị Versailles là một hội nghị quốc tế nhằm giải quyết những hậu quả của Thế Chiến I vừa chấm dứt trong đó hàng chục triệu người, kể cả đa số thanh niên Pháp và Đức trong lứa tuổi 18 – 30, thiệt mạng. Hội nghị này có những vấn đề nghìn lần quan trọng hơn để thảo luận. Kết quả là bản yêu sách này hoàn toàn không được biết đến và chỉ là một trong vô số tài liệu nằm trong hồ sơ của sở an ninh Pháp. Nó không hề là một biến cố, dù nhỏ. Chỉ sau này nó mới được Đảng Cộng Sản Việt Nam thổi phồng để đánh bóng ông Hồ Chí Minh được đồng hóa với Nguyễn Ái Quốc.

Cũng cần nói là ông Hồ Chí Minh từ sau Đại hội Tours, cuối năm 1920, đã tham gia Đảng Cộng Sản Pháp thuộc Đệ Tam Quốc Tế và không còn sinh hoạt với những người bạn cũ thuộc nhóm Ngũ Long nữa vì họ không chấp nhận Đệ Tam Quốc Tế. Từ đó ông tự cho phép dùng tên Nguyễn Ái Quốc như là tên riêng của mình và nhận là tác giả bản Yêu sách 1919 mà ông không hề viết một chữ nào. Các vị soan thảo “Yêu sách tám điểm năm 2019” đã lầm trên “tầm quan trọng lịch sử” của bản Yêu sách 1919 và nhắc tới ông Hồ Chí Minh một cách trân trọng.

Nhưng Hồ Chí Minh là ai và đã có những thành tích nào? Ông đã góp phần quyết định đưa Việt Nam vào tai họa cộng sản với những hậu quả kinh khủng. Nếu vào năm 1945, sau Thế Chiến II, không có Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản thì đã không có đợt khủng bố kinh hoàng tàn sát hàng trăm hàng ngàn những người yêu nước trong các đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt, đã không có cuộc nội chiến kéo dài 30 năm làm đất nước tan hoang và gần sáu triệu người chết, và giờ này nước ta có thể đã ở một trình độ phát triển không xa Hàn Quốc hay Đài Loan là bao.

Trong suốt dòng lịch sử của chúng ta chưa có nhân vật nào đã gây thiệt hại cho đất nước bằng một nửa những thiệt hại mà Hồ Chí Minh đã gây ra. Ông Hồ Chí Minh cũng chỉ có một trình độ văn hóa rất sơ sài, khoảng lớp 8, và cũng chưa chứng tỏ một cố gắng tự học nào qua những gì ông đã viết và nói. Kiến thức của ông chủ yếu gồm những kinh nghiệm thực tiễn trong trường đời và những huấn luyện của Đệ Tam Quốc Tế về khủng bố và sách động. Trong cuộc sống cá nhân, ông đối xử tàn tệ với những người phụ nữ đã chia sẻ cuộc sống vợ chồng với ông – Tăng Tuyết Minh, Nông Thị Xuân-, chối bỏ cả con, chỉ để giữ hình ảnh bịp bợm của một người đạo hạnh chỉ sống vì đất nước. Ông say mê danh vọng một cách bệnh hoạn đến nỗi dùng tới hai bí danh (T. Lan và Trần Dân Tiên) để viết sách tự ca tụng mình, dù là danh vọng hão vì cuối đời ông đã chấp nhận mất hết quyền lực để chỉ còn là một đồ trang sức của chế độ cộng sản. Nói chung đó là một người rất dưới trung bình về nhân cách và đạo đức, hơn nữa còn có tội lớn với đất nước.

Chúng ta có thể để cho người chết yên nghỉ nhưng nhắc tới ông một cách trân trọng như trong Yêu sách 2019 là điều không nên bởi vì đó là một xúc phạm đối với đất nước và hàng triệu người đã chết oan, đồng thời cũng vô tình tiếp tay đánh lừa quần chúng.

Hai là, mục tiêu cốt lõi của những người dân chủ hiện nay là phản bác chế độ độc tài độc đảng và đấu tranh để thiết lập một nền dân chủ thực sự chứ không phải thứ dân chủ bịp bợm của Đảng Cộng Sản. Điều này phải luôn luôn được khẳng định một cách minh bạch.

Những vấn đề khác –thí dụ như “thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hóa trường học” trong bản Yêu sách 2019 dù đúng cũng chỉ là phụ vì chỉ là hậu quả tất nhiên của một chế độ dân chủ thực sự. Chúng ta đều biết rằng một nền dân chủ đúng nghĩa phải bảo đảm trọn vẹn ít nhất ba quyền tự do căn bản: tự do ngôn luận và báo chí; tự do bầu cử và ứng cử vào các chức vụ dân cử; tự do kết hợp, nghĩa là tham gia và thành lập các tổ chức kể cả các chính đảng.

Bản yêu sách chỉ đòi “bảo đảm quyền tự do lập hội” mà chế độ cũng nhìn nhận trên giấy tờ nhưng chỉ dành riêng cho những tổ chức ngoại vi, và không nói gì tới các chính đảng. Cũng không một lời cho đa nguyên và đa đảng. Thế thì có gì thực sự khác với chế độ độc đảng? Chắc chắn không phải vì những người soạn thảo vô tình mà vì họ nghĩ rằng chế độ cộng sản sẽ không thể chấp nhận và dung túng vào lúc này. Nhưng nghĩ như vậy là sai, rất sai. Một điều đúng, nhất là hoàn toàn đúng, bao giờ cũng phải được nói ra. Không phải vì kẻ sai trái không chấp nhận mà chúng ta không được nói ra điều đúng.

Tự do kết hợp (chứ không phải ‘tự do lập hội” như một cách dịch sai khá phổ biến và được dùng trong bản yêu sách này, từ “association” trong cụm từ freedom of association có nghĩa là “kết hợp” chứ không phải là “hội”) bao gồm quyền tham gia và thành lập các chính đảng là một quyền đã được thế giới nhìn nhận và đặc tính của các chế độ cộng sản là chà đạp quyền này. Không nói tới quyền thành lập và tham gia các chính đảng trong một chế độ cộng sản là mặc nhiên chấp nhận nó. Phải chăng đây là chọn lựa chính trị của những người khởi xướng Yêu sách 2019? Nếu như vậy thì chúng ta không đứng cùng một phía của lằn ranh và những người dân chủ không có lý do gì để hưởng ứng. Hay là các vị này biện luận rằng họ cũng mong muốn quyền thành lập và tham gia các chính đảng nhưng hoàn cảnh chưa cho phép? Nhưng hoàn cảnh nào?

Thực tế là hiện nay tại Việt Nam hàng ngày có hàng ngàn người, trong đời sống cũng như trên mạng xã hội, công khai lên tiếng tán thành dân chủ đa nguyên. Cùng lắm họ chỉ bị thiệt thòi về quyền lợi và mất những đặc ân của chế độ mà thôi chứ không bị đe dọa về an ninh. Yêu sách 2019 đã rất tụt hậu so với quần chúng. Và đàng nào thì nói lên lập trường dân chủ cũng vẫn là bắt buộc tối thiểu của những người dân chủ.

Sức mạnh của chúng ta là Lẽ Phải, hay cái Đúng, vũ khí của chúng ta trong lúc này chủ yếu là Lời nói. Nếu vì quá thận trọng mà chúng ta không nói lên Lẽ Phải thì chúng ta không còn trọng lượng nào.

Ba là, nghiêm trọng hơn, bản Yêu sách 2019 kêu gọi tôn trọng hiến pháp, như thể bản hiến pháp hiện nay của chế độ cộng sản là một bản hiến pháp bình thường. Đây là điều tuyệt đối không thể chấp nhận.

Bản hiến pháp này không phải là một hiến pháp mà chỉ là một tuyên ngôn thống trị. Nó chỉ có mục đích “thể chế hóa cương lĩnh của Đảng cộng sản” như chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nói. Nó đặt Đảng Cộng Sản lên trên Nhà nước và Xã hội, buộc quân đội phải trước hết trung thành với Đảng Cộng Sản. Nó chỉ là một quy định của một lực lượng chiếm đóng. Nó phải bị bác bỏ và thay thế, trên điểm này không thể có bất cứ một nhân nhượng nào. Có thể vì tương quan lực lượng giữa nhân dân Việt Nam và Đảng Cộng Sản còn chênh lệch và vì chủ trương chuyển hóa về dân chủ trong hòa bình tránh mọi đổ vỡ chúng ta đành phải tạm thời sống với nó trong khi vẫn tranh đấu để loại bỏ nó, nhưng chấp nhận nó là rất sai. Càng sai khi đa số các nhân sĩ ký tên đầu tiên vào bản yêu sách cũng chính là những người đã từng ký tên phản đối bản hiến pháp này cách đây 6 năm. Như vậy phải hiểu rằng Đảng Cộng Sản có thể áp đặt những điều rất vô lý mà chúng ta phản đối nhưng sau đó nếu họ bất chấp thì chúng ta vẫn phục tùng? Vậy chúng ta là ai?

Bản yêu sách có câu: “Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy thực hiện các quyền hiến định của mình mà không đợi ai cho phép”. Ý tốt nhưng cách diễn tả cần được xét lại. Chúng ta đòi chính quyền cộng sản phải tôn trọng luật chơi của chính họ nếu họ có chút lương thiện chứ chúng ta không chỉ dừng lại ở các “quyền hiến định” này. Cách đây 25 thế kỷ Plato đã khẳng định luật phải đúng, nghĩa là phải phản ánh Lẽ Phải, luật không đúng không phải là luật.

Bản hiến pháp 2013 của chế độ Cộng Sản không đúng và do đó không có giá trị của một luật pháp.

Trên nhiều điểm rất căn bản

Giờ này cuộc vận động chữ ký đã hoàn tất, tôi viết những dòng này trong tinh thần thảo luận thẳng thắn và tương kính với hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng rút kinh nghiệm. Tôi tin rằng các vị chủ xướng yêu sách này cũng có những mong ước cho đất nước không khác anh em chúng tôi. Những người quý trọng nhau và theo đuổi cùng một mục tiêu đôi khi cũng có thể không đồng ý, và đây là một trường hợp. Cần thảo luận bởi vì có lẽ chúng ta không đồng ý trên nhiều điểm rất căn bản.

Nếu tôi không lầm thì yêu sách này phản ánh quan điểm cho rằng giải pháp duy nhất cho đất nước là cải tổ trong lòng chế độ. Quan điểm này hoàn toàn không đúng trong trường hợp của nước ta. Kinh nghiệm lịch sử của mọi dân tộc đã chứng tỏ rằng khi một chính quyền đã tham nhũng tới một mức độ nào đó thì không còn cải tổ được nữa và giải pháp duy nhất là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Có ai không đồng ý rằng chế độ này không chỉ rất tham nhũng mà còn quá tham nhũng? Kinh nghiệm của các dân tộc cũng đã chứng tỏ rằng, do bản chất ý thức hệ của chúng, các chế độ cộng sản không thể cải tổ mà chỉ có thể thay thế. Vậy thì nếu chúng ta suy nghĩ một chút vấn đề cải tổ hay cải tiến chế độ này không đặt ra.

Vả lại phải nhìn nhận một sự thực là Đảng Cộng Sản tuyệt đối không dành cho các kiến nghị cải tổ một quan tâm nào. Từ ba thập niên qua, Đảng Cộng Sản chỉ làm ngược lại với những thỉnh cầu cải tổ của các nhân sĩ. Họ chỉ xiết lại chứ không nới lỏng ra. Hiến pháp 2013 thô bạo hơn hiến pháp 1992; sự phân biệt Đảng và Nhà Nước –theo chiều hướng lấy pháp trị thay cho đảng trị trong Yêu sách 2019- hoàn toàn không còn gì, thay vào đó là chủ trương nhất thể hóa; các vụ án chính trị trước đây bị xử 3 năm tù bây giờ bị xử 10 hay 15 năm.

Lập trường “cải tổ” này chủ yếu đến từ một tâm lý bất lực cho rằng chế độ này dù sao cũng còn quá mạnh, những thay đổi mong muốn chỉ có thể đến từ bên trong. Nhân định này xét cho cùng mâu thuẫn với chính nó. Quả nhiên những cố gắng thay đổi từ bên trong có thể có tác động rất mạnh và rất đáng hoan nghênh nhưng nếu đã có những sức ép đủ mạnh từ bên trong, ngôn ngữ hiện nay là “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, thì chế độ đâu có mạnh? Vả lại những cố gắng thay đổi từ bên trong chỉ thành công nếu được kết hợp với những áp lực từ bên ngoài.

Chế độ này hung bạo nhưng không mạnh. Nó đã phân hóa nội bộ ở mức độ hiểm nghèo sau khi không còn một lý tưởng chung nào để đoàn kết các đảng viên. Nó chỉ còn là một liên minh giả dối của những người thù ghét nhau vì tranh giành quyền lực và quyền lợi. Những biện pháp thanh trừng nhân danh chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ làm nó nguy ngập hơn bởi vì, như vừa nói ở trên, không thể cải tổ một chế độ đã quá tham nhũng và cũng không thể cải tổ một chế độ cộng sản. Các chế độ không còn lý do tồn tại lâm nguy nhất vào lúc chúng tìm cách tự lành mạnh hóa.

Chế độ này vẫn còn đó chỉ vì đối lập dân chủ yếu. Nhưng chọn lựa đúng đắn là cố gắng nhận diện nguyên nhân và tìm ra giải pháp để ra khỏi thế yếu và mạnh lên chứ không phải là an phận với cái yếu rồi ứng xử theo mặc cảm yếu kém như nhiều người vẫn làm từ trước tới nay khi hài lòng với những kiến nghị và yêu cầu.

Giải pháp hiển nhiên để ra khỏi cái yếu là chấm dứt lối hoạt động chính trị nhân sĩ để tiến tới đấu tranh có tổ chức. Ai cũng biết phải có tổ chức mới có sức mạnh, cái khó là có chấp nhận được những hệ lụy của cố gắng xây dựng tổ chức và hành động có tổ chức hay không. Do di sản văn hóa nhân sĩ, mà đặc tính là phò kẻ cầm quyền và chỉ biết có mình, nhiều người sẽ không thể hy sinh tư kiến, lòng tự ái và tham vọng cá nhân để đấu tranh trong khuôn khổ tổ chức, nhưng cũng vẫn có những người đủ sức mạnh tinh thần để vươn lên khỏi cái tôi nhỏ mọn và tìm đến với nhau. Họ sẽ có đủ sức mạnh để thắng vì Đảng cộng sản không mạnh.

Họ sẽ hiểu rằng một tổ chức chỉ có thể mạnh và thành công nếu có một tư tưởng chính trị lành mạnh và một đội ngũ nòng cốt kiên trì. Hai điều kiện này đòi hỏi rất nhiều thời giờ và cố gắng nhưng một khi đã có thắng lợi là chắc chắn và có thể rất nhanh chóng. Họ sẽ biết phân công, thay vì giành nhau vai chính, giữa người trong nước, người ngoài nước và người trong bộ máy của chế độ.

Thí dụ như trong giai đoạn đàn áp hiện nay vai trò đại diện và phát ngôn nên trao cho người ngoài nước mà bạo quyền không thể bách hại, vai trò xây dựng lực lượng và nhận diện những vấn đề cùng những giải pháp cho đất nước chủ yếu do người trong nước, trong khi vai trò gửi một thông điệp thân thiện và hòa hợp sẽ do những người trong bộ máy. Họ tranh đấu chủ yếu bằng cách thuyết phục và lời nói của họ sẽ có sức thuyết phục bởi vì đó là những ý kiến đã được sàng lọc qua học tập và trao đổi trong tổ chức.

Lời nói đó ngoài sức mạnh của Lẽ Phải cũng sẽ có sức thu hút của tiếng nói chung của nhiều người gắn bó với nhau trong một lý tưởng cao đẹp. Nó sẽ đánh bại được sự ngoan cố của chế độ này. Soljenitsin, nhà đối lập dân chủ lưu vong thời Xô Viết, để lại một khẳng định tuyệt vời: “một lời nói phải nặng hơn trái đất”. Vũ khí lời nói không yếu như nhiều người nghĩ. Nó còn là vũ khí vô địch khi là lời nói đúng, hợp lý và hợp tình.

Đất nước sẽ vươn lên

Năm 1944, khi Mahatma Gandhi đang ở tù thì được chính quyền thuộc địa Anh mời ra thảo luận vì họ thấy là chế độ thuộc địa không thể kéo dài. Khi nghe Gandhi trình bày lập trường của mình, họ ngạc nhiên và nổi giận: “Bộ ông đòi chúng tôi phải đầu hàng không điều kiện hả? “. Gandhi điềm đạm đáp: “Vâng, đúng như thế vì không thể có giải pháp nào khác”. Người Anh sau đó đã hiểu là Gandhi có lý. Họ trả độc lập không điều kiện cho Ấn Độ rồi ra đi trong danh dự như một nước bạn thân. Gandhi không có một tấc sắt nào trong tay và cũng không muốn có, nhưng có sức mạnh của Lẽ Phải.

Có lẽ vì không tin ở sức mạnh của Lẽ Phải mà cho tới nay đối lập dân chủ vẫn chưa đoàn kết được và vẫn còn loay hoay trong những sáng kiến vụn vặt và nhất thời. Tuy vậy tương lai không u ám. Đất nước đã thay da đổi thịt. Đa số những người đầu tiên ký Yêu sách 2019 đã ngoài 70 tuổi, nghĩa là thuộc thế hệ của tôi, thế hệ đang đi qua.

Tôi may mắn được biết nhiều trí thức trẻ. Họ có cách suy nghĩ và hành động khác. Họ biết và tin ở sức mạnh của Lẽ Phải. Họ hiểu vai trò của trí thức là đi trước chứ không phải là đi sau quần chúng. Và họ cũng hiểu rằng bắt buộc phải đấu tranh có tổ chức. Nhờ họ đất nước sẽ có một tương lai khác.

Nguyễn Gia Kiểng
(09/01/2019)

Related posts