Làn sóng dân chủ sẽ đưa tương lai Hồng Kông về đâu?

Trong suốt tuần qua thế giới đã chứng kiến người dân Hồng Kông xuống đường bày tỏ lập trường bảo vệ quyền sống tự do, dân chủ và có phẩm giá.


Bắt đầu từ Chủ Nhật 9/6, hàng ngàn người Hồng Kông biểu tình tuần hành phản đối quyết định của nhà cầm quyền dự trù đưa ra Hội đồng Lập pháp biểu quyết dự luật bổ túc chuyện dẫn độ phạm nhân hình sự (sang Hoa lục, Macau và Đài Loan vì chưa có thỏa thuận với chính phủ những nơi này).

Dự luật dẫn độ – sẽ áp dụng đối với cả cư dân Hồng Kông và các công dân ngoại quốc và công dân Trung Cộng sinh sống hoặc quá cảnh nơi này khiến người dân Hồng Kông lo ngại rằng nền móng pháp trị lâu đời bị thủ tiêu dù vẫn đang còn giá trị (cho tới năm 2047 là năm kết thúc thời hạn 50 năm tự trị, theo thỏa ước giữa Anh Quốc và Trung Cộng khi chính phủ Anh hoàn trả Hồng Kông về với Trung Hoa hồi năm 1997). Hơn thế, kinh nghiệm thực tế trước hành vi ngày càng công khai của nhà nước Trung Cộng muốn nhanh chóng xóa bỏ sự khác biệt mọi mặt giữa Hồng Kông với Hoa Lục về tất cả mọi mặt khiến người dân lãnh thổ này lo sợ.

Khởi sự với cuộc xuống đường ôn hòa của vài ngàn người phản đối chuyện dẫn độ vì 2 hệ thống pháp luật hiện hành của HK và TC không tương đồng nhưng bị nhà cầm quyền HK dùng biện pháp mạnh bạo, huy động Cảnh sát chống biểu tình đàn áp bằng hơi cay và vòi rồng dẫn đến những vụ va chạm – tuy nhỏ và hạn chế nhưng không kém căng thẳng – cuộc phản kháng của người dân HK nhanh chóng bùng nổ và lôi cuốn được người tham dự đông đảo hơn. Đồng thời, khi người đứng đầu chính quyền, Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) có phản ứng ngạo mạn, bất cần và không nhượng bộ, người dân Hồng Kông chuyển sang phản kháng mạnh mẽ hơn nữa: đòi hỏi bà ta phải từ chức!

Khi nhiều người biểu tình – đa số thuộc thành phần trẻ, là thanh niên sinh viên học sinh, bị Cảnh sát tấn công bằng dùi cui và cả đạn cao su khiến gần 100 người bị thương, thế hệ cha mẹ của họ cũng ồ ạt gia nhập đoàn biểu tình phản đối chính quyền.
Đến đêm Chủ Nhật sang Thứ Hai 17/6, cuộc biểu tình của dân HK đạt cao điểm với con số ước đoán từ hơn 1 triệu cho tới gần 2 triệu người (trên dân số hơn 7 triệu) và đó là cuộc biểu tình đông đảo nhất trong lịch sử Hồng Kông.

Tình trạng này khiến sang Thứ Ba 18/6, Đặc khu trưởng HK Carrie Lam đã phải công khai xin lỗi người dân đặc khu vì ‘đã để xảy ra cuộc khủng hoảng về dự luật dẫn độ gây tranh cãi’ thế nhưng người biểu tình chống dự luật dẫn độ nhất định không chấp nhận lời xin lỗi đó, nhất là vì bà ta vẫn cương quyết không chịu rút lại văn bản này, cũng như không từ chức.

Người dân HK phẫn nộ vì bà ta đã không đáp ứng bất cứ điều nào trong bốn yêu sách được đưa ra mà thậm chí không chịu chính thức rút lại dự luật gây tranh cãi, mà chỉ nhắc đi nhắc lại rằng, vì vấn đề thời hạn định, dự luật này sẽ không thể được xem xét trước khi kết thúc nhiệm kỳ của nghị viện hiện nay.
Và ra vẻ uy thế của đoàn biểu tình vẫn còn rất mạnh vì tới nay, đã có 2 cuộc biểu tình với tầm mức chưa từng có ở HK: một lần quy tụ khoảng 1 triệu người, và cuộc biểu tình ngay 1 tuần sau đó có sự tham dự của 2 triệu người.
Mặt trận Dân sự Nhân quyền hy vọng sẽ công bố được kế hoạch hành động của họ trong những ngày tới trong lúc phe thân Bắc Kinh tại nghị viện (Hội đồng Lập pháp) tuyên bố chấp nhận lời xin lỗi của bà Carrie Lam và cho rằng đã đến lúc lật qua một trang mới, để chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Ngược lại, nhiều nghị sĩ phe đối lập đã chỉ trích lực lượng an ninh về việc sử dụng vũ lực với những người biểu tình vào ngày 12/06. Hôm đó, cảnh sát đã dùng hơi cay, dùi cui, đạn cao su để đẩy lùi những người biểu tình đang tìm cách vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Vụ đàn áp này đã bị công luận lên án đến mức hôm Thứ Bảy tuần trước 15/6, ĐKT Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phải thông báo đình hoãn việc đưa dự luật dẫn độ ra biểu quyết.
Đáp lại yêu sách của người dân, bà Carrie Lam xin lỗi nhưng tuyên bố quyết không từ chức.

Sau đó, trong buổi họp báo hôm 18/6, bà Carrie Lam người dân HK cho bà “một cơ hội nữa để lãnh đạo đặc khu’’.
Bà Carrie Lam nói bà đã đáp lại đòi hòi của người dân bằng cách cho hoãn luật này.
Bà ta cũng tìm cách lấy lòng giới trẻ – thành phần chủ lực cuộc biểu tình- khi nói rằng ‘cuộc biểu tình khiến bà tự nhận thấy cần phải làm nhiều hơn nữa’ trong vai trò của bà.
Đặc Khu trưởng là biết lắng nghe những quan điểm khác biệt, tôn trọng và quan tâm đến những người trẻ.


Thế nhưng ai cũng cho rằng nhất định, dù có thế nào đi nữa, Bắc Kinh sẽ không để Carrie Lam từ chức (ngay cả khi bà ta thực sự muốn đi nữa).
Hãng Reuters trích lời 1 viên chức hàng cao cấp của Bắc Kinh nói “Dứt khoát chuyện đó sẽ không xảy ra, vì bà ta do chính quyền trung ương bổ nhiệm, vì thế chuyện để cho bà ta từ chức đòi hỏi phải có cuộc thảo luận và cân nhắc ở cấp thượng tầng”.
Chuyện Carrie Lam rút lui lúc này chắc chắn sẽ làm cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn vì đối với nhà nước Trung Cộng, nhất là với Tập Cận Bình đó sẽ là một xúc phạm nghiêm trọng đến uy quyền nhà nước và cá nhân ông ta.
Các nhà phân tích cho rằng xuống nước như vậy sẽ làm suy yếu hình ảnh của Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo cứng rắn, kiên cường, người đã chỉ huy công cuộc chống tham nhũng và bất đồng chính kiến kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Trung Cộng năm 2012.

Bắc Kinh đời nào chịu để cho áp lực của 2 triệu, thậm chí kể cả 7 triệu người dân HK, buộc họ phải lùi bước! Chưa kể trong mắt Bắc Kinh, HK đang là đám cháy không sớm dập tắt bằng mọi giá sẽ có nguy cơ bùng phát lan ra khắp mọi miền – từ Ma Cau sang Tân Cương, Tây Tạng… Lại nữa, cuộc biến động không ngờ ở HK nay trở thành một thách thức lớn nữa đối với cá nhân Tập Cận Bình, khi đang đối đầu cuộc thương chiến chiến với Hoa Kỳ, cuộc “trừng phạt” của Hoa Kỳ lên Huawei và tình hình căng thẳng ở Biển Đông.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, khi được hỏi về vấn đề Đặc khu trưởng HK Carrie Lam, chỉ đưa ra bản tuyên bố của Văn phòng Phụ trách Hồng Kông và Macao nói “nhà cầm quyền Trung Cộng luôn ủng hộ bà ta và sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ”.

Thế nhưng cũng viên chức cao cấp TC nói với Reuters rằng “cuộc biểu tình kỳ này đã hủy hoại hoàn toàn sự nghiệp chính trị của Carrie Lam trong mắt Bắc Kinh, và rằng, khó lòng bà ta sẽ được giữ vai trò này thêm nhiệm kỳ thứ hai nữa”.

Có người thì nghĩ rằng tình hình vẫn còn có thể thay đổi và nếu HK vẫn tiếp tục nổ ra những cuộc biểu tình rầm rộ hơn thì chuyện đó có thể buộc Bắc Kinh phải suy tính lại. Họ dẫn chứng chuyện quá khứ năm 2003, sau một cuộc biểu tình phản đối, dự luật thắt chặt an ninh áp dụng cho HK cuối cùng đã bị loại bỏ, Đặc khu trưởng lúc đó là Tung Chee-hwa (Đồng Kiến Hoa), được (hay bị cho) từ nhiệm giữa nhiệm kỳ thứ hai. Ông ta nêu lý do sức khỏe xin từ chức 20 tháng sau cuộc biểu tình phản đối của nửa triệu người.


Trong tình hình đó, việc nhà tranh đấu trẻ nổi tiếng nhất Hồng Kông, Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) ngay sau khi vừa ra khỏi nhà tù hôm 17/6 đã tuyên bố Carrie Lam nhất định phải từ chức.
Joshua Wong, gương mặt đại diện của phong trào Dù Vàng năm 2014, đã phát biểu trước đám đông người dân HK chào đón anh rằng
“Hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình trong vài tuần qua cho thấy tinh thần và nhân phẩm của người Hồng Kông. Điều chúng tôi khẩn thiết yêu cầu là bà Carrie Lam phải từ chức và phải bãi bỏ dự luật dẫn độ. Điều chúng tôi cố gắng làm chỉ là qua hình thức bất tuân dân sự, và hành động trực tiếp, để cho cả thế giới và cộng đồng quốc tế thấy rằng người Hồng Kông sẽ không im lặng dưới sự đàn áp của Chủ tịch Tập Cận Bình, và nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam”.
“Bà Lam phải từ chức, nếu không, tôi bảo đảm rằng, trước lễ kỷ niệm 22 năm ngày Hồng Kông được trả về Trung Quốc, không chỉ 1 hay 2 triệu người mà sẽ còn nhiều người hơn nữa sẽ cùng chúng tôi chiến đấu cho tới khi dành lại được quyền tự do và quyền làm người căn bản,” Joshua Wong nói thêm.

Trả lời phỏng vấn, Joshua Wong nói “tôi ước muốn khi người ngoại quốc nghĩ về HK thì không phải là một nơi có (tài tử) Lý Tiểu Long, Thành Long hay có các món tỉm-sắm, mà tôi hy vọng trong một ngày không xa, mọi người sẽ biết đất nước tôi là nơi mà người dân đã quyết tranh đấu cho nền dân chủ”.

Quả là khẩu khí của một nhà hoạt động trung thành với lý tưởng yêu quý tự do, dân chủ và nhân quyền. Có tin nói Joshua Wong đã (hoặc sẽ) được đề cử là 1 ứng viên cho giải Nobel Hòa bình năm nay, vì ý chí không suy suyển, lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cao quý và hành vi quả cảm bất chấp lao tù, gian khổ bền gan theo đuổi cuộc tranh đấu ôn hòa.
Nếu điều này thành sự thật, Joshua Wong sẽ là người thứ nhì – sau Lưu Hiểu Ba, người Trung quốc đầu tiên được trao giải thưởng cao quý này của nhân loại – dù ông bị Bắc Kinh cầm tù cho đến khi qua đời!


Trong khi cả thế giới hướng về cuộc biểu tình khổng lồ cả 2 triệu người dân Hồng Kông xuống đường phản đối dự luật dẫn độ, đòi quyền sống tự trị, trong tự do, dân chủ và đầy đủ phẩm giá, đòi Đặc khu trưởng Carrie Lam từ chức, thì nhà nước Trung Cộng đã vận dụng mọi phương thức và phương tiện công nghệ để chẳng những bưng bít, ngăn chặn không cho tin tức về HK đến tai người dân tại Hoa Lục mà còn cho các cơ quan truyền thông tung tin về một cuộc biểu tình khác.
Những người dân Trung Cộng đọc tờ The China Daily, thì chỉ biết rằng đã có một cuộc biểu tình ở Hồng Kông hôm Chủ Nhật 16/6 và đó là của cái gọi là “Liên minh các Phụ Huynh tại Đặc Khu” yêu cầu các chính trị gia Hoa Kỳ không can thiệp vào việc sửa đổi luật dẫn độ và các vấn đề nội bộ của đặc khu này.

Theo bài báo thì Liên minh này gồm “hơn 30 chức sắc chính trị, kinh doanh và pháp lý địa phương (HK) là những người ủng hộ luật dẫn độ” đã kéo đến biểu tình trước Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ ở Hồng Kông và Macau.
Tờ China Daily không nói rõ có bao nhiêu người tham gia biểu tình mà chỉ viết rằng “những người này cho rằng các thế lực nước ngoài đã kích động giới trẻ HK khiến họ chống lại dự luật dẫn độ”.
Tờ này còn dẫn lời của Stanley Ng Chau-pei, một chính trị gia Hồng Kông thân Trung Quốc, nói rằng “giới phụ huynh ở Hồng Kông thấy họ có bổn phận phải bảo vệ giới trẻ khỏi bị lôi vào các thủ đoạn chính trị và bạo lực dẫn đến việc vi phạm pháp luật và hủy hoại chính tương lai của họ”.
Một tờ khác, The Global Time – Hoàn cầu Thời báo còn đả kích đích danh Hoa Kỳ Mỹ, với bài viết tựa đề: “Mỹ phải suy nghĩ chín chắn trước khi chơi chiêu bài Hồng Kông.”
Tờ Global Time, vệ tinh của tờ Nhân Dân Nhật báo của nhà nước cáo buộc “Washington lợi dụng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông làm quân cờ đàm phán về vấn đề thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Những gì xảy ra ở Hồng Kông cho thấy mục tiêu căn bản của Washington là đạt mục đích ‘Nước Mỹ trên hết’ bằng cách làm xói mòn lợi ích của Trung Quốc.”

Theo Bloomberg News, tất cả những bài ủng hộ người biểu tình HK trên mạng xã hội Weibo đều bị ‘xóa sạch’ từ khi các cuộc biểu tình xảy ra từ cuối tuần trước. Trong khi người dùng WeChat bên ngoài Hoa lục vẫn có thể chia sẻ hình ảnh và bình luận về cuộc biểu tình ở HK thì người thân của họ ở bên trong Trung Cộng thì không thể thấy gì hết. Ngoài ra khi đánh cụm từ “Hồng Kông” vào công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Cộng thì không hiện lên bất cứ mẩu tin nào – dù là 1 dòng – về chuyện hàng trăm ngàn, hàng triệu người xuống đường biểu tình. Trong khi đó, trang Freeweibo.com, một trang dùng để theo dõi những từ khóa bị xóa trên trang Weibo, cho thấy từ “Hồng Kông”, “dẫn độ” và “biểu tình” là những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo suốt 10 ngày qua! Thậm chí bài hát “Do you hear the people sing” trong vở nhạc kịch “Les Miserables” (Những người khốn khổ) mà người biểu tình hay hát cũng đã bị xóa khỏi dịch vụ nghe nhạc trực tuyến QQ ở Hoa Lục!


Như vậy, liệu tương lai HK những ngày sắp tới sẽ về đâu, có thể biến chuyển theo hướng nào khi Trung Cộng bằng mọi giá phải bóp nghẹt cho bằng được ý thức và ý chí của người dân đòi quyền tự do, dân chủ – ít nhất là tới năm 2047- trong khi nhiều người trẻ – kể cả tuổi còn là học sinh Trung học – tương lai của lãnh thổ này đã khẳng định “với chúng tôi, vì tương lai của mình và các thế hệ tương lai, chỉ có một lựa chọn duy nhất: “Tự do hay là chết”? Nhiều người nêu câu hỏi “Liệu nhân loại có phải chứng kiến một Hồng Kông đẫm máu năm 2019 như Thiên An Môn ở Bắc Kinh 30 năm trước không?”

Đó là câu hỏi khó lòng trả lời dứt khoát được vì năm nay là năm 2019, năm nay thế giới đang bước dần vào kỷ nguyên của thế hệ truyền thông mạng 5G, ranh giới địa lý truyền thống không còn là hàng rào kiểm soát khả năng truền tin, truyền thông nữa và điều quan trọng nhất là ‘ý thức, tập quán của người HK về xã hội dân chủ pháp trị xây dựng trên nền móng vững chắc của thể chế dân chủ đại nghị mà người Anh đã du nhập và áp dụng ở đây cả một thế kỷ hoàn toàn khác với những gì giới trẻ Trung quốc có được năm 1989’.

Vấn đề chỉ còn nằm ở điểm, liệu Tập Cận Bình và bộ máy đảng, nhà nước Trung Cộng có ở vào thế ‘cùng đường’ chưa mà thôi!

Phạm Thạch Hồng

Related posts