Khẩu Chiến “Khẩu Trang Trung Cộng”: Gậy ông đập lưng ông

Vương Trùng Dương

Bước sang đầu thế kỷ XXI, truyền thông và chính khách trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ về sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, hàng nhái, hàng dỏm, hàng độc hại… xuất khẩu lan tràn khắp nơi.

Nói với Trung Quốc như “nước đổ đầu vịt, nước đổ lá môn” chẳng đi vào đâu, nay gọi rằng nói với Trung Quốc như “nói chuyện với đầu gối”, bởi đảng cầm quyền Trung Cộng gian manh, lì lợm, ngoan cố, bất chấp cả Liên Hiệp Quốc thì chuyện lẻ tẻ chẳng nhằm nhò gì. Ngang bướng hành xử lối ba que xỏ lá “Chó sủa mặc chó, đường ta, ta cứ đi” như thành ngữ của nước ta!

Đầu tháng 5/2020 nầy, nạn dịch Covid-19 còn đang đe dọa mạng sống con người trên hành tinh. Về nguyên nhân, nguồn gốc coronavius phát tán từ Vũ Hán, chính quyền nhiều nước đã và đang tìm hiểu điều tra Virus Vũ Hán, Chinese Virus… sẽ hạ hồi phân giải.

Hôm nay đã cầm chân tại gia sáu tuần lễ, mỗi ngày xem và đọc tin tức thấy toàn chuyện chết chóc, bi thảm… như 45 năm về trước trên mảnh đất quê hương khi miền Nam VN sụp đổ!

Trước năm 1975, T.T Nguyễn Văn Thiệu nói “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”, câu nói đó với toàn dân miền Nam VN, sau nầy người Việt tị nạn CS ở hải ngoại thường nhắc tới. Trong tai họa đại dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới mới thức tỉnh “Đừng nghe những gì Trung Cộng ve vản, mà hãy nhìn những gì Trung Cộng làm”, và đây là sự khởi đầu của Trung Cộng trong mấy tháng vừa qua trong đại dịch Covid-19.

Theo con số thống kê đại dịch vào ngày 1 tháng 5 ước tính cho biết: Toàn cầu hơn 3.340.000 người nhiễm bệnh, hơn 1.500.000 người hồi phục và gần 239.000 tử vong. Trong khi đó Trung Quốc có 83.000 ca nhiễm, hồi phục 78.860 người và tử vong 4.633. Đặc biệt ở Việt Nam chỉ có 270 bệnh nhân, hồi phụ 219 người, không có tử vong. 

Phải nói nền y tế ở VN vượt trội nền y học các nước văn minh, tân tiến trên thế giới, trở thành siêu y tế. Ngăn chận được Virus Vũ Hán khi hàng nghìn dân ở đó nhập vào VN, thuốc chữa trị nạn dịch tài tình. Tại sao chính giới và chuyên viên y tế các nước văn minh đang lâm nguy, không tìm đến học hỏi xử dụng loại thuốc nào trong thời gian qua? Hỏi vậy thôi, biết trả lời thế nào? Dù thế nào cũng cầu mong được thoát khỏi nạn dịch đang xảy ra.

Trong cơn đại dịch quái ác tàn khốc nầy, ai lợi, ai hại với trò khôn vặt… trong vài tháng qua truyền thông đại chúng đã đề cập. Hố thẳm của hậu quả sẽ ở cuối con đường.

Ngày 17/11/2019 corona vitus xuất hiện tại Vũ Hán nhưng mãi đến ngày 23/1/2020, chính quyền thành phố mới ban hành lệnh phong tỏa. Lúc này, khoảng 5 triệu trong tổng số 11 triệu dân Vũ Hán đã rời thành phố, tới khắp nơi để du lịch, thăm viếng nhân dịp Tết âm lịch. 

Ngày 11/2, Kể từ khi virus corona xuất hiện ở Vũ Hán ngày 17/11/2019 cho nhưng mãi đến ngày 23/1/2020, chính quyền thành phố mới ban hành lệnh phong tỏa. Lúc này, khoảng 5 triệu trong tổng số 11 triệu dân Vũ Hán đã rời thành phố, tới khắp nơi để du lịch, thăm thân dịp Tết âm lịch. Ngày 11/2, WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới) đặt tên Covid-19.

Khi xảy ra thiên tai hay tai nạn gây thiệt hại khủng khiếp, vì lý do nhân đạo, các nước trên thế giới thường hỗ trợ, nhất là Hoa Kỳ, đó là lý do chính đáng. Vì vậy khi nạn dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán, dù chưa biết nguyên nhân từ đâu, các nước trên thế giới đã cùng nhau cứu giúp cũng là lẽ thường tình.

Trong khi đó, Trung Cộng lại âm mưu ém nhẹm nạn dịch đã lây lan, tìm cách thu gom mua hơn 2 tỷ khẩu trang của nhiều quốc gia từ tháng 1 đến tháng 2. Đặc biệt thiết bị y tế, khẩu trang phẫu thuật và N95, tăng gần 2.200% so với năm 2019… Chỉ trong 5 tuần lễ (24/1 đến 29/2) có 2,5 tỷ thiết bị y tế bao gồm 1 tỷ khẩu trang và hơn 25 triệu bộ quần áo bảo hộ nhập vào Trung Cộng. 

Các nhà sản xuất của Mỹ đã xuất khẩu số lượng khẩu trang và thiết bị y tế trị giá hàng triệu USD sang Trung Quốc trong tháng 1 và 2, giá trị khẩu trang và thiết bị y tế Mỹ bán cho Trung Quốc tăng hơn 10 lần so với năm 2019, từ 1,4 triệu USD tăng lên 17,6 triệu USD. Tương tự, các hợp đồng bán máy thở và quần áo bảo hộ y tế cũng tăng vọt. 

GS Peter Navarro, Cố Vấn Thương Mại của T.T Trump, cho rằng các chuyến hàng bán cho Trung Quốc vào thời gian đầu đại dịch xuất phát từ mục đích nhân đạo. Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 7/2 cho biết gần 17,8 tấn thiết bị y tế quyên góp đã được chuyển tới người dân Trung Quốc, bao gồm khẩu trang, máy hô hấp và nhiều nguyên vật liệu thiết yếu khác.

(Ngày 2/4, TT Trump tuyên bố Đạo Luật Sản Xuất Quốc Phòng, theo đó Mỹ có thể ngăn công ty 3M bán khẩu trang cho khách hàng nước ngoài, yêu cầu công ty này ưu tiên cung cấp cho khách hàng Mỹ. Trung Cộng giở quẻ cấm công ty của Mỹ sản xuất khẩu trang, kit xét nghiệm ở Trung Quốc không được phép xuất khẩu sang Mỹ.

Perkin Elmer Inc, nhà sản xuất thiết bị y tế tại Massachusetts, không thể vận chuyển 1,4 triệu bộ kit xét nghiệm virus corona từ nhà máy ở Tô Châu, vì không có giấy chứng nhận theo quy định mới.

Owens & Minor Inc có trụ sở tại Virginia, có lô hàng gồm 2,4 triệu khẩu trang đáp ứng tiêu chuẩn của FDA, nhưng bị kẹt tại nhà kho ở Thượng Hải vì thiếu chứng nhận theo quy định mới của Trung Quốc.

Các linh kiện dẫn mạch trong máy thở do General Electric của Mỹ sản xuất được chế tạo tại Trung Quốc đã bị kẹt lại kho với các quy định mới. Vì vậy dây chuyền sản xuất máy thở ở Wisconsin bị kẹt vì thiếu linh kiện)…

Khi các nước trên thế giới bị Covid-19 lây lan nhanh chóng, số người nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng. Trước tình trạng đó, để ngăn chận truyền nhiễm và chữa trị, các nước cần thiết bị, vật dụng y tế và khẩu trang cho người dân và trong bệnh viện cũng là cơ hội cho Trung Cộng đầu cơ trục lợi.

Với nước Ý, bạn hàng thân thảo nhất ở Âu Châu với Trung Quốc với Một Vành Đai, Một Con Đường hay Con Dường Tơ Lụa. Ngày 19/4 trong bài viết của tôi, Thuyết Âm Mưu: Mèo Nào Cắn Mỉu Nào:

Nhất đới – một vành đai, trên đất liền bắt nguồn từ Tây An (Xi’an) băng qua các thành phố lớn gồm Almaty, Bishkek, Samarkand, Tehran, Istanbul, Moscow và Rotterdam trước khi kết thúc ở Venice, nước Ý… 

Nhất lộ – một con đường, trên mặt biển bắt nguồn từ Phúc Châu (Fuzhou), kết nối 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân phong, Phú Quốc, thành phố biển Việt Nam, sang Sihanoukville (Cao Miên), chạy xuống Kuala Lumpur (Mã Lai), Jakarta (Nam Dương), sang Colombo (Sri Lamka), ngược lại Kolkata (Bangladesh), chạy dài xuống Nairobi (Kenya, Nam Phi), theo Địa Trung Hải trở lại Djibouti ở Đông Châu Phi sang Atthens (Ai Cập) rồi kết nối với Ý, nơi hội tụ giữa đường bộ và đường thủy. 

Xem như Ý & Trung Quốc “đất liền đất, nước liền nước” giữa Á & Âu, thế nhưng! Tạp chí Spectator của Anh ngày 4/4 đăng tải nguồn tin Trung Quốc đã bán lại trang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) mà Ý từng gửi cho nước này để chống dịch Covid-19.

Sau khi Covid-19 bùng phát ở Ý thì Trung Quốc nói với thế giới rằng họ sẽ tặng PPE để giúp Ý ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Trung Quốc đã thực sự bán, chứ không tặng. Theo nguồn tin loan tải, Trung Quốc buộc Ý phải mua lại nguồn cung thiết bị bảo vệ cá nhân mà họ đã tài trợ cho Trung Quốc trong đợt bùng phát Covid-19 lúc đầu.

The Spectator cho rằng Trung Quốc lợi dụng sự hào phóng của người Ý chỉ là ví dụ mới nhất về chính sách ngoại giao tồi tệ trong đại dịch. 

Đất nước từng rêu rao “núi liền núi, sông liền sông” đang điêu đứng không thể “thoát Trung” nay “đất liền đất, nước liền nước” bị cái vố thật đau!

Bên cạnh Ý, ngày 26/3, Tây Ban Nha cho biết trước đó đã đặt mua 340.000 bộ kit xét nghiệm nhanh như vậy từ công ty Shenzhen Bioeasy Biotechnology ở Thâm Quyến. Tây Ban Nha đã phải trả lại 50.000 bộ kit xét nghiệm nhanh cho Trung Quốc sau khi phát hiện chúng không đủ chính xác.

Không chỉ tại Tây Ban Nha, truyền thông Cộng Hòa Czech cũng tường thuật các vấn đề bất cập gặp phải ở những bộ kit xét nghiệm do Trung Quốc chế tạo.

Kể từ 1/3, Trung Quốc xuất khẩu số lượng 3,86 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu bộ trang phục bảo hộ, 16.000 máy thở và 2,84 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 đến tổng cộng hơn 50 nước, giới chức nước này đang cố trấn an những khách hàng không lo lắng về chất lượng.

Doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng trong thời gian qua đạt 10,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,45 tỉ USD). Trung Quốc cũng tăng công suất sản xuất các bộ xét nghiệm Covid-19 lên 4 triệu bộ/ngày. Có vài loại khẩu trang trong bệnh viện, Trung Quốc đã tăng giá gấp 5, 6 lần… vì nhu cầu khẩn cấp của các nước!

Đây là cơ hội, chỉ mới trong hai tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tăng thêm khoảng 9 nghìn doanh nghiệp sản xuất khẩu trang mới. Nhiều doanh nghiệp quốc doanh núp bóng tư nhân và doanh nghiệp tư nhân sản xuất khẩu trang “chui” bởi đây là cách làm giàu nhanh chóng. Thế nhưng, khi các nước phát hiện sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì Trung Quốc đổ lỗi cho công ty sản xuất chưa được nhà nước chấp thuận, mua thì ráng chịu!

Tại Châu Âu, Tây Ban Nha là nạn nhân đầu tiên của những lô xét nghiệm virus corona kém chất lượng của Trung Quốc. Là nước có số nạn nhân Covid-19 cao thứ nhì tại châu Âu, tháng 3/2020, Tây Ban Nha đánh giá 340.000 bộ dụng cụ xét nghiệm mua của tập đoàn Bioeasy, trụ sở tại Thâm Quyến là vô dụng với độ chính xác là chưa đầy 30 %. Tây Ban Nha cho hay 60 ngàn bộ xét nghiệm đã không xác định được kết quả là bệnh nhân từng có virus hay là không. 

Hà Lan đặt mua 1,3 triệu khẩu trang từ Trung Quốc, ngày 31/3, Hà Lan thu hồi 600 ngàn khẩu trang y tế từ Trung Quốc chuyển đến hôm 21/3, giới chức Hà Lan nói các khẩu trang này không vừa, và màng lọc không hoạt động đúng cách, có dấu tiêu chuẩn thiếu chất lượng.

Thông Cáo của chính phủ Hà Lan nói “Phần còn lại của chuyến hàng ngay lập tức bị ngưng và chưa được phân phối”…”. Hiện chính phủ đã quyết định không dùng bất cứ đồ gì trên phần còn lại của chuyến hàng này”

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố họ đã phát hiện một số bộ thử đặt của các hãng Trung Quốc không đủ độ chính xác, mặc dù khoảng 350.000 bộ thử hoạt động tốt.

Ngày 2/4, Anh gây chấn động bởi thông tin các bộ kit xét nghiệm Covid-19 nhập từ Luxembourg của một công ty Trung Quốc đều bị tẩm virus corona, nghĩa là nếu đưa vào sử dụng test đại trà thì toàn bộ 100% dân Anh đều bị nhiễm dịch.

Ngày 17/4, Anh Quốc đã trả giá đắt khi mua bán với Trung Quốc. Chính quyền của Thủ Tướng Johnson đã chi ra 20 triệu đô la để mua vào 2 triệu bộ xét nghiệm của Trung Quốc. Khi hàng đến tay, các phòng thí nghiệm uy tín của vương quốc Anh nhận thấy rằng, toàn bộ 2 triệu lô xét nghiệm đó không đáp ứng các chuẩn mực y tế như trong hợp đồng. Giáo sư Peter Openshaw, đại học Imperial College of London nhận định là do chịu áp lực chính trị quá lớn, chính phủ Anh đã quá hấp tấp. Theo nguồn tin, chính phủ Anh đang đòi Trung Quốc hoàn lại số tiền nói trên.

24/4, Canada cho biết khẩu trang KN95 của Trung Quốc không đạt chuẩn, Canada bỏ 1 triệu chiếc. Dù đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang cho nhân viên y tế tuyến đầu, Canada chấp nhận loại bỏ 1 triệu khẩu trang KN95 “Made in China” bởi chất lượng kém hơn yêu cầu đã mua từ Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là nhà cung cấp đồ bảo hộ y tế lớn nhất cho Canada, chiếm tới 70%, tờ Politico tiết lộ việc chất vấn Bộ Trưởng Y Tế Patty Hajdu về hậu quả sản phẩm thiếu chất lương cũng như sự chậm chạp hàng nhập khẩu. Thủ Tướng Canada sau đó đổ lỗi cho phía Trung Quốc, viện dẫn lý do vận chuyển hàng hóa trên mặt đất gặp trục trặc và các quy định khắt khe về thời gian máy bay được chờ tại sân bay Trung Quốc khiến máy bay phải bay rỗng trở về.

Đầu tháng 4/2020, Ấn Độ đã đặt hàng hơn 500.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 từ Trung Quốc, nhằm tăng cường sàng lọc trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Ngày 27/4, Ấn Độ hủy đơn đặt hàng bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Trung Quốc. Các bộ kit xét nghiệm coronavirus được sản xuất bởi hai công ty Trung Quốc là công ty công nghệ sinh học Wondfo Quảng Châu và công ty công nghệ chẩn đoán Livzon Chu Hải được đánh giá là “kém hiệu quả”.

Giới chức Ấn Độ kết luận các bộ kit xét nghiệm của hai công ty đó cho kết quả không đồng nhất, đề nghị trả chúng cho nhà sản xuất và hủy đơn hàng.

Hội Đồng Nghiên Cứu Y Khoa Ấn Độ (ICMR) thông báo: “Hội đồng đã đánh giá các bộ xét nghiệm có sự khác biệt rất lớn về độ nhạy của các kit xét nghiệm, dù ban đầu được kỳ vọng là mang lại hiệu quả cao trong giám sát dịch bệnh. Trên góc độ đó, các bang được khuyến cáo ngừng sử dụng kit xét nghiệm được mua từ hai công ty trên và thu hồi để gửi trả cho nhà cung cấp”.

Ngoài ra, trước đó trang Economic Times dẫn nguồn tin cho hay khoảng 50.000 trong tổng số 170.000 bộ đồ bảo hộ y tế xuất xứ Trung Quốc cũng không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Ấn Độ…

Trên đây chỉ đơn cử tổng quát trò ma mãnh của Trung Cộng, nào là nhận cứu trợ rối bán lại, sản phẩm của Trung Quốc dỏm, thiếu chất lượng bán cho các nước trong tình cảnh khó khăn bởi nạn dịch từ Trung Quốc.

Vấn đề nầy đang còn tiếp diễn, các nhà nghiên cứu, bình luận thời cuộc sẽ nêu ra từng trường hợp rõ ràng, chính xác, cụ thể hơn

*

Năm 2013, khi Tập Cận Bình nắm giữ hai chức vụ cao nhất trong đảng và chính quyền, với tham vọng lớn lao khi vạch ra cái bẫy “Nhất Đới Nhất Lộ”, nhằm thôn tính, quy về một mối từ kinh tế lẫn chính trị. Trung Quốc bỏ ra hàng nghìn tỷ Mỹ kim để ve vản, hối lộ quan chức thẩm quyền của các nước đồng lõa ký kết những dự án xây dựng. Bị sa vào bẫy nợ bao nhiêu, bị lệ thuộc vào Trung Cộng bấy nhiêu, từ thuê mướn trở thành đặc khu (lãnh địa của Trung Quốc) với 99 năm. Trong quá khứ đã có vài nước thấy nguy cơ đã hủy hợp đồng nhưng các nước nhược tiểu, kém mở mang ở trong tình trạng “thấp cổ bé miệng” trước con bạch tuộc khổng lồ, tiến thối lưỡng nan! Nếu các nước ở Âu Châu “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ” thì các nước nhỏ bé có lên tiếng cũng như không! Nay Trung Quốc “gieo gió, gặt bão” hay nói nôm na trong cõi ta bà nầy khi tác phẩm Kim Dung xuất hiện gọi là “gậy ông đập lưng ông”.

Trong sáu tuần qua bị cầm chân ở nhà, xem và đọc toàn tin buồn về đại dịch Virus Trung Quốc làm thế giới thất điên bát đảo, xất bất xang bang cũng nản, báo cũng ngưng phát hành, bị nhờ vả làm bác tài đón lũ nhóc nội ngoại khi “em tan trường về” tạm nghỉ ngơi, để giải sầu cho vơi đi thời gian nên viết lách. Trong tháng Tư đen đã “rặn” được 8 bài, theo lời cụ Tố Như tiên sinh thì “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Gọi điện thoại tán gẫu với bạn bè, cuối cùng “biết rồi, khổ lắm… viết đi”.

Trước đây đã đề cập môn võ quái ác tàn độc trong bộ truyện Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung khi hạ thủ cấy “sinh tử phù” vào thân thể thì đau đớn vô cùng, ngứa ngáy đến không thể chịu nổi, lăn lộn quay cuồng. Nếu không dùng võ công hóa giải của Thiên Sơn Đồng Lão thì không ai hóa giải được nên đành chịu khuất phục, tuân thủ mệnh lệnh giao phó đã viết trong bài viết Chết Dưới Tay Trung Quốc. Kẻ ác trong truyện cuối cùng cũng chết nơi xó xỉnh, còn kẻ ác thống trị đang múa may quay cuồng “Tập tầm vông tay không, tay có. Tập tầm vó tay có, tay không”… cũng đến ngày bị “gậy ông đập lưng ông”.

Chương 33 trong Thiên Long Bát Bộ (Lục Mạch Thần Kiếm), Kim Dung mô tả chiêu thức “gậy ông đập lưng ông” trong Đẩu Chuyển Tinh Di cũng giống như Càn Khôn Đại Na Di vì cùng là võ công mượn lực trả lực, nhưng Đẩu Chuyễn Tinh Di không cần nội lực thâm hậu và tài ứng biến, nhanh trí để đối phó. Truyện mô tả:

“Cô Tô Mộ Dung có phép cầm nã tuyệt diệu gọi là Đầu Chuyển Tinh Di, cũng là mon tuyệt kỹ mượn sức người để đánh người. Người ngoài không biết rõ, cứ tưởng nhà Mộ Dung hiểu biết sâu xa tuyệt kỹ của các môn phải khắp thiên hạ, không sót một môn nào, do đó mới có chủ trương “Gậy ông đập lưng ông”, muốn hạ sát ai thì dùng chính môn tuyệt kỹ thành danh của người đó. Thực ra trong võ lâm có tới hàng ngàn hàng vạn môn tuyệt kỹ, cho dù nhà Mộ Dung có thông minh đến đâu cũng không học hết được, mà đã gọi là tuyệt kỹ thì cũng không phải luyện trong một sớm một chiều mà thành. Đúng ra nhà Mộ Dung chỉ có thuật Đầu Chuyển Tinh Di là xảo diệu, chuyển phương hướng chiêu thức của đối phương phản kích vào chính người đã ra chiêu.

Người quen dùng Tỏa Hầu Thương, thì nhân vật nhà Mộ Dung sẽ dùng thuật Đầu Chuyển Tinh Di kéo mũi thương quay trở lại tự đâm vào cổ. Người nào giỏi về Đoạn Tí Đạo thì đi đến kết quả tự chém đứt cánh tay mình. Chưa ai tận mắt trông thấy nhà Mộ Dung thi triển môn Đầu Chuyển Tinh Di, chỉ thấy cũng binh khí ấy, cũng chiêu thức ấy, nên không đoán được là chính người đó mất mạng về chiêu thức của mình, thực ra là tự sát. Người nào võ công càng cao thâm, thì cái chết lại càng ly kỳ. Trước nay nhà Mộ Dung ở Cô Tô nếu không lấy một chọi một, hay không chắc thắng đối phương cả trăm phần trăm thì không bao giờ dùng đến thuật Đấu Chuyến Tinh Di, nên tiếng tăm vang lừng khắp giang hồ mà không ai hiểu được đạo lý bên trong.

Dùng thuật Đầu Chuyển Tinh Di để di chuyển phương hướng những vật hữu hình như khí giới quyền cước thì còn dễ, chứ di chuyển những thứ vô hình như nội lực, khí công thì khó vô cùng. Mộ Dung Phục luyện thuật này chưa đạt đến mức tinh vi…” nên chưa triển khai hết tuyệt chiêu của môn võ cái thế.

Trận chiến kịch liệt của Mộ Dung Phục với lão già ác quái Đinh Xuân Thu, chưởng môn tà phái Tinh Tú, kẻ giết thầy phản bạn, dùng độc vật lám hại các cao thủ võ lâm. Dùng công phu tà môn có thể tiêu hủy công lực cả đời của kẻ địch khi chạm tay.

Đinh Xuân Thu thu nhận bọn đệ tử gian tà, ác độc nên đi tới đâu có đám đệ tử nịnh nọt tiền hô hậu ủng, phất cờ gióng trống ca tụng Tinh Tú Lão Tiên nào là “võ công chí tôn, uy trấn thiên hạ” đâu đó như “đội quân dư luận viên” trấn áp thiên hạ. 

Đinh Xuân Thu tác oai tác quái với hai võ công tà độc Tam Tiếu Tiêu Dao Tán và Hóa Công Đại Pháp làm võ lâm khiếp vía. Mộ Dung Phục gặp phải đối thủ lợi hại nhất nên nhanh trí xử dụng võ công gia truyền để tránh né, khi lão quái nắm tay Mộ Dung Phục thì chàng quay sang chụp lấy đệ tử của lão, đẩy đệ tử nầy vào đệ tử khác để truyền chất độc, lần lượt tiêu mạng.

Đinh Xuân Thu bất chấp sinh mạng của bọn đệ tử hầu hạ, nịnh nọt nên luôn ra tay tấn công triệt hạ cho được đối thủ… Nhưng lúc đó có nhiều tay cao thủ xuất hiện đối đầu với lão quái nên đành bỏ đi.

Trận chiến nầy về sau gắn liền với tên tuổi Mộ Dung Phục tương kế tựu kế “gậy ông đập lưng ông”.

Trở lại Tập Cân Bình với “Nhất Đới Nhất Lộ” qua bao năm ve vản, hứa hẹn nhằm thu về một mối trong tay. Những gì mà Tập chủ trương, vẽ vời, tuyên truyền còn bán tín bán nghi tùy theo mỗi nước nay đã đến thời điểm phơi bày.

Đại dịch từ Vũ Hán đã gây tác hại kinh khủng cho các nước trên thế giới, kiệt quệ về kinh tế, thiệt hại về nhân mạng quá bi thảm. Nhưng khi nhân loại thoát khỏi cơn đại hồng thủy nầy, lãnh đạo và người dân của các nước thấy rõ bản chất điêu ngoa tráo trở của Tập Cận Bình & Đảng CS Trung Quốc.

Nhận chân từ thực tế đã xảy ra, nhận thức được manh tâm của Tập nên tránh hậu quả tai hại tiếp diễn, chỉ có con đường cùng nhau đối phó. Nhìn lại đất nước chỉ cầu mong có cơ hội “thoát Trung”

Little Saigon, May 01/2020

Vương Trùng Dương

Related posts