Hy vọng nào cho tử tù Hồ Duy Hải?

Hiểu Minh

Luật Sư Trần Hồng Phong và người nhà Hồ Duy Hải, từ trái, em gái Hồ Thị Thu Thủy, mẹ Nguyễn Thị Loan, và dì ruột Nguyễn Thị Rưỡi sau phiên tòa “giám đốc thẩm” ngày 8/5 (ảnh: Người Việt).

Việc Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải hôm 8/5. Nếu quyết định này vi phạm pháp luật nghiêm trọng có thể bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao có hiệu lực ngay ngày 8/5 – tức bản án tử hình Hồ Duy Hải (35 tuổi, ngụ Long An) có hiệu lực ngay. Theo tố tụng, đây là phán quyết cuối cùng nhưng không có nghĩa là vụ án kết thúc, nếu gia đình bị án tiếp tục kêu oan.

2 cửa giải oan, 1 cửa ân xá!

1, Trở lại số phận Hồ Duy Hải, theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, có hai cơ quan của Quốc Hội có khả năng can thiệp vào quyết định “giám đốc thẩm” của TANDTC là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội.

Việc can thiệp chỉ xảy ra “khi có căn cứ xác định quyết định của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội Đồng Thẩm Phán không biết được khi ra quyết định đó” (Điều 404).

Nếu Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội yêu cầu thì Hội Đồng Thẩm Phán phải tiến hành thẩm định hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật và trong thời hạn bốn tháng phải mở phiên họp xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm.”

Nếu Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội kiến nghị thì Hội Đồng Thẩm Phán mở phiên họp xem xét kiến nghị đó trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội Đồng Thẩm Phán biểu quyết đồng ý với kiến nghị thì mở phiên họp xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày biểu quyết.

Đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.

2, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị, chánh án TANDTC đề nghị Hội Đồng Thẩm Phán xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm.”

Hội Đồng Thẩm Phán sau đó phải mở phiên họp xem xét kiến nghị/đề nghị này trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội Đồng Thẩm Phán biểu quyết đồng ý xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” thì phiên họp xem xét lại đó sẽ phải diễn ra trong bốn tháng sau đó.

Cũng tương tự như phương án 1, đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Phương án này, nếu có thực hiện được, nhiều khả năng cũng phải chờ tới ít nhất là giữa năm 2021 khi Quốc Hội khóa mới nhóm họp và bầu các vị trí viện trưởng và chánh án mới.

3, Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình. Theo Điều 367 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự: “Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội Đồng Giám Đốc Thẩm, Hội Đồng Tái Thẩm TANDTC quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TANDTC phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.”

Chủ tịch nước sau đó sẽ giải quyết đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải và ra quyết định. Nếu được ân giảm, Hải sẽ phải chịu hình phạt chung thân, theo Người Việt.

Cùng quan điểm trên, luật sư Huỳnh Thanh Thi (Đoàn luật sư TP. HCM) hy vọng vụ án này sẽ là trường hợp đặc biệt được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và kiến nghị giải quyết để làm sáng tỏ những khúc mắc”.

Đánh giá việc HĐTP TAND Tối cao bác kháng nghị của VKSND cùng cấp, luật sư Huỳnh Thanh Thi cho biết, ông cùng nhiều đồng nghiệp khá bất ngờ và không hài lòng với phán quyết này. Bởi, quá trình giải quyết vụ án có quá nhiều sai phạm và chứng cứ chưa được làm rõ. “Trong vụ án hình sự, yếu tố quan trọng nhất là vật chứng và dấu vân tay. Nhưng hai cơ sở này đều chưa được chứng minh một cách thuyết phục thì không thể kết án tử hình. Đây là một trọng án, nếu HĐTP huỷ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại sẽ hợp tình và hợp lý hơn”, luật sư Thi nói trên VnExpress.

Tương tự, luật sư Tùng cho rằng, việc giữ nguyên bản án sơ thẩm, phúc thẩm tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình với hàng loạt những sai phạm đã gián tiếp thừa nhận sai phạm, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, đặc biệt là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Quyết định của HĐTP thừa nhận có sai phạm nhưng lại cho rằng không ảnh hưởng đến sự thật vụ án, chẳng khác gì tạo ra tư duy mới cho các cơ quan tố tụng về việc có thể vi phạm các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đây là tiền lệ xấu trong tố tụng nói chung và tố tụng hình sư nói riêng”, ông Tùng nói.

Mọi chứng cứ có lợi cho Hải đều bị bác bỏ

Luật Sư Hồng Phong nói tất cả những chứng cứ dữ liệu mới trình ra đều được đại diện VKSNDTC quan tâm, chấp nhận, xem là có giá trị, nhưng đều bị Hội Đồng Thẩm Phán bác bỏ. Văn bản của nhân chứng Vũ Đình Thường xác nhận chỉ thấy một thanh niên không biết là ai, không được tòa sơ thẩm mời tham dự phiên tòa cho thấy rằng cáo trạng sơ thẩm viết ông Thường nhìn thấy Hải ngồi trong Bưu Điện Cầu voi là sai trái, bất lợi cho Hải. Sai tiếp theo là tòa không mời nhân chứng. Dẫn sai lời nhân chứng, không mời nhân chứng dự tòa. Chỉ riêng hai yếu tố ấy đã đủ làm lệch lạc mơ hồ về chứng cớ Hải có mặt tại hiện trường vụ án.

Ảnh chụp màn hình báo Người lao động.

Tòa chỉ chăm chăm vào các lời khai nhận tội của Hải có chữ ký của ông Võ Thành Quyết, luật sư do công an chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải ngay từ giai đoan điều tra, xem đó là chứng cứ khách quan và bằng chứng cho thấy Hải không bị bức cung.

Khi tham dự phiên tòa lần thứ hai, Luât Sư Phong đã trình chứng cứ mới về sự thiếu khách quan, gây bất lợi cho Hồ Duy Hải. Đó là đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì Hồ Duy Hải. Theo đơn thì khi ra tòa sơ thẩm, Hồ Duy Hải kêu oan, ông Quyết bào chữa theo hướng xin giảm án. Khi gia đình nhờ kháng cáo kêu oan thì ông Quyết không làm, ép ngược gia đình phải làm đơn xin giảm án. VKSNDTC chấp nhận tài liệu này nhưng Hội Đồng Thẩm Phán lại bác bỏ. Nếu nghiêm túc thẩm định tài liệu này biết đâu được sẽ cho ra kết quả những lời khai nhận tội của Hải không phải là bằng chứng nhận tội mà là bằng chứng dụ cung, ép cung. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án.

Dễ dàng đạt được một bản án tử hình, nhưng họ sẽ không bao giờ đong đếm đủ sự mất mát của xã hội và của ngành tư pháp là mất trọn nhân tâm

Về phán quyết của hội đồng thẩm phán. Ngày 9/5 luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP. HCM cho hay, “Tôi cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao hôm qua ngày 8/5 là hoàn toàn bất xứng và bất công.”

“Hồ sơ vụ án với những chứng cứ kết tội hết sức phi lý, đầy rẫy khuất tất mà vẫn được hội đồng này sử dụng để kết tội, thậm chí, tuyên hình phạt đến mức cao nhất là tử hình.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với ngành tư pháp Việt Nam, tôi chỉ có thể nói rằng; Quyết định của hội đồng thẩm phán đã không thuyết phục được công chúng về sự chính đáng và hợp pháp.

Có vẻ như họ đã dễ dàng đạt được một bản án tử hình, nhưng họ sẽ không bao giờ đong đếm đủ sự mất mát của xã hội và của ngành tư pháp là mất trọn nhân tâm.

Khi bác kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao và y án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải. Hội đồng này kết luận cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai. Tội giết người bị xử tử hình và tội cướp tài sản bị tuyên 5 năm tù là đúng pháp luật.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Ảnh chụp màn hình báo Người lao động.

Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hồ Duy Hải được Đài Á Châu Tự Do tối 8/5 dẫn lời bày tỏ thất vọng khi nói rằng:

Gia đình rất bức xúc, không còn tin rằng ở Việt Nam còn công bằng, công lý, nhân quyền gì hết. Con người ta oan mà cái gì cũng không quan trọng. Vụ án giết người dấu vân tay không trùng lắp cũng không quan trọng, không thấy Hồ Duy Hải cũng không quan trọng vậy cái gì đối với mấy ông mới quan trọng? Mấy người điều tra viên làm sai cũng cho là không quan trọng, sai nghiêm trọng luật tố tụng hình sự họ cũng cho là không quan trọng thì cái gì mới quan trọng?”.

Liên quan việc HĐTP TAND Tối cao cho rằng “khi quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với bị cáo, đang có hiệu lực thì Viện trưởng VKSND Tối cao không có quyền kháng nghị”, ông Võ Văn Tài – giảng viên Trường bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát TP. HCM (nguyên Viện phó VKSND TP. Tây Ninh) không đồng tình, nói: “Điều này là chưa có tiền lệ và luật cũng không quy định rõ”.

“Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của bị cáo chỉ là một hoạt động mang tính nhân đạo. Quyết định của Chủ tịch nước không phải là sự đảm bảo rằng Tòa án đã xét xử có đúng đắn hay không”, ông Tài nêu quan điểm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, cho biết, sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm thì ông và gia đình bị án sẽ tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Viện trưởng Viện KSND tối cao, đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.

Related posts