HOA MỚI, BÌNH CŨ

Thu Tuyết

“Cám ơn chị đã cho chúng tôi một cuộc đời mới”: Lời thì thầm từ những bông hoa trong chiếc bình pha lê xanh nhạt làm tôi thật sự hạnh phúc. Trong không gian vừa đủ, một bình hoa đơn giản với ba sắc màu: xanh của lá, tím nhạt của hoa và trắng xanh của chiếc bình cũng đã làm cho căn phòng trở nên tươi mát, thoảng mùi thiên nhiên. 

Vào một buổi chiều, người bạn trẻ từ xa đến tặng tôi một bó hoa cúc tím, tím hoa cà. Đơn giản nhưng tấm chân tình của em đã làm tôi xúc động. Vài ngày sau, hoa và lá úa tàn, rũ xuống và héo dần. Tôi bẻ đôi, chuẩn vị cho vào bao để bỏ thùng rác. Bất chợt một giọng nói yếu ớt thốt lên: “Xin đừng, mặc dầu đã cũ, nhưng chúng tôi vẫn còn giá trị nếu chị cho chúng tôi một cái nhìn mới”.

Câu nói ấy làm tôi giật mình. Quãng đời của quá khứ hiện về: những người đàn bà tội nghiệp, sau khi đã đem hết tinh hoa của độ tuổi sung mãn nhất cuộc đời để vun vén, xây đắp một gia đình đạt những yếu tố cần và đủ, thậm chí còn dư thừa; nhưng như những bông hoa kia, họ bị ném vào thùng rác chỉ một lý do ĐÃ CŨ!!!

Tôi bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu thế giới của đàn ông trong môi trường đầy bóng tối của một xã hội mà đạo lý gần như bị đảo lộn. Khi vật chất dư thừa, điệu kiện hưởng thụ dư thừa, lòng người cũng dư thừa thay đổi.

Tôi ngưỡng mộ tình yêu quá đặc biệt của bà Brigitte Marie – Claude Macron và ông Emmanuel Macron (đương kim tổng thống Pháp), họ đã cùng nhau làm nên những kỳ tích cho dẫu người phụ nữ ấy đã đầy vết chân chim không chỉ trên khoé mắt mà cả hình hài cơ thể.

Tôi khâm phục Edward VIII (một vị vua của nước Anh – 1936) đã từ bỏ ngai vàng để sống với Wallis, người đàn bà ông yêu đã hai lần ly hôn; không phải một cô gái chân dài hay một tài tử mới nổi; mặc cho sự phản đối dữ dội của Giáo hội Anh, gia đình và công chúng lúc bấy giờ. Họ đã sống hạnh phúc với nhau cho đến cuối đời. Và còn biết bao tình yêu không phải trong tiểu thuyết mà giữa đời thường cao quí như thế! Đấy mới thật sự là tình yêu.

Tất cả họ đâu cần sự ràng buộc của một lễ giáo ngàn đời để gắn bó, để xem người phụ nữ như một công cụ cho việc duy trì nòi giống và hơn thế nữa là một người giúp việc không lương; nhưng họ biết trân quí nâng niu người đồng hành đi bên cuộc đời họ.

Tôi đã từng xót xa khi chứng kiến những vật vã chịu đựng của những người phụ nữ trong căn nhà lạnh lẽo với đêm trắng. “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Cái “LỀ” ấy đã nhốt người phụ nữ vào ngục tối của tâm hồn, vào sâu thẳm của cô đơn và vào héo hắt của hình hài vốn dĩ đã tàn tạ với những hy sinh vô bờ một cách tự nguyện.

Tôi cũng đã chứng kiến không ít người chồng sau khi vượt qua giai đoạn khó khổ của buổi ban đầu, họ sẵn sàng bỏ lại phía sau những ân tình sâu nặng của người phụ nữ đã một thời cùng nhau khốn khó! 

Tình yêu thật sự là một cảm xúc tự nhiên. Nó đến từ tâm hồn, từ trái tim, và mãnh liệt đủ để vượt qua mọi rào cản chỉ để được đến với nhau, được sống một cuộc đời bình dị. Nhưng loại tình được định giá bằng vật chất để sẵn sàng phá bỏ một nền tảng đạo lý căn bản thì đó là tình yêu hay chỉ là sự cuồng nhiệt của lòng ham muốn vật chất?

Một đàn hải âu sà xuống giòng sông trước nhà đã kéo tôi về thực tại. Tôi bước ra mảnh vườn nhỏ phía sau lấy vài cành lá, đem vào cắt tỉa để làm điểm nhấn và thêm sắc màu cho những bông hoa cúc tím. Tôi cắt bỏ phần hư của hoa rồi thả chúng vào bình nước trong vắt. Những bông hoa cúc được hồi sinh. Chúng dần tươi lại trong tiếng reo vui của nước. Cuối cùng là một tác phẩm mới tôi yêu, phong phú về hình thức và nội dung vô cùng nhân bản. 

Vậy sao chúng ta, những người phụ nữ, không tự làm mới mình để không là người đàn bà đã cũ! 

Melbourne, tháng 3/2020

Related posts