Hiến tặng tinh trùng và trách nhiệm làm cha

Trong xã hội hiện đại, hình thức gia đình truyền thống gồm một người cha phái nam và một người mẹ phái nữ đã dần dần được thay thế bởi các mối quan hệ đồng tính, hoặc cha mẹ đơn thân. Nhưng bất kể hình thức quan hệ nào, thì mong muốn có được những đứa con luôn luôn là nguyện vọng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, trên khoa học một đứa trẻ chỉ được sinh ra do sự kết hợp của một người nam và một người nữ, vì vậy các mối quan hệ không theo hình thức truyền thống sẽ cần sự can thiệp của y khoa để tạo ra những đứa trẻ. Đồng thời việc kết hôn muộn, hoặc quyết định có con muộn do nhu cầu công việc cũng trở nên phổ biến hơn. Vấn đề tuổi tác cũng làm cho khả năng thụ thai của người nữ giảm đáng kể và những gia đình này cũng sẽ cần đến sự can thiệp của các bệnh viện. 

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại, nhiều ngân hàng tinh trùng đã xuất hiện. Những nơi này kiểm tra sức khoẻ và thu nhận tinh trùng hiến tặng. Thông tin người hiến tặng sẽ được giữ bí mật, người nhận sẽ không có được sự lựa chọn về màu da, sắc tộc, hình dáng, học thức, công việc, gia sản, hay bất kỳ thông tin nào của người tặng. Một trong những lý do lý lịch cá nhân của người tặng được giữ kín là để tránh tình trạng ràng buộc trách nhiệm pháp lý trong việc nuôi con sau này. 

Tuy nhiên hầu hết các cha mẹ tương lai, luôn mong muốn có được sự lựa chọn mang tính di truyền tốt nhất cho đứa con của mình. Đa số các trường hợp thụ tinh nhân tạo được chọn lọc, và việc hiến tặng thường đến từ người thân hoặc bạn bè thân thiết. Việc tiếp tục qua lại và chăm sóc con giữa cha mẹ pháp lý và người hiến tặng (cha/mẹ sinh lý) cũng sẽ gây nhiều phiền toái, nhất là khi tình thương đứa trẻ phát triển sâu đậm hoặc mối quan hệ giữa những người cha mẹ trở nên xấu đi. 

Câu hỏi được đặt ra là người hiến tặng tinh trùng cho việc thụ tinh nhân tạo có được xem là cha hợp pháp của đứa trẻ hay không, và họ có quyền quyết định tương lai của đứa bé hay không. Câu trả lời nằm trong phán xét của Tòa Án Tối Cao (High Court) vào ngày 19 Tháng 6, 2019 trong cuộc kiện tụng giữa Ông Masson và Bà Parsons về quyền chăm sóc con của họ.

Chúng ta chấp nhận người phụ nữ sinh ra đứa bé là mẹ trên luật pháp của đứa bé. Nhưng tư cách pháp lý của nguời cha, nhất là nguời hiến tặng tinh trùng luôn gây nhiều tranh luận. Tòa Án Tối Cao đã được yêu cầu xem xét một vài vấn đề mâu thuẫn giữa luật pháp liên bang và tiểu bang để quyết định xem quyền làm cha mẹ nên được áp dụng như thế nào trong truờng hợp hiến tặng tinh trùng. 

Luật pháp của tiểu bang giả định rằng người cha sinh học tức cha ruột của một đứa trẻ, thông qua thủ tục thụ thai nhân tạo không được xem là cha trên luật pháp, do đó không có quyền quyết định tương lai  hoặc nuôi dưỡng đứa bé. Trong khi đó, luật liên bang lại nói rằng khi một người được công nhận là chồng của nguời mẹ (có thể là đồng giới hoặc de facto) đương nhiên là cha của đứa trẻ được thụ tinh nhân tạo, nhưng lại không nói đến tư cách pháp lý của người hiến tặng tinh trùng.

Trong trường hợp ông Masson, ông đã tặng tinh dịch của mình cho bà Parsons, cũng là người bạn thân lâu năm, để thụ tinh nhân tạo vào năm 2006. Ông Masson muốn được làm cha của đứa trẻ sau khi sinh, và với sự chấp thuận của bà Parsons, ông đã đăng ký vào giấy khai sinh của đứa trẻ với tư cách là người cha. Đứa bé sống toàn thời với bà Parsons nhưng vẫn được ông Masson tiếp tục hỗ trợ chăm sóc con trong những năm sau đó.

Vài năm sau, bà Parsons bắt đầu mối quan hệ đồng giới với một nguời nữ khác, và họ có thêm một đứa con khác cũng thông qua việc thụ tinh nhân tạo với một người hiến tặng tinh trùng khác. Vào năm 2015, mối quan hệ giữa ông Masson và bà Parsons xấu đi, bà Parsons và người bạn đời của mình tìm cách chuyển từ Úc sang New Zealand cùng với đứa trẻ, nhưng ông Masson không đồng ý và nộp đơn giành quyền nuôi dưỡng với tư cách là nguời cha trên luật pháp và giấy khai sinh.

Tại toà sơ thẩm, thẩm phán đã quyết định bà Parsons và người bạn đời của mình không có mối quan hệ vợ chồng tại thời điểm thụ thai nhân tạo, do đó ông Masson với tư cách là cha ruột và cũng là cha trên giấy khai sinh sẽ là cha hợp pháp duy nhất của đứa trẻ. Thẩm phán đã đồng ý cho ông Masson thêm thời gian với đứa bé, và ngăn cản bà Parsons cùng đứa trẻ chuyển đến đến New Zealand. Thêm vào đó, Bà Parsons buộc phải tham khảo ý kiến của ông Masson (với tư cách là nguời cha hợp pháp) trước khi đưa ra tất cả các quyết định lâu dài về đứa bé.

Bà Parsons đã kháng cáo quyết định của Thẩm phán sơ thẩm. Trong phiên toà kháng cáo, Tòa Án Gia Đình (Full Court of the Family Court) đã đi ngược lại quyết định của toà sơ thẩm, và áp dụng phần 14 (2) & 14 (4) của Đạo luật tiểu bang về Tình trạng Trẻ em 1996 (Status of Children Act 1996) (NSW) (State Act). Toà quyết định ông Masson đã không kết hôn cũng không có mối quan hệ thực tế (de facto) với bà Parsons, do đó việc hiến tặng tinh trùng đã không làm ông trở thành cha của đứa trẻ.

Sau đó, ông Masson đã kháng cáo lên Toà Án Tối Cao (High Court), Tổng Trưởng  Liên bang và Tổng Trưởng Victoria (Attorney-General of the Commonwealth and the Attorney-General of Victoria) đã phải can thiệp vào quá trình tố tụng. Tòa Án Tối Cao cho rằng phần 14 (2) và 14 (4) của Đạo luật không được áp dụng. Tòa Án Tối Cao phán quyết ông Masson là cha của đứa trẻ, như thẩm phán sơ thẩm đã kết luận, và khôi phục các quyết định do thẩm phán sơ thẩm đưa ra.

Tòa án tối cao cho rằng định nghĩa “cha mẹ” trong luật pháp liên bang nên được hiểu theo ý nghĩa thông thường trong xã hội đương đại. Trong trường hợp này, người cha là cha ruột, có tên trong giấy khai sinh, có hỗ trợ nuôi con và có liên lạc với đứa trẻ. Do đó, trên thực tế, ông Masson thuộc vào định nghĩa “cha mẹ” thực tế và do đó được công nhận trên luật pháp.

Trường hợp một người hiến tinh trùng (có quen biết với người mẹ) nhưng không bao giờ có ý định đảm nhận vai trò làm cha và không liên quan đến cuộc sống của trẻ, sẽ vẫn không được coi là cha. Khả năng một người hiến tặng ẩn danh đuợc xem là cha trên luật pháp sẽ còn thấp hơn nhiều. 

Tuy nhiên, nếu một nguời hiến tặng tinh trùng, bất kể có quen biết với người mẹ hay không, nhưng vẫn tiếp tục liên lạc với đứa trẻ, vẫn quan tâm đến việc chăm sóc, phúc lợi và sự phát triển của trẻ thì họ sẽ là nguời cha hợp pháp của trẻ.

Do quyết định này của Toà Án Tối Cao, những người khi thụ thai bằng cách sử dụng tinh trùng hiến tặng nên chấp nhận sự hiến tặng của một nguời ẩn danh. Trên quan điểm pháp lý, chắc chắn có rất ít rủi ro giành quyền nuôi con từ người hiến tặng ẩn danh khi người mẹ tuyệt đối không có liên hệ với nguời này trong quá trình nuôi dưỡng trẻ.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy an tâm hơn khi chọn nguời hiến tặng mà họ quen biết, và thông thường vẫn tiếp tục liên lạc và giữ mối quan hệ với người hiến tặng. Đây là một nguy cơ, vì các mối quan hệ có thể thay đổi theo thời gian, và nguời này có thể giành quyền nuôi dưỡng con trong tương lai.

Khi bạn muốn sử dụng tinh trùng của một người hiến tặng có quen biết thì điều bắt buộc là tất cả các bên liên quan phải thảo luận đầy đủ và kỹ lưỡng về ý định của người này trong vai trò người hiến tặng, và điều gì sẽ xảy ra nếu tình hình cuộc sống thay đổi. Nếu có bất kỳ sự bất đồng nào thì không nên tiếp tục. 

Một khi các bên liên quan đã đồng ý, điều quan trọng là phải ghi những thỏa thuận này vào giấy. Mặc dù bản thỏa thuận này không phải là một hợp đồng mà Tòa án có thể thi hành, nhưng đó sẽ là một bằng chứng quan trọng nếu có tranh chấp xảy ra.

Trong sự kiện Masson v Parsons, Tòa án đã chấp nhận bằng chứng rằng ông Masson có ý định làm cha của đứa trẻ, và trên thực tế anh ta đã có một vị trí nhất định trong cuộc sống của con. Nếu các bên có thể đưa ra bằng chứng rằng đây không phải là ý định ban đầu, chẳng hạn như ghi nhận trong một thỏa thuận hiến tặng thì có lẽ kết quả Tòa án đã khác.

Vụ việc nêu lên sự mất thăng bằng giữa luật pháp và thực tế của việc nuôi dạy con cái hiện đại. Trong khi luật pháp chỉ công nhận một nguời cha và một nguời mẹ. Trên thực tế, các bà mẹ, nguời bạn đời của họ (nếu có) và cả nguời hiến tặng có thể cùng nuôi con một cách hạnh phúc qua công nghệ thụ tinh nhân tạo. Đứa trẻ sẽ có thêm hạnh phúc, sự chăm sóc tinh thần và vật chất từ nhiều người cha mẹ. 

Tuy nhiên nếu có tranh chấp, luật pháp phải can thiệp và lúc này chỉ duy nhất một người cha và một người mẹ được công nhận. Trong câu chuyện này, tranh chấp xãy ra khi mong muốn của người mẹ được cùng con chuyển đi sinh sống tại một quốc gia khác bị phản đối bởi người hiến tặng. Đây là lúc luật phát phải có câu trả lời tuyệt đối, hoặc trắng hoặc đen, nhưng trong thực tế chúng ta không thể có một câu trả lời tuyệt đối cho các mối quan hệ trong xã hội. Xã hội càng phát triển, thì luật pháp cũng sẽ phải thay đổi, để phản ảnh được sự công bình trong hoàn cảnh mới.

LS Kate Hoang

Related posts