Hãy để lòng nhân ái reo vang – vĩnh biệt Thuyền Trưởng, Tộc Trưởng Jeon Yong

1. Cha về với Biển 

“Em viết email ngắn. Ngắn hơn bình thường. Nhưng em nói ngay từ đầu: Em có tin buồn. Rất buồn. 

Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.

Con gái thuyền trưởng mặc áo dài Việt Nam

Mẹ gọi em để báo tin sáng nay. Mẹ nói tim Cha tự nhiên ngưng đập. Họ hàng ở quê phụ Mẹ lo tang lễ. Mẹ nói Mẹ không sao, nhưng Mẹ lo cho em nhiều hơn. 

Em vẫn không thể tin là Cha đã ra đi. Em khóc cả ngày”. 

Tôi an ủi em. Mong em cố bình tâm. Tôi có làm gì được cho em không? Em không muốn liên lạc với ai trong lúc này. Em nhờ tôi báo cho chú Cường biết. Em không thể nhắc đến Cha trong lúc này, mà em cũng không biết nói làm sao để báo tin mà không khiến Chú bị kinh ngạc. Chú Cường là thuyền nhân duy nhất trong số 96 đã liên tục đi tìm tung tích của Cha sau khi định cư tại Mỹ, và đã được tái ngộ với Cha năm 2004 nhờ sự giúp đỡ của một nữ y tá người Đại Hàn, đồng nghiệp của Chú. 

Tôi nghẹn lòng. Cha em có quả tim rất lớn và rất tốt, nhưng nó đã ngưng đập, có lẽ vì những tân toan ông phải gánh chịu ở nửa phần đời sau của ông. Từ một thuyền trưởng sáng giá với đời sống sung túc, sự nghiệp viên mãn, gia đình đuề huề, ông đã trái lệnh thượng cấp để vớt 96 thuyền nhân Việt Nam chơi vơi trên biển ngày 14 tháng 11, 1985. Đúng 34 năm sau, ngày 17 tháng 11, 2019, ông lại ra Biển. Ông đi một mình. Ông đi luôn. Sau 78 năm giữa cõi người. 

Sau khi cứu thuyền nhân Việt Nam, ông bị cất bằng lái tàu vì trái lệnh cấp trên, và thất nghiệp. Để nuôi sống gia đình, ông xoay qua làm nghề hải sản. Những năm gần đây, sức khoẻ ông yếu đi nhiều. Công việc ngày càng trở nên nặng nề, ông lại thua lỗ liên tục. Em nói, “nhà Ngoại lo liệu hết cho đám tang của Cha”. Ông đã ra đi với hai bàn tay trắng. Nhưng trái tim của ông rất đầy – đầy tình yêu dành cho tha nhân, và đầy những lời tri ngộ mà tất cả những ai đã biết ông, dù không ở trong số 96 thuyền nhân may mắn kia, cũng trân trọng và yêu quý ông.

Thuyền trưởng Jeon Yong

Nghĩa cử cao cả của thuyền trưởng Jeon không chỉ là một ánh sáng trong quá khứ. Nó rực lên mỗi khi một con dân Việt – hay bất cứ một nhân sinh nào – đang lao lung ở bất cứ nẻo đường nào trên bề mặt trái đất, khao khát tìm một chốn tựa nương. Nghĩa cử ấy sẽ cho những người Việt lưu vong trong phút lầm than một niềm tin vào tình người. Một niềm tin, mà như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vẫn khẩn thiết nhắn nhủ gọi mời “Bên Em Đang Có Ta.” Nghĩa cử ấy là một niềm hy vọng, một nỗi ủi an, cho những người Việt vẫn đang bỏ xứ ra đi ở năm 2019, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Đi sống, về chết. Như 36 thi hài đang hồi hương từ Anh Quốc. Thuyền trưởng Jeon đã cứu 96 thuyền nhân giữa biển khơi bão tố năm 1985. Nhưng không có ai cứu 36 ‘thùng nhân’ trên đất liền năm 2019. Và hàng trăm ngàn những ‘bộ nhân’, ‘rừng nhân’ rời quê hương đi tìm một lối thoát cho chính mình và gia đình trong suốt 44 năm qua, đã bỏ mạng lưu thân nơi đất khách. 

Thuyền trưởng Jeon đã về với biển. Ông thảnh thơi ở thế giới bên kia. Ông là tộc trưởng của 96 thuyền nhân, mà từ 96 người này còn hàng trăm người khác, sinh mạng khác, đã được ra đời, đã được cưu mang, đã được thăng tiến. Đã đến đời thứ ba, kể từ cái ngày định mệnh đầy ân phúc cho 96 thuyền nhân và không ít tai ương cho ông. Ông không có liên hệ máu mủ với họ, nhưng ông là tộc trưởng. 96 người Việt có vinh hạnh được gọi ông là người khai sinh lại cuộc đời của họ. Tộc trưởng Jeon. Vĩnh biệt Ông! Xin cám ơn Ông đã dám chọn hy sinh đời mình và sinh kế của gia đình Ông cho những thuyền nhân không quen biết. 

Mùa hè năm 2004, trong thời gian chuẩn bị qua Châu Âu nghiên cứu về người Việt tại Thuỵ Điển qua chương trình Fulbright của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tôi được mời giúp tổ chức chương trình tri ân Thuyền trưởng Jeon tại Quận Cam. Vì đã biết Chú Cường từ mười năm trước, khi mới đến Mỹ và phục vụ trong Ban Xã Hội do Linh mục Mai Khải Hoàn thành lập tại Giáo xứ Westminster, tôi thu xếp đến dự buổi họp đầu tiên. Để từ đó, tôi không chỉ có dịp cùng cộng đồng Việt Nam và Hàn Quốc tri ân thuyền trưởng Jeon và gia đình, mà còn có dịp làm bạn với con gái ông trong suốt 15 năm qua. 

Đoản văn bên dưới đã được dịch sang tiếng Ðại Hàn và đăng trong số ngày 7 tháng Tám, 2004 của tờ Korea Daily. Tôi chân thành cảm ơn phóng viên Brian I Choi đã mời tôi đóng góp cảm nghĩ trong tư cách là thành viên của Ban Tổ Chức Tuyên Dương Thuyền Trưởng Jeon. Sau khi đọc bản tiếng Anh của bài này, anh đã gọi nó là “bức thư tình tuyệt vời cho cộng đồng Hàn Mỹ và thuyền trưởng Jeon.” Xin được ghi lại ở đây nguyên văn cả phần tiếng Anh và tiếng Việt, như một lời tiễn biệt đến vị ân nhân quá cố.

Hình ảnh 96 thuyền nhân được Thuyền trưởng Jeon cứu


2. Hãy để Lòng Nhân Ái Ngân Vang! 

Tôi vẫn coi những cử chỉ nhân ái bình thường là những phép lạ trong đời sống hằng ngày. 

Nhưng cũng có những nghĩa cử siêu thường làm gợn sóng bề mặt đại dương của đời sống nhân loại. Vị thuyền trưởng Jeon đã có những nghĩa cử siêu thường đó. 

Tôi gọi cuộc tái ngộ này là nửa thứ hai của một phép lạ kép. Nửa đầu xảy ra trên hải phận quốc tế ngày 14 tháng 11 năm 1985. Trong tuyệt vọng, 96 thuyền nhân Việt Nam chờ chết trong khi nhiều tàu thuyền dửng dưng đi ngang qua và bão tố đang nổi lên. Nhưng một chiếc thuyền đã trở lại và thuyền trưởng Jeon đã bất tuân chỉ thị của cấp trên để cứu mạng những thuyền nhân. Cuộc hạnh ngộ này không chỉ cho phép vị ân nhân và những người sống sót gặp nhau, nhưng nuôi dưỡng tình liên đới giữa các cộng đồng sắc tộc thiểu số, và là một cuộc hội ngộ các cộng đồng và văn hóa, cũng như thắt chặt tình người. Chúng ta rất mang ơn nguồn cảm hứng cho tất cả những điều tốt đẹp này, đó là thuyền trưởng Jeon. 

Tôi rất hân hạnh là một thành viên trong Ban Tổ Chức để quán xuyến những sinh hoạt liên quan đến chuyến viếng thăm của thuyền trưởng Jeon tại quận Cam. Thật là xúc động khi tôi nghe ông hỏi thăm chú Nguyễn Hùng Cường về từng thuyền nhân một, qua sự thông dịch của ông Sukhee Kang. Trong buổi họp báo ngay sau khi ông đến quận Cam, thuyền trưởng có nói là ở tuổi của ông, ký ức đã bắt đầu suy giảm. Thế thì nhóm 96 quả thật đã có một chỗ rất đặc biệt trong lòng ông, khi ông nhớ từng người một hết sức tỉ mỉ từ giấc mơ đến hoàn cảnh của họ. 

Trên phương diện cá nhân, tôi rất cảm kích văn hóa và dân tộc Nam Hàn qua tình bạn mật thiết với cô Joanna Ahn. Cô đã giúp cho tôi thấu hiểu nhiều điều về văn hóa Ðại Hàn và Hàn Mỹ. Khi tôi nhờ cô dạy cho tôi một bài hát Ðại Hàn, tôi được học bài Arirang mà tôi vẫn thích hát một mình từ dạo đó. Ðó cũng là lý do tôi đề nghị bài hát này được hát chung trong buổi tuyên dương thuyền trưởng Jeon. Thật là một điều vui mừng khi mọi người cùng hát Arirang “Gần nhau” vào Chúa nhật 8 tháng 8, 2004. (“Gần nhau” là bài hát tiếng Việt được mọi người hát chung sau khi hát bài “Arirang.”)

Thuyền trưởng Jeon cùng gia đình và thân hữu tại bữa tiệc vinh danh ông năm 2004 tại
Little Saigon

Chúng ta không thể nào đáp trả một cách trọn vẹn những nghĩa cử cao đẹp, nhưng hành động nhân ái của thuyền trưởng Jeon sẽ được tưởng lệ để vinh danh sự đáp trả của ông cho một tiếng gọi từ bên trong – tiếng gọi để giúp tha nhân và đồng loại, đặc biệt những ai đang gặp nguy khốn. 

Mỗi người chúng ta đều được mời gọi để dự phần vào phép lạ này, để cùng nhau cám ơn một người đã làm gương một cách trọn vẹn về tình người và dám quên mình vì tha nhân. 

Quả thật, hãy để cho lòng nhân ái ngân vang! 

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Related posts