Gia đình đặt nghi vấn TS Bùi Quang Tín chết trước khi rơi xuống lầu

Bà Nguyễn Thanh Bích (SN 1975, vợ tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín) cho biết đã ủy quyền cho luật sư Nguyễn Văn Quynh nộp đơn yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố vụ án TS.LS Bùi Quang Tín tử vong.

Trong đơn yêu cầu đề nghị khởi tố vụ án, bà Bích yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét 3 vấn đề chính:

Thứ nhất, bà Bích đề cập đến việc chồng bà chịu nhiều sức ép trong quá trình công tác.

Thứ hai, bà Bích loại bỏ khả năng ông Tín tự tử và khả năng ông Tín vô ý ngã từ tầng 14.

Thứ ba, theo bà Bích và gia đình, có nhiều điểm bất thường tại hiện trường vụ tử vong, cho rằng cái chết của ông Tín là bất thường và có nhiều uẩn khúc cần làm rõ. Bà đặt nghi vấn ông Tín chết trước khi rơi xuống lầu.

Khu vực giếng trời nơi phát hiện thi thể nạn nhân (vị trí quay hình ở tầng 15). (Ảnh cắt từ clip/dẫn qua FB Hoàng Dũng)

Trong đơn gửi Công an TP.HCM ngày 10/4, bà Bích loại trừ khả năng chồng tự tử vì tinh thần của chồng bà rất tốt, công việc đào tạo của trường Bizlight đang phát triển, gia đình không bị áp lực tài chính và tình cảm vợ chồng hoà thuận.

Bà Bích cho hay trong quá trình công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, ông Tín là người tâm huyết với nghề, không bè phái và uy tín. Đầu năm 2019, Ban giám hiệu đã bổ nhiệm ông Tín phụ trách Phòng truyền thông và tuyển sinh của nhà trường.

Tháng 9/2019, ông Tín nói với bà Bích việc bị nhiều sức ép từ các phía như: ban lãnh đạo, các phòng ban nội bộ do có “lợi ích nhóm” và thường nhận được các tin nhắn đe doạ. Đỉnh cao là trước tết 2020, ông Tín quyết định từ chức song Ban giám hiệu không đồng ý.

Bà Bích cũng loại bỏ khả năng ông Tín vô ý ngã từ tầng 14.

Bà Bích cho biết lời khai về việc chồng bà say rượu, nói chuyện với ông Nguyễn Đức Trung (Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TPHCM) và sau đó tự đi về rồi té ngã qua lan can là hoàn toàn mâu thuẫn. Bà Bích cho hay ông Tín không bao giờ uống say đến mất kiểm soát, ngoài ra vì quãng đường từ chung cư về đến nhà riêng rất xa nên ông Tín không thể ăn nhậu say xỉn.

Ngoài ra, thông tin sau khi nhậu xong, từ 16h-17h, ông Tín ngồi nói chuyện với ông Trung, sau đó, ông Trung vẫn say, còn chồng bà say mà vẫn đòi về là không phù hợp, bởi sau 1 tiếng đồng hồ thì cả 2 người đã phải tỉnh táo.

Việc ông Tín tử vong nghi do rơi từ tầng 14 cũng không phải do vô ý ngã, vì lan can ban công cao 1,4 m trong khi ông Tín cao 1,6 m nên không có chuyện tự ngã mà phải có sự tác động.

Công an TP.HCM khám nghiệm hiện trường tại lan can tầng 14, nhà D, chung cư New Saigon. (Ảnh: dẫn qua FB Hoàng Dũng)

Một số dấu vết gây nghi vấn tại hiện trường cũng được bà Bích nêu trong đơn đề nghị khởi tố vụ án chỉ ra cái chết của ông Tín là bất thường và có nhiều uẩn khúc cần làm rõ.

Bà Bích cho biết khi gia đình chứng kiến Công an huyện Nhà Bè khám nghiệm căn hộ của ông Trần Việt Dũng (Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế ĐH Ngân hàng TP.HCM), thấy 2 điện thoại của ông Tín vẫn ở phòng khách, đôi dép của ông Tín ở trước cửa. “Đặt giả thuyết chồng tôi đi về, điện thoại có thể bỏ lại nhưng chắc chắn phải mang dép”, bà Bích viết trong đơn.

Tại nơi ông Tín được phát hiện tử vong và cả trong căn hộ, cơ quan điều tra không thu giữ được mắt kính, hay mảnh kính vỡ của nạn nhân, trong khi bà Bích cho biết ông Tín là người cận nặng, không bao giờ tháo kính.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, có 1 chiếc ghế gãy phần dựa lưng đặt sát lan can ban công (hàng rào sắt) có dấu giày, dấu chân và “một đoạn tương đương thân người ở giữa trên thành lan can sắt đã sạch bụi, không có dấu tay”. Theo bà Bích, nếu ông Tín tự tử phải bám vào thành lan can và để lại dấu tay, và tay chồng bà (lúc khám nghiệm tử thi) phải có bụi nhưng kết quả không ghi nhận. “Vậy anh Tín bám vào đâu để leo lên lan can gieo mình tự sát”, đơn của bà Bích đặt nghi ngờ.

Vị trí và tư thế ông Tín khi rơi xuống cũng được cho là bất thường, vì nạn nhân “nằm sát góc tường bên trái, phần đầu đập xuống trước, hai chân chổng lên trời, hai tay dang ngang đầu hình chữ U…”. “Nếu chồng tôi tự sát thì thi thể phải nằm xa hơn chân tường, chân sẽ bị gãy và cơ thể phải nằm úp”, bà Bích nêu.

Một điểm bất thường khác cũng được bà Bích gửi đến cơ quan chức năng là chồng bà được mời đi ăn cơm trưa nhưng khám nghiệm tử thi thì bao tử trống rỗng. Người dân cũng như bảo vệ tại khu vực không nghe được tiếng kêu la theo phản xạ tự nhiên của con người khi té từ độ cao.

Ngoài ra, đơn yêu cầu khởi tố vụ án cũng đề cập đến các nghi vấn trong lời khai của Viện trưởng Dũng và của Hiệu phó Trung; trước đó ông Tín phải chịu sức ép từ nhiều phía trong trường đại học, từng nhận tin nhắn đe doạ…

Theo thông tin từ trường Đại học Ngân hàng TP HCM, ngày 5/4, ông Dũng mời ông Tín và 7 cán bộ của trường đến ăn trưa. Nhóm người uống hết 3 chai rượu mạnh và 12 lon bia. Đến hơn 15h, bữa ăn kết thúc mọi người lần lượt về. Ông Tín và Trung vẫn ở lại căn hộ cùng chủ nhà.Khoảng 17h, ông Dũng có việc phải ra ngoài, dặn hai người khi nào về cứ đóng cửa vì dùng khoá số. 20 phút sau, ông Dũng nhận được điện thoại của ông Trung, nói ông Tín bị ngã xuống đất. Khi ông quay về thì công an đã có mặt tại hiện trường, ông Tín tử vong.Ông Trung khai lúc nói chuyện với ông Tín cả hai đều mệt do uống nhiều rượu, nên nằm nghỉ tại ghế salon. Một lúc sau ông Tín đứng dậy nói về trước, ông khuyên ở lại nghỉ và gọi người nhà đến đón nhưng ông Tín vẫn đi về. Một lúc sau, ông Trung nghe tiếng động mạnh ở khu vực giếng trời nên ra kiểm tra. Ông Trung nói do mắt cận và uống say nên không nhìn thấy gì ở dưới đất, nhưng linh cảm có chuyện chẳng lành nên gọi điện kêu chủ nhà về.

Trong sáng 10/4, Công an TP.HCM phối hợp Viện KSND TP.HCM đến chung cư New Saigon (huyện Nhà Bè) khám nghiệm hiện trường vụ việc sau khi thụ lý hồ sơ từ cấp dưới. Lực lượng chức năng xem xét, đánh dấu, đo đạc, ghi nhận nhiều vị trí, đặc biệt ở khu vực lan can tầng 14.

Hiện 7/8 người từng tham dự bữa ăn trưa trước khi TS Bùi Quang Tín tử vong đã bị tạm đình chỉ công tác, chức vụ trong 15 ngày kể từ ngày 8/4, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước và Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, vì lý do vi phạm quy định các biện pháp về cách ly, phòng chống dịch COVID-19 (do tụ tập đông người).

Cả 7 người đều là cán bộ lãnh đạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, gồm:

  1. Ông Bùi Hữu Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.
  2. Ông Nguyễn Đức Trung, phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.
  3. Ông Trần Việt Dũng – Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế
  4. Ông Nguyễn Anh Vũ – Trưởng Phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu
  5. Ông Lê Trung Nhân – Phó viện trưởng Viện đào tạo quốc tế
  6. Ông Ông Văn Năm – Phó trưởng Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng
  7. Ông Phùng Văn Ứng – Phó trưởng khoa Khoa lý luận chính trị

Nguyễn Sơn

Related posts