ĐỪNG KHINH THƯỜNG TIẾNG VIỆT

Cao Xuân Hạo (CXH) là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, tôi biết ông lần đầu vào năm 1990 qua lời giới thiệu của Thầy Hoàng Thiệu Khang. Chúng tôi gặp nhau trong quán cà phê ven đường cạnh Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM. Tôi không biết nhiều về nhà ngôn ngữ này, chỉ biết ông qua những mẩu chuyện, giai thoại viết về ông trên sách báo. Thời gian gần đây, tình cờ đọc được bài của ông đăng trên trang mạng Talawas (năm 2003) tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự coi thường của ông đối với thứ chữ ABC mà phương Tây sử dụng, và ông cũng xem thường tiếng Việt, cho rằng người Việt học chữ Hán thích hợp hơn là chữ Quốc ngữ. Quan điểm này được thể hiện trong bài ‘Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?’ của Cao Xuân Hạo, đăng lần đầu trên Kiến thức ngày nay số 14, 15-6-1994 (1).

Thành thật mà nói tôi không muốn làm phiền ông, vì đàn đứt dây đã im tiếng tơ đồng, ông đã về với tiền nhân. Sở dĩ chúng tôi buộc lòng phải phản biện vì thấy quan điểm của ông có cái nhìn thiếu tích cực, phiến diện về tiếng Việt, trong đó có những nhận định chưa thỏa đáng đối với công lao của những người đã đóng góp cho sự phát triển của tiếng Việt. Chúng tôi xin phép viết tắt họ tên ông để tiện việc trình bày văn bản và phản biện từng ý mà ông nêu ra, những ý mà ông sử dụng để đưa đến kết luận: chữ Hán thích hợp với người Việt, còn chữ Quốc ngữ thì không (!).

***

– Ông CXH cho rằng ‘năm 1897, Hội ngữ âm học quốc tế ra đời cùng với bảng chữ cái gọi là Tự mẫu phiên âm quốc tế – International Phonetic Alphabet (IPA)’.

Theo chúng tôi chi tiết này chưa chính xác. Năm 1897 chỉ là năm xuất hiện tên tiếng Anh của Hội ngữ âm quốc tế là International Phonetic Association (IPA), bởi vì hội này do một nhóm giáo viên dạy ngôn ngữ ở Paris thành lập năm 1886 với tên gọi ban đầu là Dhi Fonètik Tîtcerz’ Asóciécon (FTA – Hội giáo viên ngữ âm) do Paul Passy lãnh đạo; tháng Giêng năm 1889 hội đổi tên thành L’Association Phonétique des Professeurs de Langues Vivantes (AP); đến năm 1897 đổi thành L’Association Phonétique Internationale (API) và cuối cùng đến năm 1897 mới có tên gọi International Phonetic Association cho tới ngày nay. Riêng về Bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế (International Phonetic Alphabet – IPA) được thực hiện từ năm 1888 chứ không phải ra đời cùng với Hội ngữ âm học quốc tế vào năm 1897.

– Ông CXH cho biết ‘ở phương Tây người ta nhận thấy có một số trẻ em không sao học đánh vần được, và do đó học mãi cũng vẫn không biết viết’, những trẻ này bị chứng bệnh gọi là alexia (chứng không đọc chữ được) hay dislexia (chứng mất khả năng đọc chữ). Những nhà ngữ học nghi ngờ rằng nguyên nhân của tình trạng này không phải ở các em, mà chính là ở lối viết ABC. Họ cho trẻ học tiếng Anh nhưng các từ tiếng Anh được thay thế bằng chữ Hán, thí dụ câu He came to a high mountain được viết bằng sáu chữ Hán là “Tha đáo cập nhất cao sơn”. Thế rồi sau một năm kết quả học của nhóm trẻ này ‘có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC’.

Trước hết, ông CXH đã dịch không chuẩn khái niệm alexia và dislexia. Theo chúng tôi alexia không có nghĩa là ‘chứng không đọc được chữ’, chính xác phải là ‘chứng mất khả năng đọc chữ’. Nói cách khác, nếu người nào đó mất đi khả năng đọc chữ trước đây của bản thân thì gọi là bị chứng alexia, một khái niệm có nguồn gốc từ chữ alexis trong tiếng Hy Lạp, xuất hiện khoảng năm 1878 (a có nghĩa là ‘không’ + lexis có nghĩa là ‘nói’ hoặc ‘đọc’). Dictionary.com định nghĩa alexia là ‘sự rối loạn thần kinh được đánh dấu bằng việc mất khả năng hiểu ngôn ngữ viết hoặc in, thường là do tổn thương não hoặc khiếm khuyết bẩm sinh (a neurologic disorder marked by loss of the ability to understand written or printed language, usually resulting from a brain lesion or a congenital defect).

Riêng về từ ‘dislexia’, đây là chữ viết nhầm chính tả của ông CXH, viết đúng phải là ‘dyslexia’ và khái niệm này không phải là ‘chứng mất khả năng đọc chữ’ như nhà ngôn ngữ này cho biết. ‘Dyslexia’ có nghĩa là chứng khó đọc chữ. Nói cách khác, ‘dyslexia’ nghĩa là ‘không có khả năng nhìn ra hoặc đọc được chữ, nguyên nhân này là do khiếm khuyết của não (the inability to see words or to read, caused by a defect of the brain). Dyslexia là thuật ngữ có nguồn gốc từ chữ dyslexie trong tiếng Đức, xuất hiện khoảng năm 1883, còn dyslexie lại là chữ vay mượn từ khái niệm dyslexis trong tiếng Hy Lạp (dys có nghĩa là khó khăn + lexis có nghĩa là ‘nói’ hoặc ‘đọc’).

Kế tiếp, chúng tôi ngạc nhiên trước dẫn chứng của ông CXH, bởi vì trẻ làm sao có thể học câu ‘Tha đáo cập nhất cao sơn’ để hiểu đó là ‘He came to a high mountain’? Xin lưu ý, ‘Tha đáo cập nhất cao sơn’ là câu viết bằng từ Hán Việt, không phải chữ Hán. Nếu một người không biết chữ Hán, tra từ điển để hiểu câu ‘Tha đáo cập nhất cao sơn’ thì sẽ bị rối, không biết chọn từ nào để hiểu chữ ‘tha’, bởi vì có những chữ tha như 他, 佗, 它 (tất cả đều có thể hiểu là ‘he’ trong tiếng Anh); còn ‘nhất’ viết là 一, 壱, 壹, 弌… (những chữ tương ứng với mạo tự ‘a’). Như vậy, phải chọn chữ Hán nào để hiểu từ tiếng Anh là ‘he’ hoặc ‘a’?

Nhìn chung, chứng khó đọc (Dyslexia, còn gọi là reading disorder) không thể dễ dàng biến mất khi trẻ bị bệnh này học chữ Hán thay thế cho loại chữ ABC. Chúng ta biết rằng người Trung Quốc gọi Dyslexia là Thất độc chứng (失讀症, Shī dú zhèng). Những trẻ Trung Quốc bị bệnh này cũng thường gặp khó khăn về việc đánh vần và đọc hiểu cho dù chúng có trí tuệ bình thường, ngay cả khi chúng học chữ Hán cũng không có gì khả quan hơn so với việc học chữ ABC. Nếu trẻ khó đọc và khó phát âm chữ Trung Quốc thì thường được gọi là bị ‘Ý âm văn tự đích thất độc chứng (意音文字的失讀症, Yì yīn wénzì de shī dú zhèng).

– Ông CXH cho rằng ‘Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ ngữ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi, rồi miệng, rồi tai …) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó’.

Dĩ nhiên, khi đã biết rõ cách phát âm một chữ nào đó thì ta sẽ đọc chính xác. Từ đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện cách dạy đọc gọi là ‘phương pháp đọc toàn chữ’ (whole-word reading method) hay cách ‘nhìn-và-nói’ (look-and-say). Trẻ được dạy đọc và ghi nhớ từng chữ một, không cần phải phân tích từng âm trong chữ để đánh vần. Khoảng 18 năm trước, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy cháu tôi đọc chính xác từng truyện cổ tích trong sách; chỉ trang nào, dòng nào cháu cũng đọc đúng từng chữ mặc dù cháu…chưa biết đọc (chưa được dạy đọc ở trường). Cháu có thể lặp lại chính xác từng chữ là vì hàng ngày mẹ cháu chỉ từng chữ trong trang sách rồi đọc cho cháu nghe. Cuối cùng, cháu tôi ghi nhớ từng mặt chữ và đọc đúng những chữ ấy.

Việc học đánh vần cũng giúp đọc được chữ, đây là phương pháp cổ xưa, đã từng được người Hy Lạp và La Mã thực hiện (đánh vần xuôi và ngược). Đến thế kỷ 16 thì phương pháp này được áp dụng ở châu Âu và những nước khác trên khắp thế giới cho đến ngày nay. ‘Một từ có thể được đọc theo những cách khác nhau tùy thuộc vào chính nó hay nhóm từ chứa nó’, tùy thuộc vào nhân tố con người, thí dụ như: nơi họ lớn lên, nơi đang sống, trình độ văn hóa, tầng lớp xã hội, kể cả họ thuộc dân tộc nào, có bị khuyết khuyết về khả năng nói hay không…Những nước có chữ viết và bảng mẫu tự ngôn ngữ của nước họ thì phần lớn là có cách đánh vần hoặc được phiên âm theo Bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế (IPA). Thí dụ đánh vần các mẫu tự tiếng Anh (A = /ˈeɪ/, /ˈæ/; B = /ˈbiː/; C = /ˈsiː/; D = /ˈdiː/…); tiếng Đức (A = /aː/; B = /beː/; C = /t͡seː/; D = /deː/…); tiếng Nga (A = /a/; Б = /b/ hoặc /bʲ/; B = /v/ hoặc /vʲ/; Г = /ɡ/ hoặc /gʲ/…); tiếng Hy Lạp ( A = [a]; B = [v]; Γ = [ɣ] ~ [ʝ] ; Δ = [ð]…); tiếng A Rập (theo bảng chữ cái abjadī: غ = gh; ظ = ẓ; ض = ḍ; ذ = dh…); tiếng Devanagari (क = k-; ख = kh-; ग = g; घ = gh-…)…

Sở dĩ chúng tôi viết dài dòng như trên bởi vì ông CXH cho rằng ‘lối học đọc thông qua “đánh vần” là một cách làm sai trái ngay từ nguyên lý. Bây giờ trên thế giới không còn mấy nơi dùng cách học này’. Có thật vậy không? Ông CXH đã nhận định ‘huề vốn’ như sau: ‘Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần’ (!). Dĩ nhiên rồi, khi đã biết chữ thành thục, đã biết cách đọc (phát âm) một từ nào đó thì đâu cần phải đánh vần. Việc đánh vần (spelling pronunciation) chỉ cần thiết khi ai đó không biết đọc một từ mới ra sao. Trẻ em và người học ngôn ngữ thứ hai nhiều khi cần phải biết cách đánh vần để phát âm những từ lạ mà họ chưa đọc qua bao giờ. Và đánh vần thì có nhiều cách, chọn cách nào phù hợp, tối ưu đối với ngôn ngữ nào đó có thể xem là cần thiết, đặc biệt là khi tham khảo cách phiên âm quốc tế của một từ trong từ điển để biết phát âm chuẩn một cách tương đối. Nói cách khác, đối với ngôn ngữ lạ nếu có phiên âm thì sẽ giúp dễ đọc chữ hơn. Thí dụ: đối với người biết tiếng Anh, chữ ‘hy vọng’ trong tiếng Hy Lạp là ελπίδα, nếu không được phiên âm là el-pee-da hoặc phiên sang tiếng Anh là elpida thì làm sao đọc được? Tương tự như vậy, chữ ‘nhà hàng’ trong tiếng Nga được viết là РЕСТОРÁН, phiên âm là [restora:n], chuyển sang tiếng Anh là restaurant, nếu không phiên sang mẫu tự Latin thì vô phương phát âm được từ này.

– Ông CXH viết: ‘Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ “Quốc ngữ” thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng lẽ sự tiến bộ củaTrung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?’, sau đó ông dẫn chứng quyển Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hóa ngày nay), trong đó tác giả Léon Vandermeersch khẳng định rằng sở dĩ những “con rồng” nói trên thành rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán. Chỉ còn một nước chưa thành rồng được: Việt Nam.’

Có lẽ ông CXH mới là người vội vàng khi cổ súy cho chữ Hán, cố tình phớt lờ sự lợi ích của chữ Quốc ngữ đối với dân tộc Việt. Cái hay, cái đẹp của tiếng Việt thế nào thì có quá nhiều nhà nghiên cứu viết rồi, không cần phải bàn thêm. Chúng tôi chỉ lấy làm ngạc nhiên trước quan điểm cho rằng những nước dùng chữ Hán mới tiến bộ, thành rồng, còn Việt Nam chưa thành rồng vì đã không còn sử dụng chữ Hán. Đây là một nhận định cực đoan, phiến diện, cần phải nhận thức rằng có được chữ Quốc ngữ là một điều may mắn cho dân tộc Việt, vì người Việt đã có một loại chữ viết thể hiện được tiếng nói của dân tộc mình. Việc thoát khỏi sự lệ thuộc chữ Hán là một bước tiến quan trọng, trước hết là độc lập tư duy, sau đó là sự tự do dân tộc. Việt Nam có hóa rồng hay không còn tùy vào nhiều yếu tố chứ không đơn giản chỉ vì chẳng dùng chữ Hán.

– Ông CXH viết: ‘Hiện nay tất cả các khách du lịch đến nước ta đều kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử. Họ nói “Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất nước mình”. Nạn mù chữ Hán cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán’.

Xin thưa, việc hiện nay không có nhiều người Việt đọc được những chữ Hán trên các đền đài, di tích là điều chẳng có gì khó hiểu, đó là sự đứt gãy văn hóa, bởi vì người Việt đã bỏ chữ Hán, chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ chính thức từ vài trăm năm nay. Điều này cũng giống như việc người Trung Quốc đại lục bỏ chữ Hán phồn thể, chuyển sang học chữ Hán giản thể vậy, để rồi hiện nay thế hệ người trẻ không đọc được những văn bản viết theo lối phồn thể của cha ông họ ngày xưa nữa.

Đồng ý rằng nếu người Việt không biết chữ Hán thì dễ hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Việc học chữ Hán là điều cần thiết, song học để sử dụng chính xác từ Hán Việt và hiểu được những văn bản viết bằng chữ Hán của cha ông ta là chủ yếu, chứ không phải học để loại bỏ tiếng Việt hay những ngôn ngữ sử dụng thứ chữ ABC như tiếng Anh mà chúng ta sử dụng phổ biến hiện nay, bởi vì từ bậc đại học cho tới đào tạo Tiến sĩ, nhiều nước ở phương Tây, kể cả châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đều có chương trình quốc tế dạy bằng tiếng Anh, chứ không sử dụng tiếng Trung Quốc cho nhiều ngành học.

– Ông CXH khẳng định: ‘âm vị học của phương Tây (vốn là nền tảng lý thuyết của cách viết ABC)’, chỉ có giá trị và hiệu lực đối với các ngôn ngữ biến hình, ‘không thể đem ứng dụng để nghiên cứu và phân tích những thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt hay những thứ tiếng chắp dính như tiếng Nhật, hay những thứ tiếng “có sườn phụ âm” như tiếng A Rập, tiếng Do Thái v.v’.

Dĩ nhiên, âm vị học hay ngữ âm phương Tây viết bằng mẫu tự Latin không phải là ‘chân lý’ để phân tích tất cả ngôn ngữ trên thế giới, bởi vì lý thuyết về ngữ âm đầu tiên xuất phát từ phương Đông, cụ thể là từ những nghiên cứu bằng tiếng Sanskrit của những nhà ngữ học từ thế kỷ thứ 6 trước CN, trong đó phải kể đến học giả Ấn Độ Pāṇini (Sanskrit: पाणिनि), lý thuyết của ông vẫn còn ảnh hưởng đến ngôn ngữ học hiện đại và vẫn đại diện cho ‘ngữ pháp khái quát hoàn chỉnh nhất của bất kỳ ngôn ngữ nào được viết’ (‘the most complete generative grammar of any language yet written’ – Kiparsky 1993, p. 2918 (2). Nói như vậy để thấy rằng phân tích ngữ âm của mỗi ngôn ngữ cần có những biến đổi, những nét riêng để phù hợp với đặc thù của từng thứ tiếng. Ngoài những ngôn ngữ hòa kết như tiếng Anh, Pháp, Nga… chúng ta vẫn có thể ứng dụng phần nào đó âm vị học phương Tây để phân tích những ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, Hán, Thái hay những thứ tiếng khác thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer; kể cả những ngôn ngữ chắp dính như tiếng Nhật, tiếng Hàn hay Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, cần dè dặt đối với loại hình ngôn ngữ hỗn nhập (đa tổng hợp) như tiếng Chu-cốt, Cam-chat…, loại hình có hiện tượng một từ có thể tương ứng với một câu trong ngôn ngữ khác. Thí dụ như câu ‘i-n-i-a-l-u-d-am’ trong tiếng Tschinuk ở Bắc Mỹ, có nghĩa là ‘tôi đã đến để cho cô cái này’.

– Ông CXH viết: vị thừa sai này (Alexandre de Rhodes – VTH) tuyệt nhiên không góp một chút gì vào quá trình xây dựng chữ quốc ngữ (từ đầu đến cuối, đó là công sức của các giáo sĩ Bồ Ðào Nha, như những tài liệu mới công bố sau này đều xác nhận).

Chúng tôi tôn trọng ông CXH, một bậc tiền bối về ngôn ngữ học, song cần phải nói rằng ông đã nhận định sai, bởi vì chỉ cần quyển Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) đã cho thấy A. de Rhodes có công hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin như thế nào, dĩ nhiên là ông có dựa vào những nghiên cứu của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha như trong trong lời nói đầu của từ điển mà ông cho biết. Đấy là chưa kể Phép giảng tám ngày của A. de Rhodes, một quyển sách giáo lý viết bằng văn xuôi tiếng Việt thời kỳ đầu.

Hiện nay, qua sự kiện đặt tên đường ở Đà Nẵng, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng, công nhận sự đóng góp quan trọng của Alexandre de Rhodes đối với việc hình thành tiếng Việt. Và xin thưa rằng không chỉ các giáo sĩ Bồ Đào Nha mới có công trong quá trình xây dựng chữ Quốc ngữ, cần phải kể đến sự đóng góp của những nhà truyền đạo Dòng Tên đến từ châu Âu, kể cả những giáo sĩ người Ý như Francesco Buzomi, Antonio Dias, Joãn Roiz hay Christoforo Borri… Ngoài ra, cần phải kể đến sự đóng góp của các nhân sĩ trí thức người Việt trong quá trình xây dựng chữ Quốc ngữ từ thời kỳ tiếng Việt còn phôi thai…Thí dụ như Philipphê Bỉnh (Philiphê Bỉnh, Philiphê do Rosario) – một linh mục dòng Tên người Việt Nam, một trong những người đầu tiên viết văn bằng chữ quốc ngữ qua tác phẩm ‘Sách sổ sang chép các việc’; Trương Vĩnh Ký – ‘bậc tiên hiền của văn chương quốc ngữ Nam Bộ’, người đã đưa chữ quốc ngữ ban đầu chỉ là phương tiện phục vụ tôn giáo trở thành chữ viết chính thức của người Việt. Về sau, đó là những nhà nghiên cứu, học giả đã chuyển Truyện Kiều, Lục Vân Tiên ra chữ Quốc ngữ, soạn sách giáo khoa dạy quốc ngữ, ghi chép truyện dân gian hay sáng tác bằng chữ Quốc ngữ…

Vương Trung Hiếu

(1): Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=83&rb=06

(2) Kiparsky, Paul (1993). ‘Pāṇinian linguistics’ (In Asher, R.E. (ed.). Encyclopedia of Languages and Linguistics. Oxford: Pergamon.

Related posts