ĐÔI BƯỚM TRẮNG

Thu Tuyết

Nghĩa trang vắng tênh. Tôi bước vội trên lối đi sỏi đá với chút gì đó bất an. Vẫn như thường lệ, tôi đi qua các nấm mồ quen thuộc và dường như có nhiều ánh mắt đang theo dõi bước chân tôi. Một chút lạnh sau gáy, nhưng tôi trấn an và thầm nói: không sao, bạn của Mẹ thôi mà! Rồi tôi cảm được những ánh mắt thiện cảm với nụ cười buồn!

Như những quốc gia khác, mùa dịch Covid, luật cách ly cũng được áp dụng ở xứ sở yên bình này. Người dân vô cùng dễ thương để thi hành một cách nghiêm túc. Đây là dịp bố mẹ con cái được quây quần bên nhau và chờ đợi. Vì giặc SARS- Covid-2 mà gia đình ấm áp, nhưng nghĩa trang thì cô đơn dưới cái lạnh nhẹ của mùa thu Melbourne.

Nghĩ vậy nên tôi phá lệ đi thăm Mẹ. Ánh nắng nhạt buổi chiều khiêu vũ dưới hàng cây trên con đường nhỏ bên trong nghĩa trang. Tiệm bán hoa nơi đây cũng đóng cửa. Không biết cụ bà bán hoa có còn không qua mùa Covid này. Thoáng một chút buồn, tôi nhớ nụ cười hiền của bà trên khuôn mặt phúc hậu, trong vóc dáng thấp tròn của một người Ý thuần chất. Bà luôn giữ cho tôi hoa hồng trắng hoặc cúc trắng vào ngày cuối tuần. Có đôi lần bà vắng, người cháu trai bán thay cho tôi biết bà bị ốm, nhưng văn hoá của người Ý có phần giống chúng ta. Một chút gì đó “Tam, Tứ đại đồng đường”, nên cũng có những gia đình không đưa bố mẹ vào Viện Dưỡng Lão khi họ có thể chăm sóc được.

Cũng khá lâu, từ ngày bị cấm, bó hoa trắng tôi cắm ngày nào trên mộ Mẹ đã héo khô. Chung quanh cũng héo khô cả hai nghĩa. Có lẽ các bác, cô chú và anh chị nơi đây cũng hiểu và thông cảm cho người thân khi đại nạn đang diễn ra. Đó đây trên thế giới hơn ba trăm nghìn người được đoàn tụ với ông bà cha mẹ trong nghĩa trang hoặc bên những lọ tro tàn còn ấm mùi của lửa. Nước Úc không nhiều người tử vong như một số nước ở Châu Âu, Châu Mỹ… nên sự đoàn tụ với cõi âm cũng ít ỏi hơn.

Vì biết trước có lúc sẽ không vào thăm Mẹ được nên ai đó trong gia đình tôi đã cắm trên mộ bà một bó hoa giả đủ sắc màu như những mộ phần chung quanh. Nhờ vậy mà nghĩa trang bớt đi cái quạnh hiu u ám với mùi của cõi âm. Tôi bỏ đi bó hoa cũ, để lại cái bình trống trơ, cô độc.

Lấy một bó nhang đốt cho Mẹ. Khi nhang bốc khói thì một đôi bướm trắng, nhẹ nhàng lượn quanh tôi. Đôi bướm đẹp lạ kỳ. Bướm mang một điều gì đó đầy bí ẩn, linh thiêng mà tôi chưa bao giờ thấy trước đó. Ba Mẹ tôi ư? Ba tôi mất đã lâu và nằm lại trên quê hương, xa lắm; nhưng có phải vì tình yêu với Mẹ mà ông đã vượt trùng dương để đến đây, đoàn tụ với Bà. Có lẽ thế giới bên kia không có nhiều phụ nữ đẹp để quyến rũ và ông đã giữ được sự thuỷ chung chừng như hiếm hoi ở cõi trần này.

Tôi tự hỏi, không biết phía bên kia có nhà hàng với những cô gái đẹp mời rượi như Việt Nam, có khu đèn đỏ như những nước phương Tây và những khu giải trí rất đời trên thế gian này không. Một người bạn nói với tôi: Khi ông chết, tại phiên toà xét xử, ông sẽ xin vị chánh án cho xuống địa ngục, nếu ông bị lên thiên đàng. Bởi ở địa ngục vui hơn vì có nhiều bạn! Và cũng để tránh những tra tấn đau đớn vì những lý do nào đó. Hy vọng vị chánh án này sẽ nhận lời, bởi ông cam kết sẽ không kháng án như mẹ của Đỗ Duy Hải phải cầu khẩn khắp nơi đã 12 năm trời để cứu mạng con!

Trời bỗng tối sầm bởi một đám mây đen. Gió mạnh hơn. Bó nhang trong tay tôi cháy lớn. Khói và hương quyện vào nhau như đôi bướm trắng lạ lùng kia. Bỗng một con bay đi, con còn lại đậu ngay trên một bông hoa trắng nằm sâu bên dưới. Tôi hỏi lớn: Có phải Mẹ đấy không? Mẹ ơi! Bướm trăng vẫy vẫy đôi cánh như đáp lời rồi vẫn đậu yên nơi ấy.

Theo văn hoá Phương đông, đặc biệt là Trung Quốc, Bươm bướm được xem là biểu tượng của linh hồn người đã khuất, nó kết nối giữa sự sống và cái chết. Vì vậy, ngày còn bé, tôi thường nghe mẹ kể những câu chuyện linh thiêng về loài bướm, trong đó có một chuyện tình thật cảm động.  

Xưa lắm, trong một gia đình nghèo, người chồng đột ngột qua đời để lại vợ với đàn con thơ bốn đứa. Người vợ tần tảo sớm hôm nhưng vẫn không đủ để nuôi con. Một hôm, đêm về người vợ phát hiện trên bàn thờ có một con bướm trắng. Bà đuổi đi, nhưng bướm vẫn quanh quẩn bên căn lều nhỏ. Từ đó, hàng đêm bướm cứ về và đậu bên cửa sổ nơi mẹ con nằm. Dần dà thành thói quen. Bà cảm được có cái gì đó rất yên trong tâm hồn.

Một hôm, bướm không về, bà bất an và mất ngủ, tinh thần suy sụp rồi ngã bệnh. Đàn con dại chỉ biết nhìn mẹ, ngơ ngác. Chúng đói ăn, nheo nhóc. Trong lúc tận cùng, bướm xuất hiện. Người đàn bà đáng thương kia dần phục hồi sức khoẻ. Như một điều kỳ diệu, người mẹ đã làm được bao điều phi thường để đưa đàn con đến bến bờ hạnh phúc. Con bướm ấy chính là người chồng quá cố, đã thổi vào người vợ một sức mạnh vô hình để gián tiếp nuôi dạy đàn con.  

Bầu trời sáng lại. Ánh nắng nhạt đã bóc đi cái lớp u ám của nghĩa trang khi bị đám mây che phủ. Con bướm vẫn đâu yên trên bông hoa trắng như một tín hiệu cho tôi biết rằng: Mẹ đây! Mẹ về với con đây!

Tôi nhìn bướm mắt nhoè lệ. Cắm ba cây nhang vào chiếc lư hương trên mộ, tôi lâm râm khấn nguyện cho Mẹ sớm về cõi vĩnh hằng; cho gia đình, người thân những điều lành và cho nhân loại sớm qua mùa Covid. Mặc dầu tôi biết điều này không nằm trong giới hạn của Mẹ, nhưng tôi vẫn cầu xin. Nhìn bướm, tôi nói lời tạm biệt rồi cầm bó nhang cháy dở còn lại cắm trên những mộ phần chung quanh đang cô đơn trong mùa dịch bệnh. Tôi đạp nắng chiều bước trên con đường sỏi nhỏ giữa hai hàng mộ. Chiếc bóng trải dài phía sau như níu bước chân tôi vì Mẹ đang còn đó, một con bướm trắng trên cành hoa tinh khiết.

Vừa ngồi vào xe, một người cảnh sát bước đến. Tôi kéo cửa kiếng xuống nhìn. Ông ta nói, “Cô đã vi phạm luật vì đang thời kỳ cách ly”. Tôi rươm rướm nước mắt trả lời: “Xin lỗi, tôi sai”. Vì nhớ Mẹ nên tôi đã phá1ệ. Ông cười hiền như cảm thông và cảnh báo: “Nếu vi phạm lần nữa sẽ nhận lấy vé phạt”. Tôi cám ơn và lái xe ra khỏi con đường nhỏ đầy hoa nắng. Lòng tôi vương vấn nỗi buồn: nhớ Mẹ!

Melbourne, 17/5/2020

Related posts