Điều quan trọng là trở lại với CON NGƯỜI THẬT, CON NGƯỜI TỰ NHIÊN; CUỘC SỐNG THẬT, CUỘC SỐNG TỰ NHIÊN

Hoàng Hưng

Hoàng Hưng là dịch giả, nhà thơ, nhà báo từ Hà Nội vào sinh sống và làm việc ở Sài Gòn từ 1977.


Trường hợp của tôi có lẽ hơi cá biệt so với số đông đồng nghiệp ở miền Bắc trước 1975: Sinh trưởng trong một gia tộc thuộc “tầng lớp trên” thời Pháp thuộc; năm 1954 hầu hết họ hàng của tôi di cư vào Nam, chỉ riêng gia đình tôi ở lại miền Bắc vì bố tôi là một bác sĩ “chuyên môn thuần tuý” quá tin vào “hiệp thương tổng tuyển cử sau 2 năm” và chưa thấy được bản chất “Cộng sản” của Việt Minh; tuy nhiên bản thân tôi ham đọc sách tiếng Pháp từ nhỏ, được học tiểu học trong nhà trường “quốc gia” và Pháp, cấp 2 (Middle School) theo chương trình chuyển tiếp “quốc gia” sang “dân chủ nhân dân”, đến cấp 3 (High School) mới bắt đầu “nhà trường xã hội chủ nghĩa”; thêm nữa, từ 1954 đến 1975 tôi vẫn chịu khó đọc sách tiếng Pháp trong tủ sách gia đình và kho sách trong Thư viện Quốc gia được Sứ quán Pháp cung cấp. Có lẽ vì thế, khi vào Sài Gòn khá sớm sau 30/4/1975 để tìm mẹ và họ hàng, tôi thấy như được trở về đời sống tự nhiên của tuổi thơ mình vốn đã bị chế độ chính trị miền Bắc và tình trạng chiến tranh làm cho… quên mất!
Phải nói dài dòng thế, vì có thể nhận xét của tôi về đời sống và văn hoá miền Nam có phần chủ quan, cá biệt.

1. Về lối sống của người Miền Nam trước 1975 (xin viết tắt là LSMN) và ảnh hưởng của nó sau 1975

Xã hội miền Nam mà tôi thâm nhập trước hết là xã hội của bà con họ hàng thân tộc ở Sài Gòn. Họ vẫn giữ khá đầy đủ những đặc điểm (cả hay lẫn dở) của tầng lớp trung lưu Hà Nội trước 1954. Tất nhiên là nó đối nghịch với xã hội miền Bắc mà tôi sống trong 20 năm “cải tạo xã hội chủ nghĩa” và chiến tranh, ở đó chính quyền toàn trị biến xã hội thành một trại lính khổng lồ, tất cả cho cuộc chiến, mọi người chia sẻ với nhau cảnh nghèo nàn đơn điệu; ở đó sự “nông thôn hoá” Hà Nội khiến cho lối sinh hoạt bình dân, suồng sã đánh bạt lối sống đài các, thanh lịch của chốn ngàn năm văn vật… 
Nhìn một cách bao quát, LSMN là LỐI SỐNG TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI dưới một chế độ tôn trọng tự do cá nhân theo ảnh hưởng phương Tây (Pháp rồi Mỹ). Nó khá bất lợi trong việc tham chiến (thực sự là có góp phần không nhỏ trong việc miền Nam “thua cuộc”), nhưng lại có sức hấp dẫn tất yếu sau hoà bình đối với những người từng bị sống trong “trại lính khổng lồ”. Với người miền Bắc, lối sống ấy còn thêm hấp dẫn bởi nét hồn nhiên phóng khoáng vô tư của cư dân đồng bằng Nam Bộ cộng thêm tâm thế tự do bình đẳng của người công dân một xứ Nam Kỳ được hưởng chế độ trực trị lâu năm của Pháp. Chưa kể sự “phồn vinh giả tạo” mà viện trợ Mỹ đem đến cho Sài Gòn đã làm cho sức hấp dẫn tăng thêm bội phần; chỉ cần nhớ lại cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống đường Đinh Tiên Hoàng từ chuyến xe đò đường dài, tôi tưởng mình đang từ Việt Nam sang đến Paris!
LSMN càng được tiếc nuối sau khi con đường “xã hội chủ nghĩa” đưa kinh tế Việt Nam đến bờ vực, “con người xã hội chủ nghĩa” chưa thấy đâu đã phải được “cởi trói” để lao vào “tự cứu” bằng mọi cách, khiến cho chủ nghĩa cá nhân bị đè nén lâu nay bung ra một cách cực đoan theo luật con lắc! Thậm chí một số điểm tích cực mà những người sống có lý tưởng thực sự trong xã hội miền Bắc có được như tinh thần sống giản dị, cống hiến, tập thể, đồng cam cộng khổ… cũng nhanh chóng phai nhạt thậm chí biến mất ở số đông bọn họ! Nhưng điều đó không thể coi là do “ảnh hưởng tiêu cực” của lối sống “cá nhân chủ nghĩa”, “hưởng thụ” của miền Nam như “Tuyên giáo” gán ghép, mà chỉ đơn giản là phản ứng dễ hiểu mang tính “nổi loạn” của con người miền Bắc khi thấy “những ảo mộng tiêu tan” (Illusions perdues) trước mắt mình! Ngược lại, cũng không thể phủ nhận một số ảnh hưởng tiêu cực từ những tệ nạn của một xã hội thời chiến, dưới chế độ dân chủ chưa toàn vẹn, với sự lũng đoạn của “đảng Kaki” và sự hiện diện của hàng chục vạn quân viễn chinh (đĩ điếm, ma tuý, băng đảng, ăn cắp của công và tham nhũng) sau khi trật tự áp đặt của chế độ toàn trị bung vỡ! 


Có lẽ hai ưu điểm nổi bật của LSMN đã thâm nhập mạnh, sâu, rộng vào miền Bắc sau 1975 là:
– Tinh thần tự lập, tự vận động, tự định đoạt cuộc sống của cá nhân đã ngày càng chiến thắng thói quen “gà công nghiệp”, thụ động trông chờ “nhà nước, đoàn thể” mà chế độ tập trung bao cấp đã tạo ra trong thời gian dài. Nhất là sau khi nhà nước kiệt quệ, phải thả lỏng cho người dân “tự cứu”. Điều này có tính quyết định cho xã hội dần dần tự do hoá, thoát khỏi sự khống chế, ràng buộc của nhà nước toàn trị. Độc lập về kinh tế thì mới độc lập về tư tưởng. 
– Đời sống tâm linh, chủ yếu là niềm tin và thực hành Phật giáo. Phật giáo bị hạn chế và kiểm soát gắt gao ở miền Bắc đã hồi sinh sau 1975 nhờ được tiếp sức và truyền đạo từ miền Nam. Mặc dù tín ngưỡng bị nhà nước và bọn buôn thần bán thánh lợi dụng tối đa làm cho méo mó tha hoá khủng khiếp, Phật giáo chân chính trong cả nước vẫn phát triển khá mạnh nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của truyền thống Phật giáo miền Nam.

2. Đời sống văn hoá văn nghệ miền Nam và ảnh hưởng của nó sau 1975 nên được nhìn nhận trên cái nền tảng xã hội, lối sống như nói trên.

Tôi muốn nói lên những ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân trước khi nhận xét về đời sống chung mà mình quan sát.

Đầu tiên là âm nhạc
Hiện tượng Trịnh Công Sơn. Không thể quên cái buổi tối tháng 5/1975, nhóm bạn văn nghệ Hà Nội chúng tôi ngồi nghe băng “cối” ở nhà một người quen là sĩ quan công an được vào Sài Gòn ngay sau 30/4 đem ra. Có thể nói là một buổi xuất thần ít có trong đời! Mọi người chìm đắm vào không gian âm thanh ma mị, lôi hồn mình thoát khỏi thực tại, đi đến một thế giới hư hư thực thực không rõ là đâu nhưng hình như đó là sự giải thoát! Nói thêm là 7 năm sau đó, trong trại tạm giam của Bộ Công an ở ngoại thành Hà Nội, trưa nào tôi cũng ngóng nghe những âm thanh ấy phát ra từ phòng Giám thị trại! Nghĩa là nó chiếm lĩnh tâm hồn của số rất đông trong “Bên thắng cuộc”. Ca khúc Trịnh Công Sơn theo tôi là sản phẩm văn hoá độc đáo nhất của miền Nam, nó kết tinh cõi sâu lắng của tâm hồn người Việt trong một hoàn cảnh bi thương nhất của lịch sử, chưa từng có trong âm nhạc Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Nhu cầu ca hát, một trong những nhu cầu tự nhiên nhất của con người, sau nhiều năm bị “nhạc đỏ” độc quyền thống trị, đã bùng lên với “nhạc vàng” khắp phố phường ngõ xóm (trước sự ngơ ngác đáng thương của những người tù trong vụ án “nhạc vàng” ở Hà Nội khi trở về!). Đến mức bây giờ, nhạc “bolero” một thời vốn không được đánh giá cao lắm bởi giới có học ở Sài Gòn, nay đang “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm lĩnh không gian âm nhạc cả chính thống lẫn tự phát! (Tuy nhiên không ít người vẫn cho rằng thứ âm nhạc uỷ mị mà bolero là chủ đạo góp sức không nhỏ làm nản chí chiến đấu của người lính miền Nam, giống như điệu hậu đình hoa xưa!!!). 
Có một chi tiết thú vị về âm nhạc miền Nam: phong cách hát của ca sĩ. Các ca sĩ miền Bắc nhìn chung được học bài bản hơn, nhưng sau khi nghe ca sĩ miền Nam, số đông người nghe bỗng nhận ra cái gì đó không thú lắm ở lối hát miền Bắc. Thì ra kỹ thuật thanh nhạc không thay thế được tình cảm tự nhiên, càng không lại được cái hồn gửi vào tiếng hát, và bel canto của opera không thể cuốn hút bằng cái sự tròn vành rõ chữ tiếng Việt! 


Nói cho công bằng, việc tàn lụi của đời sống âm nhạc cổ điển thính phòng miền Bắc trước 1975 cũng đáng tiếc (do chiến tranh với không quân Mỹ ở miền Bắc từ 1965 và không còn được “bao cấp” đủ sau 1975); mãi gần đây nó mới bắt đầu hồi phục nhờ sự lớn lên của tầng lớp trung lưu sau 30 năm phát triển kinh tế mang tính thị trường.

Hội hoạ
Điều thú vị là trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn, tôi giao du nhiều nhất với các hoạ sĩ! Từ Nguyên Khai ở ngay gần nhà, đến Thái Tuấn, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Phạm Văn Hạng, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung… và tìm hiểu khá kỹ hội hoạ miền Nam trước 1975, đặc biệt là tác phẩm của các thành viên Hội hoạ sĩ Trẻ. Đến thập niên 1990, khi làm báo Lao Động, tôi đã có cơ hội viết bài giới thiệu về họ cũng như mời một số hoạ sĩ cộng tác với báo.
Có lẽ vì hội hoạ là “siêu ngôn ngữ” ít động chạm trực tiếp chuyện chính trị, nên các hoạ sĩ Sài Gòn có phần dễ được tiếp nhận vào đời sống văn nghệ sau 1975. Họ đã đóng góp rất nhiều cho đời sống nghệ thuật phong phú ở TPHCM, Huế, và tác động đáng kể đến việc hiện đại hoá phương pháp nghệ thuật của các hoạ sĩ miền Bắc cũ, như siêu thực, trừu tượng, cực thực… 

Sách báo
Khi vào Sài Gòn tháng 7 năm 1975, cái hấp dẫn chủ yếu với tôi là… núi sách ở chợ sách đường Đặng Thị Nhu và các tủ sách gia đình. Tôi hối hả mua, mượn về đọc, rồi chở ra Hà Nội! Vốn khao khát những kiến thức mới về khoa học xã hội nhân văn và văn học thế giới mà những nguồn sách tiếng Pháp ở Hà Nội rất hạn chế, tôi mê mệt với đống sách biên khảo của Lê Thanh Hoàng Dân, Nguyễn Hiến Lê… sách của NXB Lá Bối, các truyện dịch của nhiều tác giả khác nhau, từ Dostoivevski đến Kazanzaki, Remarque, Herman Hesse… các tạp chí văn chương và nghiên cứu như Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa…
Ảnh hưởng sâu đậm nhất đến nhận thức và sáng tác của tôi có lẽ là: Thiền luận của Suzuki và các sách Phật giáo, tiểu thuyết của Henry Miller, William Faulkner. Đặc biệt tư tưởng Phật giáo là phát hiện quan trọng nhất đối với tôi sau mấy mươi năm sống trong xã hội bị “vô thần hoá” thành duy vật tầm thường!


Sau “Đổi mới”, ngày càng nhiều sách biên khảo và dịch thuật của miền Nam được tái bản, cung cấp cho công chúng một thị trường kiến thức và giải trí phong phú chưa từng có; có những tác phẩm “hot” không kém ca khúc “bolero”, như tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung của dịch giả Hàn Giang Nhạn… tuy cũng bị trách là dịch phóng, không trung thành với nguyên tác; cũng như việc dịch và xuất bản nhanh để đáp ứng thị trường ở Miền Nam có phần hại cho chất lượng bản dịch! 
Phật giáo đang phục hồi trên khắp nước, lôi cuốn không ít người trẻ, có phần tác động quan trọng của những sách Phật học của miền Nam, trong đó nổi bật là các tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. 
Do báo chí là hoạt động mà đảng Cộng sản phải nắm rất chặt làm công cụ tuyên truyền dẫn dắt công luận nên ảnh hưởng của báo chí miền Nam (một nền báo chí đúng nghĩa) đối với báo chí sau 1975 thì chủ yếu ở mặt nghiệp vụ làm báo. Báo Tin Sáng của những người ủng hộ “Mặt trận Giải phóng” là tờ báo kiểu Sài Gòn trong chế độ mới rất được ưa chuộng. Sau “Đổi mới”, nhờ có sự nới lỏng, một số tờ báo ở thành phố HCM đã mạnh dạn sử dụng những nhà báo kỳ cựu của miền Nam, tạo nên sự khởi sắc của báo chí với khuynh hướng tiếp cận sự thật, điều tra độc lập, thông tin nhanh chóng, và các thủ pháp làm báo thị trường mà người Sài Gòn có truyền thống lâu đời được giới báo chí “bao cấp”học theo. Ảnh hưởng của lối làm báo ấy có thể thấy rất rõ đối với các tờ báo ở TP HCM (rõ nhất ở các báo Tuổi Trẻ, Lao động Chủ nhật…) và ngày càng rõ với các tờ báo ở Hà Nội. 
Sách báo miền Nam còn có tác động khá mạnh đến ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ viết miền Bắc. Không ít từ ngữ miền Nam đã nghiễm nhiên trở thành phổ biến toàn quốc, việc viết tên riêng bằng ký tự Anh ngữ đã thách thức và đang lấn lướt lối phiên âm Việt hoá lạc hậu và bất cập của miền Bắc. 

Giáo dục
Vốn là người làm việc lâu năm trong ngành giáo dục miền Bắc, khi vào các trường học miền Nam, tôi bị ấn tượng mạnh bởi sự nghiêm túc kỷ cương của lớp học và và sự lễ phép của học sinh. “Thầy ra thầy, trò ra trò”. Còn nhớ, nhà văn-thầy giáo Nhật Tiến một hôm rất “bức xúc” kể với tôi: Hôm qua anh đến trường, thấy trên bảng thông báo giữa sân trường có dòng chữ lớn: “Hôm nay mỗi thầy cô giáo 1kg thịt lợn!” Anh coi đó là sự xúc phạm không thể chấp nhận. Có lẽ đó là một “giọt nước tràn ly” khiến anh quyết định vượt biên! 
Giáo dục là lĩnh vực mà đảng CS nắm còn chặt hơn báo chí để thi hành chính sách biến con người thành công cụ. Có lẽ vì thế thực tình tôi chưa thấy được nhiều ảnh hưởng cụ thể của giáo dục miền Nam đối với giáo dục sau 1975, đặc biệt là nền giáo dục đại học theo đường lối “tự do học thuật, tự trị đại học”. Tuy nhiên nội dung giáo dục ngày càng bớt chính trị hoá, tính nhân văn được tăng cường, chắc chắn cũng có ảnh hưởng từ giáo dục miền Nam với triết lý DÂN TỘC, NHÂN BẢN, KHAI PHÓNG của nó. Một chi tiết đáng yêu: ở nhiều trường tiểu học miền Bắc hiện nay, thầy cô giáo với học trò xưng hô “thầy/cô – con” giống như miền Nam.
Trong lĩnh vực này, có một ngộ nhận, bộc lộ rõ trong cuộc tranh cãi ồn ào mới đây quanh việc “cải cách giáo dục”, “công nghệ giáo dục”: Có những ý kiến cho rằng chẳng cần “cải tiến” gì hết, cứ trở lại theo chương trình và phương pháp của nhà trường miền Nam cũ là xong! Những người nói như thế, có thể chỉ để phản ứng lại nền giáo dục đậm tính chính trị mà nhà nước toàn trị áp đặt cho lớp trẻ lâu nay, nhưng cũng cho thấy họ chưa để tâm đến những chuyển biến rất căn bản trong đường lối giáo dục của thế giới nửa thế kỷ gần đây, mà giáo dục Việt Nam hôm nay buộc phải cập nhật để thoát khỏi sự khủng hoảng không còn đất lùi.

3. Nói riêng về văn học

Bản thân tôi đã thích thơ Thanh Tâm Tuyền và Nhã Ca ngay khi có cơ hội đọc từ trước 1975 (mà những bạn bè làm ở bộ phận “Đô thị miền Nam” của Đài Tiếng nói VN cho mượn). Các nhà văn nhà thơ như Nhật Tiến, Hà Thúc Sinh là những người bạn thân gần với tôi trong đời sống ở Sài Gòn trước khi các anh vượt biên. Tôi khám phá dần dần kho tàng văn học miền Nam, đặc biệt chú ý đến những cách tân trong thơ Tô Thuỳ Yên, truyện Dương Nghiễm Mậu, đến sự thực trần trụi của những truyện và ký sự chiến tranh như của Phan Nhật Nam, Thế Uyên… Gần đây, tôi lại rất thích truyện Võ Phiến. Tôi vẫn tiếp tục khám phá và thưởng thức sự phong phú, đa dạng của văn học miền Nam trong quá trình sưu tầm cho mục “Văn học miền Nam 1954-1975” của diễn đàn Văn Việt mấy năm gần đây (đã lên tới khoảng 650 kỳ). 
Nếu văn học miền Bắc trước 1975 nói đại quát là nền văn học tuyên truyền nhằm phục vụ chiến tranh, “văn học phải đạo”, văn chương “đồng phục”, bị kiểm soát chặt chẽ, bị cô lập với thế giới (không kể vài biệt lệ vượt lên được nhờ tài năng và sự uyển chuyển; và số ít tác phẩm “chui” của các thành viên Nhân văn-Giai phẩm và “nhóm Xét lại”) thì văn học miền Nam trước 1975 là một nền văn học của đời sống tự nhiên,của con người tự nhiên, chân thực và hết sức đa dạng, đang phát triển mạnh mẽ trong một xã hội tự do và gắn bó với thế giới văn minh. Yếu tố ảnh hưởng phương Tây rất quyết định cho sự phát triển trong 20 năm này, có thể so sánh với giai đoạn hoàng kim của văn học hiện đại VN 1930-1945. Thật vô cùng đáng tiếc là dòng chảy đang cuồn cuộn ấy đã bị chặn đứng vì biến cố 30/4/1975, khiến cho văn học đương đại Việt Nam bị khựng lại rất lâu, mãi cho đến nay chưa phục hồi được cái đà phát triển. 
Sự tiếp xúc với Văn học Miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học “chính thống” miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân của nó đã dần dần “tẩy rửa” thói quen “tự kiểm duyệt” và “phục vụ chính trị”, giáo điều “hiện thực xã hội chủ nghĩa”… vốn ngấm sâu vào tâm trí của thế hệ cầm bút “chống Pháp chống Mỹ”. Chắc chắn nó đã khởi hứng cho những ý tưởng thay đổi mạnh mẽ của vài nhà lãnh đạo văn nghệ cuối thập niên 1970 như Trần Độ, Nguyên Ngọc… và của nhiều cây bút thành công từ sau khi có chính sách “Đổi mới” cuối thập niên 1980. Hầu hết những cây bút trẻ hiện nay ở Việt Nam đang đi theo tinh thần ấy. 

4. 

Tóm lại, nhìn một cách tổng thể, toàn bộ đời sống miền Nam, trong đó có đời sống văn hoá, văn học, trong 45 năm qua đã dần dần “giải phóng” người dân miền Bắc khỏi cái nhà tù lớn trong đó con người bị buộc phải giả tạo, “gồng mình” hoặc bị mê hoặc mà mù quáng tuân phục trong thời chiến và theo “định hướng XHCN”. “Giải thiêng”, “hoàn tục” hay “phá giới” tuỳ cách gọi, điều quan trọng là trở lại với CON NGƯỜI THẬT, CON NGƯỜI TỰ NHIÊN; CUỘC SỐNG THẬT, CUỘC SỐNG TỰ NHIÊN, với tất cả những mặt mạnh và yếu. 
Đến nay nó vẫn tiếp tục đóng góp vào tiến trình “giải Cộng” gian lao của đất nước! Chắc chắn sẽ đến một ngày, đất nước chứng kiến một cuộc phục hưng văn hoá, văn học, đi tiếp con đường mà văn hoá, văn học miền Nam đã đi. Con đường TỰ DO, NHÂN BẢN, HỘI NHẬP QUỐC TẾ. 

Hoàng Hưng

Related posts