Điểm tin thế giới Chủ Nhật 5/7

67% người dân Đài Loan xác định họ là người Đài Loan, không phải người Trung Quốc

Ảnh chụp tại Đài Loan (ảnh: Vernon Raineil Cenzon/Unsplash).

67% người dân Đài Loan xác định họ là người Đài Loan, không phải người Trung Quốc

Tờ Taiwan News cho biết, kết quả một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, khoảng 67 phần trăm người dân Đài Loan xác định họ là người Đài Loan. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành đầu tiên vào năm 1992.

Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ những người nhận họ là người Đài Loan đã tăng mạnh từ 56,9% vào năm 2019 lên 67%. Những người coi mình là người Đài Loan và người Trung Quốc đã giảm xuống còn 27,5%, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành đầu tiên vào năm 1992. Những người nhận họ là người Trung Quốc là 2,4%.

Ngoài ra, kết quả một cuộc khảo sát riêng biệt khác ​​hỏi về tương lai của Đài Loan cho thấy, khoảng 27,7 phần trăm người dân ủng hộ việc duy trì tình trạng hiện tại và dần tiến tới độc lập, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1994.

Những người ủng hộ việc duy trì tình trạng hiện tại còn độc lập thì sẽ quyết định sau đã giảm xuống còn 28,7%, trong khi những người muốn duy trì tình trạng hiện tại vô thời hạn cũng đã giảm xuống còn 23,6%.

Đối tượng khảo sát là công dân Đài Loan từ 20 tuổi trở lên.

Ấn Độ sẽ ngừng mua 2.8 tỷ USD thiết bị điện từ Trung Quốc

Bloomberg ngày 3/7 đưa tin, trong một cuộc họp với các quan chức ngành năng lượng, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh phát biểu rằng quốc gia Nam Á hoàn toàn có khả năng sản xuất mọi thiết bị điện.

Ông Singh tuyên bố Ấn Độ sẽ ngừng nhập toàn bộ thiết bị điện từ Trung Quốc và lên án việc Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ và khiến quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. “Vậy mà chúng ta lại tạo ra công việc tại quốc gia đó mà không ở chính nước chúng ta. Điều này không thể xảy ra”.

Theo ông Singh, Trung Quốc xuất khẩu 210 tỷ rúp (2,8 tỷ USD) thiết bị điện sang Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019 trên tổng số 710 tỷ rúp thiết bị mà New Delhi nhập khẩu cho các dự án điện không tái tạo.

Tổng thống Trump ‘thách’ ông Biden kiểm tra nhận thức

“Ông ấy không thể vượt qua bài kiểm tra mà tôi đã đạt điểm tuyệt đối. Ông ấy nên thử thực hiện bài kiểm tra này”, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm 3/7.

Trước đó, Tổng thống Trump từng hoài nghi về sức khỏe tinh thần của cựu phó Tổng thống Joe Biden – ứng viên tổng thống đảng Dân chủ. Ông Trump từng nhiều lần gọi ông Biden là “Joe Ngủ Gật”, thậm chí cho rằng cựu phó tổng thống Mỹ có chỉ số thông minh thấp.

Washington Post hồi tháng trước đưa tin Tổng thống Trump từng nói với một số trợ lý Nhà Trắng rằng, ông không tin ông Biden sẽ vượt qua bài kiểm tra nhận thức do bác sĩ Nhà Trắng từng đưa ra cách đây 2 năm để kiểm tra sức khỏe của ông.

Ông Biden năm nay 77 tuổi. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất từng tuyên thệ nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp giảm, thêm hàng triệu người có việc làm

Vào ngày 2/7, chính phủ Mỹ cho biết, nền kinh tế Hoa Kỳ có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6 dù phải chật vật phục hồi sau khi bị đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Văn phòng Thống kê Lao động Hoa Kỳ nói tỷ lệ thất nghiệp trong nước đã cải thiện, còn ở mức 11,1% vào tháng 6 so với con số chính thức 13,3% trong tháng 5.

Tổng cộng có tất cả 48,4 triệu lao động xin trợ cấp thất nghiệp trong thời gian 3 tháng rưỡi ghi nhận lây nhiễm virus corona tại Mỹ. Trước khi đại dịch đổ bộ lên bờ biển nước Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm, ở mức 3,5%.

Hàng triệu người thất nghiệp hiện đã trở lại làm việc, nhưng những người vẫn chưa có việc làm đang đối mặt với những khó khăn tài chính mới, với việc chính phủ Mỹ ấn định vào cuối tháng 7 sẽ chấm dứt khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung là 600 USD/tuần.

Tổng thống Trump gọi biểu tình Mỹ là ‘chiến dịch xóa sạch lịch sử’

“Đó là chiến dịch xóa sạch lịch sử, phỉ báng các anh hùng, xóa bỏ những giá trị của chúng ta và cố gắng thay đổi suy nghĩ của con cháu chúng ta. Tình trạng bạo lực mà chúng ta chứng kiến là kết quả có thể dự đoán sau nhiều năm truyền bá tư tưởng cực đoan và thiên vị trong giáo dục, nền báo chí và các tổ chức văn hóa khác”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu hôm 3/7.

Bình luận được đưa ra trong chuyến thăm núi Rushmore ở bang Nam Dakota, nơi chân dung 4 Tổng thống Mỹ gồm George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln được khắc trên vách đá.

Trong chuyến thăm núi Rushmore, ông Trump cũng tuyên bố sẽ không bao giờ giải tán cảnh sát hoặc tước quyền mang vũ khí của người dân. “Họ muốn bịt miệng chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không im lặng”, ông phát biểu, đồng thời cam kết thành lập “một công viên ngoài trời rộng lớn để đặt tượng của những người Mỹ vĩ đại nhất từng tồn tại”.

Trung Quốc đổ lỗi cho Tây Ban Nha gây dịch bệnh

Điểm tin thế giới tối 4/7: Trung Quốc đổ lỗi cho Tây Ban Nha gây dịch bệnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (ảnh chụp từ bản tin của sbs.com.au).

Trung Quốc hiện đang nỗ lực né trách nhiệm cho sự bùng phát đại dịch virus corona, khiến 11 triệu người bị lây nhiễm và hơn 500.000 người trên thế giới tử vong, khi nói rằng dịch khởi phát ở Tây Ban Nha chứ không phải Vũ Hán, theo news.com.au.

Cụ thể, cố vấn y tế cao cấp của chính phủ, ông Hoàng Khiết Phu đã trích dẫn nghiên cứu tại Barcelona phát hiện Covid-19 trong mẫu nước thải vào tháng 3/2019, đồng thời đề nghị các cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 trong tương lai cần tập trung vào Tây Ban Nha, theo The Sun.

Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập đã chỉ trích nghiên cứu này là thiếu sót và mâu thuẫn trước các bằng chứng mạnh mẽ cho luận điểm dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán hồi cuối năm ngoái.

Giám đốc Viện Di truyền học ĐH UCL tại Luân Đôn, Giáo sư Francois Balloux nhận định: 

“Lời giải thích hợp lý nhất của các mẫu thử nghiệm [tại Barcelona] này là sự trộn lẫn/nhiễm bẩn các mẫu thử”.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Mỹ ủng hộ Ấn Độ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc

Rick Scott, một thượng nghị sĩ có tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa, hôm thứ Sáu (3/7) đã tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng Ấn Độ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở khu vực miền đông Ladakh dọc Đường Kiểm soát Thực tế – biên giới Ấn-Trung – đồng thời khen ngợi chính phủ Ấn Độ đã duy trì nỗ lực đàm phán một giải pháp hòa bình cho vấn đề xung đột biên giới, theo Press Trust of India.

Trong một lá thư đề ngày 2/7 gửi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc cho sự mất mát của 20 binh sĩ Ấn Độ tại Thung lũng Galwan.

“Hoa Kỳ đứng về phía Ấn Độ khi các bạn chiến đấu chống lại sự hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tôi khen ngợi những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn trong việc đàm phán một giải pháp hòa bình”, ông Scott nói trong bức thư đăng trên Twitter hôm thứ Sáu.

Ông Scott đã chỉ trích Trung Quốc trong một loạt vấn đề, bao gồm trộm cắp công nghệ và từ chối mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài theo điều khoản gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tấn công tự do tôn giáo bằng cách giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo và cưỡng bức lao động, không giữ vững cam kết duy trì quyền tự trị cao độ của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung-Anh. Ông còn lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp cam kết với cựu tổng thống Obama, một phần trong nỗ lực thống trị thế giới của nước này.

Trung Quốc và Ấn Độ di chuyển quân đội ‘theo đợt’ ra khỏi biên giới tranh chấp

Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý rút lực lượng quân đội tại khu vực tiền tuyến biên giới “theo từng đợt”, để hạ nhiệt căng thẳng đang diễn ra sau vòng đàm phán mới nhất, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Giới quan sát cho biết thỏa thuận này cũng sẽ ngăn chặn các cuộc đụng độ bất chợt không lường trước, nhưng điều đó không đồng nghĩa với một sự rút lui việc triển khai quân đội của hai nước dọc biên giới dãy Himalaya và tình trạng đình chiến sẽ vẫn tiếp tục, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Nathan Law rời Hồng Kông

Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Hồng Kông, anh Nathan Law (La Quan Thông) đã rời thành phố cảng, anh tiết lộ trên trang Facebook cá nhân sau khi làm chứng trước một phiên điều trần tại Nghị viện Mỹ về luật an ninh quốc gia hà khắc Trung Quốc gần đây áp đặt cho khu vực bán tự trị này, theo CBC.

Trong một bài đăng Facebook cuối hôm thứ Năm (2/7), anh Nathan Law cho biết anh đã quyết định vận động cho nền dân chủ Hồng Kông từ hải ngoại và đã rời thành phố. Anh không tiết lộ nơi cư trú mới của mình, viện dẫn yếu tố rủi ro an toàn cá nhân. 

“Là một nhà hoạt động có tầm ảnh hưởng toàn cầu, những lựa chọn tôi có trong tay là rất rõ ràng: kể từ giờ giữ im lặng hoặc tiếp tục tham gia các hoạt động ngoại giao cá nhân để có thể cảnh báo cho thế giới về mối đe dọa đến từ sự bành trướng độc đoán của Trung Quốc”, ông nói. “Tôi đã đưa ra quyết định này khi tôi đồng ý ra làm chứng trước Nghị viện Hoa Kỳ.”

Canada sẽ thiết lập các quy tắc ngoại giao mới với Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc chính thức thi hành luật an ninh mới, Canada đã chấm dứt hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, hoãn xuất khẩu một số mặt hàng quân sự nhạy cảm như súng cao su và đạn hơi cay, đồng thời xem xét các biện pháp bổ sung bao gồm cho phép người Hồng Kông nhập cư tị nạn. Ottawa cũng cảnh báo công dân nước mình về khả năng bị bắt giam tùy tiện và dẫn độ về Trung Quốc đại lục trước bối cảnh luật an ninh mới.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Star hôm thứ Sáu (3/7), Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết ông đã nhận được những lời kêu gọi thay đổi chiến lược ngoại giao của Canada với Trung Quốc, nói rằng ông đang xúc tiến soạn các dự thảo quy tắc mới trong cách tiếp cận với Bắc Kinh trước một loạt các hành động gây hấn mới nhất của nước này, và công việc này hiện đang tiếp diễn “khi tình hình diễn tiến”.

“Chúng tôi thấy họ (chính quyền Trung Quốc) sử dụng một số biện pháp ngoại giao cưỡng chế, bắt giam tùy tiện. Chúng ta cần một khuôn khổ ngoại giao mới”, ông Champagne nói. “Rất nhiều nước sẽ phải xem xét lại mối quan hệ của họ [với Bắc Kinh]”.

Related posts