Điểm tin thế giới sáng 29/5: Hoàng Chi Phong kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng chống lại Luật an ninh

Hoàng Chi Phong kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng chống lại Luật an ninh

Thủ lĩnh phong trào sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã kêu gọi mạnh mẽ các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng lên tiếng phản đối dự luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc vừa thông qua đối với Hồng Kông, cảnh báo những hậu quả nhãn tiền có thể xảy ra đối với tình trạng tự chủ, tự do, bảo vệ nhân quyền ở Hồng Kông, cũng như những tổn hại về lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hoàng Chi Phong (Ảnh: Facebook)

Trên trang cá nhân, Hoàng Chi Phong cho biết bất chấp những nghi ngại của nước ngoài và sự chỉ trích của người Hồng Kông, Quốc hội Trung Quốc hôm nay đã thông qua luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông. Trung Quốc đã đơn phương áp đặt dự luật với âm mưu đen tối mà không có sự giám sát về mặt lập pháp và tham vấn từ cộng đồng.

“Phán quyết hôm nay chính là một cuộc tấn công trực diện vào ý chí của người Hồng Kông. Trung Quốc cũng ngang nhiên hủy bỏ lời hứa về quyền tự chủ của Hồng Kông theo Tuyên bố chung – một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý, đồng thời bóp nát chính sách “Một quốc gia hai chế độ” khi một cơ quan cảnh sát bí mật có thể thực thi luật pháp Trung Quốc ngay trong lãnh thổ Hồng Kông,” Hoàng Chi Phong viết.

Thủ lĩnh đảng Demosisto nói rằng cho đến nay, những người trung thành với Bắc Kinh vẫn tiếp tục hạ thấp các tác động bất lợi đối với nền tư pháp độc lập, cơ chế bảo vệ nhân quyền và tự do dân sự của thành phố. Anh nhận định dự luật mới sẽ giết chết các phong trào dân chủ Hồng Kông, bởi theo luật tương tự ở Trung Quốc, những người tìm kiếm công lý cho vụ thảm sát Thiên An Môn, ủng hộ Phong trào Dù và Biểu tình Hồng Kông đã bị kết án tù. 

Hoàng Chi Phong cũng chỉ ra những bất lợi mà người nước ngoài và các công ty, tổ chức quốc tế đầu tư vào Hồng Kông sẽ phải hứng chịu nếu luật mới được thực thi:

“Luật an ninh sẽ sẽ thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn nhân quyền và môi trường kinh doanh của trung tâm tài chính toàn cầu này, gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh và dẫn đến các phản ứng đấu tranh dân chủ trong khu vực.

Trong quá khứ, Hồng Kông có tường lửa để chống lại ảnh hưởng chính trị từ Trung Quốc, như việc bảo đảm bảo vệ nhân quyền, tư pháp độc lập và các quy định kinh doanh lơi lỏng. Đây là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp chọn Hồng Kông là điểm đến đầu tư.

Tuy nhiên, dự luật sẽ làm đổ vỡ nghiêm trọng các bức tường lửa của thành phố, đặc biệt khi một cơ sở cảnh sát bí mật do Bắc Kinh chỉ đạo sẽ được thành lập, và khi Bắc Kinh được phép định nghĩa cũng như áp đặt các quy định về an ninh quốc gia. Trước đây, Trung Quốc coi thị trường chứng khoán và dòng vốn là một phần của an ninh quốc gia. Dự luật sẽ là bước đệm cho sự can thiệp của Trung Quốc trong tương lai.”

Do đó, thủ lĩnh sinh viên kêu gọi cộng đồng quốc tế “cần có lập trường vững chắc hơn và cần thách thức cuộc tấn công của Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu có quy tắc của chúng ta.”

“Để bảo vệ lợi ích kinh doanh tại thành phố, đặc biệt là những người đã lựa chọn Hồng Kông làm trụ sở trong khu vực, điều quan trọng đối với các công ty là phải lên tiếng và phản đối việc thông qua dự luật. Duy trì tình trạng tự chủ của Hồng Kông là cách duy nhất để duy trì lợi ích kinh doanh.”

Trước các tổn hại đến lợi ích quốc tế, Hoàng Chi Phong kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng thể hiện sự phản đối chống lại dự luật, yêu cầu Trung Quốc rút lại dự luật.

Anh cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ, Châu Âu và Châu Á xem xét lại liệu tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông vẫn có thể được duy trì hay không, bởi khi luật được thực thi, Hồng Kông sẽ bị đồng hóa thành chế độ độc đoán của Trung Quốc ở cả phương diện luật pháp và bảo vệ nhân quyền.

“Tôi kêu gọi thế giới thực hiện mọi hành động cần thiết để gửi tín hiệu cảnh báo tới Trung Quốc về hành động bất chấp của mình,” Hoàng Chi Phong viết.

Ngân Hà

Đài Loan hứa hỗ trợ người dân Hồng Kông

Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ người biểu tình ở Vịnh Causeway hôm 27/5 (ảnh: The Epoch Times).

Chính quyền Đài Loan hôm nay cam kết hỗ trợ người dân Hồng Kông rời khỏi thành phố vì luật an ninh của Bắc Kinh.

Ông Trần Minh Thông (Chen Ming-tong), người đứng đầu Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan nói rằng chính phủ sẽ thành lập một tổ chức “viện trợ nhân đạo”, bao gồm hỗ trợ định cư, tư vấn, giải quyết việc làm.

“Nhiều người Hồng Kông muốn đến Đài Loan. Mục tiêu của chúng tôi là giúp họ định cư và bảo vệ họ”, ông Trần nói, đồng thời kêu gọi công chúng không sử dụng từ “người tị nạn” vì điều này có thể làm tổn thương người dân Hồng Kông.

Tuy nhiên, ông Trần không nêu chi tiết kế hoạch như quy mô và thời gian của chương trình viện trợ, song cho biết chính phủ vẫn đang bàn bạc chi tiết.

Chính phủ Trung Quốc thông qua nghị quyết luật an ninh Hồng Kông

(Ảnh chụp từ video https://youtu.be/Ugovjh30O2Q).

Quốc hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hồng Kông, một động thái được cho là bất thường và chưa từng có nhằm đưa lãnh thổ bán tự trị vào sự kiểm soát hơn nữa của Bắc Kinh.

Theo Reuters, nghị quyết được Quốc hội Trung Quốc thông qua với 2.878 phiếu thuận, một phiếu chống và sáu phiếu trắng trong phiên bế mạc kỳ họp thường niên ở Bắc Kinh hôm 28/5. Nghị quyết có tên gọi chính thức là “Nghị quyết Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hồng Kông để Bảo đảm An ninh”.

Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hiện được ủy quyền soạn thảo điều luật chi tiết. Dự luật có thể được ban hành trong vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông. 

Luật an ninh mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở Hồng Kông. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, cảnh sát chống bạo động đã được triển khai trên khắp Hồng Kông để ngăn chặn bất kỳ cuộc biểu tình tiềm năng nào.

Động thái này của Bắc Kinh được cho là có thể làm gia tăng sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trước đó, vào hôm 27/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự chủ để hưởng quy chế ưu đãi thương mại của chính quyền Washington nữa.

“Không ai suy nghĩ hợp lý có thể nói rằng, Hồng Kông duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục, khi nhìn vào tình hình thực tế hiện nay”, AFP trích lời ông Pompeo phát biểu trước Nghị viện Mỹ ngày 27/5.

Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết việc Bắc Kinh áp luật an ninh mới đối với Hồng Kông là “hồi chuông báo tử” cho quyền tự trị của thành phố, được bảo đảm dưới khuôn khổ “Một quốc gia, Hai chế độ” mà Bắc Kinh đã cam kết thực hiện khi được Anh trao trả vào năm 1997.

Hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Hồng Kông. Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đại diện cho các công ty Mỹ tại Hồng Kông, cho biết hôm 26/5 rằng họ “quan tâm sâu sắc” đến kế hoạch áp luật an ninh mới đối với Hồng Kông và thúc giục Bắc Kinh bảo tồn “Một quốc gia, hai chế độ”.

“Quyền tự trị của Hồng Kông… từ lâu đã là một trong những tài sản lớn nhất của nó trong việc thúc đẩy một nền kinh tế dựa trên luật pháp, sáng tạo, minh bạch, tôn trọng vai trò của thị trường”, Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố.

Nói đến hậu quả của việc thực thi luật an ninh mới đối với Hồng Kông, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết: “Đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, mà ở nhiều cấp độ, sẽ hủy hoại tình trạng đặc biệt của Hồng Kông, vốn là nền tảng cho vai trò là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và trung tâm tài chính quốc tế của nó”.

Đài Loan tính mua hỏa tiễn chống hạm tối tân của Mỹ

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm nay cho biết hòn đảo đang lên kế hoạch mua tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ do hãng Boeing chế tạo. Đây là loại tên lửa hành trình hiện đại mà Đài Loan có thể sử dụng để bảo vệ bờ biển.

Ông Chang nói thêm rằng nếu Mỹ đồng ý bán tên lửa Harpoon, Đài Loan sẽ nhận được loại vũ khí tối tân này vào năm 2023.

Hàn Quốc tái áp đặt giãn cách xã hội

Theo AFP, chính quyền Hàn Quốc hôm nay thông báo tái áp đặt hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ hồi đầu tháng khi số ca nhiễm nCoV mới tăng kỷ lục.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết bảo tàng, công viên và các triển lãm nghệ thuật sẽ phải đóng cửa trở lại từ ngày mai. Các công ty bố trí cho các nhân viên làm việc từ xa.

“Chúng tôi quyết định tăng cường tất cả các biện pháp giãn cách ở khu vực đô thị trong vòng hai tuần kể từ ngày mai đến 14/6”, ông nói.

Người dân được khuyến cáo tránh tụ họp hay đến chỗ đông người. Các cơ sở tôn giáo cũng được yêu cầu tăng cường biện pháp kiểm dịch. Tuy nhiên, kế hoạch tái mở cửa trường học đang diễn ra sẽ không bị trì hoãn.

Hàn Quốc hôm nay ghi nhận thêm 79 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số lên 11.344.

Mỹ yêu cầu Liên Hợp Quốc họp khẩn về Hồng Kông

Theo AFP, Washington hôm 27/5 yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về dự luật an ninh Hồng Kông, nhưng Bắc Kinh từ chối.

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về động thái của Bắc Kinh.

“Dự luật sẽ làm suy yếu cơ bản mức độ tự trị cao và tự do của Hồng Kông được đảm bảo theo Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984, đã được đệ trình Liên Hợp Quốc như một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý”, phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố. “Đây là một mối quan tâm toàn cầu cấp bách liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế”.

Tuy nhiên, tuyên bố cho biết Trung Quốc đã “từ chối để cuộc họp trực tuyến này được diễn ra”.

“Đây là một minh chứng khác về nỗi sợ minh bạch và trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc đối với các hành động của họ”, tuyên bố của phái đoàn Mỹ nhấn mạnh.

Related posts