Dịch corona và thất bại trong việc quản trị xã hội dân sự của ĐCSTQ

Sự hỗ trợ của các tổ chức dân sự trong nước trước mỗi thảm hoạ luôn có thể góp phần đáng kể giảm thiểu những mất mát mà người dân phải gánh chịu. Thế nhưng, trước dịch viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát ở mức độ chưa từng thấy, bộ máy chuyên quyền độc tài của Trung Quốc vốn luôn muốn “quản mọi thứ” vẫn sẵn sàng gạt họ sang một bên với mối lo về việc hình thành những tổ chức dân sự độc lập lớn mạnh có thể trở thành “thế lực” đe dọa sự cầm quyền của ĐCS.

Đã một tháng trôi qua kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán làm cả đất nước Trung Quốc rúng động. Mặc cho những con số được báo cáo giảm, vẫn còn rất nhiều hoài nghi về những “tin tức thắng lợi” từ nhà cầm quyền Trung Quốc.

Những tin tức truyền ra trên mạng cho thấy các bệnh viện tại thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc vẫn khẩn thiết kêu gọi sự tiếp viện đồ bảo hộ y tế. Sự trì trệ và thói quan liêu tại Hội Chữ thập đỏ địa phương đã khiến các bác sĩ ở tuyến đầu đối mặt với tình huống sinh tử khi thiếu vật tư y tế, họ có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.

Thực tế, chính con số mà nhà cầm quyền Trung Quốc tiết lộ đã cho thấy thực trạng này. Hơn 3.000 y bác sĩ đã bị nhiễm bệnh, đa số trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Nhiều người trong số họ đã nằm xuống vì dịch bệnh.

Bắc Kinh đã cho thế giới thấy họ có thể ngay lập tức đóng cửa nhiều thành phố, xây dựng vài bệnh viện chỉ trong hơn 1 tuần, kiềm giữ 1,4 tỷ người trong nhà hàng tuần lễ, nhưng đồng thời họ cũng phơi bày một yếu điểm chí mạng: Đó là họ không có khả năng hợp tác với chính người dân của nước mình.

Dịch corona đã phơi bày sự thiếu hoà hợp của thực tế xã hội dân sự tại Trung Quốc, nơi những hiệp hội dân sự như các nhóm doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các hội đoàn từ thiện và các nhà thờ thường bị nhìn với ánh mắt dè chừng. Khi dịch bệnh bùng phát ở mức độ chưa từng thấy, nhiều cá nhân và tổ chức sẵn lòng giúp đỡ. Trên thực tế, họ đã quyên góp được rất nhiều tài vật để gửi đến hỗ trợ cho tiền tuyến, nhưng đều vấp phải sự ngáng đường từ các quy định và luật lệ liên quan đến việc quyên góp, từ thiện, mà hình ảnh đại diện điển hình là Hội Chữ thập đỏ địa phương.

Không liên kết hay liên quan với Hội Chữ thập đỏ trên thế giới, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc là một tổ chức do chính phủ kiểm soát, nơi Bắc Kinh giữ độc quyền về các công việc liên quan đến tổ chức, phân phối hàng từ thiện. Chính quyền Vũ Hán khăng khăng rằng tất cả mọi hàng quyên góp đều phải thông qua chi hội địa phương, mặc dù ngay cả truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng phải lên tiếng chỉ trích về sự tham nhũng, kém hiệu quả của cơ sở này.

Khi hàng tấn đồ cứu trợ được gửi đến Vũ Hán, nó đã bị xếp trong kho của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc chi nhánh Vũ Hán trong nhiều ngày. Đứng giữa một bên là các bác sĩ tuyến đầu tuyệt vọng vì thiếu thiết bị bảo hộ, còn một bên là những người dân sốt ruột vì hàng chưa đến tay người cần nó, thì Hội Chữ thập đỏ vẫn giữ phong cách quan liêu chậm chạp thường thấy.

Trong khi đó, tại nơi tuyến đầu của dịch bệnh, các bác sĩ và y tá đã phải mặc những chiếc áo mưa dùng một lần thay cho áo choàng bảo vệ. Họ phải đeo những chiếc khẩu trang phẫu thuật bình thường trong khi tiến hành các xét nghiệm nguy hiểm. Họ phải mặc tã dành cho người lớn vì một khi họ cởi bộ đồ bảo hộ ra thì sẽ không thể mặc lại nữa, trong khi họ chỉ có một bộ để thay mỗi ngày.

Sau khi bị người dân chỉ trích mạnh mẽ, chính phủ trung ương lên tiếng can thiệp, thì chính quyền địa phương mới bắt đầu “đẩy mạnh” việc phân bổ hàng quyên góp. 

Theo mô tả của phóng viên The New York Times, khi Hội Chữ Thập đỏ Vũ Hán phát khẩu trang, họ chuyển thẳng phần lớn những thứ tốt nhất cho các cơ quan chính phủ địa phương thay vì việc phân cho các bệnh viện tuyến đầu.

Các dữ liệu được công bố cho thấy, ngày 11/2, Hội đã nhận gần 19.000 khẩu trang y tế N95, loại được coi là tốt nhất. Tuy nhiên, Bệnh viện Công đoàn – một trong những bệnh viện công lớn nhất của Vũ Hán – chỉ được phát 450 chiếc. Đó là một trong bốn bệnh viện “may mắn” được nhận khẩu trang. Sau đó, tất cả khẩu trang N95 còn lại được phân đến các uỷ ban y tế địa phương. 

Sự ôm đồm của một “chính phủ lớn” đã tỏ ra không hiệu quả trước dịch bệnh. Ông Duan Zhanjiang, một nhà tư vấn quản trị, cho biết chính phủ luôn tỏ ra bận rộn nhưng thực chất không hiệu quả, trong khi các lực lượng xã hội lại không được sử dụng, họ chỉ có thể đứng bên lề, lo lắng theo dõi. 

Ông Duan cho rằng chính phủ cần giới hạn việc tham gia gánh mọi trách nhiệm và tập trung nhiều hơn vào giám sát.

Nhưng đối với ĐCSTQ, điều đó là không thể. Chính quyền ĐCSTQ chưa từng ưa thích hay tin tưởng xã hội dân sự. Họ nghi ngờ bất cứ tổ chức nào có thể có khả năng tạo thách thức với vai trò lãnh đạo của mình. Chính quyền ĐCSTQ đã luôn dùng bàn tay sắt với các tổ chức phi chính phủ, các nhóm nhân quyền, từ thiện, cũng như các nhóm tôn giáo. Đảng không muốn bất cứ điều gì xen vào quyền lực giữa họ và 1,4 tỷ dân Trung Quốc.

Trên thực tế, tại Trung Quốc, nhiều hội đoàn lớn và các cá nhân giàu có rất tích cực đóng góp hỗ trợ, nhưng thường họ chọn cách ẩn danh hoặc cố tránh gây chú ý do lo sợ làm mất lòng một chính phủ luôn sẵn sàng nhận công trạng về bất kỳ thành tích nào, trong khi luôn tỏ ra nghi ngờ về các “thế lực thù địch.”

Để đối phó với tình hình, nhiều người đã thành lập các nhóm tự phát trên mạng xã hội và tìm cách trực tiếp hỗ trợ các bệnh viện và các y bác sĩ. Một doanh nhân trong một nhóm như vậy đã chia sẻ với báo New York Times rằng nếu đường đường chính chính mà làm mọi việc theo đúng quy định của pháp luật, thì họ sẽ chẳng giúp được ai hết, nhưng mạng sống con người phải đặt lên hết thảy, vì thế họ sẵn sàng hành động.

Những bức ảnh và băng hình chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một lượng hàng lớn gồm quần áo bảo hộ, kính, cồn y tế đã được các tình nguyện viên chuyển trực tiếp cho các bệnh viện. Một người tình nguyện họ Trương (bí danh) cho biết anh đã gần như bật khóc khi thấy các bác sĩ và y tá tại phòng khám địa phương không có gì để bảo vệ ngoại trừ khẩu trang thông thường. Anh nói người đứng đầu phòng khám đã quá xúc động và biết ơn đến nỗi bà tặng lại cho nhóm anh bốn quả dưa hấu.

“Chúng tôi chỉ là một con thuyền nhỏ với năng lực rất hạn chế,” bà Pada Yin nói với báo New York Times. Bà là một nhà thiết kế ở Bắc Kinh và đã tổ chức một nhóm tình nguyện viên khoảng 200 người trên WeChat để giúp tìm các thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế tuyến đầu. “Mọi người tới chỗ chúng tôi vì họ biết sẽ nhận được đồ nhanh chóng,” bà nói.

Những người tình nguyện như anh Trương và bà Yin đã quyên góp tiền mua các vật tư y tế qua mạng xã hội. Nhiều thành viên trong những nhóm tự phát trên mạng xã hội như vậy là các chủ doanh nghiệp, nhưng họ không dám đưa tên thật vì sợ bị gây khó dễ.

Dịch corona đã bộc lộ nhiều điểm yếu của nhà cầm quyền Trung Quốc, một trong số đó là sự thiếu tin tưởng và thiếu gắn kết với xã hội dân sự. Chính quyền Trung Quốc đã gạt ra ngoài lề những người dân của chính mình, những người mà lẽ ra có thể trở thành ‘đồng minh’ của chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Thay vào đó, nó đã tự khoét sâu thêm sự ngăn cách và mâu thuẫn với người dân, cũng như bộc lộ sự yếu kém trong quản trị và sự sợ hãi trước việc bị mất quyền lực. Đó là những điều người dân Trung Quốc ngày càng thấy rõ hơn bao giờ hết.

Lê Xuân

Related posts