Đêm muôn màu

Truyện Cung Tích Biền

Đêm muôn màu là truyện thứ ba –  truyện cuối trong chùm ba truyện ngắn viết năm 2015 của Cung Tích Biền.

Nhà văn Cung Tích Biền

Kèm với truyện ngắn này là bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về Cung Tích Biền. Bài viết như nhằm chia sẻ bớt cái đau của một người viết cho người đọc, chia sẻ cái đau của một người cầm bút – người bạn văn mà Du Tử Lê hẳn yêu quý và tin tưởng…

Mời bạn đọc…

VĂN VIỆT

“Con ai đem bỏ nơi đây,

Thế gian đâu chỉ một này mà thôi”

CTB

1.

Hồ sơ về Kỷ vật:

Thư của Manh Manh:

Chị Mành Mành thân yêu,

Kỷ vật là con của chị? Em biết.

Chị say đắm trong một tình thương hiếm có của tình mẹ con? Em biết.

Nhưng em phải viết ra/ghi lại những dòng này, vì quanh đây còn ánh mặt trời. Kỷ vật phải được soi sáng, rõ thực là từ đâu tới.

Ngoài thương yêu, dâng hiến cho đứa con từ tình mẹ, chị không có một quyền năng gì để thay đổi được sinh mệnh của cháu.

Kỷ vật chỉ là một Hậu quả, không là một Tương lai. Hôm nay, xã hội người đã một mực đi tới tương lai, quên những gì đã tạo, và để lại, từ quá khứ.

Có nên xem Quá Khứ là một cái hố sâu nay đã được san bằng, để an nhiên trồng cây hái trái? Cây trái ngọt, hoa lá tươi, vì may mắn có quá khứ bón màu?

Chị hãy nhớ bản kê khai này:

Bốn giờ sáng, một ngày của năm 1980, em đang say ngủ thì con chó Ung đánh thức em dậy, qua vài cái cào nhẹ vào cánh tay em.

Ung dẫn em ra cái gốc cây khô. Ai đã đặt vào chỗ đó một cái bọc vải. Nghe có tiếng khóc yếu ớt của một hài nhi trong đó.

Thời này mọi thứ thiếu thốn. Thiếu điện nước gạo cơm. Trời đất hãy còn tối đen trong một khu vườn không đèn đóm. Em hoảng sợ. Nhìn con Ung, em liếc mắt ra dấu cho nó, là,  Mày hãy vào nhà gọi thêm người.

Con chó Ung vào nhà, thức chị dậy. Lát sau Ung dẫn chị ra theo. Chị cầm một cây đèn bấm gần hết pin. Chị như cầm trên tay một cây nhang soi đường.

Cái bọc vải được mở ra. Một cái gì rối rắm mù mờ, một hình người thịt xương sắp xếp lộn xộn. Em sợ quá, bỏ đi chỗ khác. Những chòm sao khuya đêm không trăng sáng rực rỡ hơn mọi đêm vì, có thể, dương gian này đang cần thứ ánh sáng ấy.

Chị ẵm đứa bé vào nhà.

Trông chị như một con người cha mẹ đúc ra bằng sắt thép, không sợ hãi, không buồn vui. Bật ngọn đèn sáng hơn. Em thét lớn “quái thai”.

Chị vả mạnh một cái vào cái mồm ăn nói bậy bạ của em.

Lúc chị đi tìm khăn lau, Con Ung thè lưỡi liếm quanh em bé dị dạng. Làm như con của nó. Con chó này cái gì của con người nó cũng cặm cụi tham dự. Nó câm mà nặng tình.

Người em bé đầy những gì quanh người như nhớt con cá lóc mới chộp được từ sông hồ.

Chị đập con Ung một cái nhẹ, nạt nó, Không phải việc của mày, ra chỗ khác chơi.

Chị dùng nước ấm lau nhẹ nhàng cái hình dạng vừa nhìn thấy đã đau lòng. Chị âu yếm sợ nó tan vỡ như ta gìn giữ lau chùi cẩn thận một cái lọ thủy tinh quý hiếm.

Trời đất sẽ cảm ơn chị nuôi dưỡng thương yêu Kỷ vật còn hơn những người-mẹ-thường-tình nuôi/thương đứa-con-bình-thường.

Chị Mành Mành,

Em nhớ hồi ấy trong bọc vải có một lá thư ngắn, có thể người mẹ đã viết sẵn trước khi mang đứa con thân yêu đặt vào chỗ góc vườn nhà chúng ta.

Đây là nội dung lá thư từ người Mẹ bỏ con thuở ấy:

“Tôi xin chịu tội với trời đất đã không nuôi được đứa con chính mình đẻ ra. Kiếp sau, tôi xin làm kẻ tôi tớ, trúc mai đền bù cho những ai đã nuôi dưỡng đứa bé bất hạnh này. Đa tạ.

Một người mẹ đã mất nhân lương”.

Trời đã chiều lung. Chỗ cổng nhà có một người đàn ông đứng nhìn vào bên trong. Cổng vườn nhà Phiêu Thiền không bao giờ khóa, một khe hở luôn trống giữa hai cánh khép hờ. Người đàn ông vẫn đứng đợi. Không có chuông reo. Anh ta đập nhẹ tay vào cánh cổng lần nữa.

Anh đã nhìn thấy cái gốc cây khô trong vườn, thầm nghĩ: “Có thể cô Nhàn nói đúng”.

Bước lên mấy bậc thềm nhà, người đàn ông tên Khôi, chỉ vừa tuổi bốn mươi đã cảm thấy đuối sức, mệt từng hồi, cánh tay ốm o vịn vào thành cửa cho bớt run. Trời chiều tháng sáu đầy nắng, anh vẫn thấy lạnh, cần một chiếc áo ấm.

Bị ung thư di căn vào thời kỳ cuối, theo lời khuyên của bác sĩ, Khôi phải nằm tại nhà, nhất mực được chăm sóc. Ra đi anh có thể gục chết giữa đường. Nhưng anh trốn nhà ra đi. Khôi cần làm một việc cuối đời, trong những ngày ngắn ngủi còn lại.

Anh đi tìm một kết luận. Anh luôn bị ám ảnh bởi một quá khứ rẫy đầy những ám ảnh.

Câu hỏi được đặt ra, từ cái đêm người vợ ôm đứa con vừa lọt lòng, trốn nhà ra đi. Vừa sinh con, cô con yếu lắm, cần chăm sóc, nhưng cô trốn biệt.

Hồi ấy anh đi xa, chưa thấy mặt con. Khi trở lại, mọi việc đã trở nên hoang mị. Mọi người, cả cha mẹ, anh em trong nhà đều câm lặng, những tiếng thở dài, hoặc có nói là nói khác đi những gì đã xảy ra với vợ con anh. Họ tình nguyện chôn mình trong một bí mật, nhất mực đẩy anh ra khỏi sự tuyệt vọng. Mong anh có một giấc mơ khác hơn cái hiện thực tàn tật, cái tương lai khốn cùng trong hoàn cảnh.

“Anh ơi, con chúng ta, cái kết quả tình Bắc duyên Nam không như chúng ta mong đợi”. Đó là vỏn vẹn một dòng thư của vợ anh để lại.

Lá thư ngắn ngủi này do cô Nhàn, một người bạn gái của vợ anh giữ gìn, mãi lâu sau mới trao cho anh. Nhàn, vì nỗi ăn năn, vì hiểu rằng Khôi cũng đã tới cuối con đường, nên cô trao lá thư, và thuật lại cho Khôi tường tận sự việc, cả địa chỉ mà vợ của anh đã bỏ đứa con tại đó.

3.

Khôi ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong phòng ngủ, cũng là phòng sinh hoạt của hai mẹ con Mành Mành. Phòng khá rộng. Cái lạ, cô không tiếp Khôi tại phòng khách mà đưa anh thẳng vào trong.

Khôi đã hiểu là người phụ nữ vừa ngoài hai mươi này yêu thương đứa con tàn tật của mình biết là bao. Anh thẫn thờ nhìn quanh, nghe khóe mắt ướt, chỗ cổ họng nghẹn lại, muốn trào lên một nỗi đau đã từ lâu quặn đắng  trong lòng.

Mành Mành đã mua sắm cho con anh, dù thời buổi khó khăn, hàng chục loại đồ chơi đẹp đẽ chất đầy cả hai cái kệ. Chiếc nôi là giường ngủ của con treo những búp bê, lồng đèn, kèn nhựa, âm thanh nhỏ vang ra tiếng nhạc dịu nhẹ. Các loại áo quần, cả chiếc áo ấm Mành đều đi tự may, vì không mua đâu ra loại áo quần đặc biệt cho em bé dị hình này. Trên một chiếc bàn nhỏ ngoài những thức ăn dặm, sữa uống là vô số những lọ thuốc bổ tăng trưởng, thuốc chữa bịnh, cả thuốc cấp cứu tại chỗ. Con của anh, Kỷ vật, ngoài sự tàn tật còn mang rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo, cả bệnh tim bẩm sinh.

Anh cũng rất ngạc nhiên thấy trên giường ngủ của Mành Mành, bên phía tường có mớ sách dạy nuôi con. Mành Mành, chưa chồng, chưa biết sinh đẻ là gì, nay phải học cách nuôi con, lại một đứa con đặc biệt trong trời đất.

Khôi bàng hoàng khi được Mành Mành bế Kỷ vật quay về phía cha. Anh vội vàng quỳ xuống. Anh một lạy cái tình thiêng, giờ phút hội ngộ cha con hằng mong đợi. Anh một lạy thánh nữ.

Mành Mành tay ôm con, tay vội nắm cánh tay Khôi, ý bảo anh không nên làm vậy. Cô nhận ra hơi lạnh từ bàn tay người đàn ông đối diện. Anh gầy quá, sự tàn tạ này còn đau đớn hơn nỗi tàn tật vô minh của con anh.

Mành Mành dìu người người đàn ông như đang ngất đi ngồi lại trên chiếc ghế nhỏ. Cô lấy một chiếc khăn, tẩm nước ấm lau mặt cho anh. Cô nhận ra mùi người đẫm mồ hôi. Anh không được chăm sóc, lại qua những ngày lăn lội đi tìm. Cô hỏi:

– Tôi chế cho anh một cốc cà phê nhé, cho tỉnh người, anh dùng được cà phê?

– Bệnh của tôi phải kiêng cà phê, nhưng xin một cốc đêm nay.

***

Mành Mành hiểu rằng con của Khôi dị dạng có nghĩa Khôi đã bị phơi nhiễm rất đậm chất độc da cam. Anh ở đâu để bị phơi nhiễm nếu không từ trong, hoặc gần rừng núi? Ai là Người-Trong-Rừng-Núi? Ai là người làm cho Sài Gòn điêu linh?

Có bị phơi nhiễm từ cha mới truyền sang qua con. Mành Mành, cả gia đình cô, đều biết rất rõ từ trước, Kỷ vật từ đâu ra. Biết rõ là như thế, nhưng ta có đành lòng phân loại, kể ra thành phần Tả-Hữu, nghịch cảnh Bắc-Nam, để loại Kỷ vật ra khỏi lương tri.

Cô yêu thương, nuôi dưỡng Kỷ vật với toàn vẹn lòng thành, của cái tình thiêng tự nhiên như được thánh hóa giữa những con người. Tự nhiên? Vì cô hiểu ở đây không là sự ra ơn, càng không cần viện ra một thứ đạo lý hào nhoáng nào.

Súng đạn thì có giới tuyến. Nỗi đau, sự tàn tật, là vô biên. Tình thương, dù lớn lao bao nhiêu cũng chỉ là cái bọc nhựa mong manh bên ngoài, càng trang trải càng thấy thiếu hụt bấy nhiêu.

Mành Mành ngồi nhìn Khôi rồi nhìn đứa con của anh, cô lại nghĩ lung. Rồi cô tự hiểu, với lòng thương xót tràn đầy, đây là lúc cô cần phải cẩn trọng khi đối diện với Khôi, một linh hồn nát nẫm như triệu triệu bụi mù của bao linh hồn bị xay bột.

Cô cố tránh những điều làm anh đau đớn. Cái tàn cuộc này, cha và con này, đã là quá lớn lao, là tận cùng của địa ngục rồi.

Và, địa ngục vẫn đang tràn đầy những đặc sản chính nó cho bất cứ ai, được nó mang tới, biếu không.

4.

Khôi ẵm con một cách vụng về. Đầu gối hình gần góc vuông với thân mình của Kỷ vật thọc vào hông, bụng anh hoài. Cha không nói gì, đứa con hai tuổi chỉ ú ớ vài nguyên âm.

Qua khung cửa sổ, bên ngoài sân vườn một đêm không trăng. Bóng đêm được chia chác với vài ánh đèn thiếu điện nhập nhòa.

Chừng như có ai đi quanh đây trong đêm, bước nhẹ hơn cả tiếng lá rụng. Lúc này, một người xa lạ tới nhà một ai đó, tức thì một người quen thuộc trong tổ dân phố quanh đây có thể sẽ tới gần, có khi sẽ nhòm lén qua cửa sổ theo dõi, có khi cố lắng nghe, cả nỗi đau tận cùng trong tâm can kẻ khác. Bóng Tối này không của riêng ai.

***

Mành Mành bảo Manh Manh:

– Kiếm cho tao hộp kem đánh răng, cái bàn chải, xà phòng, một cái khăn lau mặt, tất cả đều phải mới nguyên.

– Chi vậy?

– Đêm nay có khách. Sớm mai đánh răng.

– Ông ấy có ngủ trong phòng dành cho khách không? Em dọn chỗ nằm?

– Ngủ luôn trong phòng của tao.

– Ngon quá chời, đêm nay có chồng.

– Cái con khỉ, bộ chung phòng là anh này trên bụng cô kia hà?

– Đương nhiên cả hai chị em mình là gái “chưa có dấu tay trên ngực”. Bao nhiêu lần chị bảo đau đẻ là cái đau hạnh phúc của người đàn bà mà tụi mình chưa biết nó đau ra làm sao. Phải có cái chi bỏ vô trong buồng trứng mới có cái đau xanh trời đỏ đất đó chứ!

– Thôi bớt cải lương rườm rà đi con nhỏ.

Manh Manh lại đùa:

– Rồi có tí tẹo gì trong đêm thâu không?

– Cái con khỉ này, đồ tanh hôi.

***

Đêm mềm như lụa. Mành Mành thầm nghĩ, “Cha con họ phải được nằm chung, ngủ chung với nhau”.

Giường ngủ của Mành Mành rất rộng. Cô dọn dẹp mớ sách bên trong, phía sát bờ tường, đặt một cái gối đầu, một chiếc mền. Suy nghĩ một chút, cô lấy cái gối ôm của mình giao luôn cho Khôi. Cô nói:

– Anh nằm phía trong tôi nằm hầu phía ngoài này, còn phải pha sữa, làm vệ sinh cho thằng nhóc, có khi nó khóc thâu đêm.

Cô vặn nhỏ tiếng nhạc. Tắt đèn. Căn phòng chìm trong ánh sáng dịu nhẹ của ngọn đèn ngủ.

Kỷ vật chừng mơ hồ cái hơi cha, cái hòa hợp huyết thống, đồng điệu màu máu độc, em ngủ một giấc ngon lành. Khôi không sao ngủ được, nhìn con, sờ con, lại nằm ngửa nhìn trần nhà, phút gặp nhau sau mong đợi sao mà trắng nõn, bạc lòng.

Mành Mành nằm ngoài, quay lưng về phía Kỷ vật, nhường con cho cha nó ôm một lúc. Khó ngủ quá chời. Cô lại thấy cái bụng lạnh lạnh, cái ngực trống vắng, hai cái vú thiếu cái gì đè lên, bàn tay thiếu cái gì để cầm nắm, à… thì ra thiếu cái gối ôm thường quen. Cô cười trong đêm.

5.

Đêm miền Nam, cả Khôi và Mành Mành có khi tự hỏi, “Tôi nằm chung giường với ai đây?”.

Mành Mành nhìn Khôi và con. Hai nụ cười héo úa. Không là của hân hoan gặp gỡ. Trong bóng tối muôn năm tối này, đó là dị dạng từ những nỗi đau. Là cô đọng từ những máu không may mắn thành máu. Là tiếng hát sâu bọ từ tim sang não người.

Cô nghe hơi thở rất khó khăn của Khôi trong giấc ngủ. Anh không thể đuổi cái định mệnh, cái đã phải cam chịu trong đời mình ra khỏi giấc ngủ.

Mành Mành quay vào trong, định đặt bàn tay lên người Kỷ vật như cô đã thường âu yếm ru con ngủ. Chỗ đó đã có một bàn tay người đàn ông xa lạ. Cô đặt bên cạnh. Một lúc Khôi cựa mình, úp bàn tay mình lên tay Mành Mành. Những da thịt âm dương chồng lên nhau trên một thân thể tàn tật. Mành Mành để yên, cô muốn Khôi tìm một chút ấm lòng.

Cô lại thấy cơ thể mình hoang trống, cái bụng, vú, cái ngực. Cô rất muốn ôm con siết vào lòng lúc này tìm chút lửa ấm. Nhưng Kỷ vật đang chĩa hai cái đùi dị tật về phía cả cha lẫn mẹ. Kỷ vật luôn nằm ngửa hoặc nằm úp, không thể nằm nghiêng. Không nghiêng về một bên nào được. Em như cái thế trung lập, cái lực lượng thứ ba tật bệnh chia cách.

6.

Mành Mành rất sợ những đêm khó ngủ. Khuya khoắt, trôi nổi bồng bềnh với không gian trắng toát hoặc vàng cháy trong mắt nhắm, nhắm để cố ngủ, để bình yên né tránh ác mộng. Những đêm, nàng thường mơ thấy anh trai mình trở về. Thuở ban đầu anh mặt đồ lễ phục của Sĩ quan Quân trường, rất đẹp. Về sau là đồ trận. Lần cuối cùng anh trai trở về, lại rất khác. Khuôn mặt hào hoa xinh đẹp của anh bị bể một mảng xương cằm… Rồi cô lại nhớ người yêu, một luật sư đang tập sự dở dang rồi gặp cuộc Đổi Đời. Anh vượt biên không tới nơi, không trở lại, anh mất tăm. Cô chẳng thể nào, dù tưởng tượng, cũng chẳng thể hiểu ra “Đường Đi Của Biển” ra sao. Có thể biển là cái lỗ đen kỳ ảo.

Cô thu mình, bó gối ngồi góc giường. Cô nhắm mắt, bàng bạc những cái chết chập chờn. Nỗi đau thì có thật, lai láng chảy cùng máu chân thân. Là rầy nâu, những linh hồn héo úa màu da cam, tiếng chim câm trong máu tủy.

Đây là thế giới một dòng giống chung giường. Khôi, người cha của con nàng đang thở. Kỷ vật, con của nàng đang thở bên cha. Những tình ái hụt hơi. Những nỗi đời bị treo cổ.

Mành Mành rất sợ phải run rẩy trong cái bóng tối luôn đụng phải xác chuột chết, thấy tượng Phật phát cháy sáng rỡ, cháy luôn chùa chiền, đầu trọc phát hỏa, vì Phật tử đốt nhang khói quá mạng, rồi thằn lằn đứt đuôi, cái đuôi một mình run mãi… Cô vớ một quyển sách ngôn tình. Con khỉ Manh Manh ưa tha về nhà những thứ chữ nghĩa hoa lá cành, tình ái mít ướt. Cô đọc không quá vài trang, những hàng chữ đã xiêu vẹo, nhạt nhẽo. Những mối tình đắm say dạng rau cải. Những éo le, chia ly boléro cập nhật. Văn chương ướt đẫm tinh khí tinh trùng chỗ đùi mông… Mành Mành lại sờ ngực mình. Tự bóp vú thì chẳng thú vị gì.

7.

Ba giờ sáng, chẳng ai ngủ được. Mành Mành pha hai ly sữa. Cả hai cùng ngồi trên ghế, nơi bàn làm việc của Mành Mành. Khôi yên lặng, cố giấu tiếng thở dài.

Mành Mành cắc cớ lại hỏi:

– Anh nghĩ gì về thân phận mỗi con người chúng ta?

Khôi thực lòng:

– Tôi chưa có dịp làm người. Chúng tôi chỉ là Cái-được-dùng. Giống như súng đạn, xe cộ, tấm ván lót cây cầu, là một khối cốt mìn.

Mành Mành có phần kinh ngạc về cái phẩm hạnh hiếm thấy trong nhân loại là, “tình nguyện làm vật dụng” nơi một con người.

Cô lại hỏi:

– Hiện tại anh màu gì?

Khôi chậm rãi, có phần buồn nản nhưng rất thân mật khi gọi Mành Mành là em. Anh dùng ngón tay lần lượt chỉ vào đầu, vào ngực, rồi chỉ xuống dưới, và nói:

– Tôi ấy à, thằng người Đỏ chuyển màu. Một chuyển màu khó khăn vì nó đã là da thịt. À, trong châu thân lẻ loi này à? Một cái đầu hoang mang hối tiếc, một trái tim máu độc. Và, một nhiệm vụ lưu giống truyền nòi, nối tiếp tương lai, nhưng tôi đang để lại cho em cái gì em hẳn biết.

8.

Trong lúc đang trò chuyện, Khôi bỗng co quắp, run giật như bị một cơn động kinh, ngã gục trên đôi tay nhanh chóng đỡ của Mành Mành. Cô ôm chặt Khôi để anh khỏi va xuống nền nhà.

Anh lại bắt đầu những cơn đau thường nhật. Nó làm anh ngất đi mau chóng. Bọn tế bào vô lại đã làm ung vỡ, bấy nát những tế bào chân chính, bọn giặc máu cuồng điên lộng hành, gây bão trong cuộc đời Khôi.

Lúc đầu, mới thấy chuyện lạ lùng, Mành Mành hoảng hốt chưa biết cứu cấp ra làm sao. Cô gọi Manh Manh. Manh Manh bận bồ đồ ngủ chạy vội tới. Cô sợ hãi, đứng như đinh đóng chỗ bậc cửa ra vào.

– Lẹ đi, nhào vô đỡ giùm một tay, con khỉ. Tao đi lấy thuốc. Tiêu đời rồi.

Hai chị em đặt Khôi nằm trên giường, bên cạnh Kỷ vật. Em bé dị dạng lúc này đã thức giấc. Em nhìn quanh một cách khó khăn.

Mành Mành nhặt vội cái xắc vải của Khôi, đặt dưới ánh đèn bàn lục tìm, thuốc uống anh mang theo phòng ngừa. Manh Manh ôm người Khôi, tay cô đỡ chỗ cần cổ để Mành Mành bỏ mấy viên thuốc, chẳng biết là thuốc gì, móc trong túi dết ra, là bỏ vào miệng Khôi. Cho anh uống nước, dùng khăn lau nước miếng thều thùa, vài lời nói mềm mại an ủi. Hai chị em đặt anh lại vị trí giữa giường, nằm yên ổn.

Một lúc, Khôi cố gượng dậy, anh chỉ tay về phía Kỷ vật, ngầm muốn ẵm con. Mành Mành bảo anh nằm yên. Nàng bế đứa con dị dạng đặt úp lên ngực của Khôi. Anh lim dim mắt.

Bóng tối không giúp ích được gì. Ánh sáng càng vô dụng. Ngày lên, mặt trời bảnh bao phần mặt trời. Mớ nắng tươi rói. Có ai ngợi ca, “Bình minh đã sáng ngời…”.

Khôi vẫn nhắm nằm yên, như đang bất tỉnh, như đang mơ một giấc mơ dài. [*]

Xóm Gà Gia Định, tháng Tư, 2015

Cung Tích Biền: Oan khiên, nhưng vẫn không lỗi hẹn với chữ, nghĩa

Du Tử Lê

Tôi vẫn nghĩ con người là con vật bị ngộ nhận. Chẳng những bị ngộ nhận bởi xã hội mà, con người còn là nạn nhân hay con tin của những oan khuất, do bẫy sập của định mệnh giăng ra, hay từ những giây phút bốc đồng, mê sảng…

Tôi nghĩ bất cứ ai trong hành trình đời thường, ít hay nhiều, già hay trẻ cũng đều có những oan khiên mà, ánh sáng của các đấng thánh thần không thể soi sáng, hầu khu trừ hay, giải tỏa phần nào những oan sai đó. 

Khác chăng, với những người bình thường hoặc tên tuổi quá nhỏ khiến ngọn-lửa-dư-luận-phẫn-nộ không đủ sức thiêu rụi… Ngược lại, những tên tuổi càng lớn, càng phổ cập bao nhiêu thì, oan khiên của họ càng bị dư luận săm soi, in đậm dấu chàm trên trán…  Như cái giá phải trả cho sự nổi tiếng ấy.

Biến cố tháng 4-1975, tới hôm nay, dù đã 40 năm trôi qua, điều đó không có nghĩa những oan khiên bất ngờ, hay sự ngỗ nghịch, đành hanh của định mệnh tìm đến và ở lại, nơi một số văn nghệ sĩ của miền Nam, đã nhạt phai. Nó vẫn còn đó! Ở đó! Như một tai họa. Như chiếc bóng oan khuất của một vài nhà văn (nói chung) miền Nam.

Đối đầu với bi kịch riêng của đời mình, mỗi nhà văn chọn cho mình một tâm thái khác nhau. Người thì viết sách, giải thích, phủ nhận, nguyền rủa những ai chỉ tay vào vết chàm (đúng /sai?) trên trán họ. Người thì chọn thái độ im lặng. Cho tới khi hoàn cảnh cho phép…  Họ cũng lên tiếng giải oan cho mình, nhưng một cách nhẹ nhàng, chân thành, như thể họ đã ăn ở quen lâu với chiếc bóng thứ hai, chiếc bóng oan-khuất một đời của mình.

Sự kiện này, phần nào, cũng nói lên bản lĩnh, đởm lược của nhà văn đó.

Một trong những nhà văn bị định mệnh lùa sâu vào cơn hốt hoảng tháng 4-1975, chọn thái độ chấp nhận lặng lẽ kia, theo tôi là nhà văn Cung Tích Biền.

***

Mặc Lâm – phóng viên của đài RFA trong một cuộc phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền hồi tháng 7 năm 2008, ghi lại như sau:

“Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình – Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà – Đà Nẵng…

“Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 tại Sài Gòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi.

“Nhanh chóng có truyện đăng trên hầu hết các nhật báo, tuần báo, tập san văn học nghệ thuật có giá trị, trước và sau 1975, trong và ngoài nước.  Cung Tích Biền đang sống tại Đồng Ông Cộ, Sài Gòn, Việt Nam…” (Nguồn Wikipedia-Mở).

Ở phút nói thật này, Cung Tích Biền/Trần Ngọc Thao tiết lộ, ông từng có 9 năm sống trong vùng kháng chiến và, so sánh giữa hai thể chế:

“…  Tôi đã từng sống 9 năm trong vùng kháng chiến, và chính trong thời kháng chiến tôi cũng đi đánh đàn đánh nhạc, sống trong cái tâm trạng vui của tuổi trẻ, nhưng mà sau này nhìn lại tôi thấy như một giấc mộng vậy đó. Thành ra tôi ở cái ranh giới khó về lắm, chứ không phải tôi sống hoàn toàn trong vùng quốc gia.

“Sau này sống trong vùng quốc gia thì vừa trưởng thành vừa được dịp đi học, được mở rộng, được đi học thì mình được tiếp cận với một thế giới khác hơn.

“Cuộc chiến bắt đầu thì tôi lại lâm vào đó, tôi phải đi lính trong quân đội cũ, rồi mình cũng phải tham dự vào những chuyện, gọi là lý tưởng thì cũng không hoàn toàn phải là của lý tưởng, thất vọng thì hoàn toàn cũng không phải là thất vọng, bởi vì hồi đó chính quyền Miền Nam có cái dung dưỡng được mình và mình cũng sống trong môi trường tương đối tự do: tự do viết, tự do sáng tạo, tự do in ấn.

“Rồi ngay trong đời sống quân đội, dù có đi lính đi nữa thì cũng có cái thoải mái của quân đội. Thật sự chế độ cũ cũng có vài cái mà có lẽ mình cũng không nên bàn vì anh em cũ họ cũng có thấy cái đó. Anh em ở chiến trường họ cũng thấy những cái vướng mắc, những cái u bướu trong một chế độ, chứ thật sự 20 năm, 21 năm miền Nam cũng có cái rất vui, có những cái hạnh ngộ, có những đau buồn…” (Nđd)

Khi được hỏi về Bạch Hóa, một trong những truyện ngắn nổi tiếng viết trước thời điểm tháng 4-1975, họ Trần kể:

“… Tôi luôn luôn nghĩ, cũng như anh em hồi đó sống trong khói lửa, ai cũng mơ một đất nước thống nhất và hoà bình. Đó là cái giấc mơ chung, ước mơ chung, bởi vì thật sự không ai kham nổi cuộc chiến mà nó vượt sự phi lý, một cuộc nội chiến khó giải thích về cái điểm vô luân của nó như tôi viết trong Bạch Hoá.

“Thành ra cái khao khát thật sự hồi đó là mong được hoà bình và đất nước thống nhất, rồi sau đó cái gì sẽ tính sau, bên nào cũng được nhưng mà phải ngưng tiếng súng cho bớt đổ máu, cho hoà bình, đất nước một nhà.

“Nhưng cái thống nhất một nhà này là do của Hà Nội chứ không phải của Sài Gòn, thành ra chúng tôi lại cũng gặp thêm một khổ nạn nữa, bởi vì bất cứ ở đâu thì chúng tôi cũng là người trong hàng ngũ chiến bại, không đầu hàng cũng bắt buộc phải buông súng…” (Nđd)

Họ Trần cũng cho biết từ năm 1975 tới năm 1987 ông không viết gì cả. Mười hai năm sau, ông mới viết lại. Trong số những truyện đầu tiên “hồi sinh” bút hiệu Cung Tích Biền của họ Trần, có những truyện Dị mộng, rồi Qua sông, Thằng bắt quỷ…  Số truyện này, sau đó được nhà XB Tân Thư của họa sĩ Khánh Trường – Hoa Kỳ,  ấn hành với tựa đề Thằng bắt quỷ, Cali., 1993.

Thời gian nhà văn Cung Tích Biền và giới văn nghệ sĩ miền Nam gặp khổ nạn, như ông nói, cũng là thời gian oan khiên lớn, đã tìm đến, ở lại với ông… Không chỉ trong niên hạn 12 năm mà, nó còn đeo đẳng ông tới hôm nay!!!

Là một người thân, có tính cách gia đình, với nhà văn Cung Tích Biền/Trần Ngọc Thao, từ những ngày niên thiếu, nhà báo Vương Trùng Dương, hiện cư ngụ tại miền nam California, trong một bài viết tựa đề Cung Tích Biền giữa hai lằn đạn, viết:

“…Sau thời gian lao tù và quản chế, năm 1987, từ Ðà Lạt về Sài Gòn, nghe tin Phan Nhự Thức còn sống lang bạt đâu đó nên đi tìm. Ðược tin anh Cung Tích Biền đang bán tranh sơn mài ở kiosque 28 trên đường Nguyễn Huệ, ghé thăm và gặp Phan Nhự Thức. Phan Nhự Thức cho hay, sau khi ra tù, chui về Sài Gòn sống vất vưởng, nhờ Cung Tích Biền đưa vào làm ở hãng nước đá của người thân có mối quan hệ với chính quyền nên ăn ngủ tại chỗ, tránh được sự truy lùng thành phần sống chui, không hộ khẩu.

“Bạn bè cho biết, Cung Tích Biền là đại úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng không bị đi tù như anh em, còn được tự do làm ăn, thành phần bên kia chiến tuyến… không nên giao thiệp. Câu đầu tiên tôi hỏi, có ám hại, phản phé ai không? Khi nghe trả lời KHÔNG, tôi nghĩ rằng anh dựa “lá bùa” để yên thân khi thời cuộc thay đổi, ít ra, còn giữ được lương tri của con người. Theo Phan Nhự Thức, gia đình Cung Tích Biền bị phân đôi, có người tập kết, người là sĩ quan trong Quân Lực VNCH.

Người anh tập kết chết năm 1969 và thêm người anh, sĩ quan cấp tá Quân Lực VNCH, chết trong trại tù năm 1978, cả hai không tìm được xác. Và, bút hiệu Cung Tích Biền là tên ghép của các anh chị. Có lẽ Cung Tích Biền đã giải ngũ năm 1973 nên sau năm 1975, biết “lăng ba vi bộ”, có ô dù thân nhân tập kết và vài người bạn cùng quê như Huỳnh Bá Thành, Cung Văn – Nguyễn Vạn Hồng…  nên biết cách tránh né, mong an toàn mạng sống, nhưng rồi cũng tan nát như chúng ta. Sau ngày 30 tháng Tư, cũng có vài sĩ quan trong văn giới mang bảng đỏ nhưng rồi bị thất sủng, vào tù, nay được định cư tại Hoa Kỳ…” (Nđd)

Ở một đoạn khác, nhà báo Vương Trùng Dương ghi lại đậm nét hơn, bi kịch của một nhà văn “Giữa hai lằn đạn” Cung Tích Biền:

“…Từ 1968 đến 1973, (Cung Tích Biền) mang lon đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trú đóng ở tiền đồn Ðức Hòa Hậu Nghĩa, năm 1970 về căn cứ Trảng Lớn – Tây Ninh. Năm 1973 giải ngũ, cư ngụ tại Sài Gòn.

“Sau tháng Tư năm 1975, đi học tập cải tạo thời gian ngắn, cùng tổ với Mai Bá Trác và Nguyễn Quốc Chính. “Mất nhà cửa vì bị tịch thu (duyên cớ là ở nhờ nhà chị vợ, chị đi Mỹ, nhân thể tịch thu, người ta hốt ráo bất luận của ai ra sao). Nghèo khó ra đi, vợ ra tới cửa nhào vô lấy cái nôi của đứa con thơ, bị cậu quân đội Tân Bình ngăn lại không cho. Con cái ra nằm trần trên nền đất lề đường. Sau, ở nhờ nhà thi sĩ Ðoàn Minh Hải…”.

Chị Mai, hiền thê của anh nhỏ hơn 15 tuổi, người Quảng Trị. Bên nội họ Hoàng. Bên ngoại Lê. Hồi trung học, học trường Ðồng Khánh – Huế. Vào Sài Gòn ở nhờ nhà người cậu ruột là luật sư Lê Nguyên Phu, học trường Văn khoa, tốt nghiệp cử nhân Triết Tây. Có viết một số truyện ngắn đăng trên vài tập san văn chương, bút hiệu Hoàng Thị Kim. Lấy chồng, sinh con, bỏ viết. Trong khi đó “Cả một đời, vợ con tôi chưa hề mua được một vật dụng gì cho ra hồn, từ tiền nhuận bút của tôi”.

“Ðã năm năm nay chị ăn chay trường, với anh là hình ảnh người mẹ, người chị vì cam chịu và lo lắng cho chồng con. “Sớm mai thường trực tụng kinh. Chiều chiều đi chùa”. Ðó là mái ấm…

“Cũng như hàng triệu người miền Nam thất sủng, đói khát bươn chải đủ thứ nghề, chạy xe ba gác, xe ôm chỗ Ngã Ba Ông Tạ. Ði làm thợ mây tre lá tuốt bên quận Tư cùng Chu Vương Miện và các thầy chùa ăn mặn, sướt máu bàn tay. Ra tận Bình Dương học nghề sơn mài, bị sơn ăn sưng da phù mỏ. Ra đầu đường bán sách cũ, dọn vỉa hè bán cà phê bò kho, thu gom ve chai… Năm 1976 xuống tận Cà Mau làm cu ly xây trại nuôi heo cùng Thế Phong, Nguyễn Thụy Long.

“Trong Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút của nhà văn Nguyễn Thụy Long có đề cập đến thời điểm này. Tôi email hỏi thăm Nguyễn Thụy Long và anh cho biết:

“Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi và Thế Phong, Cung Tích Biền xuống tận Cà Mau làm cu li, thời gian không dài lắm, vài ba tháng. Tổ hợp Việt Nam Kỹ Thuật bị giải thể vì chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngơi, người quen của nữ văn sĩ Lệ Hằng bị bắt vì tổ chức vượt biên. Tổ hợp giải thể, ba chúng tôi trở về Sài Gòn, sau đó tôi bị bắt và đi tù đến năm 1980 mới trở về. Khi ra khỏi tù tôi gặp Cung Tích Biền, tình cảm vẫn như xưa dù CTB bị mang tiếng nhiều là người cách mạng 30-4, nhưng anh cũng chẳng hại gì ai hết, vẫn có những quý mến nhau như người xưa. Ðôi khi còn có những giúp đỡ nhau thiết thực trong thời bao cấp… Như trường hợp thi sĩ Phan Nhự Thức bị bệnh ung thư và chết (tháng 11 năm 1995), tôi biết CTB lo cho bạn gần hết” ” (Nđd)

***

Trong số những bài viết về cõi giới văn xuôi Cung Tích Biền, tôi rất thích tiểu luận công phu của nhà phê bình văn học Đinh Từ Bích Thúy, bài viết tựa đề Phẩm tiết Cung Tích Biền: nhìn thẳng vào mặt trời và cái chết.

Họ Đinh đã ra khỏi tiểu luận của mình bằng ghi nhận:  

“Khi được hỏi về ý niệm thánh (hóa) thể/ đồng cảm (communion, transubstantiation) thấm nhuần trong những tác phẩm của ông, Cung Tích Biền nói với người viết rằng ông là một Phật Tử, lớn lên trong một gia đình theo đạo Phật, nếu những tác phẩm trên có những ẩn dụ liên hệ đến Thiên Chúa Giáo, âu cũng là “những suy nghĩ trùng hợp, những tầm ảnh hưởng là bất khả từ, giữa Đông – Tây, Tôn giáo và Thế tục, Lịch sử và Chủng tộc, Đối trùng Quá khứ Vị lai… [vì] Con đường sáng tạo, Hành trình của sáng tác, luôn có một Con Đường dẫn dắt bởi Vô minh, Vô thức…”.

“Thật vậy, do những tầm ảnh hưởng bất khả một người đọc sống và lớn lên ở ngoài nước vẫn có thể đồng cảm với những tác phẩm của Cung Tích Biền cho dù kiến thức và kinh nghiệm sống của người đọc có thể hoàn toàn khác biệt với tác giả. Trong nghi lễ Công Giáo, cử chỉ nhận lãnh Mình Thánh Chúa biểu tượng cho ý niệm tu sửa và hội nhập, “Con người cần nhìn thẳng vào mình, cần suy tâm, trước khi ăn Mình và uống Máu Chúa”. (1 Corinthians 11:28.) Cách Cung Tích Biền khuyến khích chuyện ăn thịt người (Qua Sông), chặt từng khúc xác (Xứ Động Vật Vào Ngôi) quật mồ, ngậm xương (Xứ Động Vật Màu Huyết Dụ), đi tìm một phần hồn bị cắt đôi (Thừa Dư, Xứ Động Vật Mưa Hồng) là cách nhà văn muốn chúng ta hồi sinh: nhìn thẳng vào cái chết để vượt qua cái chết. Trong Xứ Động Vật Màu Huyết Dụ có cảnh nhân vật Kiên ngậm xương làm người đọc nghĩ ngay đến nghi lễ chịu Mình Thánh Chúa trong đạo Công giáo:

“…Lão Kiên ngây ngất, bất giác quỳ xuống đưa lưỡi liếm chiếc xương đen pha xám vừa nhặt lên từ mộ. Lão thè cái lưỡi không còn đỏ tươi như lưỡi son thời trai trẻ. Mà lưỡi lão xám màu, pha vô vàn đốm trắng bợn bợn như cái nang con mực tươi. Nước miếng lão chảy dòng như miệng đứa trẻ thơ mút kẹo. Miệng non tơ thèm thuồng lúc ngậm vú mẹ. Lão ngậm trọn cái xương tàn héo hon mòn nhỏ vào tận cổ họng, hai má phình ra, cố đưa cái hơi xương, cố nghe tiếng thì thầm của xương vùi lâu trong đất vào tận ruột sâu gan kín… Rồi lão nhả chiếc xương. Nhìn trời xanh khói núi. Thở. Lại nhắm tít hai mắt ngậm xương. Liếm. Mút… Lão nghe da thịt bờ ao chiếu ánh trăng. Nhớ màu nước mùa lúa trổ đòng đòng. Rêu và chim hoang đỉnh tháp. Cái xương cụt lốm đốm thạch tín bỗng đen dần ra. Lão định nhai luôn xương. Nuốt. Nhưng lão muốn kéo dài cái vị tê tê từ não. Cái tâm thức hoang dại hôn mê. Lại mút liếm ngọt ngào xương tàn. Liếm đau. Liếm mãi… Lão tìm sữa Mẹ trong xương…”.

“Dưới ánh mặt trời, mớ xương đen của Cung Tích Biền dung dưỡng mọi nghịch lý trên đời: Sống-Chết, Nam-Bắc, Đông-Tây, Tối-Sáng, Bạn-Thù, Dơ-Sạch, Già-Trẻ, Trong-Ngoài, Thiếu-Thừa, Ghét-Yêu, Yếu-Mạnh…

Mớ xương đen của Cung Tích Biền là tử cung của một vũ trụ bất diệt”. (Nđd).

Ở khía cạnh khác, khía cạnh của tài năng Cung Tích Biền, kể từ ngày cầm bút trở lại…  Tất cả những gì ông viết xuống đều có chung một tâm-bão-ẩn dụ… Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, một bằng hữu thân thiết nhiều chục năm của họ Trần, viết:

“Tôi gọi ông là nhà văn Uyên Áo Và Trầm Mặc Dị Thường giữa thời đương đại. Sức thấm đẫm và lan tỏa của văn chương Cung Tích Biền, tôi tin, vẫn còn vang vọng rất sâu xa về cái đẹp nhân văn, nhân bản trong những trang văn đầy những “Giọt máu không màu / Giọt mưa không suốt / Máu là mưa”  (Thơ Cung Tích Biền) của ông”.

Related posts