Tin thế giới chiều thứ Sáu 22/5: COVID-19: Hoa Kỳ thông báo rút khỏi ‘Hiệp ước Bầu trời Mở’

Hoa Kỳ thông báo rút khỏi ‘Hiệp ước Bầu trời Mở’

Chính quyền Trump hôm thứ Năm (21/5) đã thông báo với các đối tác quốc tế rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở ký kết với Nga và nhiều nước khác. Hiệp ước này cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát phi vũ trang trên lãnh thổ của một nước khác cùng tham gia hiệp ước.

Theo hãng tin AP, Hoa Kỳ loan báo họ sẽ rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở là vì Nga đang vi phạm thỏa thuận này bằng việc hạn chế nhiều phần không phận Nga.

Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower đưa ra ý tưởng về hiệp ước trinh sát vào năm 1955, nhưng mãi tới năm 2002, hiệp ước Bầu trời Mở mới chính thức có hiệu lực khi chính quyền Bush đạt được thỏa thuận với Nga. Từ sau đó, 34 quốc gia đã ký và phê chuẩn hiệp ước này và từ đó đã có hơn 1.500 chuyến bay trinh sát trên toàn thế giới được thực hiện.

Hoa Kỳ cũng đã cáo buộc Nga vi phạm các hiệp ước vũ khí khác, chẳng hạn như năm 2019 NATO đã báo cáo rằng Nga vi phạm hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung. Chính quyền Trump cuối cùng đã rút khỏi hiệp ước vũ khí đó sau khi Nga từ chối tuân thủ cam kết.

Các quan chức Hoa Kỳ hôm 21/5 cho biết Nga đã hạn chế bay qua bầu trời thủ đô Moscow và thành phố Kaliningrad – lãnh thổ của Nga tại Baltic nằm giữa Ba Lan và Lithuania, cũng là nơi Nga đặt căn cứ của hạm đội hải quân Nga ở biển Baltic.

Nga cũng hạn chế các quốc gia thành viên hiệp ước Bầu trời Mở bay qua khu vực biên giới giữa Nga và Georgia. Khu vực này bao gồm các vùng đất tranh chấp như Nam Ossetia và Chechnya. Vào năm 2008, Nga đã gây chiến với Georgia vì những khu vực tranh chấp này. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin bị cáo buộc vẫn tiếp tục giám sát các nỗ lực gây bất ổn tại Georgia kể từ cuộc chiến tranh hơn chục năm trước.

Các đồng minh của Tổng thống Trump trong Quốc hội như Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton của bang Arkansas đã nhiều lần kêu gọi ông Trump rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước Bầu trời Mở.

Trong tuyên bố phát đi hôm 21/5, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã hoan nghênh động thái mới nhất của chính quyền Trump và nói rằng Nga đã sử dụng hiệp ước trinh sát này làm “kế hoạch để nhanh chóng giành lợi thế quân sự và giám sát trước Hoa Kỳ và NATO”.

Theo BBC, Tổng thống Donald Trump sau đó nói rằng có “một cơ hội rất tốt để chúng ta đạt được một thỏa thuận mới” với Nga.

Tôi nghĩ chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Nga, tuy nhiên Nga đã không tuân thủ hiệp ước này… Chúng tôi sẽ rút lui cho tới khi nào họ tuân thủ hiệp ước”, ông Trump nói.

Phản ứng trước tuyên bố của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng khẳng định rằng Moscow đã không vi phạm hiệp ước và việc Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận này là điều “rất đáng tiếc”. Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng chính quyền Trump đang xúc tiến “làm trệch hướng tất cả các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí”.

Chúng tôi bác bỏ mọi nỗ lực biện minh cho việc rút khỏi thỏa thuận cơ bản này”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.

Không gì cản trở được việc tiếp tục các cuộc thảo luận về các vấn đề kỹ thuật [liên quan tới hiệp ước Bầu trời Mở], những vấn đề mà Hoa Kỳ đang làm sai lệch thông tin là những vi phạm của Nga”, ông Alexander Grushko nói thêm.

Ông Alexander Grushko cũng cho biết bất kỳ sự rút lui nào khỏi hiệp ước trinh sát này đều sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của tất cả các thành viên tham gia hiệp ước. Những quốc gia này phần lớn đều là thành viên của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Xuân Thành

COVID-19: Bệnh nhân ở Đông Bắc Trung Quốc xuất hiện triệu chứng mới

Khu vực Đông Bắc Trung Quốc liên tục xuất hiện các ca bệnh mới. Riêng thành phố Thư Lan đã bước vào “trạng thái thời chiến”. Theo Bloomberg News, ngoài việc mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sức khỏe, các triệu chứng lây nhiễm ở khu vực Đông Bắc – Trung Quốc cũng có các đặc điểm mới khác với thời kỳ đầu ở Vũ Hán. Điều này cho thấy loại virus này đang liên tục biến đổi.

Bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán ở khu vực Đông Bắc – Trung Quốc xuất hiện các triệu chứng có đặc điểm khác với thời kỳ đầu ở Vũ Hán. Điều này cho thấy loại virus này đang liên tục biến đổi. (Ảnh minh họa từ Weibo của tuần san lifeweek).

Báo cáo dẫn lời bác sỹ vùng Đông Bắc, ông Khâu Hải Ba (Qiu Haibo) tiết lộ thời gian ủ bệnh của virus ở vùng này vượt quá 2 tuần, đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan tương đối chậm. Hầu hết các bệnh nhân ở đây xuất hiện các tổn thương ở phổi, trong khi bệnh nhân ở Vũ Hán bị tổn thương nhiều hơn ở tim, thận và dạ dày.

Hiện tại, thành phố Thư Lan, thành phố Cát Lâm (trực thuộc tỉnh Cát Lâm) và thành phố Thẩm Dương đã xuất hiện ít nhất 46 ca dương tính, trong đó có 26 ca phải nhập viện. Các khu vực này cũng đã áp dụng lệnh phong tỏa.

Báo cáo còn cho biết, nghiên cứu khoa học tháng Tư của Đại học Chiết Giang Trung Quốc phát hiện virus viêm phổi Vũ Hán đã đột biến thành ít nhất 30 chủng gen khác nhau. Việc phát triển thuốc và vắc-xin điều trị đang vô cùng cấp bách, nhưng cũng cần phải tính đến tác động của những đột biến không ngừng được tích lũy này xuất hiện trong virus, đặc biệt là ảnh hưởng của hiệu ứng sáng lập (The Founder mutation), qua đó tránh được những nguy cơ tiềm ẩn và sai sót có thể xuất hiện.

Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này có thể là do hệ thống y tế công Vũ Hán bị quá tải, trong thời kỳ đầu dịch bùng phát, chỉ có các ca có triệu chứng nghiêm trọng nhất mới được điều trị, còn hiện nay, các bác sĩ ở Đông Bắc tương đối có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, có thể chú ý quan sát hơn các triệu chứng ở bệnh nhân. Hơn nữa, lây nhiễm ở khu vực Đông Bắc có thời gian ủ bệnh dài hơn và thời gian “không triệu chứng” lâu hơn, dẫn đến các thành viên trong gia đình bị lây nhiễm hàng loạt.

Chuyên gia Kinh tế chính trị độc lập Thiên Quân (Tianjun) trong bài viết “Vì sao Tập Cận Bình nổi giận trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị?” đã bình luận, “Trong cuộc họp ngày 14/5 bàn về việc giải quyết tình hình phòng chống dịch ở trong và ngoài nước, ông Tập đã trực tiếp nêu tên các khu vực bùng phát dịch trong thời gian này bao gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm…. Cho thấy tình hình dịch bệnh gần đây đã gây náo động đến Trung ương. Hiện tại, các tỉnh thành của Trung Quốc đều là khu vực được cho là ‘nguy cơ thấp’, chỉ có hai nơi không liệt vào danh sách này là quận Đông Tây Hồ thuộc Vũ Hán và thành phố Thư Lan thuộc Cát Lâm. Thư Lan thậm chí đang bị liệt vào nơi có ‘nguy cơ cao’, cao hơn một cấp so với Vũ Hán.”

Ngày 7/5, một nữ nhân viên giặt ủi 45 tuổi ở ở Văn phòng Công an Thành phố Thư Lan được chẩn đoán dương tính. Tuy nhiên, người phụ nữ này không có hồ sơ du lịch hoặc tiếp xúc với ca bệnh nào, cô cũng thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, vì vậy không rõ được nguyên nhân lây nhiễm. Theo báo cáo chính thức, nữ nhân viên này đã lây nhiễm cho 16 người.

Ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), chuyên gia dịch tễ học Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, tin rằng bệnh nhân phát hiện đầu tiên của thành phố – nữ nhân viên giặt ủi 45 tuổi làm việc tại Cục Công an, không hẳn đã là nguồn lây nhiễm. Nếu cô ấy không phải là nguồn, thì có thể ai đó trong Cục Công an Thành phố Thư Lan đã bị nhiễm bệnh “không triệu chứng”.

Ngày 20/5, kênh “Next TV” Đài Loan đưa tin, các ca viêm phổi Vũ Hán được công bố chính thức mới nhất đã tăng lên 45 trường hợp. Tuy nhiên, một số người dân tiết lộ rằng các số liệu chính thức này không phải là con số thực tế. Người đứng đầu Cục Công an thành phố Thư Lan và các quan chức chính phủ cấp cao khác thực sự đã được chẩn đoán bị dương tính.

(Ghi chú của biên tập viên: Virus gây bùng phát viêm phổi Vũ Hán là đến từ Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, do chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật dẫn đến dịch bệnh lan ra toàn cầu. Người Vũ Hán, người Hồ Bắc và tất cả người Trung Quốc cùng nhân dân toàn thế giới đều là những người bị hại. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không đại biểu được cho Trung Quốc, do đó, loại virus xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ này nên được gọi là “virus Trung Cộng.”)

Mộc Lan

TT Trump: Hoa Kỳ sẽ không đóng cửa bất chấp làn sóng COVID-19 thứ hai

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm (21/5) nói rằng Hoa Kỳ sẽ không đóng cửa nền kinh tế kể cả khi có làn sóng bùng phát COVID-19 mới.

“Mọi người nói điều đó rõ ràng có thể xảy ra. Nó đúng là như thế. Và chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề đó”, ông Trump nói với các phóng viên khi ông đi tham quan nhà máy sản xuất của hãng Ford tại bang Michigan. Ông trả lời như vậy khi được hỏi về việc liệu ông có lo lắng về làn sóng virus corona thứ hai.

Tổng thống Trump đưa ra cảnh báo thêm rằng “chúng ta sẽ không đóng cửa đất nước này” “chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề đó”.

Ông Trump bày tỏ sự tin tưởng vào việc Hoa Kỳ có thể ngăn chặn sự bùng phát virus corona Vũ Hán trong tương lai.

Cho dù đó là một đốm than hồng hay một ngọn lửa, thì chúng ta đều sẽ dập tắt nó. Nhưng chúng ta sẽ không đóng cửa đất nước”, Tổng thống Trump quả quyết.

Theo số liệu thống kê, cho đến nay hơn 90.000 người Mỹ đã thiệt mạng do virus corona Vũ Hán. Bắt đầu từ tháng Ba, nhiều thống đốc bang đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn virus lây lan, dẫn tới trình trạng các doanh nghiệp phải đóng cửa và người lao động bị sa thải hàng loạt.

Tuy nhiên, trong khoảng gần một tháng qua, tất cả 50 bang trên khắp Hoa Kỳ đã bắt đầu mở lại nền kinh tế ở các mức độ khác nhau, kể cả bang New York vốn là nơi có số ca tử vong do virus corona cao nhất cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Lao động phát hành hôm thứ Năm (21/5), số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong hai tháng từ khi virus corona càn quét toàn Hoa Kỳ đã tăng lên gần 39 triệu người. Số người thất nghiệp tiếp tục gia tăng ngay cả khi các bang từ Bờ Đông tới Bờ Tây đều đã dần dần mở lại kinh tế và cho phép mọi người quay trở lại làm việc. Bộ Lao động cho biết tuần trước hơn 2,4 triệu người đã nộp đơn thông báo thất nghiệp.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã giảm xuống trong bảy tuần liên tiếp gần đây. Tuy nhiên, con số này vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục, gấp 10 lần so với thời điểm bình thường trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng sức khỏe này.

Số người thất nghiệp tiếp tục tăng cho thấy dù tất cả các bang đã bắt đầu mở cửa trở lại trong ba tuần qua, nhưng việc làm vẫn chưa quay trở lại và dịch bệnh vẫn đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và phá hủy việc làm.

Xuân Thành (Theo AP)

Tăng cường kiểm soát Hồng Kông, Trung Quốc chuẩn bị áp luật mới

Hơn 1 triệu người tuần hành phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông vào ngày 9/6/2019 (ảnh: Joseph Chan/Unsplash).

Hãng Reuters dẫn tin từ một quan chức Trung Quốc hôm 21/5 cho biết, Bắc Kinh đang chuẩn bị áp luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Đây được cho là động thái mạnh nhất của Bắc Kinh trong việc kiểm soát Hương Cảng kể từ khi được Anh trao trả vào năm 1997.

Theo Reuters, động thái này của Bắc Kinh có khả năng sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hồng Kông.

Trước đó, trong nhiều năm, những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã phản đối mạnh mẽ ý tưởng về luật an ninh quốc gia, do luật này có thể làm xói mòn mức tự trị cao của thành phố, vốn được bảo đảm theo mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

Phát biểu tại một cuộc họp ngắn trước khi bắt đầu phiên họp quốc hội thường niên của Trung Quốc, ông Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui), phát ngôn viên của cơ quan lập pháp Trung Quốc cho biết: “Trong hoàn cảnh và nhu cầu mới, Đại hội nhân dân toàn quốc (NPC) đang thực hiện quyền lập hiến của họ” để thiết lập một khung pháp lý và cơ chế thực thi mới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông.

Theo truyền thông Hồng Kông, luật an ninh quốc gia mới sẽ cấm ly khai, sự can thiệp từ nước ngoài, khủng bố và tất cả các hoạt động có chủ đích nhằm lật đổ chính quyền trung ương và bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào Hồng Kông.

Các nhà dân chủ cho rằng động thái này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Hồng Kông, vốn là một trung tâm tài chính của châu Á và có quyền tự chủ cao.

“Nếu động thái này diễn ra, mô hình ‘Một quốc gia, hai chế độ’ sẽ chính thức bị hủy bỏ”, nhà lập pháp dân chủ Hồng Kông Dennis Kwok cho biết.

“Đây là sự kết thúc của Hồng Kông”, Dennis Kwok nói thêm.

“Nếu Bắc Kinh thông qua luật … xã hội dân sự sẽ chống lại sự đàn áp của luật pháp như thế nào? Nó sẽ tác động đến Hồng Kông, vốn là một trung tâm tài chính quốc tế như thế nào?”, Ming Sing, nhà khoa học chính trị tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết.

Trước đó, vào ngày 6/5, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, ông đang trì hoãn một báo cáo đánh giá liệu Hồng Kông có đủ tự chủ để được hưởng quyền đối xử kinh tế đặc biệt từ Washington hay không. Việc trì hoãn báo cáo là để chờ kết quả từ phiên họp quốc hội thường niên của Trung Quốc.

Sau khi tin tức về việc Bắc Kinh đang chuẩn bị áp luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông được tiết lộ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng hiện ông chưa rõ chi tiết về động thái này của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cho biết: “Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó rất mạnh mẽ”.

Băng Thanh

Related posts