Chuyện người Kurd ở Trung Đông: Khi đồng minh bỏ rơi chiến hữu

Từ năm năm nay, người Mỹ đã nhảy vào vùng đất phía Đông Bắc Syria với cớ đánh tổ chức có tên là Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS), chận binh lính Syria làm bậy và không cho Iran gây ảnh hưởng lên người Kurd. Mỹ không những đưa quân đội mà còn tuyển mộ, huấn luyện và chiến đấu chung chiến tuyến với người dân sống ở đây.

Người Kurd là ai?

Sống ở đây phần lớn là người Kurd. Trong thời gian làm chiến hữu với Mỹ, người Kurd đã gom quân thành tổ chức có tên là ‘Syrian Democratic Forces, Lực lượng Syria Dân chủ’. Lực lượng này – ở bên ngoài – vừa chận quân đội Damascus ở phiá Nam tiến lên, vừa ngăn lính Thổ của Recep Tayyip Erdogan từ phía Tây tiến vào, vừa đóng vai trái độn để tránh GI Mỹ trực tiếp chạm súng với Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Iran. Ở bên trong, người Kurd phải đối phó với quân ISIS hung dữ và nhiều phe phái người Kurd không phục Mỹ khác.

Kurd là một sắc dân đông từ 30 đến 40 triệu người nhưng không có nước riêng. Để hiểu sắc dân Kurd ở Trung Đông, ta có ví họ với người H’mong ở Đông Nam Á. Người H’mong đang sống rải rác ở vùng biên giới bốn nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Trung Cộng. Có bao nhiêu người H’mong? Thật khó biết vì họ sống du mục và không có nước riêng. Việt Nam nói mình có chừng 1 triệu người H’mong. Lào nói mình có chừng nửa triệu người H’mong. Thái Lan cho biết chừng 250 ngàn người H’mong ở trong lãnh thổ của mình. Đông H’mong nhất ở Đông Nam Á là ở Trung Cộng. Nơi vùng biên giới phía Nam Trung Cộng có gần 10 triệu người H’mong.

Rủi một ngày nào đó Mỹ nhảy dù xuống Vân Nam, gom người H’mong lại, trao súng ống để lập một nước có tên là ‘H’mong Dân chủ’. Hiển nhiên, Trung Cộng phản đối và cũng làm như vậy với nhóm người H’mong khác. Việt Nam và Thái Lan cũng có thể làm như vậy. Các nhóm H’mong khác này sẽ sống dưới là cờ ‘Mặt trận Giải phóng H’mong’. Vậy là H’mong Tự do đánh H’mong Cộng Sản. Rồi người H’mong từ Việt Nam, từ Lào và từ Thái cũng nhảy vào. Người bênh Tự do; kẻ bênh Cộng Sản. Từ khi Mỹ nhảy vào, vùng biên giới Việt – Lào – Thái – Trung Cộng chia năm sẻ bảy.

Bỗng một ngày nào đó ông tổng thống ở cách xa nữa trái đất bị quốc hội Mỹ dí. Ổng phải tìm ra chuyện thật động trời để đánh lạc hướng dư luận. À! ở cái hóc Bò Tó đang xảy ra nồi cháo heo loạn xà bần. Ông hướng dư luận về phía đó cho dù ngàn người H’mong phải chết. Ổng ra lệnh người lính Mỹ cuối cùng phải ra khỏi nước ‘Cộng Hòa H’mongistan’. Thế giới nghe vậy, nhao nhao lên.

Chuyện người Kurd bên Trung Đông hiện nay gần giống chuyện tưởng tượng vừa kể. Họ là sắc dân đông đến 30 hay 40 triệu người. Họ không có quốc gia riêng và sống ở vùng biên giới bốn nước Syria, Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ tìm cách ngồi lại với nhau để thành lập nước ‘Kurdistan’ nhưng chưa bao giờ đạt giấc mơ này.

Kể từ khi xảy ra nội chiến ở Syria, vùng đất Đông Bắc nước này (nơi ở của người Kurd) đã đổi chủ nhiều lần. Trước khi xảy ra nội chiến, vùng này dưới quyền kiểm soát của chính phủ Syria ở Damascus nhưng người Kurd không phục và luôn luôn đòi tách ra để tiến tới một nước Kurdistan. Khi nội chiến xảy ra cách đây tám năm, người Kurd đánh quân của Bashar al-Assad chạy có cờ. Trong tám năm, không bao giờ thấy bóng dáng cờ Syria ở đây. Nhưng người Kurd không giữ được đất của mình khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trỗi dậy. Ở đây thành căn cứ địa cho bọn cờ đen.

Cách đây năm năm, người Mỹ đã nhảy xuống vùng biên giới này để đánh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) dữ dằn. Cờ đen rất thù người Kurd vì Kurd nhận vũ khí từ Mỹ. Vậy là danh nghĩa là đất của người Kurd nhưng trong thực tế vùng này dưới quyền kiểm soát của Mỹ. Khi Mỹ đóng quân ở đây, láng giếng Iran và Thổ vẫn tiếp tục dóm ngó. Ở trong hai nước Iran và Thổ có sẵn người Kurd. Thế người Kurd Iran và Kurd Thổ thả biệt kích vào đây để ‘chống Mỹ cứu nước Kurdistan (chưa thành hình)’.

 ‘Thế rồi… một buổi chiều’ – nói cho có vẻ văn hoa, từ đâu đó cái ông tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ hót lên mạng Twitter ‘rút hết quân Mỹ’. Sau tiếng hót này, chiến hữu Kurd đang ghì tay súng với GI Mỹ dòm qua bên cạnh, thấy doanh trại đồng minh trống hoắc. Ở một đất nước nào đó đã có ‘Khi đồng minh nhảy vào’ rồi ‘Khi đồng minh tháo chạy’ (tên hai cuốn sách của Nguyễn Tiến Hưng) thì ở đây vừa xảy ra ‘Khi đồng minh bỏ rơi’.

Nếu tôi là một chiến binh người Kurd, tôi phải nghĩ gì?

Kẹt giữa hai kẻ thù

Thật ra, tôi không có thời giờ để nghĩ gì cả vì khi người Mỹ cuối cùng bỏ cuộc chơi thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào vùng đất bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Họ tiến như vào chỗ không người và bắt đầu tàn sát người Kurd. Tôi phải di tản xuôi về Nam trốn quân Thổ.

Nhưng ở phía Nam cũng lừng lững đoàn quân trước đây khiếp sợ tôi – bây giờ họ tiến vào chỗ không người. Chỉ bốn ngày sau khi ông Donald Trump rút quân đội Mỹ, binh lính Syria cũng di chuyển vào vùng đất phía Đông Bắc trước kia nằm dưới quyền kiểm soát của người Kurd.

Quân Syria lấy cớ bảo vệ người Kurd khỏi gươm đao của quân Thổ nhưng họ lại để mặc (nếu không muốn nói tàn sát) binh lính từng chiến đấu trong tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS). Các binh bính và thân nhân ISIS đang ở trong những trại tị nạn hay nhà tù. Đã có tin phe Assad lôi người từ trại tị nạn và nhà tù mà hành quyết. Ngược lại khi rút lui Mỹ hứa sẽ đem theo số tù nhân ISIS nguy hiểm; nhưng Mỹ đã không làm. Đã có chừng 500 tù nhân ISIS phá ngục bước ra. Trước đây Lực lượng Syria Dân chủ (tên mỹ miều của người Kurd ở Syria) đã dùng súng Mỹ bắn chết hay bắt sống phe ISIS. Nay tù binh ISIS phá ngục và đang tung hoành trong vùng trước kia do người Kurd kiểm soát. Chém giết là hiển nhiên.

60 người Úc chờ chết

Khi bị Mỹ bỏ rơi, người Kurd phải đối đầu với hai kẻ thù từ hai phía xông vào. Quân Thổ từ phía Bắc tràn xuống và binh lính Syria từ phía Nam kéo lên. Liên Hiệp Quốc ước tính có chừng 160 ngàn thường dân trong vùng đang gặp nguy. Trong số này có khoảng 60 phụ nữ và trẻ em Úc sống trong trại al-Hawl.

Phần lớn số phụ nữ này kết hôn với chiến binh ISIS nên báo chí Úc gọi là ‘những nàng dâu ISIS’ (ISIS brides). Các nàng dâu ISIS gióng tiếng van nài Úc can thiệp và đưa mình trở về Úc. Úc đang lúng túng với các nàng dâu ISIS và con cái họ.

Các nường là công dân Úc nên chính phủ Úc có bổn phận bảo vệ. Nhưng các nường đã sang bển và sống chung với kẻ thù của quân đội Úc. Tổng trưởng nội vụ Úc, ông Peter Dutton, đã từ chối can thiệp để đưa thân nhân của chiến binh ISIS từ Syria về nước. Bà tổng trưởng quốc phòng Úc, nghị sỹ Linda Reynolds, nói thêm ‘Úc sẽ không để cho mạng sống của một ai lâm nguy ở bển nữa’.

Ngược lại, phát ngôn viên đối lập về các vấn đề nội vụ Kristina Keneally nhắc nhở người Úc ‘các trẻ em (bị kẹt ở bển) chỉ là nạn nhân vô tội vì cha mẹ chúng lầm lỗi’.

 Nga thế chỗ Mỹ

Bị kẹt giữa hai cánh quân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ và không còn Mỹ làm chỗ dựa nữa, người Kurd phải tìm đường sống bằng cách chịu phục một trong hai kẻ thù. Họ đã ngả vào vòng tay của chế độ độc tài tàn ác Assad ở Damascus, Syria. Người Kurd tìm đường thương thuyết và bàn giao hết thị trấn này sang thị trấn khác cho quân đội Syria. Thà khuất phục người trong nước hơn là chịu chết dưới lưỡi gươm của quân Thổ ngoại bang.

Chế độ Bashar al-Assad đang được Nga chống lưng. Như vậy vô hình trung Mỹ đã bán đứng người Kurd cho Nga. Quả không sai, khi Cổ Nhuế viết bài này thì có tin cập nhật từ tờ The New York Times cho hay quân Nga đã tràn vào các doanh trại do Mỹ bỏ đi và bắt đầu tuần tiễu tại phía Đông Bắc Syria. Vậy là người Kurd học tiếng Mỹ mới năm năm thì nay phải bập bẹ tiếng Nga. Khi đạn M-16 không còn nữa, người Kurd phải tập bắn AK.

Mỹ bất thần bỏ rơi chiến hữu Kurd ở Syria đã thành trò cười cho chế độ Bashar al-Assad và quan thầy Nga. Đài truyền hình Moscow đã bình luận Mỹ lui binh khiến cho thế giới không còn tin tưởng vào Mỹ nữa. Sau đó, đài truyền hình này nhỏ nước mắt (cá sấu) thương cho người Kurd ‘đã lỡ chọn lầm tên Sở Khanh!’

50 trái bom nguyên tử

Mặc dầu biết trước khi Mỹ bỏ rơi chiến hữu Kurd quân Thổ sẽ tiến vào, tổng thống Donald Trump vẫn rút quân khỏi phía Đông Bắc Syria.

Từ khá lâu, tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn dẹp tan ý muốn thành lập nước Kurdistan (ở giữa Thổ, Iran, Iraq và Syria) nên luôn luôn gán cho người Kurd là khủng bố. Nay cơ hội đến. Chỉ ba ngày sau khi Mỹ cuốn cờ, xe tăng Thổ chuyển bánh.

Khi việc đã rồi, chính ông Donald Trump lại lên tiếng doạ trừng phạt bằng cách cấm vận kinh tế Ankara. Ổng hót ‘The United States will aggressively use economic sanctions to target those who enable, facilitate, and finance these heinous acts in Syria. Hiệp Chúng Quốc sẽ mạnh bạo ra tay trừng phạt kinh tế lên đầu bất cứ ai giúp đỡ, tiếp tay, và tài trợ cho mấy chuyện ác độc tại Syria’. Cùng một lúc 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu ngưng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lần đầu tiên một tổ chức trong khối Minh ước Đại tây dương (NATO) cắt đứt buôn bán vũ khí cho một nước thành viên. Ngược lại, tổng thống Recep Tayyip Erdogan than phiền Thổ đã là thành viên của NATO thì lẽ ra khi Thổ động binh thì các nước trong tổ chức này phải yểm trợ chứ!

Nhưng có lẽ Thổ chả sợ vì châu Âu không bán súng thì đã có Nga. Khi cấm vận chẳng ngăn được đà tiến của lá cờ Đỏ với lưỡi liềm và ngôi sao trắng, ông Donald Trump quay qua doạ ‘I am fully prepared to swiftly destroy Turkey’s economy… Tui đã sẵn sàng ra tay tiêu diệt một cách nhanh chóng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ’.

Ông Donald Trump hùng hổ đến thế vì chính ông bị sa lầy vào mớ hổn mang Trung Đông đã rối bời bời, nay bị chính ông tung rối hơn. Nguy hiểm nhất cho ông Donald Trump và cả thế giới khi Mỹ đụng vào ổ kiến lửa Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ là nước Hồi Giáo, đồng thời cũng là thành viên trong tổ chức Minh ước Đại Tây Dương (NATO). Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở giữa châu Âu và châu Á, có chung đường biên giới với Nga, và lò thuốc súng Trung Đông (Iran, Iraq, và Syria). Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ rất ít được báo chí thế giới nhắc tới vì thật là bình an. Từ khi ông Recep Tayyip Erdogan lên làm tổng thống (năm 2014), Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày một lên báo nhiều hơn vì tổng thống này biến Thổ thành nước độc tài theo Hồi Giáo. Ông Erdogan ra mặt chống Mỹ và ngày càng ngả về phía Iran. Khi dọa ‘tiêu diệt nền kinh tế Thổ’, ông Donald Trump quên khuấy Mỹ đang để bên trong lãnh thổ của ‘kẻ thù mới’ này 50 trái bom nguyên tử!

Thật vậy, để sẵn sàng đối phó khi Nga bắn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử, Mỹ đã ém trước gần 200 trái bom nguyên tử trong các nước của NATO. Ở Bỉ, đang có 20 trái. Đức 20. Ý 70. Hoà Lan 20, và Thổ Nhĩ Kỳ 50.

50 trái bom này đang nằm trong kho của căn cứ không quân Incirlik. Căn cứ này chỉ cách khu vực giao tranh giữa người Kurd với quân Thổ chừng 160 cây số. Quân Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đều nói tới chuyện chộp 50 trái bom này để làm ‘con tin’ khi ngả giá với tên Sở Khanh Mỹ.

Từ hai năm nay, chính ông Recep Tayyip Erdogan nhiều lần cho biết: không chấp nhận quyết định của Mỹ không cho nước nào khác nữa trên thế giới được chế bom nguyên tử. Theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định này quá bất công và Thổ sẽ tìm cách ‘sờ vào’ bom nguyên tử. Bỗng nhiên, khi ông Donald Trump ‘quậy’ ở Syria thì Erdogan không đụng móng tay – nội đêm về sáng – đã nắm trong tay 50 trái bom nguyên tử. Khà! Khà.

Thật vậy, theo lời phóng viên David Sanger, chuyên viết các vấn đề quốc phòng cho tờ The New York Times, 50 trái bom này đã trở thành ‘con tin’ trong tay Thổ Nhĩ Kỳ vì Hoa Kỳ lâm vào thế kẹt. Nếu chở bom ra khỏi lãnh thổ của Thổ thì coi như Hoa Kỳ không còn chung chiến tuyến với Thổ nữa. Nếu để chúng lại thì đó là 50 trái bom nguyên tử chưa biết sẽ lọt vào tay ai!

Trung Đông là thế. Vì có quá nhiều phe, khi người ta đi một nước cờ thì các quân cờ khác rối beng lên. Cờ càng đi thì càng rối.

Cổ Nhuế

Related posts