Chúng ta mất hết chỉ còn nhau"

‘Trống lốc trống lơ’ là tiếng kêu rất thật thà của bà Năm hàng xóm của bổn báo.

Bà Năm sang đây đoàn tụ với con gái được hơn chục năm. Ngày ngày bà xách giỏ làm một vòng chợ Việt Nam, mua bó rau, khúc cá, miếng thịt và vài ba thứ trái cây đem về nấu cơm cho xấp nhỏ. Xấp nhỏ nhà bà Năm là hai vợ chồng trẻ có hai con nhỏ. Hai người đi làm; còn hai nhóc thì đi học. Vợ chồng ở Úc thường đi làm khá sớm. Khi đi họ xách luôn con tới trường. Cả nhà đi mù đi mịt cho tới chừng ba giờ chiều thì cha mẹ đón con về. Tới sáu bảy giờ cả nhà mới ăn cơm tối. Vậy bà Năm có bộn thời giờ rảnh rang.

Dù rảnh, bà Năm cũng không còn thói quen lân la nhà hàng xóm tám chuyện như hồi ở Việt Nam. Thiếu chuyện đó, lòng bà thấy trống trải. Nhưng đành vì qua đây người mình cũng nhiễm tí lối sống Úc: nhà ai nấy ở. Có chăng bà Năm rảnh rang làm một vòng chợ Việt Nam cho thẳng chưn thẳng tay. Chợ ở đây đông người nhưng không chen lấn. Hàng quán san sát nhưng không mời chài hay lôi kéo khách… Thỉnh thoảng bà Năm tạt vào quá cà phê ngồi chung với vài ba người quen, kêu ly sinh tố hay trà sữa.

Sáng nay, bà Năm ngó ra ngõ. Trống lốc trống lơ. Đường xá gì mà không một bóng xe. Bà dòm qua vệ đường bên kia: không một bóng người. Bà thấy cái trống lốc trống lơ thấm vào mình. Qua đây hơn chục năm, lần đầu tiên bà thấy lòng đường tráng nhựa bóng láng và hàng cây thẳng tắp ở hai bên đường. Đường trống trơn như chờ chiếc xe nào đó chạy qua. Mà không còn xe nữa. Hàng cây thẳng tắp như chờ ai ngắm nghía. À! Hôm nay, có bà Năm ngắm hàng cây à nghe. Cây ơi! Cây hỡi! Cây khẽ rung lên lớp áo xanh mượt đi nhé. Bao năm rồi, cây mới có người ngắm, à nghe.

Sau lệnh đóng cửa hàng quán và khuyên người Úc ở trong nhà để uýnh con Corona do thủ tướng và các thủ hiến đưa ra, kể từ sáng thứ Năm 25.3 tuần qua nước Úc đã thành trống lốc trống lơ.

Sáng nay, như là thói quen bà Năm xách giỏ ra chợ. Người đâu mất tiêu. Toà nhà cao ngất và cái carpark năm bảy từng trơ trụi ra đó. Lần đầu tiên từ chục năm nay, bà Năm mới thấy rõ. Trước đây, bà lầm lùi đi. Lách qua người này. Chào nhẹ người khác. Mà không thấy mấy cái toà nhà ấy. Mấy dãy cửa tiệm ngang dọc ở khu chợ này cũng vậy. Chưa bao giờ bà thấy những cánh cửa sắt, cửa gỗ làm như thể cửa tiệm ở đây không có cửa. Có những cái sờ sờ ra đó mà bà Năm chưa bao giờ thấy.

Bà Năm sực tỉnh như thể mình mới mọc con mắt thứ ba. Con mắt thứ ba cho bà thấy nhiều điều hai con mắt kia không thấy. Này nhé, có bao giờ bà Năm thấy trong tiệm cà phê có bàn ghế không? Thưa không. Nhiều lần bà kéo ghế ngồi. Cô bán hàng đặt ly nước lên bàn. Bà chỉ thấy ly nước mà không bao giờ nghĩ tới cái bàn. Hơn nữa, đã nhiều lần bà Năm bước cái quán này nhưng nếu ai tưng tửng hỏi quán ấy sơn màu gì, có bao nhiêu bàn ghế, ngọn đèn treo lơ lửng hay gắn chặt vào tường. Bà Năm không trả lời được.

Hôm nay, bà Năm đi ngang quán ấy. Quán đóng cửa im lìm. Bà Năm thấy trống lốc trong mình. Trống lốc và pha thêm thật nhiều ngậm ngùi. Bà Năm thấy buồn như thể đánh mất cái gì quý lắm. Ở đời kỳ thiệt, cái gì mất rồi người ta lại quý.

Mất rồi những con người đi ngang qua nhà bà Năm. Cái ông Croatian ho lụ xụ dắt theo con chó tí xíu không còn ló đầu ra cửa nữa. Bây giờ bà Năm nhớ lại ông này quanh năm mặc quần sọt, dù đông giá hay hè rực lửa. Trước đây, không bao giờ bà thấy vậy. Bây giờ lại thấy cho dù ổng không còn đi ngang qua nữa. Kỳ hén! Mất rồi những dòng xe nối đuôi nhau chạy vô carpark. Hồi đó, bà Năm nghĩ bụng ‘Đồ quỷ! Đi đâu như thể mắc phong vậy?’ Bây giờ bà dễ dàng qua đường — đường trống lốc — lại thấy lòng buồn khôn tả. Buồn khôn tả khi thấy nhà cửa nguy nga, đường sá sạch sẽ, bầu trời xanh mướt và ngọn gió hiu hiu mà không một bóng người.

Người ơi! người hỡi!

Người trốn ở nơi đâu, xin ló mặt ra. Có kêu réo đến đâu, người vẫn trốn biệt. Thảng hoặc hai ba bóng người can đảm lắm thì cũng chợt hiện chợt biến. Mà hình như họ không phải là người nữa. Người gì mà bịt mặt bịt mũi như…ma. Sợ ma quá, bà Năm nhanh chưn về nhà. Trong nhà hai con và hai cháu đang chờ bà. Cả bốn nhìn bà như thể tìm được kho báu tưởng đã mất.

Thật vậy, trong thời đại thổ tả như hiện nay rõ ràng ‘Chúng ta mất hết chỉ còn nhau’ như Vũ Hoàng Chương viết trong một hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh của thế giới hôm nay là phải xoá hết cuộc chơi đã bày ra cả ngàn năm. Ai ai cũng phải bấm vào cái nút ‘reset’ mà xoá bàn để làm lại từ đầu.

Chúng ta mất hết cả rồi sao?

Cả đến âm thanh một thủa nào!

Đâu còn ấm nữa rượu tàn canh?

Ba kiếp long đong ngồi chụm lại

Chúng ta mất hết chỉ còn nhau.

(Vũ Hoàng Chương)

Ai còn ai, xin trân quý khi mình còn bên nhau.

Việt Luận

Related posts