Christophe trong trái tim Việt Nam

Được yêu mến tại Việt Nam từ những năm của thập niên 60, Christophe đã đến Sài Gòn lần đầu tiên vào năm 2013. Paris Match đã đồng hành cùng người ca sĩ để ghi lại chuyến đi đáng nhớ này…

Đó là 11:00 giờ đêm tối thứ Bảy ngày 23 tháng 11. Khi những nốt đầu tiên của bản nhạc “Je ne t’aime plus” vang lên trong nhà hát Hòa Bình thì trong rạp vọng lên tiếng khóc cùng những tiếng vỗ tay vang dội. Một số khán giả đứng dậy, những người khác thì đưa máy ảnh lên, không khí đầy phấn khích. Rồi tiếp theo “Oh! Mon Amour”,”Maman”,”Mal”,”Main dans la main”. Và tất nhiên là “Aline”. Aline “thần thánh”.

Từ năm 1965, Aline đã là một “quốc ca” không chính thức tại Việt Nam. Khi tổng thống François Mitterrand đến Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức vào năm 1993, Dàn nhạc Quốc gia Hà Nội đã chơi bài hát này thay vì “Marseillaise”. Tựa như Adamo, Christophe là một biểu tượng ở Châu Á từ năm 1965 đến năm 1975. Nhạc của ông được phát hành tại các thành phố lớn và các bài hát của ông từng là những “top hit” với các ca sĩ Việt Nam hát lại. Phạm Duy, một phù thủy nhạc Việt, đã chuyển thể “Aline” và tạo ra một cú “hit” vào cuối thập niên 60.

Nhưng sự sụp đổ của Sài Gòn cùng với sự kết thúc cuộc chiến đã vang lên hồi chuông báo tử, đóng lại một không gian âm nhạc mê hoặc này. “Đất nước này đóng cửa gần như chỉ sau một đêm”, Patrick Désir, chủ tịch hiệp hội “Poussières de vie” và nhà tổ chức cho chuyến sang Việt Nam cho ca sĩ Christophe nói. Patrick tiếp, “không còn bất kỳ loại nhạc phương Tây nào, chỉ Christophe là để lại dấu ấn cho giới trẻ”.

Vì vậy, trong vài chục năm qua, “Aline” và một số bản nhạc ít được biết đến ở Pháp vẫn còn trong ký ức người nghe nhạc Việt Nam.Xem thêm:   DVD Những Người Lính Bị Bỏ Rơi

Trong khi sự nghiệp của Christophe bước sang một bước rẽ mới với “Les paradis perdus” rồi “Les mots bleus”, thì Việt Nam đã bị chìm vào sự ngăn chận văn hóa phương Tây thời hậu chiến. Chỉ từ sau sự tiến bộ của chế độ, Đại Sứ Quán và các lãnh sự Pháp mới nghĩ đến việc mời người ca sĩ bí ẩn của “Aline” trở lại.

Nhưng ông đã ra khỏi cuộc chơi, không còn muốn biểu diễn trước công chúng. Ông bảo, “Với tôi, điều quan trọng là âm thanh, là không khí. Tôi là một đạo diễn chứ không phải ca sĩ”. Tuy nhiên vào năm 2002, ông đã thay đổi quyết định, biểu diễn tại Olympia, 27 năm sau chương trình nhạc cuối cùng của ông. Rồi đến bảy năm sau cho lần kế tiếp. Kể từ đó, dường như Christophe chỉ thích sống lãng du.

Nhưng rồi chương trình “Intime Tour” của ông đã giành được nhiều lời khen ngợi. Một mình trên sân khấu, luân phiên giữa piano, keyboard và guitar, người ca sĩ không chỉ là một bậc thầy âm nhạc mà biến sân khấu thành một cảnh tượng quyến rũ. Christophe đắm vào khoảnh khắc kỳ diệu, dừng thời gian lại để đưa khán giả đến một thế giới khác.

Lần này, dường như không có gì cản trở Christophe đến với Việt Nam. Và có một lý do chính đáng hơn để thực hiện chuyến đi, dù ông rất ghét đi máy bay. Patrick Désir quay lại Việt Nam vào năm 1998. Bốn năm sau, anh ta thành lập tổ chức “Cát Bụi Cuộc Đời” – “Muffsières de vie” để giúp đỡ trẻ em đường phố, những em mà từ năm 6 tuổi thì cha mẹ đã không ngần ngại đẩy ra ngoài để kiếm tiền mang về nhà. Kể từ đó, các em có thể nhanh chóng bị cuốn vào ma túy hoặc mại dâm. Mục tiêu của Patrick là ngăn chặn điều đó, làm mọi thứ để đưa các em trở lại lớp.Xem thêm:   Thông báo của Los Angeles County

Patrick Désir – giám đốc của tổ chức NGO này là “fan” của ca sĩ Christophe. Anh từng mơ ước được đưa thần tượng của mình đến Sài Gòn. Thế rồi kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp là cái cớ hoàn hảo. Điều gì có thể tốt hơn một chương trình nhạc vừa để kỷ niệm cột mốc này vừa có thể gây quỹ cho tổ chức từ thiện? Christophe kể một buổi sáng, ở trước đại lộ Montparnasse tại Paris, Patrick Désir đứng đợi ông cùng vợ. Patrick bắt đầu bằng cách xin chụp một bức ảnh và sau đó trình bày chuyện. Tất cả bắt đầu từ đó.

Cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 8 năm 2013. Mọi thứ vẫn chưa được thực hiện: tìm chỗ biểu diễn, chi phí, nguồn tài trợ… Những người Việt hâm mộ Christophe đã không ngần ngại góp tiền cùng lãnh sự quán Pháp. Christophe bay sang Sài Gòn ngày 17 tháng 11, 2013 cùng với con gái của ông, Lucie. “Tất cả những điều này có ý nghĩa với tôi,” Christophe nói. “Tôi cũng đã mơ được nhìn thấy Châu Á bởi cha dượng của tôi là người gốc Hoa, một người có ảnh hưởng thực sự đến cuộc sống của tôi. Tôi đã kết hôn gần như là vì ông”.

Christophe thám hiểm sông nước miền Nam. ảnh: Lucie Bevilacqua / Paris Match

Từ căn phòng trên tầng lầu 19 của một khách sạn ngay trung tâm thành phố, Christophe nhìn xuống thành phố nhộn nhịp, trẻ trung, năng động này, tựa như trong một cuốn phim nào đó của Vương Gia Vệ. Cuốn phim là ở khắp mọi nơi nơi đây. Chỉ cần dừng lại trên đường phố và ngắm nhìn. Là một con cú đêm tại Paris, Christophe gây ngạc nhiên cho những thành viên trong nhóm. Ông dậy khá sớm, đi dạo quanh phố, đến các tiệm nhạc cụ, đứng ngắm trước các nhà hàng địa phương.Xem thêm:   Nhận hàng giao tại nhà trong mùa dịch

Vai trò của Christophe ở đây là một ca sĩ phong cách “yéyé” trẻ trung hơn. Ông đồng ý sửa đổi kiểu trình diễn cổ điển của mình cho đến các bài hát chuyển ngữ mà ông hầu như chưa bao giờ hát, ngoại trừ bài Aline. Trong các buổi diễn tập, Christophe bị lắm bất ngờ bởi một số câu chữ. Rồi thay đổi dăm ba điều khác. Rồi đến “Maman”, một bài hát cũ từ năm 1966, dường như đặc biệt làm ông hơi giận. Ông bảo, “Đó là bài hát liên quan đến chuyện cha mẹ tôi ly hôn. Tôi không nhận ra nó rồi bỗng nhiên nó nhảy vào mặt tôi. Tôi vẫn còn thấy mình mang headphone, ngồi trong phòng thu một mình lúc bấy giờ. Thật lạ lùng!”. Một người làm cho mọi người vui lại là người không lộ nhiều cảm xúc của mình ra ngoài. Ông thay đổi đề tài khô khan, chuyển sang khen trà địa phương mà ông không biết là “có vị như cà phê hay sen”.

Và rồi hai mươi bốn giờ sau, màn trình diễn của ông sẽ vô cùng mê hoặc, cho dù khán giả có hay không biết gì về “Les mots bleus” hay “Les paradis perdus”. Rồi cuối buổi hòa nhạc, các cô gái trẻ sẽ quây quanh ông tạo dáng chụp hình, người hâm mộ sẽ nhờ ông ký tên vào đĩa nhạc, sách hay áp-phích. Dẫu trung thành đặt mình vào trong trò chơi đó, hồn Christophe rõ ràng ở một nơi nào khác. Đó là Christophe.

Đinh Yên Thảo  (viết lại từ Paris Match)

Related posts