Christchurch: Thảm sát hay khủng bố? Vì thù hận chủng tộc hay tôn giáo?

Thành phố Christchurch, một địa điểm thu hút du khách nằm ở bờ biển phía đông Đảo Nam của Tân Tây Lan, trong 2 năm 2010 và 2011 từng bị các trận động đất phá hủy nhiều công trình kiến trúc lịch sử bằng đá xanh, lại vừa thu hút sự chú ý của thế giới với vụ thảm sát hôm Thứ Sáu 15/3/2019 vừa qua.

Một tên cuồng sát da trắng tên Brenton Tarrant, 28 tuổi, quốc tịch Úc, đã nổ súng bừa bãi vào những tín đồ đang cầu nguyện trong 2 thánh đường Hồi giáo. Tổng cộng có 50 nạn nhân –cả trẻ em và người lớn, phụ nữ lẫn nam giới- đã thiệt mạng và hơn 40 người bị thương, một số vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch. Thủ tướng Tân Tây Lan, bà Jacinda Ardern, gọi đây là một vụ khủng bố và ngày Thứ Sáu 15/3/2019 là một trong những “ngày đen tối nhất” của đất nước vẫn nổi tiếng yên bình này. Hung thủ đã bị bắt và đã chính thức bị truy tố về tội sát nhân.

Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử Tân Tây Lan. Điểm đặc biệt của vụ bắn giết này là tên sát thủ đã dùng ống kính video cá nhân gắn trên mình để truyền hình trực tiếp (live stream) hành động tàn ác của hắn trên mạng facebook. Hơn thế, ngay trước các cuộc tấn công diễn ra, nhiều tài khoản mạng xã hội của y dưới tên Brenton Tarrant đã đăng một tài liệu dài 74 trang, nội dung mang tính phân biệt chủng tộc, trong đó nói rằng y hy vọng sống sót sau cuộc tấn công để có thể giải thích rõ ràng hành động của mình với giới truyền thông và thế giới.

Cảnh Sát đã tịch thu trên chiếc xe hơi của hung thủ nhiều vũ khí đủ loại và cả một số chất nổ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công.

Mặc dù chính thức cho tới nay Cảnh sát Tân Tây Lan chưa kết luận chính xác vụ thảm sát ở Christchurch có lý do tôn giáo hay chủng tộc nhưng công luận đã có chung nhận định rằng đây là một vụ thảm sát có tính toán với lý do thù hận cả chủng tộc lẫn tôn giáo.

*

Tin tức xác nhận Brenton Tarrant là người sinh trưởng tại Úc, một kẻ theo chủ trương cực hữu, thích sử dụng bạo lực, thường xuyên ca tụng các phong trào cực hữu chủ trương người Da trắng là thành phần chủng tộc thượng đẳng (White Supremacy) ở Mỹ.

Một phần của bản tuyên ngôn mà hung thủ đã loan tải dành để ca tụng và vinh danh Darren Osborne, thủ phạm vụ tấn công vào thành đường Hồi Giáo Finsbury-Moschee ở Luân Đôn, Anh Quốc hồi năm 2017; kẻ sát nhân hàng loạt người hàng loạt người Na Uy, Anders Behring Breivik (tay cực hữu quá khích người Na Uy đã hạ sát 77 người ở thủ đô Oslo và một đảo gần đó năm 2011).

Nội dung bản tuyên ngôn và hình ảnh video mà hung thủ loan tải cho thấy rõ ràng ý muốn chính của hung thủ là tạo tiếng tăm và cổ vũ cho tinh thần dân tộc cực đoan, thượng tôn chủng tộc và bài di dân Hồi giáo.

Trước hết, hung thủ giải thích lý do chọn Tân Tây Lan, một quốc gia nhỏ từ trước đến nay vẫn được coi là bình yên, xa cách những vụ giết chóc hay biến động bạo lực là cốt ý “muốn thế giới biết rằng, nếu một nơi yên lành như Tân Tây Lan còn xảy ra vụ tấn công thì sẽ không có một nơi nào trên thế giới được coi là an toàn nữa”, bởi lẽ theo y “ngay cả một quốc gia ở nơi xa xôi như Tân Tây Lan mà cũng có tình trạng di dân Hồi giáo kéo tới hàng loạt.”

Ngoài tinh thần thượng tôn dân tộc da trắng, hung thủ tự xưng mình là người bảo vệ môi trường và theo chủ nghĩa Phát Xít, coi Trung Cộng là quốc gia gần với quan điểm của mình cả về giá trị chính trị và xã hội.

Trong suốt bản tuyên ngôn này, điều thường xuyên được nêu lên là cuộc đối đầu giữa hai thành phần nhân loại là người gốc Âu Châu và người theo Hồi Giáo; cũng như nhắc nhở đến bối cảnh cuộc thánh chiến Thập Tự Chinh (Crusades), và những cuộc chiến tranh tôn giáo do Giáo Hội chủ xướng.

Hung thủ nói sự kiện đẩy y đến bạo động là chuyện xảy ra năm 2017, khi hắn đang du lịch Tây Âu và chứng kiến cảnh một người đàn ông gốc Uzbekistan lái chiếc vận tải đâm vào đám đông ở Thụy Điển làm năm người chết. Hung thủ nói điều làm y căm phẫn nhất trong vụ đó là “cái chết của một bé gái Thụy Điển 11 tuổi”. Tiếp theo, hung thủ cho biết lòng mong muốn bạo động tăng lên khi đến Pháp và giận dữ trước hình ảnh của đám đông di dân tại hầu hết những nơi y đến thăm. Vì thế, hung thủ kể rằng hắn đã chuẩn bị cho cuộc tấn công và 3 tháng trước đã quyết định chọn thành phố Christchurch làm địa điểm vì nơi đây có nhiều dấu tích của xã hội da trắng Tây phương nay đã “bị di dân Hồi giáo xâm lấn”(!).

Y nói rằng mình không thuộc bất kỳ một nhóm hay tổ chức nào, dù rằng có góp tiền cho nhiều nhóm theo dân tộc chủ nghĩa và từng liên lạc với nhóm chủ trương bài di dân có tên Knights Templar và đã được sự tán đồng của Anders Breivik để mở cuộc tấn công.

*

Hung thủ Brenton Tarrant nêu một danh sách dài những mục tiêu muốn đạt được qua cuộc tấn công này.

Y hy vọng vụ bắn giết này sẽ giảm tình trạng di dân vì làm người di dân lo sợ không dám tới nữa. Y cũng hy vọng sẽ tạo được sự thù hận, chia rẽ giữa người dân trong khối NATO và người dân Thổ Nhĩ Kỳ, tạo thêm chia rẽ và bất ổn trong các quốc gia Tây phương.

Y cũng muốn qua vụ bắn giết có chuẩn bị với số lượng vũ khí hùng hậu mình sở hữu sẽ tạo thêm tranh chấp về luật súng ở Mỹ, để có thể đưa tới một cuộc nội chiến, với kết quả sau cùng là các chủng tộc sẽ sống riêng rẽ với nhau.

Hung thủ nói y chọn các nạn nhân là tín đồ Hồi giáo để tấn công vì coi họ là kẻ xâm lăng dần dần sẽ thay thế dân da trắng. Hung thủ nói không có chút thương cảm nào cho những người bị y hạ sát.

*

Ngay sau khi bắt được hung thủ,

Thủ tướng Tân Tây Lan bà Jacinda Ardern khẳng định, đây chính là một hành vi khủng bố (Terror act) nhắm vào người dân Hồi Giáo và bà lên án “việc tấn công vào người Hồi Giáo ở một nơi thiêng liêng họ đang cầu nguyện là một hành động kinh tởm, đê hèn”.

Theo dữ kiện thống kê dân số mới nhất thì người theo Hồi giáo khoảng 46 ngàn (1.1% dân số Tân Tây Lan gần 4 triệu rưỡi người). Số di dân gốc Hồi giáo nhập cư đã tăng mạnh khi Tân Tây Lan tiếp nhận những người tị nạn từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá kể từ những năm 1990.

Về chuyện sở hữu súng ống thì luật về súng của Tân Tây Lan có phần khá rộng rãi, theo đó độ tuổi hợp pháp tối thiểu để sở hữu súng là 16 tuổi và 18 tuổi đối với vũ khí bán tự động kiểu quân đội. Tuy tất cả sở hữu chủ phải có giấy phép sử dụng súng, nhưng hầu hết các vũ khí đang lưu hành tại Tân Tây Lan lại không phải có giấy đăng bộ (TTL là một trong số ít các quốc gia có trường hợp này). Người xin cấp giấy phép sử dụng súng phải qua được phần kiểm tra lý lịch, hồ sơ tội phạm và y tế gồm các yếu tố như sức khỏe tâm thần và bạo lực trong gia đình. Một khi đã được cấp giấy phép thì chủ sở hữu súng có quyền mua bao nhiêu vũ khí tùy thích.

Thủ tướng Tân Tây Lan đã đạt được sự ủng hộ mạnh mẽ tại quốc hội và tuyên bố sẽ gấp rút thay đổi luật súng ống sau khi biết thủ phạm có 5 khẩu súng và giấy phép sử dụng những khẩu súng đó.

Thủ tướng Tân Tây Lan –cũng như nhiều người trên toàn thế giới- đã nêu mối quan tâm về vai trò các mạng xã hội –như Facebook, nơi đã được dùng để phát trực tiếp hình ảnh các vụ tấn công.

Facebook nói đã xóa bỏ tới hơn 1 triệu rưỡi video clip về vụ tấn công khỏi trang của mình trong vòng 24 giờ đầu tiên, và “mọi phiên bản video đó tuy đã được biên tập lại để không hiện hình ảnh kinh hoàng của vụ thảm sát” cũng đang được xóa bỏ.

Thủ Tướng Jacinda Ardern của Tân Tây Lan quyết định không nhắc đến tên hung thủ vì bà nói “không muốn hắn ta được toại nguyện ước muốn được công luận thế giới biết đến và được nhắc nhở là người tôn thờ chủ thuyết “Da Trắng Thượng Đẳng.” Bà Ardern nói “Hắn ta là một tên khủng bố quá khích, một tội phạm… chúng ta hãy nhắc đến danh tính các nạn nhân chứ đừng nói đến tên của kẻ giết người vì hắn muốn nổi tiếng, nhưng chúng ta sẽ không cho hắn cái gì hết.” và bà hứa sẽ cải tổ luật sở hữu súng ở Tân Tây Lan.

Khi tới thành phố Christchurch ủy lạo các nạn nhân, Thủ tướng Tân Tây Lan đã mặc áo trùm đầu với một tấm khăn (hijab) như các phụ nữ Hồi giáo thuần thành, bà đã mở đầu bài diễn văn tại quốc hội bằng lời chào tiếng Ả Rập, “As-salamu alaykum,” lời chúc bình an quen thuộc của người Hồi Giáo và bà kêu gọi nhân dân Tân Tây Lan hãy đoàn kết cùng đứng lên ngăn chặn bọn da trắng cực đoan.

*

Cuộc thảm sát ở Christchurch có thể là một lời báo động cho di dân ở các nước Tây phương. Tuy rằng các nhóm Da Trắng Thượng Đẳng ở những nước đó chỉ là một thiểu số không đáng kể, nhưng không thể đoán được lúc nào bọn chúng sẽ lên cơn điên đi tìm giết người khác màu da. Nếu bọn này lại được các nhà chính trị theo chủ trương bài di dân khích lệ để kiếm phiếu thì chúng sẽ càng mạnh bạo hơn và nguy cơ sẽ là không biết chúng sẽ đi sát hại di dân ở đâu, lúc nào!

Điển hình cho những chính khách thuộc loại này, ngay sau vụ tàn sát ở Christchurch xảy ra, Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, đã lên tiếng báo động với ngôn ngữ và nội dung giống như lời của hung thủ về cảnh nền văn minh Tây phương đang bị đe dọa “Nếu không có nền văn minh Thiên Chúa Giáo, thì Âu châu sẽ không còn tự do.”

Tại Úc, chỉ không lâu sau khi vụ bắn giết xảy ra, Thượng nghị sĩ độc lập của tiểu bang Queensland, Fraser Anning đã làm cho công luận phẫn nộ với lời tuyên bố “chính chương trình nhập cư cho phép những kẻ cuồng tín Hồi giáo nhập cư vào Tân Tây Lan là nguyên nhân dẫn đến vụ thảm sát này”. Ông ta còn nói “dù người Hồi giáo là nạn nhân của cuộc tấn công, nhưng chính họ cũng có lỗi và nói chung Hồi giáo cũng thế”.

Lời tuyên bố của TNS Anning đã nhanh chóng được lan truyền trên internet. Nhiều chính trị gia Uc lập tức đã chỉ trích ông ta. Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi những bình luận của Anning là “vô cùng kinh tởm” khi “đổ lỗi vụ tấn công giết người ở TTL của một kẻ khủng bố cực đoan cánh hữu cho vấn đề nhập cư”.

Ngược lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gây phẫn nộ cho chính phủ và người dân của Úc và Tân Tây Lan khi có phản ứng bằng lời lẽ quá khích về vụ thảm sát nhắm vào thánh đường và tín đồ Hồi giáo ở Christchurch.

Tổng thống Erdogan đã đe dọa rằng “bất cứ một công dân Úc hay Tân Tây Lan nào đến viếng Thổ Nhĩ Kỳ để dự lễ kỷ niệm trận đánh ở Galipolli trong dịp lễ Anzac Day 25/4 sắp tới mà có tinh thần bài Hồi giáo, thì chắc chắn kẻ đó sẽ hồi hương trong quan tài như ông cha họ hồi Thế chiến thứ nhất trước đây”!

Thủ tướng Úc Scott Morrison lập tức đã lên án lời lẽ đe dọa thô bạo của Tổng thống Thổ, đồng thời đã cho triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Úc đến để phản kháng và đòi chính phủ Thổ phải giải thích thỏa đáng về lời đe dọa đó.

Còn Thủ tướng Tân Tây Lan bà Ardern cho biết là Ngoại trưởng TTL ông Winson Peters sẽ đích thân đến Ankara để “phản kháng” và “chất vấn Tổng Thống Thổ” về chuyện này.

Vụ thảm sát ở Christchurch, những lời tuyên bố hung hăng và quá khích như của TNS Úc Anning và Tổng thống Thổ Erdogan có thể là chất xúc tác (theo kiểu đổ dầu vào lửa) cho những vụ bạo động, tấn công tiếp diễn.

Như trường hợp một vụ nổ súng giết người trên xe điện vừa xảy ra hôm Thứ Ba vừa qua ở thành phố Utrecht của Hòa Lan.

Một người đàn ông gốc Thổ đã bắn chết 3 người và làm bị thương 5 người khác trên 1 chuyến xe điện ngay giữa ban ngày khiến giới chức an ninh phải báo động và ra lệnh đóng cửa các trường học và bao vây nguyên cả một khu phố. Giết người xong hung thủ đã lẩn trốn nhưng sau đó đã bị Cảnh sát truy lùng và bắt giữ.

Mặc dù chính quyền Hòa Lan chưa công bố chính thức lý do của vụ bắn giết ngay nơi công cộng này -vì còn đang trong vòng điều tra- và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thì tuyên bố rằng “đó chỉ là vụ bạo động chết người liên can đến mâu thuẫn và xung đột trong gia đình”  nhưng nhiều nhà quan sát đã bày tỏ quan ngại rằng “vụ bắn giết ở Hòa Lan có thể bắt nguồn từ vụ thảm sát ở Christchurch và vì những lời tuyên bố sắt máu của Tổng thống Erdogan”.

Thực hư ra sao chưa rõ, nhưng những lo âu về nguy cơ những vụ giết chóc liên quan đến yếu tố phân biệt, kỳ thị và thù hận chủng tộc và tôn giáo là điều có thật và không thể coi thường, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi mà không khí mâu thuẫn căng thẳng giữa các nhóm khác biệt màu da vốn đang trên đà mỗi ngày một gia tăng hiện nay.

Phạm Thạch Hồng

Related posts