Chính quyền Trung Quốc tiếp tục bịt miệng những người phơi bày tình hình dịch bệnh

Vào ngày 26/2, một cựu phóng viên đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã bị bắt tại thành phố Vũ Hán – tâm điểm bùng phát dịch COVID-19, được cho là động thái mới nhất của chính quyền Trung Quốc trong việc kìm hãm tự do ngôn luận trong khi dịch bệnh hoành hành.

Li Zehua, 25 tuổi, từng làm việc tại đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV. Khoảng hai tuần trước, anh bắt một chuyến tàu đến Vũ Hán, khi muốn tận mắt chứng kiến một bức tranh đầy đủ về tình hình dịch bệnh. 

Trong những ngày tiếp theo, anh đã đến thăm khu dân cư Baibuting, nơi tổ chức một bữa tiệc có sự tham dự của hơn 40.000 gia đình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên toàn khu vực. Anh cũng đến thăm một nhà tang lễ và một ga xe lửa địa phương, và tại đây anh đã nói chuyện với một công nhân nhập cư bị mắc kẹt trong khu vực.

Đêm 26/2, vài giờ sau khi anh tiếp cận khu vực xung quanh một phòng thí nghiệm virus của nhà nước, một vài sĩ quan cảnh sát đã xuất hiện tại khách sạn của anh.

Li bắt đầu phát trực tiếp (live-stream) sau khi cảnh sát gõ cửa. Trong video, anh tỏ ra khá bực bội, nói rằng anh không làm gì sai. Anh cũng cho biết đó là một khoảnh khắc “rất phi thường”.

“Trước đây, khi tôi bật camera và nói, thì người khác luôn là đối tượng được ghi hình. Hôm nay, chính bản thân tôi lại trở thành nhân vật chính”, anh nói. “Tuy rằng đây có thể là lần ghi hình cuối cùng của tôi”.

Rốt cục, anh cũng cho cảnh sát vào nhà.

“Tôi cảm thấy có lẽ tôi sẽ bị bắt mang đi cách ly. Nhưng tôi muốn nói rõ điều này: tôi không xấu hổ khi phải đối mặt với chính mình, hay bố mẹ tôi … hay bạn bè tôi [ở trường đại học], và đất nước này”, anh nói không lâu trước khi cảnh sát cắt tín hiệu phát trực tiếp.

Li là nhà báo công dân thứ ba bị bắt vì báo cáo thông tin “chưa qua kiểm duyệt” từ Vũ Hán.

Ngày 10/2, hai ngày trước khi Li đến Vũ Hán, cảnh sát đã đột nhập vào nhà của một người dân địa phương tên Fang Bin, bởi anh này đã đăng một đoạn video cho thấy 8 xác chết bên trong một chiếc xe tải đậu gần một bệnh viện lớn.

Trong cùng tuần, luật sư kiêm đạo diễn phim truyền hình Trung Quốc Trần Thu Thực (Chen Qiushi), người từng đi từ Bắc Kinh đến Vũ Hán vào cuối tháng 1, đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng.

Kiểm duyệt ngôn luận trực tuyến

Patrick Poon, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại tổ chức nhân quyền Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhận định vụ bắt giữ phóng viên Li là “cực kỳ đáng lo ngại”.

“Nó cho thấy chính phủ Trung Quốc không khoan nhượng với tất cả những người phơi bày sự thật, thậm chí cả những công dân bình thường và những người từng làm việc cho chính phủ”, ông chia sẻ với tờ The Epoch Times trong một email.

Các video được anh Li đăng tải đã “chạm vào dây thần kinh nhạy cảm của chính quyền Trung Quốc, bởi thực tế rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn che đậy chứ không phải phơi bày tình hình thực tế tại hiện trường tâm dịch”, ông nói.

Một tài liệu nội bộ của chính phủ mà tờ The Epoch Times thu thập được gần đây cho thấy chỉ riêng tại tỉnh Hồ Bắc chính quyền đã cho triển khai hơn 1.600 nhân viên giám sát mạng để kiểm duyệt ngôn luận trên mạng internet liên quan đến vụ dịch cũng như loại bỏ những nhận định tiêu cực.

Một người đàn ông họ Tu ở tỉnh Quảng Đông gần đây đã bị bắt giam 15 ngày vì đưa ra những “lời lẽ xúc phạm” trên mạng về trưởng nhóm chuyên gia kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc Zhong Nanshan cũng như chính quyền Trung Quốc. Các công tố viên ở thành phố Trung Sơn, nơi ông Tu sống, cho rằng các nhận xét này là vi phạm pháp luật. Ông Tu sau đó đã đăng một lời xin lỗi công khai viết bằng tay, đồng thời đánh dấu vân tay của mình vào tài liệu.

Chuyên gia pháp lý và nhà hoạt động dân quyền Xu Zhiyong đã bị bắt tại Quảng Đông vào giữa tháng 2, vài ngày sau khi ông viết một lá thư công khai kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức vì “thiếu khả năng xử lý các loại khủng hoảng”, bao gồm đối với dịch COVID-19. 

Huang Yang, một nhà hoạt động nhân quyền bộc trực đến từ thành phố Trùng Khánh, đã bị cảnh sát triệu tập bốn lần trong ba tuần qua do phát tán thông tin chỉ trích chính quyền trên WeChat, một mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc đại lục.

Trong một ảnh chụp màn hình do anh cung cấp cho tờ The Epoch Times, cho thấy một cuộc trò chuyện trên WeChat vào ngày 14/2 có liên quan đến anh, anh Huang đã đề cập đến bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong tám chuyên gia y tế đã nhận cảnh cáo của cảnh sát khi cảnh báo sớm cho công chúng về loại virus nguy hiểm này. Bác sĩ Lý sau đó đã qua đời sau khi nhiễm virus từ một bệnh nhân được anh điều trị.

Ông Huang nhận định cái chết bi thảm của bác sĩ Lý chứng tỏ việc chính quyền tuyên truyền rằng “quyền được sống còn quan trọng hơn nhân quyền” là một lời tuyên truyền dối trá.

“Tự do ngôn luận của người dân là không thể tách rời với quyền được sống”, ông viết trong tin nhắn. Huang đã bị cảnh sát thẩm vấn vào ngày hôm sau.

Không còn đường lui

Hu Jia, một nhà hoạt động ở Bắc Kinh và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, cho biết ông đã bị quản thúc tại gia kể từ ngày 15/1 vì sự ủng hộ của ông đối với các luật sư nhân quyền bị bắt giam trong vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến hồi cuối năm 2019 của chính quyền.

Cảnh sát đã đến nhà cha mẹ ốm yếu ở độ tuổi 80 của ông vài lần trong những tuần gần đây, để gây áp lực cho Hu. Trong một lần gặp mặt, các sĩ quan đã bảo Hu phải giữ im lặng nếu không muốn nhìn thấy gia đình anh “bị hủy hoại”.

Hu đã xem video của phóng viên Li sau khi anh hay tin về vụ bắt giữ, và anh rất ấn tượng trước lòng dũng cảm của cậu thanh niên trẻ khi đối diện với chính quyền.

“Cậu ta [Li] muốn khai thác sự thật ở tuyến đầu, khi phải đối mặt với sự sống và cái chết … để ghi lại dòng lịch sử chân thực”, Hu trao đổi với tờ The Epoch Times.

Chính quyền Trung Quốc “đang sử dụng cảnh sát, hệ thống an ninh và các nhà tù để tiến hành một cuộc chiến không cân xứng nhằm kìm hãm các quyền công dân của người dân”, ông tuyên bố. “Họ sẽ bắt giam bất cứ ai cố gắng nói lên sự thật … và ném họ vào tù – đây là chiến thuật điển hình của họ”.

Trong video của Li, trong khoảnh khắc trước khi anh cho cảnh sát vào phòng khách sạn, trước ống kính camera anh đã tự ví mình với nhân vật chính trong bộ phim viễn tưởng The Truman Show vào năm 1998 của Mỹ. Nhân vật chính, Truman, sống cả đời trong một chương trình truyền hình “mô phỏng thực tế”, cho đến khi anh quyết định trốn ra ngoài.

“Tôi nghĩ mọi người cũng giống như Truman … khi bạn phát hiện ra lối [thoát] và tiến vào đó, bạn sẽ không bao giờ quay lại”, anh nói.

Theo Eva Fu / The Epoch Times
Quý Khải dịch

Related posts