Chiếc khăn mùi xoa

Nhìn lại những tấm ảnh xưa, hầu như ai cũng phải công nhận rằng người thời trước ăn mặc lịch sự chứ không xuề xoà như chúng ta thời nay. Không khi nào ra đường mà thấy có người mặc quần jeans, áo may ô cả. Thường thì đàn ông lúc nào cũng áo sơ mi, quần tây; khi đi ra ngoài hay đi làm thì thắt cà vạt và mang thêm chiếc áo khoác ngoài nữa. Thậm chí những lúc ở nhà không làm gì người ta cũng vẫn cứ ăn mặc lịch sự như thế cho đến khi lên giường vào buổi tối. Và luôn luôn trong túi quần người nào cũng có chiếc khăn mùi xoa được là ủi thẳng nếp, gấp làm tư hay làm tám gọn gàng, như một vật bất khả ly thân.

Ở những xứ nhiệt đới như Việt Nam, trời nóng mặc áo khoác thì hơi bất tiện, nhưng đối với các ông công chức sống cách đây hơn nửa thế kỷ, áo sơ mi bỏ trong quần là tiêu chuẩn lịch sự tối thiểu nơi sở làm. Và đương nhiên, trong túi quần ông nào cũng có sẵn một chiếc khăn mùi xoa phòng khi hữu sự.
Chiếc khăn mùi xoa đó làm được rất nhiều việc. Trong khi các bà các cô mang túi xách chứa đựng đủ mọi thứ lỉnh kỉnh trong đó, các ông thì đâu thể mang kè kè bên mình một cái túi xách như thế được. Thế nên một chiếc khăn mùi xoa trong túi quần để phòng khi cần thì có ngay mà dùng. Chẳng hạn bỗng dưng cái mũi khó chịu ngứa ngáy làm hắt xì một cái thì đã có chiếc khăn đưa lên che cho đủ phép lịch sự ở nơi công cộng. Hay khi trời nóng và trên trán bắt đầu lấm tấm đổ mồ hôi thì lúc có có chiếc khăn mùi xoa đưa lên lau một cái cho khô trán rồi nhét nó lại vào trong túi quần một cách hết sức gọn gàng và tiện lợi.

Ngoài ra người ta còn dùng khăn mùi xoa trong nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn như dùng khăn lau khô chiếc ghế công viên sau cơn mưa để có được một chỗ khô ráo mà ngồi. Hay dùng để băng bó nếu như chẳng may bị một vết cắt trên ngón tay, một vết trầy ở khuỷu tay. Hoặc dùng khăn để lau cặp kính thì thiết tưởng không gì tốt bằng. Và khăn còn có thể dùng để che đầu cho bớt nóng nếu gặp phải một ngày quá nhiều nắng.
Nhưng cái lý do chính đáng nhất để mang chiếc khăn mùi xoa trong túi thì lại không phải cho chính mình, mà là để chờ khi có cơ hội thì cho người khác mượn khi họ cần. Hãy nhớ mang theo chiếc khăn mùi xoa khi bạn dẫn bạn gái đi coi một cuốn phim tình cảm lâm ly bi đát hay đưa vợ đi dự một đám tang chẳng hạn. Khi người phụ nữ cảm thấy mủi lòng và thổn thức thì đấy là lúc họ sẽ thật sự thầm cảm ơn bạn vì có trong tay chiếc khăn cần thiết ấy để lau khô đi những giọt lệ vừa trào ra khỏi đôi mắt ướt đẫm kia.
Và thêm điều này nữa, dùng khăn mùi xoa ta sẽ bớt đi sự phí phạm là vì khăn mùi xoa có thể giặt sạch và dùng đi dùng lại nhiều lần chứ không như loại khăn giấy, hỉ mũi một lần xong là vất vào sọt rác làm phải đốn không biết bao nhiêu cây rừng thật uổng phí.

Chiếc khăn mùi xoa đã từng nhiều lần xuất hiện trong văn chương. Giả thử nếu đó là một mảnh giấy mỏng thì chắc chúng ta sẽ không bao giờ được thưởng thức những đoạn văn hay hình ảnh trong phim tả cảnh người ta trao khăn cho nhau – có chỗ thì nên thơ làm cho người đọc hay người xem bồi hồi xúc động, chỗ thì lâm ly ai oán lấy mất không biết bao nhiêu nước mắt của thiên hạ. Như trong phim “Cuốn theo chiều gió” dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Margaret Mitchell. Ở đoạn cuối của cuốn phim, khi Rhett Bulter vừa nói lời chia tay với Scarlett O’Hara làm nàng sụt sùi đến tội nghiệp, vừa mếu máo vừa cố gắng van nài chàng ở lại với nàng. Ngay vào lúc khi Scarlett đang cần bám víu vào một cái gì đó thì Rhett liền hiểu ý, đưa cho nàng chiếc khăn mùi xoa như một cử chỉ dỗ dành pha chút giận dỗi trong câu nói: “Đây, hãy cầm lấy chiếc khăn mùi xoa này đi. Anh chưa hề bao giờ thấy, bất kỳ khi nào có chuyện buồn xảy ra trong cuộc đời em, mà trong tay em có cầm chiếc khăn mùi xoa.”
Trong đời thường, chiếc khăn cũng đã đôi lần xuất hiện ở một vài sự kiện trọng đại, và cựu Tổng thống Barack Obama là một trong những nhân vật nổi tiếng có lẽ cũng nhận ra một đôi điều tiện lợi của nó. Báo chí đã từng ghi lại được một số hình ảnh trong lần ông đi dự đám tang của cựu Thủ tướng Do Thái là Shimon Peres năm 2016. Ông Obama được xếp ngồi cạnh người con trai của ông Peres là Chemi, lúc ấy đang khóc lóc thảm thiết đúng như câu nói mà người Việt mình vẫn thường hay nhắc là “khóc như cha chết”. Ông Obama bèn rút chiếc khăn mùi xoa trong túi quần ra và trao vào tay người con trai đau khổ ấy, và Chemi đã đón lấy chiếc khăn cùng với lòng biết ơn sâu sắc.
Lịch sử của khăn mùi xoa bắt đầu từ rất xa xưa, khoảng 2,000 năm trước Công nguyên. Thời đó chỉ có người giàu Ai Cập mới mang theo trong người khăn mùi xoa, được làm bằng một loại vải lanh màu trắng. Đến thời Đế quốc La Mã, khăn mùi xoa vẫn còn là vật xa xỉ mắc tiền và được người giàu La Mã dùng để lau mồ hôi trên mặt. Đến thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, khăn mùi xoa được dùng làm những món quà đặc biệt cho các quan chức cao cấp. Khi Đế quốc La Mã sụp đổ thì chiếc khăn mùi xoa bằng vải cũng biến mất sau đó.

Đến mãi giữa thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, chiếc khăn mới xuất hiện trở lại ở Pháp và được gọi là “mouchoir” – là chữ sau này được người Việt mình quốc ngữ hoá thành mùi xoa vậy. Lúc ấy, khăn mùi xoa không chỉ có hình vuông mà còn được sáng tạo thành hình tròn hay hình tam giác nữa. Đến thế kỷ 16, việc sử dụng khăn mùi xoa lan sang tới Ý, và những chiếc khăn ấy được cung cấp bởi các thợ may của Pháp, và không lâu sau đó trở thành vật trang sức rất thịnh hành trong giới thượng lưu của Ý.

Mặc dù chiếc khăn sau này được sử dụng rộng rãi trong dân chúng, hầu như ai cũng mang theo một chiếc bên mình, nhưng có một thời việc sử dụng khăn mùi xoa nơi công cộng bị coi là hành động thiếu phép lịch sự. Phụ nữ có mang theo khăn trong sắc tay của họ thì chiếc khăn đó luôn được giấu tận dưới đáy. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19 khi loại áo vest hai mảnh ra đời thì chiếc khăn mùi xoa đang được giấu kỹ trong túi quần bỗng ngang nhiên nhảy lên nằm hờ hững nửa trong nửa ngoài chiếc túi trên ngực áo vest và trở thành thứ thời trang thịnh hành của một thời. Và vì vậy, không một người đàn ông lịch thiệp nào thời ấy mà không sở hữu vài chiếc khăn để vắt một cách điệu nghệ trên chiếc túi áo nơi ngực mỗi khi ra ngoài.

Chiếc khăn mùi xoa tiếp tục là một vật trang sức thời trang cho cả đàn ông lẫn đàn bà cho đến đầu thế kỷ 20. Năm 1924, công ty Kleenex sản xuất và đưa ra thị trường một loại khăn giấy, được xem như lời cảnh báo về ngày tàn của khăn mùi xoa với câu châm ngôn quảng cáo của họ: “Đừng mang theo mầm mống bệnh cảm lạnh trong túi quần của bạn.” Mặc dù là một lời đầy thách thức, các nhà thiết kế thời trang của Pháp đã không tỏ ra lo lắng chút nào, và năm 1937, công ty thời trang Hermès nổi tiếng của Pháp còn tung ra thị trường một số lượng hạn chế những khăn mùi xoa bằng vải lụa thật đẹp, một số khăn đó sau này trở thành những món thời trang sưu tập đắt giá.

Không biết có phải vì lời thách thức của Kleenex xưa kia đã gây ảnh hưởng lên quan niệm của lớp thanh niên thời nay về chiếc khăn mùi xoa hay không mà nay có thể nói không còn thấy bất cứ thanh niên nào mang khăn mùi xoa trong túi như trước đây nữa. Không chỉ thế, nếu có ai thắc mắc đặt câu hỏi thì chắc chắn sẽ được nhận lại bằng cái nhăn mặt, bĩu môi và rằng: “À, cái mảnh vải cất trong túi quần để khi cần thì lôi ra đưa lên mũi xì một cái thật mạnh, xong rồi được gấp và cất lại trong túi quần đấy à? Sao lại có người ở dơ đến thế được.”

Thực ra đây là một sự hiểu lầm rất nghiêm trọng. Không ai dùng lại khăn mùi xoa đã dơ, và dùng đi dùng lại cả tuần bao giờ cả. Một người biết dùng khăn mùi xoa đúng cách là mỗi ngày phải thay một chiếc thật sạch, và phải giặt hằng tuần. Khi cho bất kỳ ai mượn thì chiếc khăn đó phải sạch và chưa được dùng qua. Và khi đưa cho người đó thì ta cũng phải nói cho họ biết rằng khăn sạch để đánh tan sự nghi ngờ của người được cho mượn nếu như người đó có hoài nghi không biết có thứ gì nằm ở bên dưới nếp gấp đó không.

Đã là khăn mùi xoa thì không cần phải mua thứ mắc tiền. Khăn chỉ cần làm bằng loại vải trắng bình thường. Tuy nhiên, không có gì sai trái nếu như có ai đó muốn dùng những chiếc khăn kiểu cọ thì cũng không sao hết. Thông thường khăn mùi xoa rất rẻ, do đó ta không phải lo lắng nếu như có lúc nào đó cho ai mượn mà không biết có cơ hội để lấy lại được hay không. Mà một người đàn ông hào hoa lịch thiệp thì không nên cất tiếng hỏi để lấy lại chiếc khăn cho mượn bao giờ cả.

Huy Lâm

Related posts