CHẤM ĐEN CỦA LỊCH SỬ CÔNG GIÁO

Trong vài tuần vừa qua, có lẽ cái tin gây chấn động nhất trong dư luận, nhất là trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo, đó là tin Hồng Y George Pell bị kết án tội lạm dụng tình dục trẻ em. Đáng lưu ý là ông Pell không bị kết án về tội che giấu, mà bị kết tội trực tiếp là người đã làm dụng tình dục ít nhất hai trẻ em giúp lễ trong nhà thờ, vài chục năm trước đây.

Nhiều người, kể cả cựu thủ tướng John Howard, Tony Abbott và những người tiếng tăm khác đã lên tiếng phản đối bản án của tòa. Những người này cho rằng Hồng y Pell vô tội và tòa án đã đưa ra một bản án phi công lý do áp lực của dư luận, chứ không phải do những bằng chứng mà tòa dùng để kết án ông.

Trạng sư Robert Richter cho biết Hồng y Pell sẽ đệ đơn kháng cáo. Cho đến giờ phút này ông Pell vẫn khăng khăng khẳng định rằng ông hoàn toàn vô tội. Nhóm luật sư của ông Pell cho biết sau khi tòa chính thức tuyên án, họ sẽ chính thức đệ đơn kháng cáo.

Trong khi đó tòa thánh Vatican đã tiến hành cuộc điều tra riêng của mình về những cáo trạng lạm dụng tình dục trẻ em của ông Pell để quyết định xem họ sẽ rút phép thông công của vị Hồng y nổi tiếng thế giới này hay không.

Chính phủ Úc tuyên bố sẽ rút lại tấm huy chương Order of Australia nếu  Hồng y Pell kháng cáo thất bại. Còn dư luận Úc thì rõ ràng chia thành hai nhóm một nhóm cương quyết rằng ông Pell vô tội còn một nhóm thì cảm thấy khó phán đoán vì đầu tiên bồi thẩm đoàn đã  không kết tội ông Pell được. Phải đến khi xét xử trở lại thì bồi thẩm đoàn mới lại quyết là ông có tội.

Vụ án của Hồng y George Pell được cả thế giới quan tâm vì đây là một án liên quan đến vị Hồng y quyền lực thứ 3 của giáo hội Công giáo toàn cầu. Và cáo trạng lạm dụng tình dục trẻ em đã và đang làm cho uy tín của giáo hội Công giáo La Mã bị tổn thương chưa bao giờ từng thấy trong  lịch sử.

Những cáo trạng lạm dụng tình dục này xảy ra khi ông Pell làm tổng giám mục địa phận Melbourne, cụ thể là tại nhà thờ St Patrick. Thoạt tiên  những cáo trạng và phiên tòa xử ông Pell bị tòa án cấm không cho dư luận biết đến. Tuy nhiên cuối cùng lệnh cấm này đã bị hũy bỏ và mọi người đều biết về cáo trạng và vụ xét xử ông Pell.

Vụ án được bắt đầu xét xử đầu năm 2018, tái xét xử vào tháng 11/2018 và tòa kết án vào tháng 12/2018. Mặc dầu vụ án được công bố, nhưng không phải toàn bộ mọi chi tiết của vụ án được công bố. Công luận vẫn không biết được tên tuổi của nạn nhân của Hồng y Pell. Một trong hai nạn nhân không muốn bị nêu tên, và nạn nhân còn lại thì đã qua đời trong năm 2014.

Tính chất khó khăn trong vụ án của Hồng y Pell là công lý phải được thực hiện và dư luận phải biết rõ tội ác của ông Pell. Nhưng nguyên tắc này rõ ràng không phải được sử dụng trong mọi tình huống và vì thế thoạt tiên tòa đã xử ông Pell nhưng không thông báo tội trạng và bản án của ông.  Nhưng rồi cũng chính tòa cũng đã thừa  nhận rằng công lý cần phải được thông báo cho toàn thể mọi người ai cũng thấy.

Vậy trong trường hợp ông Pell tòa đã dựa trên những căn cứ nào để cấm và rồi chấp thuận việc thông báo vụ án của Hồng y Pell?

Thật ra các trạng sư của Hồng y Pell đã xin lệnh tòa không công bố vụ án để bảo vệ danh tính của một số nạn nhân trong một cáo trạng khác chống lại ông Pell. Tuy nhiên khi vụ án liên quan đến các nạn nhân này được công tố viện ngưng truy tố, thì không còn lý do gì để không công bố vụ án của ông Pell. Chính vì thế mà cuối cùng vụ án được công bố.

Nhiều người cho rằng lý do tòa không cho công bố vụ án vì để bảo vệ uy tín cho ông Pell và giáo hội Công giáo. Nếu điều này đúng thì đó cũng chỉ là lý do gián tiếp chứ không phải lý do trực tiếp là bao che cho ông Pell và giáo hội.

Một lý do khác, do tính chất đặc biệt của vụ án, nếu tin tức về cáo trạng của ông Pell được thông báo sớm, thì những áp luật từ nhiều phía của dư luận, của báo chí, có thể làm cho bản án của tòa thiên lệch, không công bằng. Trong nhiều trường hợp chính dư luận đã tác động lên bồi thẩm đoàn và buộc bồi thẩm đoàn tuyên bị cáo vô tội dưới sức ép của dư luận, chứ không phải vì các bằng chứng quá hiển nhiên.

Tuy nhiên rõ ràng tòa án có trách nhiệm giải thích cho dư luận vì sao thông tin về vụ án của ông Pell không được phép đăng tải. Khi đã có lệnh tòa cấm đăng tải mà nếu giới truyền thông vẫn loan tin thì hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là tội khinh mạn tòa án có thể bị phạt tiền rất nặng hay thậm chí có khi  phải ở tù. Đã có hơn 100 phóng viên tại Australia vi phạm và đã bị phạt  nặng liên quan đến nhiều vụ án khác nhau.

Tuy nhiên lệnh của tòa án Australia chỉ có hiệu lực trong lãnh thổ Australia, và không có giá trị tại nhiều nơi trên thế giới. Dĩ nhiên tòa án Australia không có quyền phạt những phóng viên nước ngoài loan tin trên báo chí nước ngoài. Trong những trường hợp nếu tòa án Australia xét thấy  không cấm được  phóng viên nước khác loan tin tại nước ngoài thì tòa sẽ không ban hành án lệnh vì ban hành như thế này chỉ như con cọp không có răng và làm trò cười cho mọi người.

Theo tòa án Australia thì ông Pell đã được tòa xét xử đúng  công lý vì dư luận hoàn toàn không hay biết gì về vụ xử ông, và vì thế quyết định kết án của bồi thẩm đoàn không bị áp lực của dư luận.

Khi Hồng y Pell  kháng cáo, tòa kháng án có thể bác đơn kháng án, đồng ý cho kháng án hay đồng ý cho một phiên tòa xét xử trở lại ngay từ đầu. Và cuối cùng của tiến trình tái xét, tái xử, Hồng y Pell có thể lại được tòa tuyên án vô tội. Trong thời gian chờ kháng án ông Pell tiếp tục ở trong tù vì đơn xin tại ngoại hầu tra đã bị bác.

Nếu tái xử vụ án thì rõ ràng tòa phải thấy rằng các luật sư bào chữa phải đưa ra được những bằng chứng mới, hay những bằng chứng rằng bản án trước đây là không thích hợp. Trong hai nạn nhân thì chỉ có một nạn nhân trình báo với cảnh sát năm 2015 rằng ông ta bị Hồng y Pell lạm dụng tình dục tại nhà thờ sau một buổi lễ.

Rõ ràng trong những vụ án như thế này, sau hơn 20 năm thì bằng chứng không thể có nhiều và đầy thuyết phục được. Tại phiên tòa hầu như chỉ là những lời tố giác bằng miệng mà Hồng y Pell luôn bác bỏ những lời khai này của nạn nhân. Ông Pell không hiện diện tại tòa khi xảy ra phiên tòa mà lời từ chối của ông Pell được ghi hình và phát lại tại tòa cho mọi người đều nghe.

Nhiều nhân chứng đã trình trước tòa rằng thông thường chung quanh Hồng y Pell tại các buổi lễ rất là đông người, rằng ông Pell không thể ở một mình với các cậu bé rước lễ trong nhà thờ, và vì thế  ông không thể nào có cơ hội để lạm dùng tình dục các cậu bé này được.

Bên công tố đã gặp khó khăn trong việc trình và chứng minh các bằng chứng, vì hầu như họ chẳng có bằng chứng gì cụ thể. Nhưng theo tòa án thì nói chung các nạn nhân của lạm dụng tình dục thường ít khi dám khai báo vì xấu hổ, chính vì thế mà cảnh sát chẳng có nhiều các báo cáo từ các nạn nhân. Nhưng lời khai của nạn nhân trong  phiên tòa xử ông Pell vừa qua đã viện dẫn lời  khai của nhiều nạn nhân khác về hành vi của ông Pell trong thời gian ông làm tổng giám mục của Melbourne.

Các luật sư bào chữa của ông Pell sẽ dựa vào một số sai sót trong tiến trình xét xử vừa qua để làm đơn xin kháng án. Tuy nhiên nếu tòa chấp nhận những sai sót này nhưng cho rằng các sai sót này là nhỏ bé và không ảnh hưởng gì đến việc kết tội ông Pell thì đơn kháng cáo cũng sẽ bị bác bỏ như thường.

Tuy nhiên một trong các bằng chứng mà bên luật sư bào chữa có thể đưa ra trước tòa là độ khả tín của nhân chứng, là việc mà nạn nhân tố cáo là không thể xảy ra. Trong vụ án này các nhân chứng đều trình bày lời khai qua video không có ai đối chất trực tiếp trước tòa và bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên tại các phiên tòa đại hình, ít khi tòa  kháng án chấp nhận rằng bồi thẩm đoàn đã phạm sai lầm khi đưa ra kết luận, trừ phi bên bào chữa đưa ra được chứng cứ cụ thể, rõ ràng và thuyết phục.

Nếu  xét về mức độ tổn thương cho uy tín của Hồng y Pell và giáo hội Công giáo thì dù cho giờ đây ông Pell có được tuyên án vô tội, thì sẽ có vô số người  không tin và tổn thương cho ông Pell và giáo hội dã xảy ra rồi, không hàn gắn lại được nguyên vẹn như trước nữa. Trong khi đó nghiên cứu cho thấy ít hơn 1/5 người Công giáo trẻ tại Australia từ 13-18 tuổi là đi nhà thờ đều đặn và chỉ có ít hơn 13% thanh niên công giáo cho rằng tôn giáo là quan trọng trong cuộc sống của họ.

Do đó nhiều người Công giáo cho rằng thậm chí ông  Pell là vô tội thì ông và giáo hội cũng không làm được gì để cứu vớt lại niềm tin tôn giáo trong số các thanh thiếu niên Thiên Chúa Giáo tại Australia.

Vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong giáo hội Công giáo là chuyện xưa, quá xưa, nhưng từ trước đến nay giáo hội chỉ lo đối phó, lo giấu nhẹm hay chỉ là tham dự các cuộc điều trần của các ủy ban hoàng gia. Mãi cho đến gần đây giáo hoàng Francis mới lên tiếng lên án nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng tu sĩ, giáo sĩ của giáo hội toàn cầu. Nói chung cả giáo hội cho đến thời điểm này chỉ lo che chở cho giáo sĩ của họ, mà  không quan tâm đến số phận và công lý cho các nạn nhân.

Đã đến lúc giáo hội Công giáo toàn cầu trực diện công nhận những vấn nạn trầm kha trong nội bộ giáo hội và có những biện pháp giải quyết ngay lập tức và toàn diện trước khi niềm tin của giáo dân vào tòa thánh Vatican sẽ biến mất hoàn toàn.

Ls Lê Đức Minh

Related posts