Căng thẳng thương mại, dịch bệnh, thất nghiệp: Kinh tế TQ khó phục hồi

  • Phú Quang

Sau khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (virus Trung Cộng), chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng tài chính và tiền tệ, nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế không rõ ràng. Gần đây căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang, trong khi tình hình đại dịch ở Trung Quốc vẫn tiềm ẩn đầy nguy cơ, thêm vào đó là số lượng lớn người thất nghiệp đã gây những lo ngại phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm hơn dự kiến.

Với cuộc chiến thương mại lại thêm đại dịch và thất nghiệp khiến nền kinh tế của Trung Quốc ngày càng khốn đốn. (Ảnh: Shutterstock)

Ngày 14/5, Reuters chỉ ra giới đầu tư lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang suy thoái và áp lực tiếp tục gia tăng.

Cùng ngày, Ngân hàng Standard Chartered (Anh) cũng công bố báo cáo cho rằng Hội nghị Nhân đại năm nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ hạ thấp mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dự kiến ​​sẽ ưu tiên thảo luận vấn đề tạo ra việc làm.

Vào ngày 12/5, HSBC đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm hơn dự kiến, do những vấn đề như căng thẳng quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục leo thang và tác động của nhu cầu bên ngoài, ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay của Trung Quốc từ 3% xuống 1,7%.  

Có thể thấy từ quan chức Chính phủ của ĐCSTQ đến các tổ chức chuyên môn đều bày tỏ quan điểm không lạc quan đối với phục hồi kinh tế của Trung Quốc, trong khi những thay đổi môi trường kinh tế cả trong và ngoài Trung Quốc cũng khiến vấn đề phục hồi kinh tế Trung Quốc càng u ám hơn.

Virus không tự mất đi, nhưng quan hệ thương mại Trung-Mỹ tự căng thẳng hơn

Reuters dẫn lời nhà kinh tế trưởng của HSBC Trung Quốc là ông Khuất Hoằng Bân (Qu Hongbin) cho rằng, đại dịch dường như đẩy mạnh hơn xu hướng tách rời giữa Washington và Bắc Kinh từ thương mại sang nhiều lĩnh vực như công nghệ, chuỗi cung ứng và đầu tư tài chính. Mặc dù trong liên lạc thương mại cấp cao gần đây giữa hai nước, Bắc Kinh có cam kết thực hiện giai đoạn đầu của hiệp định thương mại, giúp giảm bớt những lo ngại về thị trường, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ dịu đi.

Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, thái độ của Tổng thống Trump ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn xung quanh nguồn gốc của virus và phản ứng của Bắc Kinh khi dịch bệnh khởi phát.

Vào buổi sáng ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Trump đã tweet, “Tôi đã luôn đề cập, quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề hao tổn công sức và thời gian. Chúng tôi vừa đạt được một thỏa thuận thương mại lớn, nét mực còn chưa kịp ráo nhưng thế giới đã bị một đòn đau bởi bệnh dịch từ Trung Quốc. Một trăm thỏa thuận thương mại cũng không thể bù đắp cho sự mất mát bao nhiêu mạng sống vô tội!”

Đại dịch tái diễn ở Trung Quốc

Vũ Hán của Trung Quốc là thành phố đầu tiên bùng phát đại dịch, sau khi bỏ phong tỏa thì đời sống người dân và hoạt động kinh doanh bắt đầu hồi phục. Nhưng gần đây cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết trong nhiều ngày liên tục phát hiện trường hợp nhiễm virus. Ngày 11/5, một lần nữa thành phố Vũ Hán đưa ra thông báo khẩn cấp để thực hiện sàng lọc axit nucleic trên toàn thành phố.

Ngoài ra thành phố Thư Lan tỉnh Cát Lâm cũng đã bước vào trạng thái “phong tỏa thành phố”: tạm ngừng tàu hỏa, mỗi hộ gia đình mỗi ngày chỉ được cho một người ra ngoài để mua đồ dùng sinh hoạt, tạm thời đóng cửa các dịch vụ công cộng và địa điểm giải trí.

Thông tin cho biết dịch bệnh của thành phố Thư Lan đã lan sang các tỉnh thành xung quanh, tiêu biểu như tỉnh Liêu Ninh đã phát hiện trường hợp nhiễm virus đến từ Thư Lan.

Vấn đề nghiêm trọng là đến nay cơ quan chức năng chưa biết được nguồn lây nhiễm đối với trường hợp bệnh của thành phố Thư Lan tỉnh Cát Lâm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống bình thường của người dân, còn gây hoang mang cho người dân trong một thời gian dài, phủ bóng đen lên việc khởi động lại kinh tế của Trung Quốc.

Số lượng lớn người thất nghiệp gây nguy hiểm cho nền kinh tế

Ngoài hai rủi ro tiềm ẩn nêu trên đang ảnh hưởng đến khởi động lại kinh tế của Trung Quốc, vấn đề số lượng lớn người thất nghiệp của Trung Quốc cũng khiến nền kinh tế nước này mất đi sức mạnh khôi phục từ bên trong.

Theo Bloomberg, việc nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi trong áp lực hay không phần lớn phụ thuộc vào việc các nhà máy và cửa hàng có thể cho phép nhân viên giữ công việc và tiếp tục tiêu thụ hay không. Thông tin cũng chỉ ra rằng dữ liệu tỷ lệ thất nghiệp của cơ quan chức năng Trung Quốc không phản  ánh đầy đủ đã che khuất tình trạng thực sự của thị trường lao động.

Thông tin dẫn lời một số chuyên gia như: một nhà phân tích tại ngân hàng BNP Paribas cho rằng nếu tính bao gồm cả cư dân ngoài đô thị thì tỷ lệ thất nghiệp thực sự của Trung Quốc trong quý đầu tiên có thể lên tới 12%, tức khoảng 130 triệu người. Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bồi Can (Liu Peiqian) tại Natwest Market (Scotland) chi nhánh Singapore cũng cho biết triển vọng “không lạc quan” của thị trường lao động tại Trung Quốc Đại Lục, sự phục hồi kinh tế hiện nay chủ yếu là do vấn đề bị động của chính sách, còn sức mạnh trong nền kinh tế chưa được phục hồi. Trong khi nhà kinh tế của ngân hàng Macquarie (Úc) là Hồ Vĩ Tuấn (Hu Weijun) tin rằng nền kinh tế dựa vào cung sẽ tiếp tục, nhưng các yếu tố bất lợi từ phía cầu, đặc biệt là xuất khẩu và giảm phát, có thể làm cho vấn đề phục hồi kinh tế Trung Quốc trong tình cảnh “xiêu vẹo”.

Phú Quang

Related posts