Bí mật thành công của BTS

Khó có thể so với Beatles về phong cách và thể loại nhạc, cũng không thể so thời Beatles tung hoành nước Mỹ với thời đại thế kỷ 21, nhưng thế hệ trẻ đang điên cuồng chết mê chết mệt với nhóm boys band Hàn Quốc BTS ngày nay chắc không khác mấy so với thời các cô gào rú man dại khi thấy Beatles. “BTS is back” – tờ Hollywood Reporter mới đây làm một số đặc biệt về BTS đã cho thấy sức hút BTS đối với khán giả trẻ như thế nào. Đằng sau sự thành công kinh khủng của BTS là một cỗ máy kinh khủng khác…

Giá vé chợ đen cho một buổi diễn BTS tại Mỹ có thể lên đến hơn $3,800 USD! (Ảnh: BTS biểu diễn tại American Music Awards tổ chức ở Microsoft Theater-Los Angeles ngày 19-11-2017 – Getty Images)

Không nhóm boys band nào thành công bằng BTS thời điểm hiện tại. Tính theo kinh tế học, họ chiếm 4.65 tỷ USD trong GDP Hàn Quốc, coi như ngang ngửa Samsung và Hyundai! BTS là nhóm nhạc đầu tiên kể từ thời Beatles có 3 album xếp đầu bảng Billboard 200 của Mỹ trong không đến một năm – một hiện tượng không thể không ghi nhận khi hầu hết ca khúc của họ bằng tiếng Hàn chứ không phải tiếng Anh. Album mới nhất của họ, Map of the Soul: Persona, đã bán cái vèo hết 3.5 triệu bản trên khắp thế giới trong vòng 6 tháng kể từ ngày phát hành. Chỉ riêng Mỹ là 562,000 bản.

Video clip “Boy With Luv” đạt hơn 100 triệu lượt view trong không đến 48 tiếng đồng hồ. Từ khi được “thả” lên YouTube vào tháng 4 đến nay (tháng 10-2019), “Boy With Luv” đã đạt gần 600 triệu lượt view. Không chỉ bán chạy ngoài thị trường, nhạc BTS cũng được nhìn nhận như những sản phẩm âm nhạc có giá trị. Trong bảng đề cử American Music Awards (AMA – công bố ngày 24-10-2019), BTS có tên ở ba hạng mục đề cử (Favorite Duo or Group – Pop/Rock; Favorite Social Artist; và Tour of the Year). Năm 2018, BTS đã giành được giải Favorite Social Artist, trở thành nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên ôm tượng AMA.

Tháng 4-2019, BTS trở thành nhóm châu Á đầu tiên đạt được hơn 5 tỷ lượt tải trên ứng dụng nghe nhạc Spotify! 5 tỷ! Kinh khủng chưa! Ðó là chưa kể các chương trình biểu diễn. Vé bán cho các show diễn vào tháng 10-2019 tại Mỹ đã làm nghẽn cả mạng bán vé trực tuyến Ticketmaster, với 300,000 ghế giá trung bình $452/vé, và tất cả được bán hết sạch sành sanh chỉ trong vài phút! Chưa hết, BTS cũng tạo ra một nền công nghiệp riêng cho những sản phẩm thương mại liên quan – sách, áo thun, mỹ phẩm, nữ trang, búp bê, vật kỷ niệm… Tổng cộng trị giá 130 triệu USD. Trang eBay Korea hiện liệt kê khoảng 40,000 sản phẩm liên quan đến BTS. Mới đây, ngày 18-10-2019, một cửa tiệm chuyên bán sản phẩm BTS, gọi là “House of BTS”, đã được khai trương tại Seoul. Cửa tiệm chỉ mở cửa 80 ngày (cho đến 5-1-2020). Nhanh chân thì còn, chậm chân thì hết! Tại đây, có khoảng 200 loại mặt hàng, từ đồ chơi, búp bê đến thẻ hành lý. Cũng vào hạ tuần tháng 10-2019, hãng sản xuất đồ chơi Mattel đã giới thiệu bộ sản phẩm hình nhân (figurine) gồm các thành viên BTS, dự kiến bán ngày 11-11-2019.

Guinness World Records ấn bản phát hành 2020 đã ghi nhận BTS là nhóm K-pop đầu tiên giành hạng nhất trong bảng xếp hạng các album tại Mỹ với hai album Love Yourself: Tear (2018) và Map of the Soul: Persona (2019). BTS cũng là nhóm K-pop đầu tiên được mời đến chương trình Grammy Awards để trao giải (tháng 2-2019); nhóm K-pop đầu tiên biểu diễn trên chương trình Saturday Night Live (tháng 4-2019); nhóm K-pop đầu tiên phát biểu tại Ðại hội đồng LHQ (tháng 9-2018)…

Ai là fan của BTS? Theo một khảo sát tại Hàn Quốc, khoảng 83% fan BTS là nữ; với 45% trong số đó tuổi từ 10 đến 30 (chỉ 4% ở độ tuổi 50). Tại Mỹ, theo Hollywood Reporter, năm 2018, các cô tuổi từ 18-24 chiếm 50% vé.

Câu chuyện về fan BTS mà CNN thuật trong phóng sự ngày 12-10-2019 đã giúp cho thấy tại sao BTS thành công, và đằng sau sự thành công này không là ngẫu nhiên.

Michelle Quinde có thể nói là một “megafan” của BTS. Khi album mới nhất của BTS phát hành vào tháng 4-2019, Michelle lập tức mua CD này, dù cô không hề có máy nghe CD. Khi bảy chàng trai BTS đến Mỹ vào tháng 5-2019, Michelle đến xem tất cả sáu buổi diễn của họ. Và khi ca khúc A Brand New Day xuất hiện vào tháng 6-2019, Michelle đã tải nghe suốt cả ngày. Là sinh viên thiết kế đồ họa 24 tuổi ở New York, Michelle là một trong hàng triệu người thuộc “sư đoàn” fan sẵn sàng khóc lóc vật vã và gào rú điên cuồng vì BTS. Ðược gọi là “ARMY”(Adorable Representative MC for Youth), sư đoàn fan cuồng BTS có hàng triệu thành viên khắp toàn cầu. Công ty Big Hit Entertainment, nôi khai sinh của BTS, cũng chính là nơi tạo ra “ARMY”.

Ðể trở thành thành viên “ARMY”, dĩ nhiên chỉ cần “yêu điên dại, cuồng vô bờ bến” các chàng bô trai BTS. Tuy nhiên, muốn được gọi là “fan cứng” (hardcore fan) của BTS, bạn phải trả khoảng $30 USD cho lệ phí thành viên chính thức, để có thể có nhiều quyền lợi – chẳng hạn như mua vé sớm hoặc nhận được thiệp chúc mừng sinh nhật viết tay của BTS. Ngoài ra, muốn làm “tín đồ” BTS và làm thành viên “có trách nhiệm” của “ARMY”, thành viên phải cống hiến nhiều thời gian lẫn công sức. Michelle chẳng hạn. Cô từng quản lý một website “quản lý” và “điều hành” fan BTS. Mỗi ngày, cô mất vài tiếng để chat chít với các fan khác trên ứng dụng Slack; lập kế hoạch cho nhiều thứ, từ làm hashtag cho sinh nhật sắp tới của cậu ca sĩ Jin trong nhóm BTS đến việc thực hiện chiến dịch truyền thông để BTS có được tượng Grammy.

K-ARMY tại Hàn Quốc (MTV News)

Như nhiều fan từ “cứng” đến “siêu cứng”, họ phải có “trách nhiệm” tải các ca khúc lẫn video càng nhiều lượt càng tốt để thần tượng mình giữ vững vị trí đầu các bảng music chart. Trước ngày một album hoặc ca khúc đơn phát hành, K-ARMY (“sư đoàn” fan Hàn Quốc) phân công việc ra mà làm, cung cấp danh sách ca khúc nào sẽ được tải liên tục. Họ còn tạo nhiều account ảo để tối đa hóa lượt tải. Bất cứ khi nào BTS tung ra một album, Lee Siwon 22 tuổi cũng tung ra một status lên trang KaKao Talk (ứng dụng chat phổ biến tại Hàn Quốc), nói rằng mình không thể gọi hay kiểm tra tin nhắn vì bận phải tải đi tải lại các ca khúc BTS. Mọi người thông cảm nghen, em đang bận. Có gì nói chuyện sau, đừng làm phiền! “Tôi kích hoạt tất cả điện thoại cũ của tôi và tất cả điện thoại trong gia đình để tải nhạc” – cô Lee nói – “Tôi thấy mình với BTS như thể không thể tách rời đến mức tôi phải cố gắng hơn nữa cho sự thành công của họ.” Tương tự, Park Semi, người gia nhập K-ARMY kể từ 2016, cũng tải đi tải lại “Boy with Luv” mỗi ngày trong suốt năm tháng ròng. “Luv” mà. Yêu lắm cơ…

Nỗ lực của những người như Park Semi hoặc Lee Siwon đã được đền đáp. BTS giành giải Top Social Artist của Billboard Music Award liên tiếp ba năm. Không chỉ fan Hàn Quốc, fan Mỹ “chơi mạnh” không kém. Tuy nhiên, cách làm của họ có tính tích cực xã hội hơn. Erika Overton, ở Brooklyn (New York), đã thành lập nhóm “One in an Army” trên Twitter để khuyến khích fan BTS góp tiền cho các chương trình từ thiện. Thành viên của họ ở Mỹ, Canada, Thụy Ðiển, Malaysia và Trung Quốc. Một trong những dự án đầu tiên của họ là quyên tiền cho tổ chức phi chính phủ Thirst Relief nhằm cung cấp nước sạch cho các gia đình nghèo ở Tanzania. Xét riêng điều này, hiện tượng BTS ít nhất cũng tạo ra một số ảnh hưởng tích cực. Lực lượng fan BTS đã làm được điều mà ít có lực lượng fan nào của những người nổi tiếng khác làm được.

Nói đến đây bỗng liên tưởng fan của các tài tử và ca sĩ Hàn Quốc tại Việt Nam. Fan Việt Nam cũng khóc lên khóc xuống, cũng chết đi sống lại vì thần tượng Hàn Quốc. Nhưng họ không tận dụng “fan base” để làm gì khác có ích hơn. Họ chỉ khóc. Khóc thôi cũng đủ mệt lả rồi!

Mạnh Kim

Related posts