Ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc đối với Hollywood

Thiện Lành

Chính phủ Trung Quốc cấp tiền cho sản xuất phim ở Hollywood

Hơn một nửa trong số 10 bộ phim hay nhất năm 2019 do tạp chí Time bình chọn được tài trợ bởi các công ty thân Bắc Kinh như Tencent Pictures, Sunac Group, Shanghai Road Pictures Film and Television, Media Asia Film và Bona Film Group.

Và đây không phải là điều bất thường. Nhiều bộ phim điện ảnh lớn trong vài năm qua đã được thực hiện với sự tài trợ đến từ Trung Quốc.

Ví như, bộ phim mang tên “Kẻ hủy diệt: vận mệnh đen tối” (Terminator: Dark Fate) được công chiếu vào tháng 11/2019 với ngân sách sản xuất ước tính 185 triệu USD trong đó có 10% tiền tài trợ là đến từ nhà sản xuất và phân phối phim Trung Quốc Tencent Pictures. Tương tự, bộ phim mang tên “Transformers: Kỷ Nguyên Hủy Diệt” (Transformers: Age of Extinction) được công chiếu vào năm 2014 do hãng Paramount sản xuất đã nhận được đầu tư từ M1905, một công ty truyền thông thuộc kênh CCTV6 của Trung Quốc.

Ngoài ra, vào năm 2014, tập đoàn Fosun International của Trung Quốc đã đầu tư vào việc thành lập Studio 8, một công ty giải trí của Mỹ đồng thời tham gia đầu tư vào các bộ phim như Billy Lynn và cuộc chiến nửa đời người (Billy Lynn’s Long Halftime Walk), Đàn ông Song Tử (Gemini Man).

Vào cuối năm 2014, tập đoàn giải trí Trung Quốc, Quảng Đông Alpha Group đã thiết lập quan hệ đối tác với công ty New Regency Productions của Hoa Kỳ. Theo truyền thông Trung Quốc, Quảng Đông Alpha sẽ đầu tư 60 triệu USD vào ba tác phẩm điện ảnh của New Regency, trong đó có bộ phim mang tên “Người về từ cõi chết” (The Revenant).

Vào năm 2017, quyền phân phối cho bộ phim chiến tranh của Hoa Kỳ mang tên “Midway” được Bona Film, một công ty sản xuất và phân phối phim tại Trung Quốc mua lại với giá 80 triệu USD.

Mua lại các phim trường

Vào tháng 5/2012, tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt của Trung Quốc đã mua lại chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ AMC với giá 2,6 tỷ USD. Tiếp theo, vào năm 2016, tập đoàn này đã mua lại hãng phim Legendary và rạp chiếu phim Carmike.

Tỷ phú Vương Kiện Lâm, người sáng lập Đại Liên Vạn Đạt, là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc. Các vụ mua lại của tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt khiến Nghị viện Hoa Kỳ lo ngại về việc Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng đối với nền giải trí của Mỹ, đồng thời những công ty được mua lại sẽ là công cụ hữu hiệu dùng để tô vẽ cho chính quyền Trung Quốc ở nước ngoài.

Đại Liên Vạn Đạt không phải là công ty Trung Quốc duy nhất thực hiện các thỏa thuận với các hãng phim Hoa Kỳ.

Cụ thể, vào ngày 17/3/2015, Lionsgate, công ty giải trí của Mỹ đã ký một hợp đồng nhiều năm với đài truyền hình Hồ Nam thuộc Chính phủ Trung Quốc để phân phối, phát triển và sản xuất.

Tiếp theo, theo Reuters, vào ngày 1/4/2015, Tập đoàn Hoa Nghị huynh đệ của Trung Quốc đã ký hợp đồng ba năm với hãng phim STX của Hollywood để cùng tài trợ, sản xuất và phân phối tối đa 15 bộ phim mỗi năm và việc này sẽ được bắt đầu từ năm 2016.

Vào ngày 20/9/2015, China Media Capital (CMC) – tập đoàn truyền thông vào loại lớn nhất Trung Quốc và Warner Bros., một trong những hãng sản xuất phim và truyền hình lớn nhất thế giới đã công bố một liên doanh mang tên Flagship Entertainment Group với 51% được sở hữu bởi CMC và 49% bởi Warner Bros.

Sự kiểm duyệt

Theo số liệu từ Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, trong năm 2019, doanh thu phòng vé của Trung Quốc đã đạt được 9 tỷ USD, chỉ sau Hoa Kỳ và Canada. Tương lai Trung Quốc sẽ là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, với doanh thu phòng vé dự kiến sẽ tăng đến 15,5 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo của PricewaterhouseCoopers.

Theo cảnh báo từ các chuyên gia, thị trường béo bở của Trung Quốc có thể sẽ khiến Hollywood tự kiểm duyệt khi đáp ứng những yêu cầu từ các nhà kiểm duyệt Trung Quốc.

Timothy Doescher, Phó Giám đốc quan hệ liên minh tại Quỹ di sản cho biết: “Hollywood đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường Trung Quốc để kiếm lợi nhuận từ phim ảnh. Điều đó có nghĩa là các bộ phim của chúng tôi đang được viết bằng tư duy của Trung Quốc”.

Aynne Kokas, một hội viên tại Trung tâm Woodrow Wilson nói với Thời báo Tài chính: “Các vị sẽ khó tìm được nhà sản xuất ở Hollywood sẵn sàng làm một bộ phim miêu tả tiêu cực về Trung Quốc”.

Vào ngày 4/10/2018, trong một bài phát biểu, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã chỉ trích Bắc Kinh về việc “khen thưởng và ép buộc” các hãng phim Mỹ trong việc sửa đổi cốt truyện cho phim.

“Đối với bộ phim ‘Thế chiến Z’, họ đã phải cắt phần kịch bản đề cập đến một loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc. ‘Bình minh đỏ (Red Dawn)’ đã được chỉnh sửa kỹ thuật số để biến những nhân vật phản diện thành người Triều Tiên chứ không phải người Trung Quốc”, Phó Tổng thống Mike Pence nói tại Viện Hudson.

“Bắc Kinh thường xuyên yêu cầu Hollywood miêu tả Trung Quốc theo một khía cạnh tích cực và trừng phạt các hãng phim và nhà sản xuất không tuân thủ. Cơ quan kiểm duyệt Bắc Kinh nhanh chóng chỉnh sửa hoặc đặt những bộ phim chỉ trích Trung Quốc, ngay cả khi đó là những vi phạm rất nhỏ thành phim ngoài luồng”, ông cho biết.

Các phim bị chính quyền Trung Quốc cấm

Bắc Kinh luôn không hề ngần ngại khi cấm một số bộ phim mà họ cho là nhạy cảm.

Trong một ví dụ gần đây, bộ phim mang tên Laundromat đã bị cấm ở Trung Quốc khi phơi bày tình trạng tham nhũng ở nước này và nói về nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân tôn giáo ở Trung Quốc. Bộ phim có sự tham gia của một số nhân vật hàng đầu Hollywood như đạo diễn Steven Soderbergh (từng đoạt giải Oscar), nữ diễn viên Meryl Streep (15 lần được đề cử giải Oscar và 3 lần được giải Oscar), nhà biên kịch nổi tiếng và một đội ngũ lớn các ngôi sao hạng A.

Bên cạnh đó, những diễn viên có thái độ chỉ trích Bắc Kinh sẽ không được tham gia phim do Trung Quốc tài trợ, như Richard Gere, tài tử nổi tiếng của Hollywood, người ủng hộ Đại Lai Lạt Ma và nền độc lập của Tây Tạng từng nói trong một cuộc phỏng vấn với The Hollywood Reporter rằng, quan điểm chính trị của ông đã hạn chế công việc của ông: “Chắc chắn có những bộ phim mà tôi không thể tham gia vì người Trung Quốc sẽ nói: Không phải với Richard Gere”.

Related posts