ĂN CỦA RỪNG RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT

Việt Nam nhiều rừng. Miền Bắc có Hoàng Liên Sơn và các dãy núi vòng cung phía Đông, Trường Sơn chạy dài suốt miền Trung, nằm ở miền Đông Nam bộ là các cao nguyên tiếp nối nhau.

Rừng nhiệt đới phì nhiêu, của Trời cho nên mặc nhiên người ta cứ “ăn” vào đó hoài mà không sợ cạn.

Thế là rừng cứ bị ngoạm vào không thương tiếc tới nỗi kết quả từ lâu, đã có lệnh đóng cửa rừng cấm khai thác gỗ. Gỗ quý đều phải mua từ Lào, Kampuchia, và ngay cả từ châu Phi vào VN.

Rừng vàng trước mắt chẳng tốn kém mua bán đồng nào chẳng lẽ không tận dụng khai thác. Vì thế, bên cạnh gỗ chính thức nhập cảng thì khai thác gỗ lậu vẫn tiếp diễn khắp nơi một cách ồ ạt không chút ngán ngại. Để che mắt, gỗ lậu ngay cả khoác áo “gỗ Lào” cho có vẻ vô tội.

Gỗ lậu khai thác gần như công khai. Ở nhiều nơi, cứ mỗi khi lũ lớn, gỗ từ lòng rừng lại trôi xuôi lộ mặt ra hàng lóng, hàng tấm xẻ ngay ngắn nằm ngổn ngang. Những kẻ phá rừng lộng hành tới mức ngang nhiên làm đường, lập lán, đưa xe cộ, dây cáp, máy móc luồn tận sâu trong rừng để đốn cây, xẻ gỗ ầm ầm.

Ngay cả những khu rừng được xếp hạng như rừng phòng hộ Quảng Bình, khu bảo tồn thiên nhiên Hỏa Bình, di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) đều bị “chảy máu” tới mức báo động. Tất cả bị phá thẳng tay chẳng chút nể nang, huống hồ những khu rừng không được xếp “hạng”, chỉ là rừng xanh… vô chủ thì hà cớ gì không đốn bỏ. Gỗ lậu đường hoàng đi qua hàng loạt trạm kiểm lâm, công an, biên phòng như có phép tàng hình.

Phá rừng ngoài lâm tặc chuyên nghiệp còn nhiều nguyên nhân khác.

Sau 75 xuất hiện làn sóng di dân từ miền Bắc tràn vào miền Nam. Miền Bắc và Trung đất chật người đông trong khi miền Nam vốn là vùng đất mới nên đất đai vẫn còn rộng rãi. Đồng bằng đã khai thác hết nên di dân miền Bắc, trong đó, ngoài một số gia đình ở vùng đồng bằng không có đất đai hoặc đất ít, cằn cỗi, mất mùa, nhiều người vốn là dân tộc thiểu số quen sống nơi miền cao, nên khi xuôi Nam, đã tìm đến các vùng cao nguyên Nam Trung bộ để định cư.

Mưa lớn gây thiệt hại hàng trăm ha hoa màu tại Đak Nông

Trong những năm kinh tế khó khăn, không đủ lương thực cứu đói, họ được tự do phá rừng làm rẫy. Thay vì ngày xưa theo chế độ du canh du cư, dân bản thấy nơi nào thích hợp thì dừng chân đốt rừng gieo hạt làm vài vụ mùa rồi chuyển đi nơi khác. Cứ thế lang thang khắp nơi. Rừng già mênh mông, người ít nên đốt vài vạt rừng nho nhỏ chẳng thiệt hại bao nhiêu. Nhưng nay khác, họ định canh định cư một chỗ. Những vạt rừng sau khi dọn sạch không những chỉ trồng ngô khoai cứu đói trước mắt mà sau này, theo nhu cầu thị trường, còn trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Di dân cần thiết sở hữu mảnh đất để cất nhà, canh tác… cho cuộc sống cố định lâu dài.

Đất đỏ màu mỡ phì nhiêu, nguồn đất đai lại vô tận nên dân tứ xứ kéo về càng lúc càng đông. Dĩ nhiên đáp ứng cho số dân không chỉ giới hạn đó, mà ngày càng sinh sôi nảy nở, rừng càng bị phá nhiều, càng dạt ra xa nhường đất trồng trọt cho người dân.

Một thanh niên di dân gốc Ninh Bình cho biết:

-Khi gia đình tôi mới đến vùng cao nguyên này, chỉ đi vài ba km tới rừng nhưng hơn ba mươi năm trôi qua, rừng thành thôn ấp làng xã. Bây giờ phải đi mấy chục cây số mới tới bìa rừng.

Thoạt tiên các lâm trường, nông trường mọc ra như những khu kinh tế mới thu hút nhân công khắp nơi chứ dân bản địa đâu có nhiều. Công nhân lâm trường bén rễ vùng đất mới. Họ được sang đất, cấp đất tự khai hoang trồng trọt thêm.

Đất đỏ bazan màu mỡ, trồng cây gì cũng lên tươi tốt bắt ham. Những di dân đến trước khai hoang đất. Người đi sau mua lại đất đã khai hoang của người đi trước hoặc tiếp tục đi xa hơn tiếp tục đốt rừng, vỡ đất.

Người trước dắt người sau. Di dân mang chiếu chăn nồi niêu xoong chảo đi cả gia đình rồi kéo theo cha mẹ, anh chị em rồi họ hàng, quen biết… nơi vùng đất mới lập ấp, lập bản làng toàn người thân thuộc với nhau.

Rừng dần dần nhường chỗ cho vườn cho rẫy. Để đối phó với cái đói trước mắt, họ trồng cây lương thực: bắp, mì… Sau đó trồng các loại cây ăn quả: sầu riêng, bơ, chuối, mít… Cây nào trồng cũng lên tươi tốt.

Sau này lý do đưa ra là phát triển trồng trọt để gia tăng xuất khẩu càng có vẻ thuyết phục hơn. Thay vì cứ khư khư giữ gìn rừng tạp được đặt tên là “rừng nghèo” chẳng giá trị gì cả, thì thay thế bằng rừng cao su, rừng tràm… phải lợi hơn không. Đằng nào rừng cũng là rừng(!). Tiền tươi thu ngay trước mắt hơn là những tác hại viển vông quá xa xôi! Vì thế cao su không chỉ được trồng chóng mặt ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung bất chấp bão phá tan tành, mà còn tiến lên miền Tây Bắc.

Khi nhà nước mở cửa, một số cây công nghiệp có thể xuất cảng: điều, hồ tiêu, cao su… Những cây này thường chỉ xuất cảng nguyên liệu thô vì người dân thiếu vốn và kinh nghiệm chế biến. Chỉ thế mà vẫn không suôn sẻ vì cứ năm nào nông sản giá cao thì mất mùa, được mùa thì rớt giá. Rớt giá thì chặt cây cũ trồng cây mới. Chăm bón cây mới vài năm, được mùa vài vụ lại đốn đi… như một vòng quay lẩn quẩn không có lối thoát. Tuy giật được mảnh đất lấy từ rừng nhưng có vẻ rừng đang trả đũa.

Thật ra chỉ trồng trọt đơn giản thôi cũng đã mệt lắm nói gì đến chế biến hay buôn bán xuất khẩu nhiều rắc rối cần đến kỹ thuật, nghiên cứu thị trường… Mùa khô cao nguyên hạn hán đến héo rũ. Sông suối khô cạn, nắng cháy da cháy thịt, cây cối khô queo vì thiếu nước. Khoan giếng hàng mấy chục mét vẫn không có nước. Không còn rừng giữ nước nên mùa mưa ngược lại, nước từ thượng nguồn đổ xuống nhanh trong chớp mắt, mạnh như thác đổ gây ngập lụt, gây lũ quét. Nhà vừa xây dựng, cây cối vừa trồng phút chốc bị cuốn trôi. Bởi vậy ở Tây nguyên mới có tình trạng đặc biệt giữa mùa mưa, vừa tuần trước mới lũ lụt ào ào cuốn trôi nhà cửa hoa màu thì sang tuần sau hạn đến khô rang nứt nẻ.

Với lý do chính đáng trồng cây công nghiệp nhằm phát triển kinh tế nên các nông trường trồng cây công nghiệp mọc lên khắp nơi, nhiều nhất là cao su, cà phê… thử nghiệm trồng mắc ca, ca cao… Thấy vậy người dân chung quanh cũng ăn theo bằng cách trong mảnh đất nho nhỏ của nhà mình, bắt chước trồng các loại cây mà nông trường trồng. Lời cùng lời, lỗ cùng lỗ.

Lời lãi không bù nổi, hậu quả đến ngay trước mắt khi hạn hán và lũ lụt liên tiếp ùa đến. Thế là hạn vay ngân hàng không trả nổi. Phá sản trong nháy mắt khi việc trồng trọt còn hoàn toàn tùy thuộc vào thời tiết, thấp thỏm xem chừng mưa ít hay nhiều, hạn lâu hay lũ mau. Việc trồng rừng để khai thác lâm sản chẳng mang lại hiệu quả bao nhiêu so với lợi bất cập hại. Thành thử mới đây nhà nước siết chặt hơn, ra lệnh cương quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không được phép phá rừng làm cây công nghiệp nữa. 

Việc trồng rừng được khuyến khích thay vì phá rừng. Với lý do phát triển kinh tế chứ để rừng đó nhìn dân đói à? Cũng vì thế mà rừng Amazone đang rừng rực với những đám cháy kỷ lục báo động trên khắp thế giới bắt nguồn từ việc dọn quang để trồng ngô và đậu…. Và ở VN cũng y như vậy rừng cứ lùi xa mãi.

Rừng cháy ngoài nguyên nhân người dân thiểu số đốt làm rẫy như xưa. Số này rất ít vì hiện nay hầu hết đều được gom lại định cư thành thôn, thành ấp.

Tuy nhiên mới đây Hà Tĩnh lại xảy ra mấy vụ cháy rừng lớn truy nguyên mới biết do người dân sống ven rừng đốt rác. Vụ khác, một thiếu niên ở Nghệ An đã ba lần đốt rừng, một lần trả thù xã bắt mình về tội trộm cắp, lần thứ hai trả đũa một chủ rừng đã chặt đứt dây thừng con trâu của gia đình mình đi lạc. Vụ thứ ba là đốt để… “chơi cho vui”.

Ngay cả rừng trồng lại cũng không thoát nạn.

Đầu 2018, ở Dak Nông, lợi dụng việc dọn dẹp rừng cộng đồng, tức là rừng giao cho cộng đồng người dân quản lý, một bọn đã thuê người chặt hạ hàng trăm cây thông. Việc chặt cây diễn ra ngang nhiên hợp pháp vì chủ tịch xã nhận tiền nên cho phép

Ở Lâm Hà (Lâm Đồng) liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng thông để chiếm đất trồng trọt. 10 ha rừng thông tại xã Tân Thanh gần hai mươi năm bị hạ độc bằng cách khoan thân cây và bơm thuốc diệt cỏ. Thông hai mươi năm tuổi ở Nam Ban bị cưa hạ chỉ cách đội quản lý rừng 150 m! Trước đó, tại khu vực đồi thông thuộc xã Gia Lâm, thông bị cưa hạ và 3.500 m2 đất lâm nghiệp bị san ủi. Điều đáng nói phần đất san ủi này vốn là rừng thông đã bị lén chặt sạch năm ngoái. Sau đó rừng trồng lại và nay bị nhổ bỏ hoàn toàn.

Cách đây vài năm, khu vực này là rừng thông nhưng nay đã mau chóng biến thành vườn sản xuất, người dân phân thành lô thửa và bao bọc bằng lưới B40.

Phá rừng còn có cả thủy điện mọc lên chi chít. Thủy điện hiện diện ở đâu rừng mất tới đó. Thủy điện ngăn đập lấy nước khiến sông suối cạn trơ, ruộng rẫy thiếu nước. Khi mưa nhiều sợ vỡ đập, thủy điện xả lũ gây lụt nơi hạ lưu.

Tính ra trong 7 tháng đầu năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 804 ha gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, trong đó rừng bị cháy là 757 ha, rừng bị chặt phá là 47 ha… Đây là số liệu được báo nhưng chắc chắn thực tế cao hơn nhiều.

Không còn cây rừng ngăn bớt sự hung hãn của dòng nước chảy. Năm nào cũng lũ lụt, sạt lở đất… Năm sau nặng hơn năm trước.

Năm 2018, từ 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhiều trận lũ dữ, sạt lở đất đổ xuống khắp nơi từ Bắc chí Nam làm chết và mất tích hơn 200 người. Hứng chịu nặng nhất là các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hòa… Đầu tháng 8 năm nay, một trận lũ đã càn quét bản Sa Ná, Thanh Hóa. Mọi người ngạc nhiên khi Đà Lạt nằm trên cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh. Thế nhưng cả hai nơi này năm nay ngập nặng.

Chỉ tội những người dân không đốn cây cũng chẳng buôn gỗ, phải chịu cảnh thiên tai hậu quả từ nhân tai, mất nhà cửa, hoa màu và cả sinh mệnh. Và lại những đợt cứu trợ từ miền núi xuống đồng bằng.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”…

Sài Gòn Cô Nương

Related posts