Thu hoạch tạng tại TQ: Khác biệt giữa “tự ý làm” và “ĐCSTQ hậu thuẫn”

  • Minh Nhật

Mới đây, một nhóm 6 người đã bị kết án tại Trung Quốc vì thu hoạch tạng từ các bệnh nhân bị tai nạn giao thông, sau khi lừa người nhà của họ “hiến tặng” nội tạng của thân nhân.

Mổ cướp nội tạng, thu hoạch nội tạng
Những người phản đối nạn thu hoạch nội tạng đóng lại cảnh tượng này trong một cuộc thỉnh nguyện trên đường phố. (Ảnh qua Epoch Times)

Tờ Bành Phái Tân Văn (ThePaper.cn) cho biết nhóm 6 người, trong đó có 4 bác sĩ, đã lấy gan và thận của 11 bệnh nhân tại một bệnh viện ở tỉnh An Huy từ năm 2017 đến năm 2018. Những bệnh nhân này bị tai nạn giao thông, có thể vừa mới qua đời, hoặc đã bị chết não, tuy nhiên cơ thể của họ vẫn tương đối khỏe mạnh.

Nhóm người bị kết án thường tìm kiếm những người nhà bệnh nhân và thuyết phục họ đồng ý hiến tạng của thân nhân. Sau khi tìm được người nhận tạng thích hợp, họ sẽ yêu cầu gia đình nạn nhân ký vào một “hợp đồng hiến tạng hợp pháp”. Các bệnh nhân sau đó bị phẫu thuật lấy tạng vội vàng trên một chiếc xe tải chuyển hàng được ngụy trang thành xe cứu thương. Hai bác sĩ phẫu thuật chính là những người phụ trách cấy ghép tạng tại Bệnh viện Cổ Lâu Nam Kinh và Bệnh viện Nhân dân tỉnh Giang Tô.

Việc thu hoạch tạng này bị phát hiện do một người nhà bệnh nhân nhận ra sự mâu thuẫn trong đơn đồng ý hiến tạng mà gia đình anh đã ký sau khi mẹ anh qua đời vào năm 2018. Sau khi người này tới gặp bác sĩ để làm rõ, người bác sĩ nhanh chóng đề nghị cho anh ta một số tiền lớn.

Tờ The Sun đưa tin, nhóm 6 người trong đường dây thu hoạch nội tạng đã bị kết án từ 10 đến 28 tháng tù vào tháng 7/2020, nhưng vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi người thanh niên thông tin với truyền thông địa phương.

Theo luật pháp Trung Quốc, việc thu hoạch tạng mà không có sự đồng ý của người hiến tặng, hoặc của thân nhân, là vi phạm pháp luật. Mặc dù vụ việc này bị che dấu, nhưng có thể thấy rằng những người tham gia vào thu hoạch tạng vẫn bị xét xử và kết án.

Trong khi vụ việc chưa lắng xuống, một số ý kiến về hoạt động thu hoạch tạng đã được đưa ra bàn luận. Từ quy mô thu hoạch tạng và việc nhóm 6 người này bị kết án, một số người cho rằng các cáo buộc về hoạt động thu hoạch tạng tại Trung Quốc trên quy mô lớn là không có cơ sở.

Kỳ thực, vụ việc này đã nêu lên một thực tế hết sức đặc biệt tại Trung Quốc. Đó là sự khác biệt trong việc “tự ý làm” “được Đảng hậu thuẫn”, đồng thời cũng là sự khác biệt khi đối xử với những nhóm người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gán nhãn “kẻ thù”.

Xã hội dưới chế độ độc tài của ĐCSTQ có một đặc trưng “ngầm hiểu” rất đặc thù, đó là Đảng quy định rất rõ những điều được làm, những điều không được làm, và những điều phải làm.

Chẳng hạn trong cuộc sống bình thường, người dân có thể được Đảng cho phép có sự bảo hộ, cũng cho phép tự do bày tỏ tình thương yêu đối với nhau, nhưng một khi ai đó đã bị Đảng gán nhãn là “kẻ thù” rồi thì chỉ cần một hành động cho thấy sự đồng tình cũng không được, kể cả khi đó là cha mẹ, anh chị em. Hơn thế nữa, những người xung quanh “kẻ thù” kia phải bộc lộ rõ ràng ranh giới, phải “cắn kẻ thù, cắn hận thù, nhai nát thật mạnh kẻ thù mà nuốt xuống”.

Trong tuyên truyền của ĐCSTQ, người cộng sản cần phải lấy cảm tình giai cấp mà thay thế tình thân và tình bạn. Quan hệ với nhau trở thành “đồng chí”, tức là thành một thành viên trong đại gia đình cách mạng, ngược lại tức là đối tượng kiên quyết bị trấn áp. Là “đồng chí” hay là “kẻ địch”, đơn giản là hết thảy quan hệ xã hội phân thành quan hệ nhị nguyên đối lập, vượt trên cả quan hệ thân nhân hoặc trên cả quan hệ bằng hữu. Trong khi đấu tranh giai cấp nếu cần thì cha con không nhìn nhau, vợ chồng xem nhau như thù địch, kiểm điểm, phê bình đấu tố, đánh tàn nhẫn người thân yêu của mình được coi là biểu thị tính giai cấp mạnh hơn cả nhân tính, hướng về Đảng biểu thị sự trung thành phụng hiến.

Từng có một cuộc khảo sát trong giới trẻ Trung Quốc, hỏi quan điểm của họ về việc có thể tùy ý đối xử với những tù nhân chiến tranh như thế nào cũng được. Đại đa số giới trẻ đều đồng tình với việc này, cho rằng đã là “kẻ thù” thì không có chuyện nhân đạo nữa. Nhận thức này thực sự đã ăn sâu và trở thành một loại “phản xạ” của người dân Trung Quốc sau rất nhiều cuộc vận động tàn khốc.

Tội ác thu hoạch tạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn cũng tương tự như thế.

Khác với 11 bệnh nhân tai nạn giao thông bị thu hoạch tạng trong vụ án nói trên, các nạn nhân của tội ác thu hoạch tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn là những người bị Đảng gán nhãn “kẻ thù giai cấp”, “kẻ thù nhân dân”. Đó là người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, Kitô hữu, vốn là những người có tín ngưỡng, có đức tin, và thường có lối sống lành mạnh, đạo đức hơn so với xã hội. Tuy nhiên thông qua các cuộc vận động “ma quỷ hóa”, ĐCSTQ đã tẩy não và gieo vào lòng người dân sự thù ghét đối với những tù nhân lương tâm này.

Tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc được các nhà hoạt động nhân quyền ví như “một loại tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này”. Đây là hành vi giam giữ những người có tín ngưỡng, không phạm pháp, chỉ vì đức tin của họ, giết hại bằng cách mổ lấy nội tạng khi họ còn sống, để sử dụng như một nguồn nội tạng tươi mới, phục vụ cho cấy ghép nhằm thu lợi nhuận. Được chế độ Trung Quốc hậu thuẫn, tội ác ấy đã trở thành một ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng thu về 1 tỷ USD hàng năm, đó là chưa kể tới ngành công nghiệp nhựa hóa thi thể để tạo thành các tiêu bản phục vụ y tế và triển lãm.

Nếu thật sự quy mô của tội ác này lớn đến vậy, thì vì sao thế giới lại không làm gì?

Kể từ năm 2006, các cáo buộc về tội ác thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện thông qua nghiên cứu đầu tiên của luật sư nhân quyền David Matas và cựu quốc vụ khanh Canada David Kilgour. Từ đó tới nay, ngày càng nhiều nhà điều tra độc lập lên tiếng, ngày càng nhiều chứng cứ quan trọng được công bố, ngày càng nhiều báo cáo nghiên cứu dựa trên nhiều góc nhìn khác nhau được đưa ra.

14 năm (2006-2020) là một khoảng thời gian dài cho một tội ác “chưa từng có trên hành tinh này” tiếp diễn. Nó đủ dài để cho thấy một sự thật rằng đứng trước lợi ích về kinh tế, về quyền lực quốc tế, về quan hệ ngoại giao, thì các giá trị phổ quát như lòng chính nghĩa, bảo vệ nhân quyền, tự do tín ngưỡng đã trở nên lu mờ trong các chính phủ hơn bao giờ hết.

14 năm qua, Liên Hợp Quốc cũng như chính phủ các quốc gia đã để ngỏ trách nhiệm chứng minh các cáo buộc nghiêm trọng này cho những cá nhân và tổ chức phi chính phủ. Ngoài những nghị quyết lên án và kêu gọi chấm dứt thu hoạch nội tạng của Mỹ (2016) và Liên minh châu Âu (2016), không có một hành động thích đáng ở mức cấm vận nào đã được thực hiện. Chỉ có một vài quốc gia đi đầu khi có những động thái lập pháp, tránh cho công dân của mình đồng lõa với một tội ác chống lại loài người: Israel (2008), Tây Ban Nha (2010), Đài Loan (2015), Ý (2016), Na Uy (2017).

Lẽ dĩ nhiên, thế giới hiện đại đã phát triển vượt quá sự tưởng tượng của chúng ta. Địa vị của Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết (veto right) trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khiến cho việc kiểm chứng các cáo buộc về hành vi thu hoạch tạng là gần như không thể, thậm chí Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn không thể tổ chức một tòa án quốc tế để điều tra các cáo buộc đó. Quyền lực mềm và cứng của một cường quốc kinh tế như Trung Quốc đã khiến các quốc gia khác phải e dè khi muốn khẳng định hay ngăn chặn tội ác.

Bước ngoặt đến vào cuối năm 2018, khi Liên minh Quốc tế chống Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) hỗ trợ khởi xướng một Tòa án Nhân dân độc lập để đánh giá các cáo buộc thu hoạch tạng tại Trung Quốc. Mức độ khả tín của tòa được dựng lập trên cơ sở uy tín của các thành viên bồi thẩm đoàn, trong đó chủ tọa là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc mẫu mực trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế, từng phụ trách truy tố một trong những tội phạm chiến tranh cuối thế kỷ 20 là cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic. Những thành viên còn lại đều là các chuyên gia uy tín, bao gồm: 3 luật sư từ 3 nước khác nhau, với kinh nghiệm liên quan tới các lĩnh vực nhân quyền khác nhau; cùng 1 chủ tịch bệnh viện, bác sĩ cấy ghép; 1 doanh nhân; và 1 nhà lịch sử học.

Trong thời gian các buổi làm chứng công khai diễn ra từ 8/12 đến 10/12/2018, Tòa án độc lập đã nghe lời chứng của các nhân chứng, bao gồm các nhân chứng trực tiếp, các nhà điều tra, các chuyên gia, đồng thời xem xét các tài liệu được cung cấp trên các khía cạnh:

• Sự trùng hợp thời gian giữa việc đàn áp tín ngưỡng và việc ngành công nghiệp cấy ghép nở rộ.

• Chứng cứ về kiểm định y tế, bao gồm chụp quét nội tạng, đối với các tù nhân lương tâm: người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Turk. Sau khi kiểm định y tế, một số tù nhân bị đeo băng, bị giám sát chặt chẽ và biến mất.

• Chứng cứ từ những người từng làm việc trong chính quyền hay trong tổ chức y tế.

• Chứng cứ về sự hỏa thiêu và sự mất tích các thành viên trong các nhóm bị đàn áp.

• Bằng chứng các băng ghi âm điện thoại tới các bệnh viện Trung Quốc, trong đó các thành viên Pháp Luân Công được chào mời như một nguồn hiến tạng.

• Bằng chứng về những người vừa tham gia vào cuộc đàn áp, vừa tham gia vào ngành công nghiệp cấy ghép tạng.

Liên quan tới riêng ngành công nghiệp cấy ghép tạng hiện thời tại Trung Quốc, các bằng chứng được cung cấp trên các khía cạnh sau:

• Số liệu lên tới 1000 bệnh viện đề nghị cấy ghép tạng.

• Số liệu về các bệnh viện có nguồn cung tạng dồi dào.

• Số liệu về số lượng lớn các nhân viên cấy ghép tạng được đào tạo.

• Bằng chứng về các sơ sở y tế quân đội liên hệ mật thiết với các hoạt động cấy ghép và nghiên cứu cấy ghép.

• Bằng chứng về việc nhà nước trợ cấp cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc chống đào thải tạng cấy ghép.

• Bằng chứng về việc thời gian chờ tạng đột ngột sụt giảm lớn.

• Bằng chứng về việc các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo dịch vụ ghép tạng cho người nước ngoài với lịch hẹn trước, bao gồm cả đối với cấy ghép tim.

• Bằng chứng về việc số lượng và chất lượng nội tạng tử tù là không đủ để phục vụ số lượng ca ghép tạng khổng lồ.

Sau một thời gian nghiên cứu lượng tài liệu lớn, thẩm vấn chéo nhân chứng, và kêu gọi minh bạch hóa mọi bằng chứng có liên quan, 6 tháng sau, vào ngày 17/6/2019, Tòa chính thức tuyên bố chính quyền Cộng sản Trung Quốc thu hoạch tạng, phạm tội ác chống lại loài người.

“Chúng tôi chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép.”

Phán quyết tạm thời được tòa công bố vào cuối tháng 12/2018 thực sự mở đầu cho những phản ứng mạnh mẽ hơn. Nhiều nước trên thế giới đã có những động thái lập pháp, cấm hoặc xem xét cấm, và hình sự hóa du lịch ghép tạng. Tin tức liên tục đến từ AnhCanadaBỉSécĐứccác bang của Mỹ, v.v..

Tuy nhiên đây chỉ là điểm khởi đầu cho những biến đổi lớn trong tương lai. Khi địa vị Trung Quốc lung lay trên trường quốc tế, với những thủ đoạn lộ liễu trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ, cuộc biểu tình Hồng Kông, với sự phơi bày các trại tập trung tại Tân Cương, với sự rạn nứt các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế, chính phủ các quốc gia khác sẽ có ít điều để mất hơn khi dám đối diện với sự thực.

Cuối cùng, chắc chắn nhân loại sẽ phải nhìn thẳng vào tội ác này. Giống như nghị sĩ Fiona Bruce, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, đã nói vào tháng 6/2019: “Tội ác này cần phải được giải quyết. Những ai không chịu hành động rồi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm [về sự thờ ơ của họ].”

Minh Nhật

Related posts