Bất chấp thực tế, Tập Cận Bình tuyên bố cả nước ‘thoát nghèo toàn diện’

Vũ Dương

Mặc dù Tập Cận Bình tuyên bố cả nước đã “thoát nghèo toàn diện”, đời sống của các hộ nghèo vẫn khó khăn như thường (ảnh: Twitter/虎王 nikiv).

Tổng Bí thư Tập Cận Bình hôm thứ Năm (3/12) tuyên bố trước Bộ Chính trị rằng “các mục tiêu và nhiệm vụ thoát nghèo bền vững trong thời đại mới” đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch. Nhưng thực chất Trung Quốc vẫn còn gần 1 tỷ người nghèo khó.

Sau tuyên bố ông Tập còn yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục giám sát các hộ dân và khu vực “thoát nghèo”, bảo trì trạng thái “thịnh vượng” như hiện giờ, theo Sound of Hope.

“Công cuộc xóa đói giảm nghèo” được ông Tập Cận Bình đưa ra cách đây 5 năm và đề xuất đến năm 2020, tất cả các hộ nghèo ở nông thôn sẽ thoát khỏi tình cảnh đói nghèo, giải quyết vấn đề nghèo đói chung trên khắp cả nước. Các nhà chức trách thậm chí còn tuyên bố rằng đến năm 2020 các nước sẽ bước vào xã hội thịnh vượng toàn diện.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thường xuyên có báo cáo rằng chương trình xóa đói giảm nghèo của ĐCSTQ đầy rẫy tham nhũng và gian lận, các quan chức vì thành tích chính trị đã đưa ra các chính sách cưỡng chế cực đoan, thậm chí dẫn đến vô số án mạng cũng như các vụ án oan.

Kể từ đầu năm nay, do tác động của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ và đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục vào tình trạng khó khăn, đông đảo dư luận tin rằng nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và xây dựng một xã hội khá giả toàn diện của ĐCSTQ đã “tan thành bọt nước”.

Vào cuối tháng 5 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường của đã tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc rằng Trung Quốc có 600 triệu người phải sống với mức thu nhập hàng tháng dưới 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,2 triệu VNĐ). Ngoại giới cho rằng điều này đã đưa ra kết luận cho sự thất bại trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của ông Tập. Trước đó, kênh Caixin Media cũng nói rằng hơn 900 triệu người Trung Quốc có mức thu nhập hàng tháng dưới 2.000 Nhân dân tệ. Mặc dù vậy, ông Tập Cận Bình vẫn không ngừng nhấn mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo sắp được hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Ngày 23/11, tỉnh Quý Châu tuyên bố đã xóa bỏ “9 huyện nghèo khó cuối cùng”, đặt dấu chấm hết cho “Đại Nhảy Vọt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo” của ĐCSTQ. Phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ  ngay lập tức đã tranh nhau đưa tin công cuộc xóa đói giảm nghèo của chính phủ đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đã định. Sau đó, Văn phòng Xóa đói giảm nghèo của Quốc vụ viện ĐCSTQ cho biết họ vẫn cần thẩm định lại, phải chờ thông báo từ trung ương. Kết quả chính là phải chờ Tập Cận Bình đích thân công bố.

Kể từ khi các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ tuyên bố thoát nghèo toàn diện đã liên tục vấp phải những lời chỉ trích và châm biếm từ ngoại giới. Người ta thấy rằng cuộc sống của người dân tại những địa phương khó khăn không những không được cải thiện mà còn xấu đi. Người ta cũng phân tích rằng các tiêu chuẩn thoát nghèo của Trung Quốc do chính ĐCSTQ quy định, thua xa với tiêu chuẩn toàn cầu, cũng không có nghĩa sau khi chính phủ tuyên bố thoát nghèo thì người dân sẽ có được cuộc sống tốt hơn.

Ông Tạ Điền (Xie Tian), giáo sư tại Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, cho biết, “Trung Quốc nguyên có khoảng 600 triệu đến 890 triệu người vẫn đang phải vật lộn với ngưỡng nghèo. Bây giờ chỉ sau vài tháng trôi qua, chính phủ đột nhiên nói rằng tất cả những người này đều không nghèo nữa. Đây đúng thật là chuyện tức cười nhất thiên hạ, đây đúng thật là sự dối trá tày trời”.

Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) của Đại học Princeton, Hoa Kỳ trước đó đã chia sẻ với kênh Sound of Hope rằng ở Trung Quốc, nơi sự thật bị phong tỏa và dư luận bị thao túng, ĐCSTQ rất dễ đạt được cái gọi là mục tiêu “xóa bỏ các huyện đói nghèo”.

Ông nói rằng mặc dù tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nhưng sau khi được tô vẽ bởi các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ và Cục Thống kê, kết quả sẽ được thay đổi tùy theo nhu cầu của chính quyền. Đúng sai hay không không quan trọng, chỉ cần ĐCSTQ hài lòng là được. Những người nông dân ở nông thôn họ cũng sẽ không vì tuyên bố “các địa phương nghèo đói nay đã thoát nghèo toàn diện” của ĐCSTQ mà reo mừng phấn khởi, bởi cuộc sống của họ vẫn khó khăn y như vậy.

Ông Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu các vấn đề nông thôn và nông dân Trung Quốc, cũng nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, “Tôi nghĩ ngay cả sau khi Trung Quốc chính thức tuyên bố rằng tất cả các huyện nghèo đều đã thoát nghèo toàn diện, chắc chắn vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, đặc biệt là nếu đo lường theo các tiêu chuẩn của Mỹ thì còn nhiều hơn thế nữa. Nếu tính theo mức thu nhập tối thiểu của Liên Hợp Quốc hoặc Ngân hàng Thế giới là 2 đô-la Mỹ một ngày, thì Trung Quốc cũng có mấy trăm triệu người đang trong tình cảnh đói nghèo. Đó là vấn đề của mấy trăm triệu chứ không phải mấy chục triệu người”.

Các nhà quan sát cho rằng ĐCSTQ đã đặt ra các tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo như: các hộ nghèo “không phải lo cơm ăn áo mặc, được hưởng nền giáo dục phổ cập, chăm sóc y tế cơ bản và có được nhà ở”, lối nói này khá mơ hồ, chẳng qua chỉ là “thoát nghèo trên giấy”. Chính quyền địa phương khi tuyên bố thoát nghèo cũng không đưa ra dữ liệu cụ thể cho mọi người tham khảo. “Thoát nghèo trên giấy” này đơn giản chỉ để khoe khoang “uy quyền” và “thành tích chính trị” của ĐCSTQ và Tổng Bí thư Tập Cận Bình hòng trải đường cho ông Tập tiếp tục nắm quyền trong Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 sắp tới mà thôi.

Related posts